Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Trường Sa, Hoàng Sa đã là của chúng ta từ thế kỷ XVII

14:41 | 25/11/2011

1,366 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong phiên trả lời chất vấn sáng 25/11, trước câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến vấn đề chủ quyền biển đảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định: "Việt Nam có đủ căn cứ, pháp lý khẳng định quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Thực tế chúng ta đã làm chủ, ít nhất là từ thế kỷ XVII".

Đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đoàn đại biểu tỉnh Đồng Nai) và đại biểu Đinh Bộ Lĩnh (Đoàn đại biểu tỉnh An Giang) đã chất vấn Thủ tướng về những giải pháp để bảo vệ chủ quyền biển đảo, để ngư dân yên tâm bám biển, đẩy mạnh đánh bắt cá ở Biển Đông, nhất là ở 2 ngư trường truyền thống Trường Sa, Hoàng Sa.

Về vấn đề này, Thủ tướng trả lời: Năm 1974 Trung Quốc đem quân chiếm toàn bộ đảo Hoàng Sa. Chính quyền miền Nam Việt Nam khi đó đã phản đối tới Liên Hiệp Quốc. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng bày tỏ sự phản đối tại thời điểm đó.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Thủ tướng nêu rõ: "Lập trường nhất quán là quần đảo Hoàng Sa là thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhưng chúng ta đàm phán bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với hiến chương liên hợp quốc và công ước luật biển.”

Đối với với quần đảo Trường Sa, Thủ tướng cho biết: “Sau giải phóng miền Nam (1975), chúng ta tiếp quản 5 hòn đảo của quần đảo Trường Sa. Sau đó với chủ quyền của mình, chúng ta tiếp tục mở rộng để tiếp quản 21 đảo. Hiện ở quần đảo Trường Sa, Trung Quốc chiếm 7 đảo đá ngầm, Đài Loan chiếm 1 đảo, Philippines 9 đảo, Malaysia chiếm 5 đảo…”.

Trên quần đảo Trường Sa, Việt Nam đang nắm giữ số đảo nhiều nhất và cũng là quốc gia duy nhất có cư dân đang làm ăn sinh sống trên các đảo chúng ta năm giữ, với 21 hộ, trên 80 khẩu, với 6 khẩu sinh ra và lớn lên ở đảo này.

Về chủ trương đối ngoại và các chính sách bảo vệ và hỗ trợ ngư dân sống trên các quần đảo này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định:

Chủ trương của chúng ta là nghiêm túc thực hiện Công ước luật biển, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC). Các bên không làm phức tạp thêm tình hình, gây ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định của khu vực. Lập trường này của Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế ủng hộ, gần đây nhất là tại hội nghị cấp cao ASEAN…

Chính phủ sẽ tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật ở những nơi chúng ta đang đóng giữ. Tiếp tục có cơ chế chính sách hỗ trợ đồng bào ta khai thác thủy hải sản ở khu vực này.

Hoàng Thắng – Hữu Tùng

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc