Thực và hư chuyện thu nhập của nhân viên y tế

06:09 | 17/01/2013

1,640 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Một khi đã vào viện khám dịch vụ thì bệnh viện “hô” bao nhiêu cũng phải chấp nhận? Và đó cũng là cách cải thiện - một cách hợp pháp thu nhập của bác sĩ?

Theo kết quả khảo sát đối với 145 điều dưỡng của 7 khoa lâm sàng tại Bệnh viện Bạch Mai gồm: Thần kinh, Huyết học truyền máu, Hồi sức tích cực, Hô hấp... tính đến giữa năm 2010, thu nhập bình quân của các điều dưỡng khoảng 4,4 triệu đồng/tháng, trong đó người cao nhất có thu nhập hơn 7 triệu đồng/tháng.

Cần nhấn mạnh đây là thời điểm viện phí vẫn tính theo bảng giá được quy định từ cuối thập niên 80 đầu 90. Nhưng sau khi viện phí tăng theo quyết định của Bộ Y tế, theo “bật mí” của một điều dưỡng viên, mức thu nhập đã tăng lên, đạt tới hàng chục triệu đồng/tháng. Thực ra con số ấy vẫn còn khiêm tốn, nhưng đó là vấn đề “nhạy cảm” nên khó có thể lấy được con số chính xác. Đối với nhiều nhân viên y tế thì mức thu nhập có thể ở mức làm nhiều người phải... choáng, vì quá nhiều. Thu nhập ấy từ đâu? Có lẽ ai cũng hiểu nhưng ngại nói ra…

Tất nhiên đối với những bác sĩ, điều dưỡng, những nhà quản lý có chuyên môn cao, thu nhập của họ nếu “chót vót” - nhưng có được một cách chính đáng từ việc mở phòng mạch tư nhân, làm thêm ngoài giờ... sẽ không phải là đối tượng trong bài viết này. Ở đây, chúng tôi chỉ đề cập đến những nhân viên y tế kiếm tiền bằng cách “nặn bóp” bệnh nhân dưới mọi hình thức, đó thực sự là những “con sâu mọt” của ngành y tế, làm xuống cấp trầm trọng y đức của những người vẫn được coi “như từ mẫu”.

Có sống được bằng “phần cứng”?

Thu nhập của nhân viên y tế nói chung hiện nay, trong đó gồm cả những nhà quản lý, bác sĩ, y tá, điều dưỡng... được chia thành “phần cứng” và “phần mềm”. “Phần cứng” là số tiền do bệnh viện chi trả có “giấy trắng mực đen” bao gồm lương, trợ cấp 35% lương (theo chuyên khoa đặc thù), tiền trách nhiệm đối với người quản lý, thưởng (tùy theo từng bệnh viện)... Còn “phần mềm” là số tiền bác sĩ, y tá, điều dưỡng... kiếm được theo cách... cá nhân. Mà khoản tiền này là vô biên, khó ấn định cụ thể là bao nhiêu, chỉ biết có khi còn lớn hơn “phần cứng” nhiều lần.

Nếu chỉ nhìn vào “phần cứng” thì ai cũng nghĩ rằng, cuộc sống của các nhân viên y tế khó có thể được bảo đảm, đặc biệt là trong thời “bão” giá như hiện nay. Bởi như điều dưỡng viên của Viện Phụ sản Trung ương chẳng hạn, với thâm niên gần chục năm, công việc vất vả nhưng thu nhập “phần cứng” chỉ 4-5 triệu đồng/tháng, trong đó đã tính cả tiền thưởng gần bằng một tháng lương theo hệ số. Kể từ ngày mở thêm nhiều dịch vụ chăm sóc bệnh nhân và tăng viện phí, để cải thiện thu nhập nhân viên, Viện Phụ sản Trung ương mới có thêm khoản tiền thưởng này, còn trước đó hoàn toàn không có, chỉ vỏn vẹn mỗi lương.

Một số bệnh viện “tận thu” ở hình thức khám chữa bệnh theo yêu cầu

Bác sĩ trực tiếp điều trị thì khá hơn khi thu nhập khoảng 10 triệu đồng/tháng. Nhưng phải là bác sĩ ở chuyên khoa đặc thù mới được hưởng phụ cấp. Còn bác sĩ không công tác ở những chuyên khoa ấy thì không được hưởng phụ cấp, do đó thu nhập thấp hơn. Người làm công tác quản lý (phó, trưởng khoa) vì được cộng thêm khoảng 1,5 triệu đồng tiền trách nhiệm nên thu nhập có “nhỉnh” hơn, khoảng 11 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, với bệnh viện lớn như Phụ sản Trung ương, thu nhập của bác sĩ, y tá... còn được cải thiện, chứ nhiều bệnh viện khác nếu nhìn bảng lương của y tá, bác sĩ sẽ thấy thấp hơn nhiều.

Như Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội, theo khảo sát ngẫu nhiên danh sách mức lương năm 2010 của 57 bác sĩ, y tá cho thấy: mức lương cao nhất với hệ số 4,7, sau khi cộng cả tiền trách nhiệm đạt thu nhập: 3,9 triệu đồng/tháng. Số còn lại, hưởng mức lương trung bình từ 1,5 đến 2 triệu đồng/tháng. Nếu cộng cả tiền phúc lợi bệnh viện thưởng cho nhân viên và lấy người cao bù cho người thấp thì thu nhập bình quân của nhân viên trong bệnh viện đạt 5 triệu đồng/tháng. Cho đến nay, về cơ bản khoản thu nhập này của y tá, bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn theo một y tá cho biết thay đổi không đáng kể. Bệnh viện Bạch Mai cũng vậy, mức lương bình quân mà các nhân viên trong bệnh viện đang hưởng khoảng 5,5 triệu đồng/tháng.

Thu nhập “mềm” nhờ... dịch vụ

Vậy tại sao với “phần cứng” thu nhập ở mức thấp như vậy nhưng nhiều bác sĩ, y tá... vẫn sống tốt, thậm chí nhiều sinh viên y khoa mới tốt nghiệp ra trường biết rõ mười mươi như vậy vẫn “cố sống cố chết” để xin được làm việc tại các bệnh viện này, bất kể mọi điều kiện khắc nghiệt bệnh viện đặt ra như làm việc không lương, trực tối đa các ngày... Bởi bên cạnh vấn đề nâng cao tay nghề thì đơn giản, họ có “cơ hội” để kiếm tiền mà “cơ hội” này không gì khác là “nặn bóp” bệnh nhân, những người vốn đã tốn tiền để điều trị căn bệnh của mình, lại phải tốn thêm khoản tiền dành cho bác sĩ, y tá.

Có hai cách để nhân viên y tế “nặn bóp” bệnh nhân được chính các bệnh nhân đúc kết: “nặn bóp”... hợp pháp và không hợp pháp. Hợp pháp là được hợp thức hóa theo quy định những khoản thu của bệnh viện hay còn gọi là tận thu. Còn bất hợp pháp là cá nhân bác sĩ hoặc y tá tự “làm tiền” bệnh nhân, không theo một “luật” nào. Xét về bản chất, cả hai hình thức “nặn bóp” này đều trái với lương tâm, đạo đức nghề y nhưng do “nặn bóp” bất hợp pháp không có điều luật quy định cụ thể dẫn đến không có chế tài xử phạt nên một số bác sĩ, y tá vẫn... thực hiện.

Không biết những khoản thu từ “nặn bóp” hợp pháp được nhập vào đâu trong tài chính của bệnh viện và được chia dưới hình thức nào cho các nhân viên, chỉ biết rằng, có nhiều dịch vụ được bệnh viện tận thu tới mức... chóng mặt. Ngay cả ở những dịch vụ tưởng như đương nhiên bệnh nhân được hưởng thì cũng được quy định thu phí. Ví như ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô, chuyên dành cho cán bộ cao cấp, nếu người nhà muốn vào chăm bệnh nhân ở đây, phải thuê áo vàng - chiếc áo chuyên dành cho những người chăm sóc bệnh nhân với giá 20 nghìn đồng/ngày.

Thoạt nghe, số tiền tưởng không nhiều, nhưng với những bệnh nhân trọng bệnh phải nằm điều trị hàng tháng, phải cần đến 2 người chăm sóc cùng lúc thì rõ ràng số tiền thuê áo này không ít. Nếu thuê 1 chiếc áo vàng trong 1 tháng, tiền thuê phải mất 600 nghìn đồng, 2 chiếc sẽ là 1,2 triệu đồng. Đã phải chịu nhiều chi phí dành cho người bệnh, gia đình bệnh nhân lại phải “cõng” thêm số tiền này, dẫu có khá giả đến mấy thì đối với họ cũng không hề dễ dàng chút nào. Tuy nhiên, vấn đề đáng nói là bệnh nhân nằm viện đương nhiên phải có người chăm sóc, đặc biệt là đối với những bệnh nhân không thể tự chăm sóc mình.

Bị “tận thu” nhưng bệnh nhân có khi vẫn phải chịu cảnh điều trị như thế này

Cho nên nếu không muốn cho mượn mà cho thuê để lấy số tiền ấy bù vào chi phí bảo quản, giữ gìn áo cho sạch, cho thơm thì bệnh viện chỉ nên cho thuê với mức giá hợp lý với chi phí giặt tẩy. Chứ không phải như hiện nay, ai cũng thấy Bệnh viện Việt - Xô đang kinh doanh áo vàng với “lợi nhuận” mà bất kể người kinh doanh nào cũng ước muốn do tiền vốn bỏ ra thì ít vì chất liệu áo chỉ bằng vải phin, nhưng số lượt mượn áo thì không thể nào đếm xuể.

Tương tự, cuối tháng 12 vừa rồi, một bệnh nhân đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội để thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Trước khi đến đây, chị đã khám và siêu âm tại phòng khám do chính một bác sĩ trưởng khoa của bệnh viện mở và cũng chính bác sĩ này thực hiện kế hoạch hóa cho chị tại bệnh viện.

Đó là một bác sĩ uy tín bởi không chỉ được cấp phép mở phòng khám của Sở Y tế Hà Nội, bà còn nằm trong danh sách top 10 bác sĩ của bệnh viện có chuyên môn cao để bệnh nhân lựa chọn khi đến khám dịch vụ. Thế nhưng khi làm thủ tục nộp phí, ngoài việc phải nộp 500 nghìn đồng tiền phí thực hiện kế hoạch hóa, bệnh nhân còn phải nộp thêm 100 nghìn đồng lệ phí khám bệnh.

Mặc dù bệnh nhân này đã giải thích và đưa ra cả giấy tờ khám bệnh, siêu âm do chính bác sĩ uy tín của bệnh viện khám. Nhưng cô nhân viên thu tiền cho biết: “Dù không khám ở bệnh viện nhưng theo quy định của viện khi vào đây vẫn phải nộp tiền khám”. Sự bất hợp lý này đã kéo dài từ khi hình thức khám dịch vụ hình thành và khiến bao nhiêu bệnh nhân đến Bệnh viện Phụ sản Hà Nội phải chấp nhận. Sau bệnh nhân đó cũng có nhiều bệnh nhân khác phải chịu nộp tiền khám mà không khám như vậy.

Nhưng đó chưa phải là kết thúc của câu chuyện, điều đáng nói hơn nữa là lệ phí khám bệnh của bệnh viện cao hơn so với phòng khám tư, thậm chí của chính bác sĩ trong viện. Nếu bệnh viện thu 100 nghìn đồng chỉ có tiền khám thì số tiền ấy ở phòng khám tư bao gồm cả khám và siêu âm. Đã có rất nhiều bệnh nhân phản ánh trong quá trình chúng tôi đi tìm hiểu thực tế rằng, giá dịch vụ khám, chữa bệnh của nhiều bệnh viện cao hơn phòng khám tư ở ngoài. Phải chăng “ỷ” thế là bệnh viện nên nơi nào cũng bắt chẹt bệnh nhân ở chỗ: Một khi đã vào viện khám dịch vụ thì bệnh viện “hô” bao nhiêu cũng phải chấp nhận? Và đó cũng là cách cải thiện - một cách hợp pháp thu nhập của bác sĩ?

Cũng như Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Viện Phụ sản Trung ương cũng xảy ra chuyện không khác gì ấy là phòng dịch vụ. Quả thực, phòng dịch vụ hạng nhất dành cho sản phụ sau sinh của viện cũng không hơn gì nhà nghỉ bình dân với trang thiết bị: một tivi, một tủ lạnh, công trình phụ khép kín trong một diện tích phòng tổng thể chưa đến 30m2. Phòng “hậu” sinh của viện, có thời kỳ cao điểm phải xếp 3 người và 3 trẻ sơ sinh/giường đơn, công trình phụ dùng chung cho cả tầng, y tá, điều dưỡng lúc nào cũng phục vụ quá tải dẫn đến qua quýt, thiếu cẩn trọng...

Có lẽ vì sự quá tải này mà viện quy định giá phòng dịch vụ đắt ngang... khách sạn hạng sang. Vậy mà nhiều bệnh nhân vẫn phải chấp nhận và loại phòng dịch vụ này thường xuyên trong tình trạng “cháy phòng”. Nhiều người cho rằng đây cũng là một cách “nặn bóp” bệnh nhân rất... ngọt ngào của viện.

Có lẽ bệnh nhân cảm nhận rõ rệt nhất về sự “nặn bóp” hết sức tinh tế và… y tế là ở Viện Răng Hàm Mặt, Hà Nội. Một bệnh nhân vào viện để nhổ răng khôn đã vô cùng ngạc nhiên khi chính bác sĩ nha khoa ở đây thủ thỉ: “Đáng lẽ phải mất 700 nghìn đồng cho việc nhổ răng khôn. Nhưng thôi, tôi chỉ tính giá 500 nghìn đồng”. Như vậy, hóa ra giá tiền khám chữa bệnh theo dịch vụ không do viện quy định mà “tùy mặt”, bác sĩ tính tiền như ở... chợ?

Trên thực tế, có rất nhiều hình thức mà một số bệnh viện sử dụng để tận thu đối với bệnh nhân, hay hợp thức hóa các khoản thu theo kiểu “nặn bóp”. Nguyên nhân chắc chắn không gì khác ngoài lý do cải thiện thu nhập của các nhân viên y tế, bác sĩ, y tá... Và các lý do khác như đầu tư trang thiết bị, bảo trì máy móc... chỉ là một phần nhỏ. Người trong cuộc và ngoài cuộc đều biết: Đối với bệnh nhân, bệnh viện nên giảm tối đa các khoản viện phí hay chỉ cần “tính đúng, tính đủ” để họ giảm được chi phí bao nhiêu, tốt bấy nhiêu. Chắc hẳn rất nhiều người và nhiều gia đình bị kiệt quệ kinh tế không chỉ bởi bệnh tật của người trong nhà, mà còn bởi những khoản tận thu của các bệnh viện.

Xuân Bách