Thủ khoa nghèo: Các em cần được giúp đỡ

10:28 | 09/08/2013

785 lượt xem
Theo dõi Petrovietnam trên
|
Dẫu cuộc sống không cho các em sự trọn vẹn về vật chất, nhưng với niềm tin sắt đá, nghị lực và ý chí, các em quyết tâm vượt qua mọi bất hạnh của số phận. Trở thành thủ khoa đại học đã đặt viên gạch đầu tiên vững chắc cho ước mơ về một tương lai sáng của các em.

Những câu chuyện từ mảnh đất nghèo

Sinh ra và lớn lên từ mảnh đất quê hương còn nghèo, nơi những người nông dân lầm lũi, đầu tắt mặt tối trên cánh đồng, chỉ mong đợi vào sự học của đứa con sẽ thay đổi số phận. Bởi vậy, tiếng cậu học trò nghèo Trần Đức Thịnh đỗ thủ khoa Đại học Huế làm nức lòng người dân vùng cát trắng bãi ngang xã Vĩnh Thanh, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ý thức được cuộc sống khó khăn của gia đình, vùng quê, trong em luôn bùng lên ngọn lửa học tập.

Trần Đức Thịnh bên góc tường treo đầy giấy khen của em.

Từ những năm tiểu học đến THCS, Thịnh đã ẵm trong tay nhiều giải thưởng cao cấp huyện, cấp tỉnh. Khi trở thành học sinh trường chuyên Quốc học Huế, một cuộc sống tự lập mới xa nhà 45 km, không phụ lòng mong đợi của cha mẹ, chàng trai khuôn mặt kiên nghị tiếp tục làm tự hào gia đình, thầy cô bằng những giải thưởng như: Giải ba toàn tỉnh môn Toán, Vật lý; Huy chương Bạc giải Toán qua mạng Internet cấp quốc gia,…

Là anh cả trong một gia đình 5 anh em, bố là thợ điện, mẹ là thợ may gia công, thấu hiểu nỗi nhọc nhằn nuôi con khôn lớn bố mẹ, Thịnh đã nỗ lực phấn đấu trên con đường học tập. Với chàng trai vùng quê cát trắng, học là cách để đổi đời, để đặt chân tới một tương lại tươi sáng. Giành học bổng Vincom những năm học cấp 3, hiện tại, nỗ lực đó đã bù đắp bằng kết quả thủ khoa. Ước mơ trở thành bác sĩ của em đang dần tiến gần hơn.

Theo Trần Đức Thịnh: “Quê em vùng biển bãi ngang, cuộc sống còn nhiều thiếu thốn, nên người dân không quan tâm nhiều đến việc khám, chữa bệnh. Phải khi ốm đau quá nặng họ mới đến bệnh viện. Vì thế, từ nhỏ em đã ước mơ được trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người”.

Cũng như Trần Đức Thịnh, bước chân từ vùng đất Thanh Chương, Nghê An, nơi khí hậu làm mùa khắc nghiệt, chàng trai Võ Bá Ất trở thành học sinh duy nhất của trường THPT Thanh Chương I đỗ thủ khoa trường Sỹ quan thông tin. Xuất thân từ gia đình thuần nông, ngoài những buổi học trên lớp, Ất cũng tích cực phụ cha mẹ công việc thuần nông.

Khó khăn, sự động viên của người thân, hàng xóm, Võ Bá Ất luôn coi đó là động lực để phấn đấu học tập. 12 năm học, Ất đều là học sinh giỏi toàn diện, năm lớp 12 đạt học sinh giỏi tỉnh toán. Nỗ lực không ngừng, với 26,5 điểm đạt thủ khoa, Võ Bá Ât làm rạng danh quê hương Thanh Chương. Chặng đường phía trước chắc hẳn sẽ không trải màu hồng, nên em luôn tự nhủ cần phấn đấu, hy sinh nhiều hơn nữa.

Những thủ khoa bất hạnh

Sinh ra trên cuộc đời này, hẳn bất kỳ đứa trẻ nào đều mong muốn có cả cha lẫn mẹ. Nhưng đâu phải ai cũng may mắn nhận được tình yêu thương trọn vẹn. Vươn lên nỗi đau đó, trở thành thủ khoa đại học, các em đã khiến người ta khâm phục bởi chính ý chí, nghị lực phi thường.

Em Lê Minh Cường

Với Lê Minh Cường, dường như số phận nghiệt ngã đã in trên từng bước chân đi học của em. Bố ra đi vì ung thư khi em còn nhỏ. Chật vật sống trong gia đình 3 chị em, Cường đã phải từ bỏ niềm yêu thích học trường chuyên Lương Thế Vinh (Biên Hòa – Đồng Nai) để lên Sài Gòn học trường tư thục với suất học bổng toàn phần.

Chục năm qua, gia đình em vẫn nằm trong diện nghèo của xã. Ít ai biết được ngoài dáng vẻ thư sinh, khuôn mặt thông minh là những tháng ngày em vất vả theo chân mẹ và anh chị đi gặt lúa, chặt mía thuê, làm nương rẫy sau giờ học. Đỗ thủ khoa đại học sư phạm thành phố Hồ Chí Minh, ước mơ trở thành người thầy giáo đứng trên bục giảng của em đang dần được hiện thực.

Thủ khoa trường Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Hoàng Nam sinh ra ở Nam Định lại phải trải qua một con đường chông gai khác. Mồ côi cha từ khi còn trong bụng mẹ, cuộc sống của em cũng gặp nhiều khó khăn khi phải theo mẹ vào Nam, ra Bắc. Năm 2 tuổi theo mẹ lên Hà Nội, năm em học lớp 8, mẹ em vào TP.HCM công tác, em lại phải theo mẹ vào Nam. Dù phải di chuyển môi trường sống và học tập như vậy nhưng Nam vẫn có một thành tích học tập rất đáng ngưỡng mộ. Lên cấp 3, em thi đỗ vào lớp chuyên toán trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP HCM. 12 năm liền là học sinh giỏi. Năm lớp 10 và 11, Nam đoạt huy chương vàng môn toán trong kỳ thi Olympic truyền thống 30/4. Năm lớp 11, cậu đoạt giải khuyến khích môn toán trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia. Lớp 12 cậu đoạt danh hiệu học sinh giỏi cấp thành phố môn toán và môn vật lý. Thành tích gần đây nhất của Nam là thủ khoa Trường ĐH Bách khoa với số điểm 29  điểm. Từ nhỏ Nam đã có ước mơ trở thành kỹ sư xây dựng, được xây dựng những công trình lớn và kiến trúc hiện đại. Chúc cho ước mơ của Nam sẽ trở thành hiện thực trong tương lai.

Tuy không mồ côi cha và mẹ như Cường và Nam nhưng em Lê Thị Lan lại có hoàn cảnh gia đình vô cùng đáng thương. Bố em mắc bệnh tâm thần từ khi em mới được sinh ra, trong đôi mắt ngây thơ của em đã phải chứng kiến những trận đòn roi do người cha bệnh nặng trút lên người mẹ của em. Năm em 3 tuổi, mẹ em đã phải gửi em sang nhà ông bà ngoại để vào Nam kiếm tiền nuôi con. Lan hiểu hoàn cảnh gia đình mình, em không dám đòi hỏi gì cho bản thân, chỉ biết lao vào học để mong thay đổi số phận. Lan đỗ thủ khoa khối C khoa Luật- ĐH Quốc gia HN, nhưng niềm vui chưa kịp trọn, phía trước em vẫn còn bao nỗi lo toàn về học phí, về vấn đề tài chính. Cũng như bao bạn sinh viên khác, Lan dự định sẽ đi làm thêm để có tiền ăn học và trang trải cuộc sống.

Mỗi thủ khoa đại học nghèo, lại có những hoàn cảnh éo le riêng, nhưng sáng ngời lên trong khốn khó là niềm tin, nỗ lực vươn lên không ngừng, vượt qua số phận. Những năm đại học hẳn sẽ còn thử thách các em nhiều, nhưng với một kỳ vọng khôn nguôi, các em sẽ trở thành những cử nhân tương lai làm rạng danh gia đình, quê hương. Cánh cửa thành công chắc chắn sẽ mở cho những ai sẵn sàng đi qua mọi thử thách, chông gai.

Mai Linh

DMCA.com Protection Status