Thủ tướng Võ Văn Kiệt – Người đặt nền móng xây dựng NMLD Dung Quất

06:03 | 20/11/2022

7,923 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Năm nay, chúng ta kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (23/11/1922- 23/11/2022).

Thủ tướng Võ Văn Kiệt là người đặc biệt quan tâm đến sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam mà chủ lực là Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam. Ông đã có nhiều chủ trương quyết sách táo bạo, chính xác để Petrovietnam phát triển và cũng là người để lại dấu ấn trên nhiều công trình năng lượng quan trọng của đất nước như đường dây 500KV, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Nhân dịp này, PetroTimes xin giới thiệu hồi ức của ông Đỗ Quang Toàn, nguyên là Vụ trưởng Vụ Dầu khí của Văn phòng Chính phủ và trước đó từng là Chánh văn phòng Tổng cục Dầu khí, Phó vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế - Bộ Công nghiệp, là Giám đốc Công ty Chế biến các sản phẩm dầu.

*****

Cho đến bây giờ, mặc dù đã về nghỉ hưu được nhiều năm, nhưng ông Đỗ Quang Toàn, vẫn nhớ như in hình ảnh Thủ tướng Võ Văn Kiệt vào thị sát khu vực vịnh Dung Quất vào ngày 19/9/1994.

Trên đường đi ra Dung Quất, một sự ưu tư, buồn bã luôn hiện lên nét mặt của Thủ tướng bởi ông nhìn thấy những khu dân cư nghèo đến thê thảm, những cồn cát cằn cỗi và ánh mắt trông chờ tưởng như tuyệt vọng của những người dân đứng hai bên đường. Còn các cán bộ chủ chốt của tỉnh Quảng Ngãi và có cả cán bộ của Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam - Đà Nẵng… đi theo đoàn cũng phập phồng, hồi hộp “nín thở” theo dõi từng “nhất cử nhất động” của Thủ tướng.

Đi thị sát xong, khi quay về, Thủ tướng cũng chưa bộc lộ rõ quan điểm là sẽ chọn Dung Quất hay Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) hay Nghi Sơn (Thanh Hóa)… Thế rồi sau chuyến đi của Thủ tướng, lại liên tiếp có các đoàn của Tổng cục Dầu khí, của Bộ Công nghiệp, của Văn phòng Chính phủ vào Dung Quất…

Thủ tướng Võ Văn Kiệt đang nghe TS Trương Đình Hiển (chỉ tay vào bản đồ) trình bày về quy hoạch Cảng biển nước sâu và Khu Công nghiệp Dung Quất năm 1995
Thủ tướng Võ Văn Kiệt đang nghe trình bày về quy hoạch Cảng biển nước sâu và Khu Công nghiệp Dung Quất năm 1995

Tuy nhiên, đến cuộc họp của Thường vụ Chính phủ, sau khi nghe tất cả ý kiến của Petrovietnam, của các Bộ, Ngành, các chuyên gia báo cáo thì Thủ tướng Võ Văn Kiệt có kết luận: “Hôm nay, họp Thường vụ, có một số Bộ chuyên ngành, có các chuyên gia thì chúng ta thống nhất làm NMLD ở Dung Quất. Và khi đã quyết định thì chúng ta làm. Tôi đã nghe đủ các ý kiến của các chuyên gia trong nước và nước ngoài. Cũng có những ý kiến là khuyên mang dầu thô đi lọc ở Singapore, nhưng suy đi tính lại thì mình phải làm chủ, phải xây dựng NMLD ở Việt Nam. Còn địa điểm thì hôm nay quyết định là Dung Quất. Tôi đề nghị không bàn ra bàn vào nữa. Mọi người bắt tay vào làm luận chứng khả thi để báo cáo trình Quốc hội xem xét tiến hành càng sớm càng tốt”.

Và đến ngày 9/11/1994, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 658/QĐ-TTg về địa điểm xây dựng NMLD số 1 và quy hoạch Khu kinh tế trọng điểm miền Trung, trong đó chính thức chọn Dung Quất - Quảng Ngãi làm địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam…

Ông Toàn kể lại rằng: “Tin vui về đến Quảng Ngãi vào đúng lúc đang họp Hội đồng Nhân dân tỉnh. Khi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thông báo tin này, cả hội trường đứng dậy hoan hô và cũng có không ít đồng chí lặng lẽ lau nước mắt. Tiếp đó, lãnh đạo tỉnh quyết định “ăn mừng” bằng cách đi mua ít chai bia Quảng Ngãi về uống… mà không có “mồi”. Tỉnh Quảng Ngãi khi đó nghèo lắm”.

Việc lập Luận chứng nghiên cứu khả thi Khu Liên hợp Lọc - Hóa dầu được Liên Xô thực hiện vào năm 1978. Đến đầu những năm 80, Liên Xô và Việt Nam đã thống nhất địa điểm xây dựng Khu Liên hợp Lọc - Hóa dầu tại thành Tuy Hạ, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.

Khu Liên hợp Lọc - Hóa dầu dự kiến được đầu tư xây dựng trong 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 sẽ xây dựng một NMLD với một dây chuyền chế biến dầu thô công suất 3 triệu tấn/năm.

Giai đoạn 2 dự kiến đầu tư thêm một dây chuyền chế biến dầu thô để nâng công suất lọc dầu lên 6 triệu tấn/năm và hình thành một khu hóa dầu sản xuất chất dẻo, sợi tổng hợp và một dây chuyền sản xuất phân đạm (urê). Tổng vốn đầu tư cho cả 2 giai đoạn vào khoảng 3 tỉ rúp chuyển nhượng.

Đầu những năm 90, việc giải phóng một phần của 3.000ha mặt bằng và khảo sát địa chất sơ bộ, chuẩn bị các điều kiện phụ trợ để xây dựng Khu Liên hợp đã được phía Việt Nam tiến hành. Lúc này, Liên Xô cũng đã thực hiện xong thiết kế cơ sở và chuẩn bị các điều kiện đầu tư cho dự án. Tuy nhiên, do Liên Xô sụp đổ nên Dự án Khu Liên hợp Lọc - Hóa dầu tại thành Tuy Hạ bị hủy bỏ.

Năm 1992, Chính phủ chủ trương mời một số đối tác nước ngoài liên doanh đầu tư xây dựng NMLD, trong đó có Liên doanh Petrovietnam/Total/CPC/CIDC do Total (Pháp) đứng đầu. CPC (Chinese Petroleum Corp) và CIDC (Chinese Investment Development Corp) là hai công ty của Đài Loan.

Trong quá trình chuẩn bị dự án, đã có nhiều ý kiến khác nhau của các bên về địa điểm đặt nhà máy, cụ thể Total đề xuất địa điểm xây dựng nhà máy lọc dầu tại Long Sơn, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Tháng 2/1994, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam làm việc với các đối tác nước ngoài gồm Total (Pháp), CPC và CIDC (Đài Loan) lập Luận chứng nghiên cứu khả thi chi tiết NMLD số 1 với vị trí dự kiến đặt tại Đầm Môn, vịnh Văn Phong, tỉnh Khánh Hòa.

Thủ tướng Võ Văn Kiệt (thứ 2 từ phải sang) trao đổi với TS Trương Đình Hiển (thứ 3 từ phải sang) về Dự án Cảng biển nước sâu và Khu Công nghiệp Dung Quất - Quảng Ngãi
Thủ tướng Võ Văn Kiệt họp bàn về việc xây dựng NMLD Dung Quất - Quảng Ngãi

Trong quá trình nghiên cứu tiếp theo, do vẫn có một số quan điểm khác nhau về điểm đặt nhà máy nên Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Xây dựng chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan, trong đó có Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) tiếp tục nghiên cứu và báo cáo đầy đủ về các yếu tố địa hình, địa chất, tính toán toàn diện các mặt lợi ích kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của các địa điểm dự kiến xây dựng NMLD số 1 tại: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Hòn La (Quảng Bình), Dung Quất (Quảng Ngãi), Văn Phong (Khánh Hòa), Long Sơn (Vũng Tàu).

Trong 5 địa điểm này, thuận lợi nhất là Long Sơn, rồi đến Nghi Sơn, rồi Văn Phong… Nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã nhìn thấy tiềm năng du lịch của Văn Phong về sau này nên dứt khoát gạt ra khỏi danh sách.

Việc lập Luận chứng nghiên cứu khả thi chi tiết của dự án được Tổ hợp gồm Petrovietnam, Total, CPC và CIDC tiếp tục thực hiện. Tuy nhiên, đến tháng 9/1995, Total xin rút khỏi dự án do không đạt được thỏa thuận về địa điểm đặt nhà máy. Total chỉ muốn đặt nhà máy ở Long Sơn để cho được thuận lợi mọi bề.

Để tiếp tục triển khai dự án, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã khẩn trương soạn thảo và trình Chính phủ phê duyệt hướng dẫn đầu bài NMLD số 1 và mời các đối tác khác thay thế Total tham gia dự án.

Ngày 15/2/1996, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam và các đối tác nước ngoài là LG (Hàn Quốc), Stone&Webster (Mỹ), Petronas (Malaysia), Conoco (Mỹ), CPC và CIDC (Đài Loan) đã ký tắt thỏa thuận lập Luận chứng khả thi chi tiết NMLD số 1. Ngày 5/3/1996, lễ ký chính thức thỏa thuận lập Luận chứng khả thi chi tiết NMLD số 1 được tiến hành.

Sau khi ký thỏa thuận lập Luận chứng nghiên cứu khả thi chi tiết dự án, tổ hợp bao gồm Petrovietnam và các đối tác nước ngoài đã khẩn trương triển khai công việc. Trong thời gian từ 15/2/1996 đến 15/8/1996, Luận chứng nghiên cứu khả thi chi tiết đã được thực hiện với sự tham gia của các đối tác và của các tư vấn kỹ thuật - Foster Wheeler, tư vấn cảng - Fluor Daniel, tư vấn tài chính Barclays và tư vấn luật - While&Case.

Theo luận chứng được Chính phủ phê duyệt, NMLD số 1 sẽ được xây dựng tại Dung Quất, thuộc địa bàn 2 xã Bình Trị và Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Với hình thức đầu tư liên doanh, nhà máy sẽ chế biến một hỗn hợp 6,5 triệu tấn dầu ngọt và dầu chua/năm, trong đó lượng dầu ngọt Việt Nam là chủ yếu, để cho ra sản phẩm chính là nhiên liệu phục vụ giao thông và công nghiệp.

Luận chứng nghiên cứu khả thi đã đưa ra 50 phương án đầu tư để xem xét, với chỉ số thu hồi nội tại IR (Internal Rate of Return) của các phương án từ 8 đến 11% và tổng vốn đầu tư khoảng 1,7-1,8 tỉ USD. Luận chứng nghiên cứu chi tiết đã được các bên hoàn thành đúng tiến độ và trình Chính phủ Việt Nam phê duyệt vào tháng 11/1996.

Tuy nhiên, kết quả của Luận chứng nghiên cứu khả thi chi tiết cho thấy, dự án - với các thông số theo hướng dẫn của đầu bài - đòi hỏi vốn đầu tư cao, không thỏa mãn hiệu quả kinh tế và tiềm ẩn khó khăn trong việc thu xếp tài chính.

Sau khi các đối tác nước ngoài rút khỏi dự án, theo chỉ đạo của Chính phủ, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam tiếp tục lập Luận chứng nghiên cứu khả thi chi tiết Dự án NMLD số 1 theo phương án Việt Nam tự đầu tư.

Được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, để đảm bảo khách quan và độ tin cậy của Luận chứng nghiên cứu khả thi, Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam đã thuê Công ty Foster Wheeler Energy Limited của Anh và UOP (Universal Oil Products) của Hoa Kỳ làm tư vấn trong quá trình xây dựng Luận chứng.

Trên cơ sở xem xét Luận chứng nghiên cứu khả thi và các ý kiến của các công ty tư vấn, ngày 10/7/1997, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 514/QĐ-TTg phê duyệt Dự án NMLD số 1 Dung Quất theo hình thức Việt Nam tự đầu tư với công suất chế biến 6,5 triệu tấn dầu thô/năm, tổng vốn đầu tư 1,5 tỉ USD, bao gồm cả chi phí tài chính.

Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam được Chính phủ giao làm chủ đầu tư của dự án.

Ngày 8/1/1998, lễ động thổ xây dựng NMLD số 1 đã được tiến hành tại xã Bình Trị, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.

Tại sao lại chọn Dung Quất, ông Đỗ Quang Toàn nhớ lại: “Đúng là việc đặt NMLD tại Dung Quất có không ít các ý kiến không đồng tình, mà đa số là xuất phát từ việc nhìn nhà máy theo hiệu quả kinh tế đơn thuần.

Trong 4 địa điểm được lựa chọn thì xếp theo thứ tự, Long Sơn là đứng đầu, tiếp theo là vịnh Văn Phong, rồi Nghi Sơn và cuối cùng là Dung Quất. Làm ở Long Sơn thì rõ ràng là thuận lợi nhất bởi lẽ Long Sơn gần với thành phố Vũng Tàu, có cơ sở hạ tầng phát triển, có hệ thống dịch vụ tốt… Đặt nhà máy tại đây vốn đầu tư sẽ thấp, thời gian thi công nhanh và đặc biệt là đảm bảo được các điều kiện sinh hoạt tốt nhất cho đội ngũ chuyên gia.

Tập đoàn Dầu khí Total của Pháp “mê” nhất là Long Sơn. Vì vậy, khi Chính phủ quyết định đặt ở Dung Quất, họ đã kém “mặn mà” và đưa ra nhiều đòi hỏi mà chúng ta khó chấp nhận được.

Đặt nhà máy ở vịnh Văn Phong cũng rất thuận lợi, nhưng Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhận thấy tiềm năng du lịch lớn của vịnh nên quyết định không nên đặt cơ sở công nghiệp tại đây.

Như vậy là chỉ còn Nghi Sơn và Dung Quất. Đặt ở Nghi Sơn, đường vận chuyển dầu đến và sản phẩm hóa dầu đi các nơi sẽ xa hơn, không kinh tế lắm… Còn Dung Quất, ưu thế duy nhất mà nơi này có được là cảng nước sâu, nhưng khó khăn thiếu thốn thì vô cùng. Cơ sở hạ tầng hầu như không có gì. Khu vực cảng thì có địa chất phức tạp, thời tiết lại vô cùng khắc nghiệt…

Phía bắc tiêu thụ đến 80% lượng xăng dầu nhập khẩu, còn miền Trung chỉ chiếm 20%. Như vậy, nếu xăng dầu được lọc từ Dung Quất, chở đi tiêu thụ ở phía nam cũng xa, phía bắc cũng chẳng gần. Hơn nữa, nếu đặt ở Dung Quất, tốn thêm hàng trăm triệu USD để xây dựng cơ sở hạ tầng… Nhưng thế cũng chưa phải là hết. Vào những năm 1994-2000, giá dầu trên thế giới giảm thê thảm, cho nên có ý kiến cho rằng nếu tính bỏ ra hàng tỉ USD để xây dựng NMLD thì không bằng mang dầu đi… thuê lọc (?!).

Trước những ý kiến đó, Chính phủ - mà đứng đầu là Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã kiên quyết giữ vững quan điểm, đó là: Phải xây dựng NMLD Dung Quất, trước hết là để đảm bảo anh ninh năng lượng cho đất nước và thứ nữa là tạo đà phát triển kinh tế cho tỉnh Quảng Ngãi và cả một khu vực miền Trung.

Quảng Ngãi, mảnh đất kiên cường cách mạng, nhưng điều kiện để phát triển kinh tế của tỉnh lại rất hạn chế. Tiềm năng về tài nguyên thiên nhiên hầu như không có gì, ngoài việc đi ra biển… đánh cá. Đất đai nghèo nàn, chật hẹp; cả tỉnh không có được một khu du lịch, một bãi tắm; không có một nhà máy; tỷ lệ đói nghèo luôn ở mức cao… Hằng năm, Chính phủ phải rót về cho tỉnh 40-60% ngân sách…

Nếu không xây dựng nhà máy tại đây thì cơ hội thoát nghèo cho tỉnh Quảng Ngãi là rất khó. Mà như vậy, Đảng, Chính phủ có lỗi với dân. Cho nên dứt khoát phải xây dựng NMLD đầu tiên của quốc gia tại đây.

Việc xây dựng NMLD tại Dung Quất là một quyết định sáng suốt và có tầm nhìn rất xa của Chính phủ - Mà đứng đầu là Thủ tướng Võ Văn Kiệt- đó là tạo động lực phát triển kinh tế cho Quảng Ngãi và một loạt các tỉnh miền Trung. Đó là điều mà không phải nhiều người đã nhận ra, nếu xét về khía cạnh kinh tế đơn thuần.

Nguyễn Như Phong ghi

Có một khu “Vườn kỷ niệm”Có một khu “Vườn kỷ niệm”
BSR dâng hoa tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn KiệtBSR dâng hoa tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Hai câu chuyện Hai câu chuyện "vì dân" của Thủ tướng Võ Văn Kiệt
Đồng chí Võ Văn Thưởng thăm và làm việc tại NMLD Dung QuấtĐồng chí Võ Văn Thưởng thăm và làm việc tại NMLD Dung Quất
Cung cấp dầu thô cho NMLD Dung Quất góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc giaCung cấp dầu thô cho NMLD Dung Quất góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
NMLD Dung Quất – Điểm sáng trong sự phát triển của tỉnh Quảng NgãiNMLD Dung Quất – Điểm sáng trong sự phát triển của tỉnh Quảng Ngãi

DMCA.com Protection Status