Thợ điện “thời Covid”

11:00 | 01/05/2020

1,298 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - “Các anh mang balo đi đâu thế ạ?" - "Bọn anh đi chống dịch em à!”, khuôn mặt khuất sau lớp khẩu trang, ánh mắt hiện lên nét cười, anh công nhân Tổ thao tác lưu động Điện lực Sơn Trà nhoẻn miệng cười với chúng tôi rồi nhanh nhẹn bước vào khu vực cách ly tập trung của Điện lực.
Một giờ với anh thợ điện 42 lần tình nguyện hiến máu
Tản mạn về người công nhân ngành điện
Cho dòng điện chảy mãi
Thợ điện “thời Covid”
Thực hiện giao ca trực với khoảng cách 2m để đảm bảo an toàn

Mọi năm, Đà Nẵng bước vào tháng 4 với âm thanh, sắc màu rộn ràng, sôi động của các lễ hội... Những con phố nhỏ của thành phố biển cũng trở nên nhộn nhịp đón lượng lớn du khách trong nước và quốc tế. Trong cái nắng miền Trung với tiết trời dần oi ả, người thợ điện Điện lực Sơn Trà tăng cường vệ sinh, bảo dưỡng nguồn lưới điện, kiểm tra ngày, đêm và thi công, đưa vào sử dụng thêm nhiều công trình đầu tư phát triển nguồn, lưới điện, đáp ứng cái náo nhiệt, vui tươi trên khắp phố phường.

Năm nay thì khác. Một Đà Nẵng im ắng, phố xá trở nên vắng lặng hơn. Nhiều hoạt động vui chơi, giải trí được tạm ngừng để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch. Cứ ngỡ, công việc của các anh công nhân điện lực cũng theo đó mà vơi đi phần nào nhưng thực tế nhu cầu sử dụng điện của nhân dân vẫn vậy, chỉ khác là chuyển từ sản xuất, kinh doanh dịch vụ sang sinh hoạt gia đình. Vậy là những người công nhân ấy, đã có hơn nửa tháng xa gia đình để đảm nhận công tác trực xử lý sự cố, đảm bảo điện trong thời gian phòng, chống dịch bệnh.

Việc thực hiện cách ly xã hội, cùng với thời tiết nắng nóng khiến công suất hoạt động của các thiết bị điện nhiều hơn bình thường, các phụ tải khu vực dân cư cũng theo đó mà tăng lên, làm nhảy aptomat, gây sự cố điện. Nhận được tin báo, các công nhân lại hối hả với vòng quay công việc, tìm đến các điểm sự cố để khôi phục cấp điện lại phục vụ khách hàng. Khối lượng công việc, sự vất vả, tất bật của các anh như nhân lên gấp bội bởi yêu cầu cấp thiết đảm bảo điện cho các cơ cách ly tập trung, các bệnh viện, cơ sở y tế và không thể thiếu là điện phục vụ sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn trong thời gian phòng ngừa dịch bệnh.

Thời điểm này là lúc học sinh nghỉ học do dịch bệnh, hoạt động thả diều trên địa bàn thành phố cũng vì thế mà sôi động hơn. Nhận thấy nguy cơ mất an toàn điện từ những cánh diều sặc sỡ màu sắc ở các địa điểm trên địa bàn trong thời gian gần đây, nên ngoài công việc xử lý sự cố, các công nhân còn cẩn thận rà soát trên các tuyến đường như: Lê Văn Hiến, Ngô Quyền, Chương Dương, Bạch Đằng, Trần Hưng Đạo… để kiểm tra và nhẹ nhàng nhắc nhở một bộ phận người dân và các em nhỏ không thả diều gần đường dây điện, tránh những nguy cơ đáng tiếc có thể xảy ra. Sau những ca trực, các anh lại trở về điểm tập trung để ăn vội miếng cơm rồi tiếp tục quay lại với nhịp công việc. Lắm lúc cảm nhận những người “lính” áo cam ấy đang làm việc, sinh hoạt như trong môi trường quân đội, bởi mọi thao tác trong thực hiện nhiệm vụ đều phải thực hiện theo đúng quy định, không lơ là, chủ quan. Các vị trí vận hành đều được các anh thực hiện nghiêm biện pháp an toàn khi giao nhận ca, thực hiện chế độ phiếu, lệnh công tác, hay bàn giao hiện trường công tác... Sự cẩn trọng trong từng động tác công việc của người công nhân ngành điện không chỉ quy định trong quy trình công tác nhằm bảo vệ bản thân và đồng nghiệp mà còn bảo đảm công việc của các anh không bị gián đoạn bởi sự cố đáng tiếc do chủ quan.

Thợ điện “thời Covid”
Xử lý sự cố, khôi phục cấp điện tại nhà khách hàng

Khi được hỏi về những cảm xúc trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, công nhân phải tập trung làm việc, sinh hoạt tại đơn vị, anh Huỳnh Văn Út, người công nhân với gần 20 năm tuổi nghề tâm sự:“Cách ly tập trung như thế này tôi cũng nhớ mấy đứa nhỏ ở nhà. Thỉnh thoảng khi bớt việc thì gọi điện zalo, facetime nói chuyện một chút rồi lại ra hiện trường. Việc gia đình đành gửi gắm hết cho bà xã. Có vậy, tâm lý bản thân mới vững vàng, ổn định để giữ dòng điện thông suốt là đã góp phần vào việc phòng chống dịch”.

Còn với công nhân Lê Thanh Tùng, cậu em út trong tổ, được nằm trong đội hình “tuyến đầu” chống dịch của ngành điện thì: “Quãng thời gian này là một kỷ niệm đáng nhớ. Khi gia đình nghe tin tôi phải thực hiện cách ly tập trung tại điện lực thì cũng khá là lo lắng nhưng vẫn hiểu và động viên tôi cố gắng hoàn thành tốt công việc. Đây cũng là lúc người trẻ như tôi cùng góp sức cùng thành phố và cả nước đẩy lùi dịch bệnh này”.

Chính việc làm của anh Út, anh Tùng cùng nhiều CBCNV ngành điện đã đóng góp lặng thầm chung tay cùng cộng đồng trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh Covid-19. Hy vọng dịch bệnh sẽ mau chóng qua đi để cuộc sống trở lại vòng quay cũ, cũng vẫn với những bận rộn trong công việc, sự tận tâm phục vụ khách hàng... Nhưng những công nhân áo cam sẽ không còn những âu lo về việc cấp điện cho các cơ sở, đơn vị bị cách ly hay ảnh hưởng sức khỏe như trong mùa dịch bệnh.... Và quan trọng hơn cả là hằng ngày họ được trở về nhà với những người thân yêu sau thời gian thực hiện nhiệm vụ.

Minh Hương (EVNCPC)

  • el-2024