Thị trường một số sản phẩm của Petrovietnam 6 tháng đầu năm

08:56 | 04/07/2011

418 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những yếu tố bất ổn về kinh tế chính trị xã hội trong 6 tháng qua đã được phản ánh khá rõ nét qua thị trường giá các sản phẩm năng lượng.

1. Tình hình kinh tế, chính trị thế giới 6 tháng đầu năm 2011

Bước sang năm thứ 2 khôi phục kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, nền kinh tế thế giới cũng đã có những bước chuyển, song không được như kỳ vọng do phải gánh chịu những hậu quả của bất ổn kinh tế – chính trị và thiên tai.

Nền kinh tế thế giới còn nhiều rủi ro tiềm ẩn, lạm phát tăng cao. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) mức lạm phát năm 2011 tại các nước đang phát triển ước đoán khoảng 6,9%/năm trong khi các nước phát triển vào khoảng 2,3%/năm. Khủng hoảng nợ của một số quốc gia châu Âu như Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và Mỹ vẫn đang đe dọa tới “sức khỏe” của kinh tế các nước nói riêng và của khu vực nói chung.

Tình hình bất ổn về kinh tế – chính trị tại Bắc Phi sau đó lan rộng sang các quốc gia khu vực Trung Đông kéo dài từ cuối năm 2010 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ tới thị trường dầu thô và sản phẩm, kéo giá tăng cao trong tháng 2, 3 và 4.

Nửa đầu năm 2011 được đánh dấu bởi hàng loạt các vụ thiên tai gây tổn thất lớn cho nền kinh tế thế giới như thảm họa động đất, sóng thần xảy ra hồi đầu tháng 3 tại Nhật Bản; lũ lụt, lốc xoáy… hoành hành khắp nơi trên thế giới.

Những yếu tố bất ổn về kinh tế – chính trị – xã hội trong 6 tháng qua đã được phản ánh khá rõ nét qua thị trường – giá các sản phẩm năng lượng.

2. Tình hình thị trường một số sản phẩm năng lượng thế giới 6 tháng đầu năm 2011

* Dầu thô và sản phẩm dầu

Giá dầu và các sản phẩm tăng liên tục từ tháng 12/2010 đến tháng 4/2011. Mức giá dầu thô cao kỉ lục trong vòng 2,5 năm gần đây đã được ghi nhận vào các ngày cuối tháng 4, đạt mức 127USD/thùng đối với dầu Brent và 114USD/thùng đối với dầu WTI.

Bị dẫn dắt bởi giá dầu thô, giá sản phẩm tuy có độ trễ nhưng cũng đã tăng cao và đạt đỉnh sau đó ít ngày. Giá xăng A92 đạt mức cao nhất trong gần 2,5 năm qua tương đương 136USD/thùng (giá FOB Singapore) vào ngày 3/5/2011.

So với đầu năm, giá dầu thô và sản phẩm tháng 4/2011 đã tăng trung bình từ 22-28%, trong đó giá dầu thô thay đổi nhiều nhất, tăng 28%.

Một trong những lí do khiến giá dầu tăng mạnh phải kể đến là công cụ tài chính (đòn bẩy, ký quỹ…) của ngân hàng và các sàn giao dịch gần đây đang được sử dụng rộng rãi trong giao dịch hàng hóa. Những công cụ tài chính này đã cho phép các nhà đầu tư đầu cơ có thể tăng khả năng giao dịch, quy mô thị trường gây ra những cú “sốc” giá trên thị trường và làm sai lệch cán cân cung – cầu.

Giá dầu và sản phẩm trong tháng 5 và 6/2011 vẫn có những phiên giao dịch biến động tăng, giảm mạnh. Tuy nhiên, giá trung bình các tháng 5 và 6 đã giảm so với các tháng trước đó. Giá trung bình tháng 6 dầu Brent, WTI và Bạch Hổ lần lượt đạt khoảng 114USD/thùng; 96USD/thùng và 117USD/thùng; giảm khoảng 1,5USD/thùng so với giá trung bình tháng 5. Giá xăng trung bình tháng 6 thấp hơn khoảng 7USD/thùng trong khi giá dầu hỏa và dầu diesel không có nhiều thay đổi so với tháng 5.

Ảnh hưởng từ biến động tăng của giá xăng dầu thế giới trong 6 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước đã 2 lần được điều chỉnh vào các ngày 24/2 và 29/3.

* Gas (LPG)

Giá gas nhìn chung đồng điệu với diễn biến giá dầu thô ngoại trừ thời điểm tháng 2. Điều này được lý giải do giá gas thế giới – giá hợp đồng định hạn (CP) hàng tháng được ấn định vào thời điểm đầu mỗi tháng do Tạp chí Aramco công bố. Do vậy, mặc dù giá dầu thô tháng 2/2011 đã tăng mạnh so với tháng 1 nhưng giá gas tháng 2 lại giảm 113 USD/tấn so với tháng 1, đạt 815USD/ tấn. Đến tháng 3, giá dầu tăng nhanh, ngay lập tức giá gas đã được điều chỉnh tăng cùng chiều với giá dầu thô.

Giá bán gas tại thị trường Việt Nam cũng biến động liên tục theo diễn biến giá thế giới. Tính từ đầu năm, giá gas bán lẻ trên thị trường đã 4 lần được các nhà cung cấp điều chỉnh. Giá bán lẻ đạt mức cao nhất vào thời điểm đầu tháng 5, ở quanh mức 400.000đồng/bình 12kg. Thời điểm hiện nay, khi giá gas thế giới đã giảm nhiệt, giá gas trong nước cũng đã được điều chỉnh giảm, còn khoảng 360.000đồng/bình 12kg.

* Phân đạm (Urê)

3 tháng đầu năm 2011, giá phân bón trên thị trường tương đối ổn định, dao động ở mức 350–400USD/tấn. Tuy nhiên từ giữa tháng 4 đến nay, giá phân bón đã tăng và tăng mạnh từ tháng 5, đạt mức 500USD/tấn. Giá tăng chủ yếu do mất cân đối cung – cầu: Cầu tại các thị trường nhập khẩu lớn tăng trong khi nguồn cung không dồi dào do một số nhà máy Urê trên thế giới dừng bảo dưỡng; các nước xuất khẩu ưu tiên đáp ứng nhu cầu nội địa; nguồn cung ra thị trường thế giới giảm khi Chính phủ Trung Quốc điều chỉnh tăng thuế suất xuất khẩu. Ngoài ra, lạm phát gia tăng cũng là một tác nhân khiến giá Urê thế giới tăng mạnh. Giá Urê thế giới hiện tại đã tăng lên mức cao kỉ lục kể từ năm 2009 đến nay.

Phù hợp với diễn biến giá của thị trường thế giới, so với 3 tháng đầu năm, giá Urê trong nước hiện nay cũng đã tăng khoảng 15–20%. Tuy nhiên mức tăng giá trong nước vẫn thấp hơn so với mức tăng trên thị trường quốc tế.

3. Dự báo thị trường một số sản phẩm năng lượng 6 tháng cuối năm 2011

Theo dự báo của Woodmackenzie (WM) tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) toàn cầu năm 2011 ước đạt 3,4%, giảm 0,6% so với năm 2010; trong đó Mỹ đạt 3,1%, tăng 0,3% so với năm 2010; Trung Quốc đạt 9,8%, giảm 0,5% so với năm 2010; Nhật Bản chỉ đạt 1% do ảnh hưởng của thảm họa động đất sóng thần – giảm 3% so với năm 2010.

Khi mà những tín hiệu về phát triển kinh tế toàn cầu không mấy khả quan; tình hình bất ổn chính trị tại Bắc Phi và Trung Đông vẫn còn tiếp diễn, gói cứu trợ kinh tế thứ ba của Mỹ chưa chắc được thông qua, giá dầu được dự báo sẽ không có nhiều cơ hội tăng giá. Thêm vào đó, việc tăng tỉ lệ ký quỹ trong giao dịch dầu thô tương lai (future) trên các sàn giao dịch dầu thô đã loại bỏ khá nhiều các nhà đầu cơ nhỏ lẻ, khiến cho giá dầu sẽ tiến gần hơn với quy luật cung – cầu. Dự báo giá dầu thô trung bình quý III/2011 đối với dầu Brent và dầu WTI đạt tương ứng 115USD/thùng và 104USD/thùng. Giá dầu trung bình quý IV sẽ giảm so với quý III, dầu Brent giảm còn 106USD/thùng và WTI còn 99USD/thùng.

Giá xăng, dầu và LPG cũng được dự báo giảm vào quý III và quý IV/2011.

Theo dự báo mới nhất của một số tạp chí phân bón thế giới, tuân theo quy luật hàng năm giá Urê vẫn tăng trong các tháng quý III do nhu cầu tại các thị trường lớn như Mỹ, châu Á tăng khi bước vào mùa vụ. Thêm vào đó, nguồn cung giảm do một số nhà máy sản xuất phân đạm tại các nước Liên Xô cũ và Ai Cập ngừng bảo dưỡng. Dự báo giá Urê quý III dao động trong khoảng 475-550USD/tấn, tăng khoảng 80-110USD/tấn. Quý IV/2011, giá Urê thế giới sẽ hạ nhiệt giảm khoảng 50 USD/tấn so với quý III.

Theo Năng lượng Mới