Thụy Điển ngừng sử dụng Chloroquine chữa Covid-19

15:10 | 09/04/2020

184 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thuốc sốt rét Chloroquine điều trị bệnh nhân Covid-19 bị Thụy Điển dừng sử dụng do tác dụng phụ như chuột rút hay mất thị lực.

Bác sĩ Magnus Gisslen, Bệnh viện Đại học Sahlgrenska, cho biết: "Có những báo cáo nghi ngờ tác dụng phụ của thuốc, nhất là với hệ tim mạch và đây là một loại thuốc khó dùng. Ngoài ra, chúng tôi không có bằng chứng nào cho thấy Chloroquine có tác dụng với Covid-19".

Đây là loại thuốc bắt buộc dùng phải có chỉ định của bác sĩ, nên người dân không được tự ý sử dụng.

Hiện, một số bệnh viện tại Thụy Điển ngưng sử dụng thuốc chống sốt rét Chloroquine để điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong đó, Bệnh viện Đại học Sahlgrenska đã ngừng sử dụng từ hai tuần trước.

Một trong những bệnh nhân bị ảnh hưởng là Carl Sydenhag, 40 tuổi, phát hiện nhiễm nCoV ngày 23/3. Anh được kê đơn hai viên chloroquine để uống hàng ngày. Thay vì cảm thấy tốt hơn, thuốc tạo ra tác dụng phụ khó chịu khiến anh bị chuột rút, giảm thị lực, đau đầu dữ dội.

Đến nay, không có thuốc đặc hiệu nào được sử dụng để điều trị Covid-19. Một số người ủng hộ sử dụng thuốc chống sốt rét chloroquine và hydroxychloroquine. Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 5/4 đã khuyến khích sử dụng hydroxychloroquine và thông báo chính phủ liên bang đã dự trữ 29 triệu viên thuốc hydroxychloroquine để điều trị.

Sử dụng hydroxychloroquine để điều trị Covid-19 đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ phê duyệt vào tháng trước.

Trái ngược, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã gỡ bỏ khỏi trang web thông tin hướng dẫn về cách kê toa hydroxychloroquine và chloroquine để điều trị nCoV. Hiện CDC vẫn chưa phản hồi lý do về việc gỡ bỏ hướng dẫn ban đầu.

Thụy Điển ngừng sử dụng Chloroquine chữa Covid-19
Chưa có bằng chứng thuốc trị sốt rét chloroquine có tác dụng với Covid-19. Ảnh: Live Science

Covid-19 đã xuất hiện tại 209 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi khởi phát ở Trung Quốc tháng 12/2019, khiến hơn 1,5 triệu người nhiễm nCoV và hơn 88.000 người chết. Mỹ là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 423.000 ca nhiễm và hơn 14.000 ca tử vong. Số ca nhiễm và tử vong tăng nhanh gây áp lực rất lớn cho hệ thống y tế nước này, khiến nhu cầu về vật tư y tế, thiết bị bảo hộ tăng cao.

Theo VNE

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc