Thiền không dễ dịch chút nào…

08:16 | 10/05/2014

|
Bạn đọc: Nghe nói ông An Chi vừa được ông Lý Việt Dũng tặng một quyển sách trong đó có phần “Góp ý bản dịch Thiền Uyển Tập Anh (Anh Tú Vườn Thiền) của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga”. Rồi theo lời của chính ông thì bản dịch này có nhiều cái sai “ngoạn mục”. Ông có thể cho biết một số chỗ như ông đã nói? Xin cảm ơn ông. Nguyễn Tú Thuần (Hoàn Kiếm, Hà Nội)

Học giả An Chi: Trước nhất, chúng tôi xin nói rõ rằng quyển sách mà chúng tôi vừa được thân hữu Song Hào Lý Việt Dũng tặng mới chỉ là một bản in vi tính, có nhan đề tạm là “Lạm bàn một số điểm chưa đạt” (trong đó có bản dịch Thiền Uyển Tập Anh [Anh tú vườn thiền] của Ngô Đức Thọ - Nguyễn Thúy Nga, dịch từ nguyên bản chữ Hán khắc in năm Vĩnh Thịnh thứ 11 [1715]). Dưới đây là những lời nhận xét của Lý Việt Dũng mà chúng tôi dẫn lại sau khi đưa ra những chỗ sai của hai dịch giả Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga trong bản “Thiền Uyển Tập Anh” do Nxb Văn học tái bản năm 1993.

“Thiền Uyển Tập Anh tự” có đoạn “hữu vãn nhập huyền môn, chú liên hiển Đồ Trừng chi bí”. Đoạn này được hai dịch giả chuyển ngữ như sau: “(…) cũng có kẻ muộn đến cửa huyền mà làm hiển rạng bí chú của Đồ Trừng” (Sđd, tr.26). Lý Việt Dũng nhận xét:

“Hai ông dịch như vậy là đã bỏ sót hai chữ “chú liên” [咒蓮], một chi tiết quan trọng mô tả bí thuật của Phật Đồ Trừng. “Chú liên” là “chú sen”, chỉ pháp thuật của Phật Đồ Trừng, đọc chú làm cho hoa sen mọc lên từ một bát nước. Sự tích lấy từ chuyện Phật Đồ Trừng gặp Thạch Lặc và bị Thạch Lặc hỏi khó: “Đạo Phật có gì linh nghiệm?”. Đồ Trừng biết Lặc không có khả năng hiểu nổi chỗ vi diệu của đạo pháp, phải dùng đạo thuật để trưng bằng cớ thì Lặc mới tin nên đáp: “Đạo lớn tuy xa nhưng có thể lấy việc gần để làm chứng”. Bèn lấy một cái bình bát đựng đầy nước, đốt hương và niệm chú thì phút chốc mọc lên một hoa sen xanh, sắc đẹp lóa mắt. Lặc nhân đó tin phục ngay. (“Cao tăng truyện”, quyển 9). Vậy đoạn văn trên, có lẽ nên dịch là: “Có kẻ muộn vào cửa thiền, đọc chú sen mọc để hiển lộ bí chú của Phật Đồ Trừng”.

Cũng bài tựa đó có câu: “(…) cố phi dư chi phận nội sự dã. Nhiên Dịch hữu “đồng mông cầu ngã” chi thuyết, bất đắc bất tùng y sở thỉnh, vi chi chính kỳ khuyết thất, trợ kỳ di lậu”. Hai ông dịch: “(…) cố nhiên đó không phải là phận sự của tôi. Nhưng Kinh Dịch từng nói: “Trẻ nhỏ cầu ta kể chuyện, không thể không nghe theo”. Tôi đành phải nhận lời với nhà sư sửa lại chỗ sai, bổ vào chỗ sót”. Lý Việt Dũng nhận xét:

Hai ông dịch như vậy là do không đọc kỹ Kinh Dịch nên mới tưởng lầm câu nguyên văn trong Kinh Dịch là: “Đồng mông cầu ngã chi thuyết, bất đắc bất tùng”. Thật ra, người viết lời tựa cho Thiền Uyển Tập Anh chỉ trích ở Kinh Dịch có bốn chữ “đồng mông cầu ngã” mà thôi. Còn “Nhiên Dịch hữu […] chi thuyết, bất đắc bất tùng y sở thỉnh […]” đều là của người viết lời tựa. Vây nghĩa của nguyên đoạn là: “[…] dĩ nhiên đó không phải là công việc thuộc bổn phận của tôi. Nhưng Kinh Dịch có câu nói Trẻ nhỏ cầu ta nên tôi không thể không chiều theo lời thỉnh cầu của y (nhà sư) mà sửa giùm chỗ sai, bổ sung chỗ thiếu sót. Tiện đây, chúng tôi xin trích đủ nguyên văn đoạn Kinh Dịch liên quan đến bốn chữ “đồng mông cầu ngã”. Đó là quẻ Mông: “Phỉ ngã cầu đồng mông, đồng mông cầu ngã”. Như vậy thì sẽ không đúng nguyên văn Kinh Dịch, càng không đúng nguyên văn lời tựa nếu dịch thành: Trẻ nhỏ cầu ta nói chuyện, không thể không nghe theo”.

Trong truyện Thiền sư Viên Chiếu, hai câu:

 Dã hiên (sic) nhất thâm hộ

Thùy thức đẳng nhàn xao?

đã được ông Ngô Đức Thọ và ông Nguyễn Thúy Nga dịch thành:

Nhà sâu hiên im vắng

Ai biết bọn ta tìm. (Sđd, tr.60).

Lý Việt Dũng nhận xét:

Vì không để ý Dã Hiên là tên người nên hai ông mới dịch nhầm “dã hiên” thành “mái hiên im vắng”. Dã Hiên là tên trang viện của người nhà giàu đời Tống, sau bỏ nhà đi tu theo phái Vân Môn, pháp hiệu là Khả Tôn. Hai ông cũng không để ý “đẳng nhàn” có nghĩa là rảnh rang và vì bị ấn tượng chữ “đẳng” có nghĩa là nhóm, bọn nên mới dịch “thùy thức đẳng nhàn xao” là “ai biết bọn ta tìm” (…). Vậy hai câu này có nghĩa là: Cổng nhà sâu kín của cự phú Dã Hiên nay còn có kẻ nào rảnh rang đến gõ nữa?”.

Cũng tại truyện Thiền sư Viên Chiếu, hai câu:

Doanh sào liêm mạc thượng

Tu phát vi thiều kinh

Đã được hai ông dịch thành:

Xây tổ trên màn trướng

Tóc râu xõa cành lau (sđd, tr.65).

Lý Việt Dũng nhận xét:

Câu “Mấn phát vi thiều hành” đã bị hai ông phiên âm nhầm thành “Tu phát vi thiều kinh”. Chữ “hành” [莖] này mà hai ông phiên nhầm là “kinh” chỉ vì không chịu khó rà lại trong từ điển. Chữ này, cả Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh và Hán Việt tự điển của Thiều Chửu đều phiên âm là “hành” (…). Còn chữ “mấn” [鬢] mà hai ông đọc thành “tu” thì là nhầm lẫn quá lắm! Do phiên âm nhầm mà hai ông đã dịch sai như trên. Dịch như vậy là không cảm thụ được sâu sắc ý của nguyên văn. Khi học nhân dẫn câu “Trong thành Niết bàn nguy còn đến” (…) để hỏi chỗ nào mới là chốn không nguy hiểm thì thiền sư Viên Chiếu đã khải thị môn nhân của mình một cách sâu sắc, ý như sau: Niết bàn là phản nghĩa của sinh tử, vậy có thể tạm hiểu là chốn an ổn, siêu thoát nhưng nếu ta đem cái tâm tham chấp để tìm chốn an ổn không còn nguy biến thì cho dù ngay khi mình ngồi trong thành Niết bàn, cái nguy vẫn còn đến. Cho nên đem tâm đi tìm chốn Niết bàn là một hành động hư vọng nguy hiểm như con chim đóng tổ trên màn trướng, không biết sẽ phủi giũ vào lúc nào hoặc như người lấy tơ bông lau để làm tóc của mình thì sẽ bị rụng trụi chóng vánh vì tơ bông lau mỏng manh dễ đứt biết chừng nào. Nói tóm lại, không có nơi an ổn nào dành cho cái tâm chấp trước vọng cầu cả. Vậy dịch câu sau thành “râu tóc làm hoa lau” chẳng những đi ngược lại ý của tác giả, mà cũng ngược cả với thiền lý. Vậy hai câu trên có lẽ nên dịch là:

Xây tổ trên rèm trướng

Tơ lau làm tóc mai.”

Trở lên là 4 chỗ trên gần 100 chỗ sai trong bản dịch "Thiền uyển tập anh" của Ngô Đức Thọ và Nguyễn Thúy Nga mà Lý Việt Dũng đã nêu ra để phân tích cả về chữ nghĩa lẫn thiền lý. Chúng tôi ngờ có lẽ vì không tin hai vị dịch giả kia có những cái sai “ngoạn mục” nên bạn mới đề nghị chúng tôi chứng minh. Nhưng vì đây là sách của bạn, không phải của mình, nên tuy là của bạn nhưng ta cũng chẳng nên “lạm dẫn”. Mà chỉ với 4 chỗ trên, chắc bạn cũng đã thấy… sơ sơ.

A.C