“Thiếu - thừa” trong phim Việt

07:10 | 23/04/2017

2,502 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Các nhà làm phim cho rằng, phim Việt hiện nay đang trong tình trạng thừa số lượng nhưng thiếu chất lượng; thừa lực lượng làm nghề nhưng lại có rất ít người chuyên nghiệp thật sự; và thiếu kinh phí đầu tư khi mà ai cũng muốn bỏ vốn ít nhưng lãi nhiều… Tất cả những nguyên nhân đó đã dẫn đến tình trạng phim Việt vẫn cứ “ì ạch” trong khi xung quanh đã tiến lên rất nhanh.

Đạo diễn (ĐD) Võ Ngọc: Phim Việt đang được sàng lọc

PV: Là một người hoạt động trong lĩnh vực phim ảnh nhiều năm, anh nhìn nhận thế nào về tình hình phim Việt hiện nay?

thieu thua trong phim viet

ĐD Võ Ngọc: Điện ảnh Việt Nam trong giai đoạn hiện nay đang trong một quá trình sàng lọc nhất định nào đó. Nhà đầu tư, nhà sản xuất đều rất đắn đo khi cho ra một sản phẩm. Đầu tư nhiều cũng không được mà ít cũng không xong. Và từ “cân đối” được nhắc đến nhiều nhất trong thời gian này.

PV: Nếu dùng từ để miêu tả toàn cảnh của phim Việt hiện tại anh sẽ dùng từ gì?

ĐD Võ Ngọc: Tôi dùng từ “rối loạn” để nói về tình hình phim Việt hiện tại. Hằng năm, chúng ta có rất nhiều phim ra mắt công chúng, nhưng rất hiếm phim thật sự để lại ấn tượng. Cách khai thác đề tài, nhân vật trong các phim cũng không theo bất kỳ một dòng nào rõ nét, tôi cảm giác là các nhà sản xuất đang chạy theo nhiều thị hiếu khác nhau của nhiều đối tượng khác nhau. Kinh dị cũng có, tình cảm, tâm lý, hình sự… đều có, nhưng không có cái nào đậm chất cả. Mạnh ai người đó đi và vì cái lợi nhuận nhiều hơn nên nhìn vào thấy “rối loạn”!

PV: Nhưng công bằng mà nói thì chất lượng phim Việt bây giờ đã có những thay đổi tích cực đáng kể so với khoảng 5 năm trước đấy chứ?

ĐD Võ Ngọc: Đúng là phim truyền hình lẫn điện ảnh Việt Nam hiện nay đã có những bước chuyển mình nhất định, tuy nhiên chưa phải là quá tốt so với điều kiện. Về đề tài, thể loại đã phong phú hơn, đặc biệt là sự xuất hiện của các đạo diễn Việt Kiều cũng như một số đạo diễn trẻ đã thổi được vào thị trường điện ảnh Việt Nam một luồng gió mới lạ trong cách thể hiện trên phim cũng như chiến lược PR để người xem có thể dễ dàng đến rạp. Tuy nhiên, mấu chốt quan trọng nhất vẫn là chất lượng phim, bởi đề tài có hấp dẫn, PR tốt nhưng phim tệ thì cũng bằng không.

PV: Nhiều người bảo phim Việt ngày càng làm theo kiểu mì ăn liền, đầu tư sơ sài. Chính điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phim Việt, anh nghĩ sao?

ĐD Võ Ngọc: Như tôi đã nói ở trên, do có quá nhiều phim, nhiều thể loại khác nhau xuất hiện trong một năm nên tính cạnh tranh bị đẩy lên quá cao, mức đầu tư cho phim thì lại luôn ở trong tình trạng đắn do, cần cân đối… Do vậy, một số phim khi sản xuất ra bị gọi là “mì ăn liền”, tức phim giải trí, đầu tư hạn chế về mọi thứ. Riêng bản thân tôi thấy, nói là “mì ăn liền” cũng không hẳn là đúng, chủ yếu là phim đó phục vụ cho đối tượng nào mà thôi. Chúng ta cũng có rất nhiều phim hay trong thời gian vừa qua đấy thôi, nhưng có đáp ứng được với thị trường hay không thì lại là một chuyện khác. Cho nên tôi nghĩ nên dùng từ “phim thương mại giải trí” có lẽ sẽ phù hợp hơn là phim “mì ăn liền”.

PV: Quan sát thì thấy tuổi thọ của phim ảnh bây giờ quá ngắn, bởi nhiều phim vừa ra rạp đã lặn mất tăm… Trong khi đó, có những phim làm hàng chục năm trước nhưng bây giờ khán giả vẫn còn đầy ấn tượng, như “Mùa len trâu”, “Bao giờ cho đến tháng Mười?”... Do phim không hấp dẫn hay do bây giờ khán giả có quá nhiều lựa chọn, thưa anh?

ĐD Võ Ngọc: Đó chính là điều bức xúc của bản thân tôi cũng như của rất nhiều nhà sản xuất phim hiện tại. Rõ ràng phim nhiều thì tính cạnh tranh và sàng lọc sẽ cao, cho khán giả có được nhiều quyền lựa chọn nên xem phim gì. Nhưng thật sự với mức 1 tuần 1 phim Việt mới ra rạp như hiện tại thì quá khủng khiếp cho nhà đầu tư sản xuất phim. Nếu đầu tư cao quá chắc chắn việc thu hồi vốn là một vấn đề lớn, chưa nói đến chuyện có lời lãi rồi.

Hiện tại, tuổi thọ của một phim tốt cũng chỉ nằm ở mức 14-20 ngày, không thì chỉ 3 ngày đầu ra rạp sẽ vắng ngay. Và trong tình trạng này thì khán giả là người được lợi nhiều nhất, bởi nhà đầu tư sẽ phải luôn cố gắng làm sao cho sản phẩm của mình được tốt nhất để không bị “văng” ra khỏi rạp.

Số lượng phim tất nhiên sẽ tác động đến tuổi thọ phim ngoài rạp do tính cạnh tranh giữa các phim; và yếu tố quyết định thì vẫn là chất lượng, nội dung phim. Nói như thế không có nghĩa là hiện tại chúng ta không có phim hay, thật ra thời nào cũng có những phim hấp dẫn, chẳng qua là bây giờ, phim quá nhiều, cả phim trong nước và những bom tấn quốc tế khán giả cũng có thể dễ dàng tiếp cận nên dù có một phim thật sự ấn tượng thì ấn tượng về nó cũng không thể kéo dài như ngày trước!

thieu thua trong phim viet
“Zippo, mù tạt và em” và “Sài Gòn, anh yêu em” là hai phim chiến thắng giải Cánh diều 2016

PV: Có rất nhiều khán giả Việt ra rạp thích xem phim nước ngoài hơn là xem phim Việt, bởi nhiều lần họ “hối hận” vì mất tiền, mất thời gian cho một bộ phim “nhảm”. Anh nghĩ sao?

ĐD Võ Ngọc: Tạo một thói quen, một sở thích để mọi người đến rạp xem phim Việt là cả một vấn đề không hề đơn giản, giữ được chân họ lại càng khó khăn hơn. Có thể do một số phim chưa tốt mà làm người xem cảm thấy mất niềm tin vào phim Việt, điều này các nhà đầu tư sản xuất phim phải xem xét lại vì số lượng phim “bom tấn” của nước ngoài đang ngày một nhiều hơn… Thế nên, nếu chất lượng không tốt, anh đầu tư và đưa ra một sản phẩm không chất lượng, không phù hợp với người xem thì coi như anh đang tự mình tạo khoảng cách với khán giả của mình.

PV: Cụ thể thì theo anh, yếu tố nào quyết định khiến khán giả tự tin bước đến rạp xem phim Việt trước cuộc đổ bộ của nhiều bom tấn quốc tế hiện nay?

ĐD Võ Ngọc: Tôi chỉ muốn nói với khán giả một điều rằng, hãy có niềm tin với chúng tôi - những người làm phim Việt. Vì tôi cũng như các đạo diễn khác luôn khát khao và mong muốn làm ra được một sản phẩm tốt, tốt hơn nữa và thật tốt, để khán giả có thể đến rạp xem sản phẩm của chúng tôi. Chúng tôi không ngừng hoàn thiện, phát triển để ngày càng có nhiều phim thật chất lượng, phù hợp với mọi người, hy vọng ngày càng cuốn hút mọi người đến rạp đông hơn.

PV: Theo anh thì thời kỳ “ông hoàng phòng vé” có còn phù hợp với tình hình phim ảnh hiện tại nữa không?

ĐD Võ Ngọc: Tôi rất thích câu hỏi này, vấn đề “ông hoàng hay bà hoàng phòng vé” lại chính là do khán giả tự đánh giá và đưa họ lên trên tất cả một sản phẩm mang tính tập thể. Tuy nhiên, khán giả đã ngày càng khắt khe hơn trong vấn đề này, đơn cử là một số diễn viên được xem là “ông hoàng phòng vé” nhưng vẫn phải nhận thất bại về mặt doanh thu thời gian gần đây.

Mặc dù các nhà đầu tư luôn rất thích những diễn viên này vì họ là bảo chứng về mặt doanh thu cho phim, hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro về doanh thu đem về. Tuy nhiên, có cái đúng cũng có cái sai trong vấn đề này, nếu anh không xây dựng một kịch bản phim tốt, một ê-kíp làm việc không chuyên nghiệp, các bạn diễn không phối hợp ăn ý với “ông hoàng” đó thì chưa chắc sản phẩm đó đã thành công. Với tôi, điều quan trọng nhất vẫn là kịch bản phim, đó là yếu tố tiên quyết cho thành công của một bộ phim.

PV: Cảm ơn anh đã chia sẻ!

Diễn viên Thanh Trúc: Làm diễn viên quá dễ!

thieu thua trong phim viet

Hiện nay, phim truyền hình của chúng ta được sản xuất ồ ạt, song chất lượng vẫn là điều đáng bàn, hay nói thẳng ra đang ngày càng hiếm những phim hay thật sự. Một bộ phim truyền hình hấp dẫn hay không thì tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, nhưng quan trọng nhất vẫn là kịch bản, đạo diễn, diễn viên và mức độ đầu tư.

Kịch bản không hay thì đạo diễn và diễn viên có tài đến mấy cũng khó lòng thay đổi được. Mà nguồn kịch bản hay, có tính hấp dẫn, khai thác đề tài mới lạ hiện nay thì lại rất ít. Nhìn những phim Việt hóa, phim mua kịch bản từ nước ngoài ăn khách là một nỗi đau lòng cho phim ảnh Việt.

Phim Việt hiện nay đang thừa nhưng thiếu nhân lực và thiếu đầu tư. Đạo diễn nhiều nhưng người thật sự có tay nghề thì ít. Đặc biệt nhất là dàn diễn viên. Một bộ phim có kịch bản hay, tất cả đều tốt nhưng nếu có một diễn viên chính hay thứ chính mà diễn tệ thì chất lượng phim mất đi phân nửa, tức gần như khiến một phim hay thành dở; điều này càng thấy rõ ở vài phim điện ảnh vừa qua. Mà chất lượng diễn viên trẻ hiện nay thì rất phập phù.

Tôi thấy hiện nay, không làm gì dễ bằng làm diễn viên. Ca sĩ, người mẫu làm diễn viên, một dân tay ngang từ đâu cũng có thể làm diễn viên. Mà điều đáng nói nhất là nhiều bạn trẻ đó dễ tự mãn, kiêu căng, đóng được vài phim là đã vỗ ngực xưng tên là diễn viên điện ảnh. Nhiều bạn trẻ đóng phim không hề biết diễn nhưng đạo diễn cũng cho qua.

Rồi cuối cùng là kinh phí đầu tư, nhà đầu tư bao giờ cũng muốn bỏ tiền ra ít mà lãi nhiều. Mà kinh phí không nhiều thì khó mà có phim chất lượng! Rồi đến những nhà đầu tư có tâm, nhưng khi kinh phí đã ấn định thì cũng hiếm ai dám bỏ thêm tiền ra để bộ phim được tốt nhất. Sự hạn hẹp kinh phí khiến phim cứ trong vòng lẩn quẩn, chưa bứt phá lên được.

Nhưng cũng phải ghi nhận là trong vài năm vừa qua, phim ảnh miền Bắc đã có những chuyển biến tích cực, đã có những bộ phim ấn tượng thật sự, đó là “Zippo, mù tạt và em”, “Hôn nhân trong ngõ hẹp”… gần đây thì có “Sống chung với mẹ chồng”. Hy vọng đó sẽ là khởi đầu cho phong trào phát triển mới của phim truyền hình Việt.

Đạo diễn Nguyễn Hữu Phần: Nhàm chán đề tài hài nhảm

thieu thua trong phim viet

Nhìn chung thị trường phim Việt những năm gần đây có nhiều chuyển biến, nhưng vẫn chưa thật rõ rệt. Về số lượng gần đây rất khá. Khoảng 5 năm trước, chúng ta chỉ có phim mùa tết, cứ mỗi dịp tết đến là người ta tranh nhau làm vài ba phim để chiếu tết.

Nhưng gần đây, số lượng phim đều, mỗi năm cho ra lò khoảng 25-30 phim/năm, nhất là năm 2016 có đến 45 phim được phát hành, mà toàn phim tư nhân chứ không có phim do Nhà nước đặt hàng. Vậy chúng ta có thể thấy, cuộc đua trên thị trường điện ảnh đang tốt về số lượng. Tuy nhiên, nói đến chất lượng nghệ thuật cũng như nội dung thể hiện tính nhân văn, nhân ái, các thể loại phim chính luận dường như đang bị bỏ quên. Tôi nghĩ đó là sự thiệt thòi.

Các nhà sản xuất phim đang mải chạy theo thị trường, mải nghĩ cách làm sao để chiều khán giả. Thế nhưng, vừa qua khá nhiều phim thị trường thất bại, nhiều phim không thu hồi được vốn, thậm chí còn lỗ to. Cũng bởi, các nhà làm phim chạy theo thị hiếu khán giả nhưng lại đoán thị hiếu khán giả chưa sát. Thời “cái tên bảo chứng phòng vé” đã không còn, đơn cử như phim “Fan cuồng” những cái tên như Hoài Linh, Thái Hòa tưởng là sẽ thắng lớn đấy, nhưng khi ra rạp vẫn ế.

Vấn đề là khán giả trẻ hiện nay họ được tiếp cận với điện ảnh nước ngoài nhiều, tự thân họ đã được nâng cao về kiến thức điện ảnh nên họ không chấp nhận những thứ vớ vẩn nữa. Vậy nên, trước đây nhiều người hỏi tôi: Làm thế nào để chất lượng điện ảnh Việt Nam cao hơn? Tôi bảo rằng chúng ta không thể tự nhiên sinh ra các tài năng để làm phim được cao hơn, nhưng nếu chúng ta có một lớp khán giả ưu tú hơn thì buộc chúng ta phải làm cao hơn, anh nào không làm được cao hơn thì tự anh đó trở thành đồ vứt đi…

Ai đáp ứng được thị hiếu khán giả mới trụ lại được, nên chúng ta có một việc rất quan trọng là nâng cao trình độ khán giả mà các nước điển hình như Hàn Quốc, họ đã làm việc này rất tốt. Họ đã tổ chức các hoạt động điện ảnh cộng đồng tại các trường học, thậm chí các tổ chức, họ dạy khán giả hiểu về điện ảnh, về làm phim… Nên khi khán giả xem phim họ có trình độ nhận thức về phim. Còn chúng ta thì chưa có nên cứ bị loay hoay với câu hỏi: Liệu rằng làm thế này thì khán giả đã thích chưa?!

Trong khuôn khổ “Liên hoan phim quốc tế Hà Nội” vừa qua, tôi thấy có những phim khá thành công như “Sài Gòn, Anh yêu em”, hay “Chờ em đến ngày mai” cũng là phim thị trường nhưng sạch sẽ, không bị trở thành hài nhảm. Tuy nhiên, nhìn chung thì số lượng phim có được hiệu quả kinh tế cũng như chất lượng nghệ thuật rất ít. Nên tôi đồ rằng đến năm 2017, số lượng phim sẽ không bằng năm trước nữa vì chúng ta đi vào ổn định, hướng tới chọn lọc.

Với phim truyền hình, tại liên hoan phim vừa qua tôi phải xem trên 500 tập phim thì thấy rằng: Phim truyền hình cũng buộc lòng phải tính đến hiệu quả kinh tế, nghĩa là quảng cáo trong phim. Nhưng nhiều hãng phim họ lại chủ động được nguồn vốn nên vẫn đa dạng được đề tài.

Nhìn chung lực lượng phim của miền Bắc vẫn chững chạc, có nghề và nội dung phim chạm đến những vấn đề rất đáng kể của xã hội như: “Lựa chọn cuối cùng”, “Chiều ngang qua phố cũ”, “Nguyệt thực”… Những bộ phim này đặt thẳng đến những vấn đề xã hội rất thú vị. Còn các nhà làm phim phía Nam lại chạy theo thị hiếu khán giả, cảm tưởng có phần xô bồ và chỉ chạy theo những đề tài cũ. Ví dụ, những bộ phim kiểu như cảnh sát hình sự, điều tra vụ án liên quan đến tổ chức xã hội đen, cướp bóc, đánh nhau… thì họ say sưa khai thác dàn trải kiểu đời ông, đời bố, đời con rồi đưa vào những tình tiết chưa hợp lý chỉ để cài cắm võ thuật, thậm chí cảnh sex… để câu khách.

Theo tôi, chạy theo một đề tài sẽ gây nhàm chán, chúng ta phải biết điểm xuyết cái này, cái kia sẽ thu hút hơn, đừng nghĩ phim chính luận là không ăn khách. Và trong điều kiện có tính hạn chế như thế này thì các nhà làm phim hãy quan tâm hướng đến những đề tài có chút nghệ thuật, liên quan đến đời sống thì tốt hơn. Ví dụ trong liên hoan phim vừa qua thì những bộ phim về thiếu nhi, về người già rất cần nhưng không có, các phim hướng đến lao động sản xuất kinh doanh, doanh nhân, doanh nghiệp, thậm chí người nông dân cũng chưa… Vậy mới nói, cần hướng tới những cái đời hơn.

Chúng ta đang hoạt động trong vòng xoáy cơ chế phim thị trường. Nói đến thị trường có nghĩa là cái gì ra lãi thì chúng ta làm, nhưng khi làm văn hóa, nghệ thuật, ngoài việc lãi chúng ta còn phải có trách nhiệm đối với xã hội, đối với con người. Nên các nhà làm phim cần phải tỉnh táo để làm ra những bộ phim vừa có hiệu quả kinh tế, thậm chí không chạy theo hiệu quả kinh tế quá cao để vẫn đáp ứng được yếu tố văn hóa, xã hội, để người dân được nâng cao, hiểu biết được vấn đề.

Như bộ phim “Chiều ngang qua phố cũ” của Trịnh Lê Phong với dàn diễn viên cũng được cho là cứng cáp như: Công Lý, Đức Khuê, Minh Trang… Họ chọn làm đề tài rất con người Hà Nội. Câu chuyện được chuyển tải trong phim là một nhà có 5 anh em, họ cùng được thừa hưởng một ngôi nhà cổ từ tổ tiên để lại. Đến một ngày tình huống đưa ra là họ phải bán ngôi nhà đó đi để chia nhau. Việc có bán ngôi nhà đi hay không dẫn người xem đến những tình huống…

Mặc nhiên, là khán giả chúng ta hay đứng về phía không đồng ý bán, đó là hướng nhìn quen thường thấy, nhưng cuối cùng họ giải quyết rất giỏi là bán đi để anh em trong gia đình giữ được hòa khí, được sự đoàn kết, nhân ái với nhau. Đó là cái kết bất ngờ, vấn đề đặt ra khá thú vị và có tính khái quát với xã hội chứ không bàn về việc ai đòi bán nhà là xấu. Đồng thời cũng đi đến giải thích được những cái xấu ấy có lý khi vợ, con người ta đang đau ốm thì giữ khư khư cái nhà làm gì?!

Tôi cho rằng, đó là cái được của bộ phim khi chạm đến đời sống và đưa ra được những xu hướng mới, đó là điều rất cần được phát huy trong phim Việt hiện nay!

Trúc Vân - Huy An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.