Cách tính lương hưu mới cho lao động nữ

Thực sự có thiệt thòi?

11:23 | 13/11/2017

1,190 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trước cách tính lương hưu mới bắt đầu áp dụng từ ngày 1-1-2018, nhiều ý kiến cho rằng sẽ gây thiệt thòi cho lao động nữ. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội và bà Đinh Thị Thu Hiền, Phó trưởng ban Thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) hưu trí, BHXH Việt Nam để làm rõ hơn về vấn đề đang được xã hội quan tâm

Lao động nữ cần được ưu tiên

PV: Ông có nhận xét gì về cơ sở và cách thực hiện lương hưu mới, có gì bất hợp lý không, nhất là với lao động nữ?

thuc su co thiet thoi

Ông Bùi Sỹ Lợi: Luật BHXH 2006 quy định, cả nam và nữ khi tham gia BHXH đủ điều kiện nghỉ hưu, đồng thời 30 năm đóng BHXH đối với nam và nữ 25 năm đóng BHXN thì mức tiền lương được hưởng khi nghỉ hưu đạt tối đa 75% của tiền lương bình quân trong quá trình tham gia BHXH. Lúc đó chúng ta quy định cứ sau 15 năm đóng BHXH, cả nam và nữ đều được hưởng 45%. Bắt đầu từ năm thứ 16 trở đi, mỗi năm tăng thêm 2% đối với nam, nữ được ưu tiên tăng thêm 3%. Cho nên nam tròn 30 năm được hưởng trọn 75%, nữ đóng tròn 25 năm thì được hưởng 75%.

Thế nhưng, Luật BHXH 2014 đi theo nguyên tắc BHXH phải căn cứ vào đóng - hưởng, nghĩa là người đóng BHXH cao sẽ hưởng cao, người đóng thấp hưởng thấp và quỹ bảo hiểm hưu trí được hiểu là quỹ để dành. Vì vậy, nhiều người đề nghị quay lại trật tự: Sau 15 năm đóng BHXH để được hưởng 45%, tỷ lệ được hưởng từ năm sau đó của cả nam và nữ phải bằng nhau, tức là 2%/năm chứ không thể nữ hơn nam 1%. Với lập luận như vậy, Chính phủ đã trình Quốc hội và Quốc hội cũng thấy nguyên tắc đó là đúng và thông qua.

Nhưng chỉ có điều, Luật BHXH 2014 quy định đối với nam thực hiện theo lộ trình: Từ năm 2018, để đạt mức hưởng tối đa 75%, lao động nam phải đóng BHXH 31 năm; từ năm 2019, 2020, 2021 phải đóng BHXH tương ứng 32-34 năm và từ năm 2022 trở đi phải có 35 năm đóng BHXH mới hưởng 75%. Còn với lao động nữ không theo lộ trình mà thực hiện ngay, nghĩa là từ năm thứ 16 tham gia BHXH trở đi, mỗi năm tính thêm 2% và đủ 30 năm mới hưởng 75% thay vì 25 năm như hiện nay.

Theo BHXH Việt Nam, năm 2018 sẽ có khoảng 50.000 lao động nữ nghỉ hưu. Trong số đó có 21.000 người có thời gian đóng BHXH dưới 30 năm (tương ứng với 43% tổng số lao động nữ nghỉ hưu). Số này dự kiến sẽ có tỷ lệ hưởng lương hưu thấp hơn so với những người có cùng thời gian đóng BHXH nghỉ hưu năm 2017 từ 4-10%.

Dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng thì cách tính như trên không có gì sai. Tuy nhiên, với cách tính ấy, nhóm đối tượng đến ngày 31-12-2017 nghỉ hưu và đủ 25 năm thì chắc chắn được hưởng mức tối đa là 75%. Nhưng cũng 25 năm mà bắt đầu nghỉ từ 1-1-2018, bị giảm mất 10%, (mỗi năm trừ 2%), chỉ sau 1 đêm mà mất 10% lương hưu, như vậy là thiệt thòi. So với những người nghỉ hưu năm 2017, người nghỉ hưu năm 2018 sẽ là bị tác động nhiều nhất khi thực hiện cách tính lương hưu mới.

PV: Không chỉ có cách tính lương hưu mới, nhiều ý kiến cho rằng, tiến độ thực hiện không có sự công bằng giữa nam và nữ, khiến lao động nữ nghỉ hưu thiệt thòi?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Tôi cũng đồng cảm với những thắc mắc về tiến độ thực hiện lương hưu mới khi nam thực hiện có lộ trình mà nữ lại “ngay và luôn”, “phanh” gấp quá! Sở dĩ có cú “phanh gấp” như vậy là do khi Chính phủ trình Quốc hội Luật BHXH 2014, có dự kiến nâng tuổi nghỉ hưu của nữ lên bằng nam là 60 tuổi. Thế nhưng Quốc hội không đồng ý vì thấy phụ nữ vất vả, thiệt thòi. Tiếp nữa là nguyên tắc tiền lương hưu có đóng có hưởng, đóng cao hưởng cao phải tuân thủ chứ không có chuyện đóng ít hưởng cao, mất bình đẳng. Cho nên người ta bắt buộc phải nâng số năm đóng BHXH của nữ lên 30 năm để hưởng mức lương tối đa 75% (người đủ tuổi). Trong khi nam theo cách tính cũ cũng đã hơn nữ 5 năm. Nhưng dù ở cách tính nào, rõ ràng nữ vẫn được ưu tiên hơn nam 5 năm. Như vậy không thể nói là nữ thiệt hơn nam hay câu chuyện bất bình đẳng ở đây.

Tuy nhiên, trước phản ánh của dư luận hiện nay, chúng tôi đang đề nghị xem xét lại lộ trình tính lương hưu với nữ và đề ra phương án, nếu số lượng người bị ảnh hưởng nhiều, sẽ có đề xuất điều chỉnh lộ trình thực hiện.

thuc su co thiet thoi
Nữ lao động của Công ty CP Cầu 12

PV: Cụ thể phương án này như thế nào, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã đề nghị với BHXH Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&H) nên có khảo sát, tổng kết đánh giá xem bao nhiêu người về hưu đủ tuổi nhưng mới 25 năm đóng BHXH bị thiệt. Vì thực chất theo báo cáo của cơ quan BHXH và ngành LĐ-TB&XH thì số người về hưu cơ bản đã vượt 25 năm đóng bảo hiểm, thậm chí đã lên tới gần 30 năm, cho nên số người chịu tác động ít. Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất Quốc hội điều chỉnh lộ trình thực hiện cách tính lương hưu mới cho nữ như nam giới, có thể trong 5-10 năm, để lao động nữ đỡ “sốc”, đỡ hụt hẫng.

PV: Dù dựa trên nguyên tắc đóng - hưởng, thế nhưng, trên thực tế, với công việc và thiên chức của người phụ nữ, ông có nghĩ phụ nữ nên là đối tượng tiếp tục được ưu tiên không?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Bản chất cách tính lương hưu mới cũng đã là ưu tiên rồi. Bởi vì luật quy định nam 35 năm mới được hưởng 75%, trong khi nữ 30 năm đã được hưởng 75%, như thế là ưu tiên rồi. Nhiều người thắc mắc, tuổi nghỉ hưu của nữ chưa tăng lên nên tính như vậy vẫn là thiệt thòi cho nữ. Nhưng ở đây, chúng ta nên nhìn theo thời gian thực đi làm, chứ không thể tính thời gian không đi làm. Vấn đề ở đây chỉ là lộ trình và tại sao lúc này phải đề xuất “xử lý” lộ trình trong trường hợp nhiều đối tượng chịu tác động là vì như tôi đã nói, thực hiện cách tính mới quá đột ngột như “phanh gấp” dẫn đến sự hụt hẫng lớn.

Mọi người nên hiểu tất cả các chính sách đều phải có giới hạn. Nhìn chính sách phải nhìn toàn cục, đừng vì một vài trường hợp rồi “hốt hoảng”, cho là nghiêm trọng. Và, không chỉ với cách tính mới đóng cao - hưởng cao mà còn hướng tới xu thế trong tương lai phải hướng đến khuyến khích người lao động tăng thêm thời gian đóng BHXH để Quỹ BHXH cá nhân tăng, từ đó mức lương hưu cũng tăng đáp ứng nhu cầu cuộc sống tốt hơn khi về già. Ví dụ, anh đủ 30 năm đóng BHXH và đủ tuổi về hưu. Nhưng anh chưa về hưu, vẫn có thể tiếp tục làm việc (có thể tại nơi anh đã làm việc hoặc nơi khác, có thể với công việc anh đang làm hoặc việc khác) và như vậy, anh vẫn có thể tiếp tục đóng BHXH 5 năm hay hơn nữa với mức tùy chọn để tổng quỹ lương hưu tích lũy trong thẻ cá nhân cao hơn, sẽ được hưởng lương hưu cao hơn. Sau này, “thiết kế” chính sách sẽ đi theo con đường đó. Coi như người lao động tiếp tục gửi tiết kiệm, đến lúc nào đó thấy phù hợp thì dừng lại.

PV:Thế nhưng, nhiều người tính toán thà gửi ngân hàng lấy lãi suất tiết kiệm còn cao hơn. Quan điểm của ông như thế nào?

Ông Bùi Sỹ Lợi: Quỹ BHXH là quỹ do Nhà nước bảo trợ, Nhà nước quản lý và quỹ tập trung, không mất được. Nhiều người cho rằng gửi tiết kiệm hơn là đóng quỹ BHXH hưởng lương hưu, đó là sai lầm. Lương hưu là gì? Là tích lũy, là của để dành vào tài khoản nhưng Nhà nước quản lý, Nhà nước mang tiền của người lao động đi đầu tư nhằm tăng trưởng rồi cộng vào lương cho người lao động. Nhưng quan trọng nhất là quỹ này Nhà nước bảo hộ, không sợ mất và cũng không sợ thấp đến mức không bảo đảm mức sống tối thiểu. Vì Nhà nước khi giữ quỹ phải điều chỉnh để phù hợp với mức sống chung. Còn ai đem tiền gửi ngân hàng, nếu ngân hàng phá sản, ắt mất trắng.

PV: Xin cảm ơn ông.

Ai thiệt thòi phải… chịu!

PV: Với kinh nghiệm của người trong ngành, đồng thời là một cơ quan triển khai chính sách, bà có đánh giá như thế nào về cách tính lương hưu mới?

thuc su co thiet thoi

Bà Đinh Thị Thu Hiền: Cách tính này không gọi là mới vì đã từng thực hiện năm 1995, đến năm 2003 thay đổi theo cách tính hiện nay rồi từ sang năm 2018 lại tính theo cách đó. Duy chỉ có điều khác, trước đây nam giới thực hiện ngay chính sách, còn nữ theo lộ trình. Bây giờ thì lại ngược lại. Với cách tính này - nam giới đủ tuổi về hưu, đóng đủ 35 năm BHXH được hưởng 75%; nữ 55 tuổi, đóng đủ 30 năm BHXH hưởng 75% - có thể cho thấy giảm mức hưởng đối với những người chưa đạt mức đóng BHXH tối đa. Nhưng thực ra theo tôi, đó là chỉ giảm trước mắt, còn về lâu dài chưa chắc đã giảm. Vì trong hoàn cảnh tuổi thọ trung bình của người dân tăng cao, thời gian sống kéo dài, thì tỷ lệ này thoạt nhìn có thể giảm nhưng thời gian hưởng kéo dài lại thành không giảm, chưa kể sau này, bình quân tiền lương tháng đóng BHXH tăng thì theo đó lương hưu tăng còn cao hơn mức bây giờ.

PV: Nói như vậy nghĩa là chính sách không có gì đáng phải phàn nàn, nhất là với những người chịu ảnh hưởng cách tính mới, thưa bà?

BHXH Việt Nam đề xuất phương án áp dụng lộ trình tính lương hưu cho nữ giới như sau: 15 năm đầu đóng bảo hiểm, lao động nữ được tính bằng 45%; nghỉ hưu năm 2018 và 8 năm tiếp theo, mỗi năm tính thêm 3%; sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%, tối đa 75%.

Bà Đinh Thị Thu Hiền: Về tổng thể, xây dựng chính sách và quản lý Quỹ BHXH, thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng, cả nghĩa vụ tham gia… phải xem xét trên nhiều khía cạnh. Tại thời điểm này, nói chính sách này tốt hay xấu, phù hợp hay chưa phù hợp, theo tôi đều là chưa đủ luận cứ, phải đợi khi chính thức áp dụng mới có thể đong đếm thiệt - lợi…

PV:Nhưng thưa bà, nhiều ý kiến cho rằng, với cách tính lương hưu mới, những đối tượng 55 tuổi, nghỉ hưu ngày đầu tiên của năm 2018 sẽ bị giảm 10% tiền lương hưu so với cách tính cũ. Dù chưa thực hiện đã thấy rõ chính sách gây thiệt thòi cho họ?

Bà Đinh Thị Thu Hiền: Về quyền lợi, người hưởng bao giờ cũng muốn hưởng ít nhất là như trước hay muốn tăng nữa. Nên khi điều chỉnh nếu mức hưởng của họ giảm xuống thì thường họ có tâm tư và so sánh. Nhưng chính sách xây dựng phải theo thời điểm và hoàn cảnh thực tế, không phải tự nhiên mà dẫn đến điều chỉnh mức lương hưu được hưởng. Ai rơi vào thời kỳ đó, tức là chịu sự tác động của chính sách đó, phải… chịu, không có sự lựa chọn nào khác. Trên lý thuyết hiểu là như vậy, nhưng theo tôi, khi xây dựng chính sách, nhất là có sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành, các nhà xây dựng luật… đều phải có những đánh giá tổng thể để vừa bảo đảm quyền lợi người chịu tác động của chính sách vừa đạt mục tiêu mà các nhà quản lý đề ra.

PV: Với vai trò của người triển khai chính sách mới, Ban Thực hiện chính sách BHXH đã có phương án nào chưa nếu thực tế thiệt thòi của nhiều người lao động là có thật?

Bà Đinh Thị Thu Hiền: Chúng tôi đã có kế hoạch phản ánh, thống kê, tổng hợp những ý kiến cũng như số lượng người được cho là thiệt thòi trong cách tính mới, sau đó, báo cáo lên cấp có thẩm quyền để họ lấy đó là cơ sở cho quyết định xem xét, đánh giá, điều chỉnh tỷ lệ, lộ trình… cho cách tính lương hưu mới đối với lao động nữ nghỉ hưu.

PV: Xin cảm ơn bà

Sau 1 đêm mất 10% lương hưu

Một bạn đọc viết: “Tôi sinh ngày 1-1-1963, năm nay tôi 54 tuổi. 6 tháng trước khi nghỉ hưu, cơ quan đã gửi thông báo về việc hưởng chế độ hưu trí cho tôi. Cầm thông báo trên tay, tôi không cầm được nước mắt. Giá như tôi sinh ra trước 1 ngày, tức ngày 31-12-1962 thì không thiệt thòi quyền lợi nhiều như thế. Tính đến thời điểm này, tôi đã đóng BHXH được gần 25 năm. Nếu nghỉ hưu vào ngày 31-12-2017, tôi sẽ được lãnh lương hưu với mức tối đa là 75%. Thế nhưng, chỉ vì sinh sau thời điểm ấy mấy tiếng đồng hồ mà lương hưu của tôi chỉ còn 65%. Mất 10% lương hưu chỉ sau 1 đêm”.

Có thể đóng bảo hiểm tự nguyện

Các chuyên gia tư vấn: Trong trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm tối đa thì người lao động có thể đóng bảo hiểm theo hình thức tự nguyện để được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75% mức bình quân lương tháng đóng bảo hiểm. Nếu vì lý do nào đó mà thiếu cả tuổi nghỉ hưu lẫn thời gian đóng bảo hiểm tối đa, người lao động có thể đóng tiếp số tiền còn thiếu theo quý, theo năm hoặc 6 tháng/lần theo hình thức bảo hiểm tự nguyện và chờ đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được nhận lương hưu. Mức đóng bảo hiểm tự nguyện bằng 22% thu nhập tháng do người lao động tự quyết định, nhưng thấp nhất bằng mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn, cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Tú Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc