Thực phẩm bẩn “đổ bộ” vào Hà Nội

10:11 | 20/11/2015

382 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Vì ham lợi nhuận, những con buôn đang hại người tiêu Thủ đô bằng cách “tuồn” thực phẩm bẩn vào thị trường thông qua chợ đầu mối, chợ bán lẻ...
thuc pham ban do bo vao ha noi
Chuyên gia khuyến cáo, nếu phát hiện rau có màu sắc, mùi vị lạ thì tuyệt đối không dùng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, với gần 10 triệu dân, mỗi ngày Hà Nội cần tiêu thụ khoảng 1.000 tấn thịt, 600 tấn cá, 3.200 tấn rau quả các loại… Tuy nhiên, sản xuất tại chỗ mới chỉ đáp ứng được 69% nhu cầu thịt, 32% nhu cầu cá, 97,7% trứng gia cầm, 19% sữa, 38% gạo tẻ, 60% rau củ tươi và 18% quả tươi các loại. Gần 30% còn lại là nhập từ các tỉnh, thành khác về.

Tuy nhiên, hầu hết thực phẩm từ các tỉnh, TP đưa về Hà Nội tiêu thụ được tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ bán lẻ, nên việc kiểm tra, giám sát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) gặp nhiều khó khăn.

Sơn La là một địa phương cung cấp rau củ lớn cho Hà Nội, thế nhưng ông Phạm Thế Cường - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Sơn La cũng phải thừa nhận: do nhu cầu tiêu thụ đầu Hà Nội lớn, lượng rau của Hợp tác xã không đáp ứng đủ nên bà con đã thu mua thêm rau ở bên ngoài để đáp ứng đơn hàng.

Chúng tôi cũng đã nhận được thông báo của các cơ quan chức năng Hà Nội về một số mẫu rau sản xuất tại Mộc Châu không đảm bảo ATTP nhưng việc truy xuất nguồn gốc, xử lý gặp khó khăn vì khi có thông báo kết quả vi phạm thì số rau, củ ấy cũng đã bán và tiêu thụ hết ra thị trường, ông Cường cho biết thêm.

Chuyện “trạng thực phẩm bẩn gắn mác sạch” không chỉ diễn ra trên đại bàn sản xuất mà ngay cả nơi tiêu thụ là thủ đô Hà Nội, tình trạng “dân buôn” trà trộn thực phẩm không rõ nguồn gốc vào thực phẩm an toàn bán cũng xảy ra khá phổ biến.

Mới đây nhất là một tấn thịt có nguồn gốc từ lợn ốm bệnh chết tại chợ đầu mối Phùng Khoang vừa được đội 4 phòng Cảnh sát môi trường (Công an Hà Nội) phối hợp Thanh tra Sở Nông nghiệp thu giữ.

Số thực phẩm trong giai đoạn phân hủy, bốc mùi hôi thối đang được tiểu thương "phù phép" để chuẩn bị tiêu thụ.

Tình hình này không chỉ riêng chợ Phùng Khoang, mà hầu hết các chợ đầu mối lớn khác của Thủ đô như chợ chợ Dịch Vọng Hậu, chợ Long Biên, chợ đầu mối phía Nam (Hoàng Mai)... cũng đều như vậy.

Thậm chí một số bếp ăn tập thể, trường học qua kiểm tra đã phát hiện, chỉ ký hợp đồng cung ứng thực phẩm an toàn làm phép, để đối phó, còn lại vẫn mua thực phẩm tại các chợ đầu mối đưa vào sử dụng.

Trước tình trạng báo động về vệ sinh an toàn thực phẩm và để hạn chế tình trạng thực phẩm bẩn gắn mác sạch bán cho người tiêu dùng, hơn bao giờ hết các tỉnh, thành phố cần xây dựng những chuỗi sản xuất, sơ chế, phân phối có chỉ dẫn địa lý để có thể truy xuất khi có sự cố xảy ra, ông Nguyễn Đắc Lộc, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội nhấn mạnh trong một cuộc họp về an toàn VSTP do Bộ Nông nghiệp tổ chức mới đây.

N.Linh