Thủ tướng: Nông thôn Hà Nội phải là miền quê đáng sống

14:34 | 24/09/2019

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Nông nghiệp Hà Nội phải trở thành một nền nông nghiệp hiện đại trong khu vực và trên thế giới. Phải tiếp tục xây dựng vùng nông thôn xanh, đẹp, một miền quê đáng sống, một không gian kinh tế nông thôn với thế mạnh đất trăm nghề gắn chặt với các lễ hội, nét đẹp văn hoá, để cùng với nông nghiệp sạch, hữu cơ đặc trưng tạo nên không gian du lịch hấp dẫn trong bức tranh tổng thể phát triển Thủ đô. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu điều này tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” của Thành phố Hà Nội sáng 21/9.
thu tuong nong thon ha noi phai la mien que dang song
Thủ tướng: Nông thôn Hà Nội phải là miền quê đáng sống

Đến dự Hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Xuân Cường - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Ngô Thị Doãn Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội; đại diện Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; đại diện các ban, ngành trung ương. Tham dự Hội nghị còn có đại biểu đại diện của 9 tỉnh, thành phố Đồng bằng sông Hồng và đại diện các chương trình mục tiêu quốc gia.

thu tuong nong thon ha noi phai la mien que dang song
Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Khương Trung

Theo báo cáo do Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung trình bày đến nay, toàn Thành phố có 325/386 xã (chiếm 84,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (vượt kế hoạch trước 2 năm so với mục tiêu). Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2018 đạt 46,5 triệu đồng/người/năm, tăng 33,5 triệu đồng so với năm 2010 (năm 2010 đạt 13 triệu đồng/người).

Trong 10 năm qua, Thành phố đã vận động hàng nghìn tập thể, cá nhân, doanh nghiệp, hộ gia đình chung sức xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí 14.741 tỷ đồng. Đặc biệt là nhiều người dân đã tự nguyện đóng góp bằng các hình thức quy ra tiền với tổng kinh phí hơn 7.200 tỷ đồng, trong đó có trên 1.000 hộ gia đình hỗ trợ bằng tiền và các hình thức quy ra tiền từ 100 triệu đồng trở lên.

Năm 2020, Hà Nội phấn đấu 85% số xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 50 triệu đồng/người/năm trở lên.

Chia sẻ về kinh nghiệm trong xây dựng nông thôn mới, lãnh đạo huyện Gia Lâm cho biết huyện đã chuyển đổi hơn 1.400 ha lúa sang trồng rau, cây ăn quả, cây cảnh; đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tập thể, hình thành 18 mô hình nông nghiệp công nghệ cao, 22 chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong đó có các mô hình như: Sản xuất theo chuỗi khép kín tại xã Phù Đổng; rau thủy canh xã Đa Tốn; các mô hình cây cam, chuối theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Kiêu Kỵ; mô hình xử lý ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi bằng trùn quế tại xã Đặng Xá, Phù Đổng... mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất, trung bình đạt 306 triệu đồng/ha, cá biệt có mô hình doanh thu trên 1 tỉ đồng/ha/năm.

thu tuong nong thon ha noi phai la mien que dang song

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu cắt băng khai trương Hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP Thủ đô. Ảnh: Khương Trung

thu tuong nong thon ha noi phai la mien que dang song
Thủ tướng trao đổi với các đại biểu tham dự.Ảnh: Khương Trung

Nông thôn Hà Nội phải đi trước, đứng đầu trong áp dụng thành tựu cách mạng công nghiệp 4.0. Phát triển mạnh mẽ các trung tâm đô thị vệ tinh, vì vậy, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển đô thị, quy hoạch thống nhất, không để phá vỡ quy hoạch… Nông thôn Hà Nội cần gìn giữ văn hóa truyền thống Thủ đô nghìn năm văn hiến, thanh lịch, sâu sắc và bản sắc.

Phải đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường. Xử lý tốt hơn nữa rác thải sinh hoạt bằng công nghệ mới cùng với xử lý các loại chất thải rắn khác, nước thải sinh hoạt. Kiên quyết nói không với túi nilon và đồ nhựa dùng một lần. Tái sử dụng chất thải nông nghiệp bảo đảm đúng quy định về môi trường và an toàn thực phẩm, tạo tiền đề phát triển du lịch nông thôn. Hình thành các vành đai xanh sinh thái bao bọc vùng trung tâm Thủ đô.

Đặt vấn đề đào tạo nghề, Thủ tướng cho rằng cần chuyển bớt lao động nông nghiệp sang những nghề mới trong thời đại mới, “cái gì giữ gìn, phát huy truyền thống, cái gì chuyển sang nghề mới để giảm bớt tỷ lệ lao động nông nghiệp để nâng cao năng suất lao động”.

Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT cùng với TP. Hà Nội xây dựng các mô hình cụ thể để triển khai trên địa bàn thành phố làm cơ sở nhân rộng sau khi tổng kết mô hình.

“Xây dựng nông thôn mới là một cuộc cách mạng mang tính chiến lược lâu dài, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hóa đất nước”, Thủ tướng nói. Do đó, đòi hỏi sự ủng hộ, vào cuộc tích cực của toàn xã hội. Chính phủ tin tưởng rằng trong thời gian tới, Hà Nội sẽ đạt nhiều kết quả to lớn hơn nữa trong xây dựng nông thôn mới, luôn xứng đáng là ngọn cờ đầu của cả nước và tiếp tục vươn mình phát triển toàn diện mọi mặt, là hình mẫu của cả nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó, nông thôn Hà Nội cũng phải phấn đấu trở thành hình mẫu, là niềm tự hào của Thủ đô nghìn năm văn hiến, là điểm tựa để Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội tiếp tục bay cao, bay xa, “một Thủ đô phát triển nhưng nhân văn, sâu đậm tình người như nhà thơ Vũ Cao đã viết: “Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa/ Bữa thì em tới, bữa anh sang”.

*Trước thềm Hội nghị, Thủ tướng đã cắt băng khai mạc Hội chợ hàng nông sản, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm Hà Nội. Hội chợ nằm trong Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Hà Nội tại Trung tâm Triển lãm quốc tế I.C.E Hà Nội, số 91 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm với quy mô 170 gian hàng.

https://batdongsan.petrotimes.vn/

chinhphu.vn

vietinbank
ajinomoto