Thiệt hại tiền tỉ vì dịch bệnh tấn công tôm sú

09:20 | 07/04/2012

1,523 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo thống kê đến đầu tháng 4, riêng trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu hiện có trên 1.270 ha tôm nuôi chết, ước thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng.

Phần lớn diện tích tôm sú nuôi theo mô hình công nghiệp bị thiệt hại 100%, tập trung nhiều nhất trên địa bàn các huyện Hòa Bình, Giá Rai và TP Bạc Liêu. Tôm chết, hàng ngàn hộ dân gặp nhiều khó khăn, do phải bỏ ra số vốn khá lớn để cải tạo đất, ao đầm, xử lý muôi trường, mua con giống thả nuôi…

Xử lý ao nuôi tôm sú công nghiệp bị dịch bệnh

Qua đánh giá bước đầu, nguyên nhân dẫn đến tôm chết hàng loạt là do nguồn tôm giống (sú post) kém chất lượng, môi trường nước bị ô nhiễm nặng, hệ thống thủy lợi không đảm bảo, thời tiết diễn biến bất thường…

Nhằm giúp các hộ dân nuôi tôm sú sớm khắc phục diện tích thiệt hại, thả nuôi lại kịp vụ mùa, hạn chế tôm chết và ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên diện rộng, tỉnh Bạc Liêu đã cử nhiều cán bộ kỹ sư xuống tận ao đầm hướng dẫn bà con xử lý tôm bệnh đúng kỹ thuật, không thải nước ô nhiễm ra môi trường; đồng thời, hướng dẫn người nuôi tôm xét nghiệm mẫu nước, lựa mua tôm giống rõ nguồn gốc, sạch bệnh trước khi thả nuôi.

Về giải pháp lâu dài, sẽ xem xét hỗ trợ tiền hoặc con đối với hộ thật sự khó khăn, không còn khả năng tái sản xuất; tỉnh Bạc Liêu cũng đang chỉ đạo nhanh tiến độ triển khai thực hiện thi điểm bảo hiểm trên con tôm theo Quyết định 315/QĐ của Thủ tướng Chính phủ và hoàn thiện quy định về chính sách hỗ trợ thiên tai, dịch bênh trên cây trồng, vật nuôi để kịp thời hỗ trợ người nuôi tôm trong lúc khó khăn.

Mô hình nuôi tôm quảng canh ở Bạc Liêu

Bạc Liêu có diện tích nuôi tôm khoảng 120.000 ha, trong đó, mô hình nuôi CN&BCN hơn 10.000 ha, lúa- tôm gần 30.000 ha, còn lại nuôi theo mô hình quảng canh, quảng canh cải tiến. Do gần đây giá tôm nguyên liệu trên thị trường đứng ở mức cao, khan hiếm hàng, nên nhiều hộ nông dân không cững lại trước áp lực giá cả, thả nuôi “vượt gào”, không đúng lịch thời vụ, bất chấp khuyến cáo của ngành chuyên môn; cải tạo ao đầm không đúng kỷ thuật, mua con giống kém chất lượng, nhiễm bệnh… dẫn đến tôm chết hàng loạt.

Phan Thanh