Thực thi thỏa thuận lịch sử Mỹ - Triều: Phải có lòng tin

08:42 | 15/06/2018

1,846 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Ngày 12-6-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã ký một thỏa thuận lịch sử, theo đó Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình hạt nhân để đổi lấy sự bảo đảm an ninh của Mỹ.

Trong thỏa thuận được ký tại cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, lãnh đạo Triều Tiên tái khẳng định “cam kết vững chắc và kiên định của mình về việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”. “Triều Tiên giải trừ toàn bộ chương trình hạt nhân và tiến trình này phải có kiểm chứng”, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định trong buổi họp báo sau đó. Để đổi lại, ông Donald Trump cam kết “bảo đảm an ninh” cho Triều Tiên.

phai co long tin

Ngoài ra, hai nước cũng cùng nhau cam kết “trao đổi toàn bộ tù nhân chiến tranh và những người mất tích trong chiến tranh, hồi hương ngay lập tức những người đã được xác minh”.

Cuối cùng, hai nhà lãnh đạo cam kết sẽ “hợp tác để phát triển quan hệ mới giữa Mỹ và Triều Tiên” và “thúc đẩy hòa bình, thịnh vượng và an ninh trên bán đảo Triều Tiên và thế giới”.

Thỏa thuận là vậy nhưng hai bên vẫn đang chờ xem mỗi bên sẽ thực hiện như thế nào. Tại buổi họp báo, ông Trump cho biết, biện pháp trừng phạt Triều Tiên vẫn được duy trì cho đến khi việc phi hạt nhân hóa được hoàn tất. Nên biết rằng, Triều Tiên luôn coi các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc là hành động khiêu khích, đe dọa tới an ninh quốc gia. Dường như biết được đây là “ngòi nổ” cho những phản ứng của Triều Tiên, trong cuộc họp báo tại Singapore sau cuộc gặp thượng đỉnh, Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ ngưng tập trận chung Mỹ - Hàn. Ông Donald Trump phát biểu: “Trong khi chúng tôi đang thương lượng về một thỏa thuận chung, rất toàn diện, tôi tin rằng không nên có tập trận chung”. Ngoài ra, Tổng thống Trump còn nhắc lại là ông mong muốn, vào một thời điểm thích hợp nào đó sẽ rút lính Mỹ khỏi lãnh thổ Hàn Quốc.

Dù gì thì cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Kim Jong-un cũng đáng được cổ vũ. Dư luận thế giới hết sức ủng hộ thỏa thuận này và hy vọng nó sẽ chấm dứt gần 70 năm thù địch giữa Mỹ và Triều Tiên. Đỉnh cao của cuộc đối đầu Mỹ - Triều là chiến tranh Triều Tiên (năm 1950-1953) với sự tham chiến của Hàn Quốc, Triều Tiên, Mỹ và Trung Quốc. Sau khi khiến hàng triệu người thiệt mạng, trong đó có 36.000 lính Mỹ, cuộc chiến khép lại bằng một hiệp ước đình chiến vào tháng 7-1953 và đến nay hai miền Triều Tiên vẫn trong tình trạng chiến tranh.

Từ đó đến nay, quan hệ Mỹ - Triều Tiên chịu nhiều thăng trầm và có đến hằng hà sa số những vụ căng thẳng giữa hai nước, đáng kể nhất là vào mùa hè năm 1976, khi 2 lính Mỹ bị binh sĩ Triều Tiên sát hại trong lúc đang chặt một cây bạch dương ở khu phi quân sự (DMZ). Mỹ tức giận điều máy bay ném bom B52 bay thẳng đến DMZ. Căng thẳng chỉ được xoa dịu khi nhà lãnh đạo Triều Tiên lúc đó là ông Kim Il-sung (tức Kim Nhật Thành, ông nội của ông Kim Jong-un) bày tỏ hối tiếc về vụ đổ máu này.

Diễn biến chuyển hướng tích cực vào tháng 6-1994, với sự kiện cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đến Triều Tiên đàm phán với nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành nhằm chấm dứt tình trạng đối đầu hạt nhân, từ đó mở đường cho Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều đầu tiên được tổ chức vào năm 2000. Tình hình tiếp tục khởi sắc khi Phó nguyên soái Jo Myong-rok đến Mỹ và chuyển thư của nhà lãnh đạo Kim Jong-il cho Tổng thống Mỹ Bill Clinton vào tháng 10-2000. Đáp lại, vài tuần sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Madeleine Albright đến thăm Bình Nhưỡng để sắp xếp cuộc gặp giữa ông Clinton và nhà lãnh đạo Triều Tiên.

phai co long tin
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp nhau tại Singapore ngày 12-6

Tuy nhiên, không khí hòa giải xoay chiều sau khi ông George W.Bush nhậm chức Tổng thống Mỹ vào tháng 1-2001. Căng thẳng bùng phát trở lại vào năm 2002 với sự sụp đổ của “Thỏa thuận khung” về giải trừ vũ khí hạt nhân được ký kết vào tháng 10-1994 giữa Mỹ và Triều Tiên (do Washington cáo buộc Bình Nhưỡng bí mật sử dụng uranium làm giàu để duy trì chương trình hạt nhân).

1 năm sau đó, cuộc đàm phán 6 bên, gồm Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Triều Tiên, về vấn đề hạt nhân Triều Tiên diễn ra. Nhưng đến năm 2009, Triều Tiên chính thức rút khỏi đàm phán nhằm phản đối sự lên án của cộng đồng quốc tế về việc Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm xa.

Sau khi ông Kim Jong-il qua đời, con trai ông, nhà lãnh đạo Kim Jong-un, lên nắm quyền vào cuối năm 2011 và tiến hành hàng loạt vụ thử vũ khí với mục tiêu chế tạo tên lửa mang đầu đạn hạt nhân có khả năng vươn đến Mỹ. Căng thẳng lên đến đỉnh điểm hồi năm ngoái sau khi Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 6 và phóng 3 tên lửa đạn đạo liên lục địa. Song song với đó, ông Kim và ông Trump liên tục có những lời lẽ công kích đối phương. Tình hình chỉ hạ nhiệt khi ông Kim thay đổi chiến thuật từ tháng 2-2018, dấu ấn đầu tiên là thông điệp đầu năm dương lịch, tham gia Thế vận hội Mùa Đông, ngưng thử vũ khí, gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In hai lần và đề nghị đối thoại trực tiếp với Mỹ.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, để quan hệ Mỹ - Triều thực sự được cải thiện, hai nước còn cả một quãng đường dài để đi. Trên đó có rất nhiều chướng ngại vật mà nếu hai bên không có lòng tin vào nhau thì khó có thể vượt qua. Lịch sử đã cho thấy, một thỏa thuận khung về giải trừ vũ khí hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên từng được ký năm 1994 đã đổ bể. Đặc biệt là hiện nay cả lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đều nổi tiếng là người “nóng tính” và dễ thay đổi.

Thỏa thuận được ký giữa ông Trump và lãnh đạo Kim Jong-un hiện chỉ dừng lại ở mức chung chung, nhưng sẽ mở đường để các chuyên gia họp lại bàn về các vấn đề kỹ thuật. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh đến các biện pháp phi hạt nhân hóa cụ thể. Theo nhà cựu ngoại giao Mỹ Robert Gallucci, người từng trực tiếp phụ trách các đàm phán với Triều Tiên đầu những năm 90, thì điểm duy nhất đáng kể có thể coi là mấu chốt của thành công, đó là “một tuyên bố cụ thể về tiến trình phi hạt nhân hóa”. Theo chuyên gia Suzanne DiMaggio, Giám đốc Trung tâm tư vấn New America, chuyên về chính sách của Mỹ ở châu Á và Trung Đông, thì biện pháp cho các thanh tra giám sát vũ khí nguyên tử quốc tế vào Triều Tiên phải được coi là “một trong các mục tiêu chủ yếu”.

Nhà khoa học nguyên tử Siegfried Hecker cảnh báo: Quá trình dỡ bỏ hoàn toàn hệ thống vũ khí hạt nhân Triều Tiên sẽ bao gồm nhiều giai đoạn, kéo dài ít nhất là 10 năm. Một báo cáo mới đây mà chuyên gia Hecker là đồng tác giả, nhấn mạnh tiến trình phi hạt nhân hóa dần dần sẽ cho phép hai bên thiết lập sự tin cậy và nhận thức được tình trạng phụ thuộc lẫn nhau là điều kiện cần thiết cho việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Vẫn theo nhóm chuyên gia trên, việc các thanh tra quốc tế được phép vào các cơ sở hạt nhân, như cơ sở chính Yongbyon và việc ngừng toàn bộ các hoạt động liên quan đến việc làm giàu uranium là các giai đoạn khởi đầu quan trọng nhất. Chuyên gia Pháp Mathieu Duchatel nhận định: Đây là một thỏa thuận có thể kiểm chứng được, có thể coi là kết quả tối thiểu, nhưng điều này chưa đủ để chính phủ Mỹ tuyên bố thành công. Dường như Mỹ không có con đường nào khác là chấp nhận nhân nhượng đáp lại nhân nhượng, với hy vọng giảm bớt không khí hoài nghi đang tiếp tục đe dọa phá hỏng tiến trình mong manh này.

Theo các chuyên gia, để quan hệ Mỹ - Triều thực sự được cải thiện, hai nước còn cả một quãng đường dài để đi. Trên đó có rất nhiều chướng ngại vật mà nếu hai bên không có lòng tin vào nhau thì khó có thể vượt qua.

D.H