Thu hút bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh

19:53 | 21/12/2019

405 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Để thu hút người nước ngoài đến chữa bệnh, cả bệnh viện công lập, ngoài công lập cần tạo uy tín bằng chuyên môn tốt chứ không phải chỉ quảng bá, "đánh bóng" tên tuổi.
thu hut benh nhan nuoc ngoai den viet nam chua benhĐơn thuốc ung thư gần 130 triệu đồng: Bệnh viện K khẳng định hoàn toàn hợp lý
thu hut benh nhan nuoc ngoai den viet nam chua benhHơn 230.000 người Việt bị đột quỵ mỗi năm
thu hut benh nhan nuoc ngoai den viet nam chua benhCấp cứu thành công một bệnh nhân bị lưỡi cưa văng vào mặt

Đây là quan điểm của ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh, Bộ Y tế tại cuộc họp báo góp ý Đề án thu hút người nước ngoài, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài và người Việt Nam thu nhập cao khám, chữa bệnh chất lượng cao ở Việt Nam giai đoạn 2020-2030, do Bộ Y tế tổ chức mới đây.

Ông Khuê cho biết, năm 2018, các bệnh viện trong nước tiếp nhận 300.000 người là Việt kiều, người bệnh ở các quốc gia lân cận như Campuchia, Lào, người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam đến khám bệnh, 57.000 người trong đó đã điều trị nội trú.

thu hut benh nhan nuoc ngoai den viet nam chua benh
Không thể “đánh bóng” tên tuổi để thu hút bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam chữa bệnh

Hiện nay có khoảng 4 triệu người Việt Nam và người gốc Việt sinh sống ở hơn 100 quốc gia tại 5 châu lục, trong đó có khoảng 1,8 triệu người Việt sống tại Hoa Kỳ.

Chất lượng bệnh viện đã có sự tiến bộ rõ rệt trong vòng 5 năm gần đây, tuy nhiên chưa có bệnh viện công lập đạt chứng nhận chất lượng cấp quốc tế.

Do chưa có bệnh viện công lập đạt chứng nhận quốc tế nên người nước ngoài nếu khám chữa bệnh tại bệnh viện công lập sẽ không được các hãng bảo hiểm của nước ngoài chi trả.

Theo PSG.TS Lương Ngọc Khuê, bác sĩ Việt Nam hiện nay đã làm chủ được rất nhiều kỹ thuật điều trị cao không thua các nước khác, điển hình là các kỹ thuật làm răng, thụ tinh trong ống nghiệm, điều trị đột quỵ, ghép gan, ghép thận, ghép tim, chữa khớp, mổ nội soi, phẫu thuật mắt, kỹ thuật chẩn đoán…

“Chính sự phát triển này đã thu hút rất nhiều Việt kiều về nước điều trị. Ngoài ra, một trong những thế mạnh của y tế trong nước là chi phí thấp hơn các nước. Đây là điều đáng mừng nhưng các bệnh viện vẫn phải lưu ý”, ông Khuê nói.

Ông Khuê cũng cho biết, để thu hút bệnh nhân, điều đầu tiên cần làm là các cơ sở y tế trong nước phải tự làm tốt chuyên môn, có năng lực thực sự. “Mình phải tốt mới tạo được lòng tin. Phải đặt khẩu hiệu: Lấy người bệnh làm trung tâm, phải chăm sóc toàn diện, phải thay đổi tư duy phục vụ từ người bảo vệ, người tiếp tân, điều dưỡng cho đến bác sĩ điều trị”, ông Khuê nói.

Theo kết quả khảo sát nhanh do Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh thực hiện tháng 8/2019 tại 329 bệnh viện, 6 tháng đầu năm có 88.983 lượt người nước ngoài khám bệnh và 10.170 người nước ngoài điều trị nội trú tại các bệnh viện các tuyến. Đây là kết quả ban đầu đáng khích lệ. Do đó Bộ Y tế đã đề xuất chủ trương mới “Dây rút ngược” trong năm 2019, với quan điểm sáng tạo và bứt phá định hướng cho các bệnh viện đầu ngành, tuyến cuối, ưu tiên phát triển kỹ thuật chất lượng cao, thay vì tiếp nhận nhiều mặt bệnh như hiện nay.

Nguyễn Bách