Thiên đường du lịch Bali khốn đốn vì núi lửa phun trào

07:18 | 07/12/2017

712 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những ngày cuối tháng 11-2017, thiên đường du lịch Bali của Indonesia lâm vào thảm họa: Đợt phun trào mạnh nhất trong suốt hơn 5 thập niên qua của núi lửa Agung khiến cư dân và khách du lịch ở đây rơi vào tình thế khốn đốn.

Khói núi lửa cao… 4km

Trang CNN Money phản ánh, những ngày cuối tháng 11, Bali - một trong những điểm đến hấp dẫn khách du lịch hàng đầu thế giới (nơi đón 5 triệu lượt du khách nước ngoài năm 2016) phải chật vật ứng phó với đợt phun trào núi lửa Agung bất thường. Sân bay Quốc tế Bali đóng cửa, hàng loạt chuyến bay bị hủy và hơn 50.000 du khách mắc kẹt trên đảo.

Giới chức địa phương cho hay, núi lửa Agung phun trào những cột khói cao tới 4.000m và tro bụi bay khắp nơi. Chỉ trong vài ngày, hòn đảo được mệnh danh là “thiên đường du lịch” Đông Nam Á bỗng chốc biến thành chốn… thảm họa. Có tới 100.000 người phải sơ tán khỏi thành phố khi mức cảnh báo được nâng lên cao nhất.

thien duong du lich bali khon don vi nui lua phun trao
Cột khói bụi dày đặc phía trên miệng núi lửa Agung

Với tình huống bất thường này, giới quan sát ước tính kinh tế đảo Bali phải chịu thiệt hại lớn những ngày qua, từ người bán hàng rong cho tới các hãng hàng không quốc tế, trong đó Hãng hàng không Garuda khả năng chịu nhiều thiệt hại nhất.

Theo nhà phân tích Keith Loverard thuộc Công ty Concord Consulting có trụ sở ở Jakarta, mỗi ngày đóng cửa, Sân bay Quốc tế Bali tổn thất khoảng 18 triệu USD. Trong khi hồi tuần trước, chỉ trong vòng 3 ngày có tới 15.000 du khách hủy kế hoạch đến Bali. Chưa hết, ông Loveard dự báo, nền kinh tế Bali sẽ còn chịu “dư âm” của cú sốc nặng nề trong mùa Giáng sinh và dịp năm mới. Bởi đây là đợt cao điểm du lịch đạo trong năm. “Thay vì tới Bali, họ sẽ chuyển địa điểm du lịch sang nơi khác”, ông Loverard nói.

Ngoài ra, đợt phun trào núi lửa Agung có thể cản trở mục tiêu của Chính phủ Indonesia về việc thu hút 20 triệu lượt du khách tới đảo mỗi năm. Theo dữ liệu của Nomura, lượng khách tới Bali chiếm tới hơn 40% tổng lượng du khách đến quốc đảo Indonesia mỗi năm.

Núi lửa ở Bali phun trào và khí hậu trái đất sẽ lạnh đi?

Đây không phải lần đầu tiên ngành du lịch Bali gặp trở ngại. Năm 2002, vụ tấn công khủng bố đẫm máu trên hòn đảo khiến 202 người thiệt mạng đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới ngành công nghiệp du lịch, khiến kinh tế lâm vào khó khăn. Chưa kể các đợt phun trào núi lửa cũng khiến giao thông nơi đây gặp trở ngại, điều này xảy ra không ít trong vài năm trở lại đây.

thien duong du lich bali khon don vi nui lua phun trao
Vị trí núi lửa Agung (vòng tròn) trên đảo Bali, Indonesia

Song theo tính toán của Cơ quan Giảm nhẹ thiên tai Quốc gia Indonesia, nhiều ngôi làng trên đảo Bali có nguy cơ bị xóa sổ sau thảm họa núi lửa phun trào này. The Straits Times dẫn trường hợp của bà Ni Nengah Ngarti và ông Gede Karya trong những căn lều tạm trú, họ đi sơ tán khỏi ngôi làng Banjar Besakih Kawan: "Làng tôi đang bị tro bụi núi lửa bao phủ, tôi rất sợ", họ nói.

Khi mùa mưa đang tới, những căn lều tạm dựng bằng cọc tre, có tới hơn một nửa chưa có bạt phủ. Họ lo lắng cho các cháu nhỏ hít phải bụi núi lửa và sống trong cảnh thiếu thốn đủ thứ thiết yếu như gạo, xà phòng, mặt nạ phòng độc…

Ở góc độ khoa học, các chuyên gia cảnh báo, khi núi lửa Agung hoạt động, không chỉ khí hậu ở các khu vực xung quanh bị ảnh hưởng mà cả trên quy mô toàn cầu - tờ Express của Anh phân tích.

Theo đó, trái đất của chúng ta nhiều khả năng rơi vào một đợt báo động lạnh kéo dài trong vòng 5 năm tới, do sự phun trào mạnh mẽ của núi lửa trên đảo Bali.

Theo Express, các nhà khoa học từng kiểm chứng một vụ phun trào núi lửa mạnh mẽ có thể làm thay đổi khí hậu toàn cầu suốt hàng tháng trời, khi hàng triệu hạt bụi lan truyền qua bầu khí quyển, tạo điều kiện lý tưởng để kích hoạt sự thay đổi mạnh mẽ của nhiệt độ trái đất. Nhà khoa học Chris Colose, phụ trách nghiên cứu khí hậu của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) nói: “Để có những thay đổi khí hậu đáng kể, cần phải có một vụ phun trào rất mạnh nào đó (để lấy chất liệu trong tầng bình lưu) và một vụ phun trào giàu Sulfur” (SO2 chuyển thành sulphat aerosol)”.

Các nhà khoa học còn cho rằng, núi lửa Agung ở Bali đang có dấu hiệu chuẩn bị “thức dậy” sau 54 năm ngủ vùi. Lần hoạt động gần nhất của nó là vào năm 1963. Sự phun trào mạnh mẽ khiến hơn 1.100 người thiệt mạng và hàng chục ngàn người khác phải sơ tán.

Mai Lâm