Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo phải đảm bảo lợi ích của người dân

16:40 | 02/05/2012

725 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải quyết khiếu nại, tố cáo (KN, TC) sáng 2/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Giải quyết hiệu quả, dứt điểm các vụ việc KN, TC, nhất là các vụ việc KN, TC còn tồn đọng, kéo dài; hạn chế các vụ việc KN, TC liên quan đến đất đai; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích chung của đất nước, lợi ích của người dân khi bị thu hồi đất đai”.

Đây có thể được xem là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược trong bối cảnh nước ta vẫn phải triển khai thực hiện công tác quy hoạch, thu hồi đất đai phục vụ các mục tiêu xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.

Toàn cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Vẫn còn nhiều bất cập

Đóng vai trò là cơ quan chuyên trách thực hiện các chức năng giải quyết KN, TC, chính vì vậy bản báo cáo tình hình, kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC từ năm 2008 – 2011 do Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trình bày tại Hội nghị đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các đại biểu tham dự.

Theo đó, trong suốt những năm qua, Thanh tra Chính phủ luôn phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo, lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ trong công tác giải quyết KN, TC; công tác hoàn thiện cơ chế, chính sách góp phần hạn chế phát sinh khiếu kiện mới được quan tâm; công tác tiếp dân ở các tỉnh, thành phố đã được củng cố thêm một bước; giải quyết được khối lượng lớn vụ việc mới phát sinh và nhiều vụ đông người, phức tạp; việc phối hợp giữa các cơ quan ở Trung ương và địa phương được quan tâm hơn, nhất là xử lý các tình huống phức tạp phát sinh trong khiếu nại, tố cáo.

“Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác giải quyết KN, TC tại nhiều địa phương còn bộc lộ nhiều yếu kém, hạn, đặc biệt là một số địa phương chưa thực hiện tốt công tác tiếp dân, chưa gắn công tác tiếp dân với công tác giải quyết KN, TC; nhiều vụ việc giải quyết còn chậm; một số vụ việc giải quyết không đúng chính sách, pháp luật và thực tế; nhiều địa phương chỉ chú trọng đến việc giải quyết hết thẩm quyền mà chưa quan tâm đến giải quyết dứt điểm; còn hiện tượng né tránh, đùn đẩy, thấy sai phạm nhưng chưa có biện pháp khắc phục…”, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh thẳng thắn đánh giá.

Theo bản báo cáo trên thì, trong giai đoạn 2008 – 2011, các cơ quan hành chính nhà nước đã tiếp trên 1.571.500 lượt người đến khiếu nại, tố cáo và tiếp nhận, xử lý 672.990 đơn thư. Đáng chú ý, trong năm 2011, số vụ việc tăng 26,4%; đoàn đông người tăng 64,5% so với năm 2008. Qua công tác giải quyết khiếu nại tố cáo, đã thu hồi về cho nhà nước gần 1.026 tỉ đồng, 1.241 ha đất; khôi phục quyền lợi cho 6.659 công dân với số tiền 595 tỉ đồng, 936 ha đất; kiến nghị xử lý hành chính 2.951 người; chuyển cơ quan điều tra 239 vụ, 382 người.

Đánh giá công tác KN, TC trong giai đoạn 2008 – 2011, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng: Mặc dù so với những năm 2006-2007 tình hình KN, TC từ năm 2008 – 2011 ở một số địa bàn có giảm, nhưng về tổng quan, tình hình KN, TC vẫn còn diễn biến phức tạp và bức xúc ở nhiều nơi. Có lúc, có nơi đặc biệt phức tạp, gay gắt, biểu hiện rõ nhất là số đoàn đông người tăng mạnh, thái độ công dân đi khiếu kiện thiếu kiềm chế, khiếu nại tố cáo vượt cấp lên Trung ương gia tăng, tình trạng đơn thư gửi tràn lan mang tính phổ biến. Có nhiều vụ việc phát sinh từ những năm trước, đã được xem xét, giải quyết nhưng công dân vẫn khiếu kiện kéo dài, nhất là các vụ việc khiếu nại về thu hồi đất, đòi lại đất cũ, tranh chấp đất đai…

Cũng theo bản báo cáo trên thì đất đai tiếp là một trong những điểm “nóng” trong công tác giải quyết KN, TC khi có tới 70% nội dung vụ việc liên quan đến lĩnh vực đất đai. Trong đó, phần lớn các vụ việc là KN về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế-xã hội; KN đòi đất cũ, tranh chấp đất đai trong nhân dân qua các thời kỳ nhưng chưa được giải quyết dứt điểm; KN đòi nhà cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ, đòi nhà thuộc diện thực hiện các chính sách về quản lý nhà…

Lý giải cho hiện tượng này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, hiện nay, nhiều chính sách, pháp luật về đất đai trong thời gian dài không đồng bộ, thiếu cụ thể và thiếu nhất quán. Việc thực hiện chính sách trong nhiều trường hợp tùy tiện hoặc không quan tâm đầy đủ đến lợi ích chính đáng của người sử dụng đất, gây nên những bức xúc. Mặt khác, hệ thống chính sách, pháp luật về đất đai từng bước đổi mới theo hướng ngày càng quan tâm lợi ích chính đáng của người sử dụng đất cũng tạo ra sự so bì, nhất là trong chính sách bồi thường, giải phóng mặt bằng. Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa quyền của Nhà nước với tư cách là đại diện sở hữu toàn dân về đất đai và quyền của người sử dụng đất đã được pháp luật công nhận. Điều đó dẫn tới nhấn mạnh quyền thu hồi đất của Nhà nước, nhấn mạnh việc tạo vốn từ quỹ đất mà chưa quan tâm đầy đủ lợi ích chính đáng của người sử dụng đất, đặc biệt là trong việc định giá đất bồi thường, xử lý mối tương quan giữa giá đất thu hồi với giá đất tái định cư. Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa lợi ích của xã hội, lợi ích nhà đầu tư với lợi ích của những người có đất bị thu hồi cũng chưa được giải quyết tốt. Việc quy định giá đất quá thấp so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường tuy có tác động tích cực tới việc khuyến khích nhà đầu tư nhưng lại gây ra những phản ứng gay gắt của những người có đất bị thu hồi.

Ngoài ra, ông Hiển cũng cho rằng, nguyên nhân của tình trạng KN,TC còn ở việc không chấp hành đúng các quy định của Nhà nước về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; thu hồi đất nông nghiệp để giao cho các nông trường, lâm trường nhưng sử dụng không có hiệu quả trong khi nông dân thiếu đất hoặc không còn đất sản xuất, đời sống khó khăn.

3 vấn đề lớn, 3 nhiệm vụ lớn

Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong lĩnh vực đất đai phải đảm bảo quyền lợi của người dân.

Thực tế công tác giải quyết KN, TC trong những năm qua là vậy, và để làm tốt nhiệm vụ này trong thời gian tới, từng bước khắc phục những tồn tại, hạn chế, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh nhấn mạnh: Thanh tra Chính phủ xác định nhiệm vụ chủ yếu trong thời gian tới là tạo điều kiện thuận lợi cho công dân thực hiện quyền KN, TC; chủ động xử lý các nhiệm vụ về KN, TC; kiểm soát tốt tình hình KN, TC, không để xảy ra “điểm nóng”; đối với các vụ việc phát sinh mới tập trung giải quyết đạt tỉ lệ trên 85%. Cùng với đó là tiếp tục rà soát, giải quyết dứt điểm các vụ việc tồn đọng, bức xúc, kéo dài.

Từ nhiệm vụ nêu trên, Thanh tra Chính phủ đề ra 6 giải pháp là tăng cường công tác quản lý đất đai nhằm hạn chế phát sinh KN, TC trên lĩnh vực này; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết KN, TC; củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các cơ quan làm nhiệm vụ tiếp công dân, giải quyết KN, TC; đảm bảo an ninh, trật tự trong giải quyết KN, TC; tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong giải quyết KN, TC và cuối cùng là tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về KN, TC để nâng cao hiểu biết pháp luật về KN, TC của cán bộ, nhân dân.

Còn theo Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển thì, để “chữa bệnh” KN, TC trong lĩnh vực đất đai và bảo đảm đảm quyền, lợi ích chính đáng của người dân, Thứ trưởng Chu Phạm Ngọc Hiển cho rằng, hơn lúc nào hết, cần phân định rõ các phương án xử lý. Cụ thể, việc giải quyết KN hành chính về đất đai thực hiện đúng chính sách, pháp luật chung về KN được quy định tại Luật KN năm 2011 và Luật Tố tụng hành chính năm 2010. Việc giải quyết TC về đất đai thực hiện theo quy định của Luật TC năm 2011.

Việc giải quyết tranh chấp đất đai mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 thì do cơ quan tòa án giải quyết. Trường hợp đương sự không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 thì thực hiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính, tuy nhiên cần xem xét lại quy định tranh chấp đã có quyết định giải quyết lần 2 của Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thì chỉ khởi kiện đến cơ quan tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính. Bộ TN&MT đã cụ thể hóa các kiến nghị này bằng Văn bản số 101/BTNMT-TTr gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Và những vấn đề trên đã được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được trong giải quyết KN, TC, tình hình KN, TC vẫn diễn biến hết sức phức tạp; còn nhiều vụ việc KN, TC tồn đọng, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.

Và để công tác giải quyết KN, TC đạt được kết quả cao nhất, từng bước xoá bỏ các điểm “nóng” trong công tác Thanh tra, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung vào 3 vấn đề lớn là: Giải quyết hiệu quả, dứt điểm các vụ việc KN, TC, nhất là các vụ việc KN, TC còn tồn đọng, kéo dài; hạn chế các vụ việc KN, TC liên quan đến đất đai; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích chung của đất nước, lợi ích của người dân khi bị thu hồi đất đai.

Thanh Ngọc