Thủ tướng thị sát vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long

08:17 | 13/10/2011

1,036 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chiều 12/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thị sát các tỉnh vùng lũ đồng bằng sông Cửu Long là Đồng Tháp, Long An và An Giang. Trong một tháng mưa lũ đã có 35 người chết, 6.000 ha lúa ngập nước.

Thủ tướng thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ đang gia cố bờ bao bảo vệ sản xuất khu vực kênh Ba Ánh, xã An Bình B, thị xã Hồng Ngự

Trong đợt mưa lũ này, toàn vùng đồng bằng Cửu Long thiệt hại 6.000 ha trên tổng số 650.000 ha đã xuống giống, chiếm chưa đầy 1% diện tích. Thủ tướng đánh giá đây là thiệt hại không nhiều nhưng nếu các tỉnh, thành trong vùng nỗ lực hơn nữa thì có thể diện tích thiệt hại sẽ còn thấp hơn.

Thủ tướng chỉ đạo các tỉnh nên lưu ý nhiều hơn vấn đề đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân, chú ý công tác hỗ trợ cho hộ nghèo, tăng cường hộ đê bảo vệ lúa thu đông. Thủ tướng cũng chỉ đạo Bộ NN&PTNT có kế hoạch quy hoạch lại hệ thống thoát lũ cho vùng đồng bằng để đảm bảo đời sống người dân và phục vụ cho việc phát triển sản xuất bền vững.

Trong đợt lũ năm nay, Đồng Tháp, An Giang và Long An là các địa phương thiệt hại nhiều nhất. Theo các chuyên gia về thủy lợi, nguyên nhân là do các tỉnh này ở đầu nguồn nước lũ từ Campuchia về; đồng thời tình trạng đê bao xây nhiều, ít kiên cố và thiếu quy hoạch khiến nước lũ bị chặn dòng cục bộ, gây xói lở, vỡ đê và ngập nặng.

Các chuyên gia phân tích, thay vì nước chảy tràn trên bề mặt 150 cây số như mùa nước nổi truyền thống ở miền Tây thì hiện nay hệ thống đê bao khiến diện tích chảy tràn bị thu hẹp, nước chảy xiết theo sông rạch.

Theo Tiến sĩ Lê Anh Tuấn, Chánh văn phòng Viện Biến đổi khí hậu (DRAGON), tổng lượng nước sông Mekong hàng năm đổ về hạ lưu khoảng 490 tỉ m3, khi lũ về vùng đồng bằng sông Cửu Long nhận 70-80% tổng lượng nước. Mùa khô lượng nước chảy về hạ lưu từ 1.700 đến 2.500 m3 một giây, mùa lũ 39.000-40.000 m3 một giây.

Ông Trần Thanh Hải, Chi cục Trưởng, Chi cục thủy sản TP Cần Thơ cho rằng năm nay do tập trung làm lúa và phân ô, làm đê ngăn lũ khiến dòng chảy không thông thoáng mà ứ đọng và dâng cao mặt nước lũ.

"Tôi thấy nước lũ năm nay chưa có gì ghê gớm lắm so với lũ năm 2000 nhưng ngập thì nặng hơn. Lũ năm 2000 các tuyến đường trong thành phố Cần Thơ đều bị ngập, nhưng năm nay lũ nhẹ đã ngập đường. Các tỉnh làm lúa nhiều phải chấp nhận hy sinh một vài trăm ha lúa để bảo vệ diện tích khác còn lại”, ông Hải nói.

Còn Tiến sĩ Tuấn nói, đê bao trên nền đất yếu không chịu được lũ lớn. "Có thể hiểu vì sao, trong mùa lũ năm nay, nóng bỏng nhất là chuyện giữ đê bao ở vùng ngập sâu để bảo vệ lúa thu đông”, tiến sĩ Tuấn nói.

Đắp đê sản xuất lúa vụ 3 làm ngăn chặn lưu lượng dòng chảy khiến nước lũ dâng cao

Tính đến ngày 11/10, hàng chục tuyến đê bao của đồng bằng sông Cửu Long bị vỡ. Hàng trăm km đê bao khác có nguy cơ vỡ, đang được hàng trăm nghìn người ngày đêm thay nhau canh giữ để bảo vệ. Những ngày này, nhiều nơi ở đồng bằng là hình ảnh tương phản, một bên là những khu đê bao lúa chặn nước lũ, thấp hơn với mặt nước bên ngoài 4-5m, bên còn lại là nước chảy tràn.

Các chuyên gia cũng nhận định hầu hết đê bao tại vùng Cửu Long rất yếu, tạm bợ nên dễ bị sạt lở. Theo thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (trường đại học Cần Thơ), hiện nay nhiều địa phương dùng bao cát chất thành đê bao dã chiến bảo vệ đê, có nhiều tỉnh mới làm đê bao chưa khô được đất, lũ về lâu ngày làm mềm đất, cộng thêm áp lực nước từ phía ngoài dẫn đến việc vỡ chân đê.

UBND tỉnh An Giang cho biết hệ thống đê bao và kiểm soát lũ tỉnh có chiều dài gần 3.800 km, bảo vệ hơn 240.000 ha rất cần nâng cấp, nhưng chi phí gia cố quá lớn. Tỉnh phải cầu cứu Bộ NN&PTNT hỗ trợ thông qua chương trình nâng cấp hệ thống đê sông.

Theo VNE

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc