Thiệt hại không chỉ tại trời

13:58 | 08/08/2017

2,608 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Mưa lớn trên diện rộng đang báo hiệu sự bất thường của thời tiết năm nay. Có nơi, lượng mưa đo được từ đầu mùa hè đã xấp xỉ lượng mưa trung bình của cả năm trước đây.

Đặc biệt, chỉ trong 3 ngày đầu tháng 8 này, các tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, đã có 36 người chết và mất tích; hơn 400 ngôi nhà bị hư hỏng sạt lở, cuốn trôi...

Trong điều kiện kinh tế xã hội đang phát triển như hiện nay mà 3 ngày có tới 36 người chết và mất tích do mưa lũ là chuyện thật đau lòng. Còn thiệt hại về của cải, vật chất thì chưa thể thống kê hết được. Mùa mưa còn dài, khó lường hết được những diễn biến xấu tiếp theo.

thiet hai khong chi tai troi
Mố cầu Nậm Păm bị lũ cuốn

Mặc dù các cấp chính quyền, người dân đã chủ động phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ, hạn chế phần nào thiệt hại nhưng vấn đề đặt ra ở đây là, ngoài yếu tố bất thường của thời tiết, còn có sự chủ quan, chưa chủ động ứng phó với lũ, lụt của người dân và cơ quan chức năng.

Sau những đợt mưa lũ mới thấy công tác quy hoạch, xây dựng các công trình thiếu sự đồng bộ, dẫn đến những hậu quả thiên tai khó lường.

Thực tế cho thấy, khi thực hiện phương châm “bốn tại chỗ” trong phòng chống thiên tai, bão lụt đã bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập, nhất là khi lũ chồng lũ, gây ngập sâu trên diện rộng và kéo dài. Nhìn lại những đợt mưa lũ, bão vừa qua, hầu như phương châm “bốn tại chỗ” rất khó phát huy được những ưu điểm vốn có của nó. Bởi vì nước dâng quá nhanh nên chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều địa phương đã bị cô lập hoàn toàn. Nhiều nơi, các phương tiện cứu hộ còn rất thiếu và thô sơ. Trong khi đó, các công trình dân sinh tránh lũ chưa được đầu tư xây dựng nhiều cho nên để cứu được dân, các lực lượng chức năng phải mất nhiều công sức, thời gian di chuyển, dẫn đến hiệu quả công tác cứu hộ chưa cao. Đối với cán bộ cơ sở, nhà của họ cũng bị thiệt hại nặng do lũ cho nên họ cũng không có nhiều thời gian lo việc chung.

Nhìn lại những đợt mưa lũ, bão vừa qua, hầu như phương châm “bốn tại chỗ” rất khó phát huy được những ưu điểm vốn có của nó.

Nguyên nhân dẫn đến những thiệt hại nặng nề do mưa lũ còn vì một bộ phận người dân, chính quyền địa phương chủ quan, thiếu kỹ năng ứng phó, chưa thực hiện nghiêm túc, triệt để công điện của Chính phủ và các cấp, nhất là khi lũ lên nhanh. Ngoài ra, công nghệ dự báo bao gồm hệ thống quan trắc, ra-đa, mạng lưới trạm khí tượng thủy văn, nhất là tại các vùng địa hình phức tạp, chia cắt còn chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác dự báo mưa lũ ngày càng đòi hỏi phải chính xác và sớm hơn. Nhiều hồ chứa thiếu thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn khu vực thượng lưu hồ, thiết bị thông tin cảnh báo, xây dựng và cập nhật bản đồ ngập lụt, phương án bảo đảm an toàn hạ du. Cùng với đó, việc vận hành điều tiết, xả lũ, cũng như thông tin về vận hành xả lũ của một số hồ chứa chưa hợp lý, gây khó khăn cho công tác ứng phó ở hạ du; thông tin xả lũ đến với người dân quá muộn, gây thiệt hại.

Hằng năm, Nhà nước đã phải chi một khoản ngân sách khá lớn cho công tác phòng, chống thiên tai, bão lụt. Nhiều cuộc diễn tập được được tổ chức rầm rộ ở các địa phương, được đánh giá là thu được kết quả tốt. Thế nhưng, khi có thiên tai, bão lũ thì mới thấy những cuộc “đánh trận giả” ấy chỉ tốn kém chứ không sát thực tế, mang lại hiệu quả thấp.

Muốn giảm được thiệt hại do mưa lũ, theo các chuyên gia, công tác dự báo phải được đặt lên hàng đầu. Dự báo có chính xác thì công tác chỉ đạo, điều hành mới đúng, trúng. Vì vậy, về lâu dài, cũng cần tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ làm công tác dự báo. Ngoài ra, cần đầu tư phương tiện, trang, thiết bị phù hợp thực tế địa phương, củng cố lực lượng làm công tác tìm kiếm cứu nạn để xử lý các tình huống phức tạp và chủ động sơ tán dân khi có lũ lớn.

Ở những khu vực có nguy cơ sạt lở cao, địa phương cần vận động người dân di dời nhà cửa, tái định cư tại những nơi an toàn. Mặc dù công việc này rất khó bởi tư duy của bà con dân tộc thiểu số từ lâu thích ở ven sông suối, sườn núi dốc. Cần giải thích, vận động bà con thấy được sự nguy hiểm và nhất là thực tế đã xảy ra để bà con nhận thức được và thay đổi.

Thiệt hại do thiên tai, lũ lụt hằng năm quá lớn và cũng chứng minh rất sinh động rằng, nguyên nhân không chỉ do ông trời mà còn do con người. Sự chủ quan, coi thường cảnh báo và lơ là với việc phòng, chống là những khiếm khuyết lớn mà người dân cũng như các cơ quan chức năng cần khắc phục. Bởi sau mỗi mùa mưa lũ, kinh tế xã hội đều ảnh hưởng nặng nề, đời sống của hàng triệu người dân bị ảnh hưởng.

Xuân Anh

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc