Thị trường dầu mỏ chuyển biến tích cực trong năm 2017

07:20 | 03/02/2018

772 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong năm 2017, thị trường dầu mỏ thế giới có nhiều chuyển biến nhìn chung là tích cực. Giá dầu tiếp tục tăng đều đặn, có lúc cán mốc 70USD/thùng và giới quan sát dự báo trong năm 2018 sẽ đạt mức 80, thậm chí đến 100-120USD/thùng. 

Giá dầu là chỉ số quan trọng của nền kinh tế toàn cầu

Những dự báo đáng sợ hồi năm 2015 đã không trở thành hiện thực - dầu đá phiến và xe hơi chạy bằng điện đã không thể kéo giảm giá của “vàng đen”. Nếu so với mức 27USD/thùng của tháng 1-2016 thì mức giá dầu xấp xỉ 70USD/thùng như hiện nay là một thắng lợi lớn. Trong năm 2017, mặc dù có những đợt giá dầu tạm thời bị giảm chút ít, nhưng xu hướng đi lên vẫn là cơ bản.

Nói về xu hướng gia tăng của giá dầu trong năm 2017, không thể không nhắc đến những nỗ lực của OPEC và nhóm quốc gia ngoài OPEC (đứng đầu là Nga) trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng, được ký kết tại Vienna hồi cuối năm 2016 và được gia hạn 2 lần trong năm 2017, nhằm cân đối cung - cầu trên thị trường dầu mỏ thế giới.

Tuy vậy, trong lĩnh vực thăm dò, năm 2017 đã phải chứng kiến một thất bại to lớn. Nguyên do, trong 2 năm 2015-2016, giá dầu siêu thấp đã khiến nhiều công ty dầu mỏ phương Tây lao đao, không đủ nguồn kinh phí để thăm dò, tìm kiếm các nguồn dầu mới. Hệ quả là trong năm 2017, tổng trữ lượng nguồn dầu mà ngành công nghiệp dầu mỏ toàn cầu mới phát hiện chỉ chưa tới 7 tỉ thùng dầu quy đổi, thấp nhất trong vòng 8 thập niên qua. Tính ra, lượng dầu này chỉ đủ cho nhân loại tiêu dùng trong… 1 tháng.

thi truong dau mo chuyen bien tich cuc trong nam 2017
Khai thác dầu ở Mỹ

Giống như người nông dân khi quá đói đành phải đổ lúa giống ra xay, các công ty công nghiệp dầu mỏ đã "ăn" toàn bộ dự trữ trong vài năm tới, bây giờ họ và các công ty dịch vụ phục vụ họ lâm vào tình trạng kiệt quệ về tài chính. Để khôi phục tình hình như trước đây, đòi hỏi phải duy trì mức giá dầu cực cao trong một thời gian dài, vì vậy trong những năm tới, giá dầu tất yếu phải tăng dần để đạt được mức mong ước đó.

Những điều kỳ diệu trong nền kinh tế toàn cầu không thường xuyên xảy ra. Con người đã tích cực bơm dầu từ lòng đất trong nhiều thập niên, mỗi năm chúng ta phải khoan sâu hơn và phải chi nhiều tiền hơn cho việc khai thác mỗi thùng dầu. Trong khi đó, dân số thế giới ngày một tăng, các nhà máy và các phương tiện giao thông ngày càng đòi hỏi nhiều hydrocarbon hơn. Như vậy, sẽ xuất hiện tình huống thâm hụt và khan hiếm kinh điển.

Dĩ nhiên, nếu hệ thống tài chính toàn cầu sụp đổ dưới sức nặng của nợ tích lũy và nền kinh tế thế giới phải chịu đựng một cuộc khủng hoảng cực lớn, tương tự như cuộc đại suy thoái hồi đầu thập niên 30 của thế kỷ trước, giá dầu có thể tạm thời "lặn" xuống mức 30, thậm chí 10USD mỗi thùng, bởi vì lúc đó hầu hết các quốc gia không có tiền để mua tài nguyên có giá trị này. Tuy nhiên, một kịch bản như vậy sẽ chỉ làm chậm một quá trình không thể tránh khỏi - sự trỗi dậy mạnh mẽ và kéo dài của giá dầu.

Vai trò của Nga trên thị trường dầu mỏ

Với tư duy cố hữu của mình, các nhà kinh tế phương Tây cho rằng, nền kinh tế của Nga phụ thuộc hoàn toàn vào “bầu sữa” xuất khẩu dầu, giống như một số nước Mỹ Latinh phụ thuộc vào xuất khẩu chuối. Tuy nhiên, đó là một nhận định không có căn cứ.

Ở thời điểm hiện tại, Nga là nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất thế giới, với sản lượng hơn 10 triệu thùng mỗi ngày, nhưng dầu không chiếm vị trí độc tôn trong nền kinh tế nước này. Được biết, năm 2012, khi giá trung bình của dầu là khoảng 90USD mỗi thùng, thu nhập từ xuất khẩu dầu trong GDP của Nga chiếm không quá 9%. Để so sánh: ở Arập Xêút, Libya và Iraq, cũng là những “ông lớn” dầu mỏ, tỷ lệ này vượt quá 40%.

Với một diện tích khổng lồ và xu hướng lịch sử phải dựa vào sức mạnh của riêng mình, nước Nga tồn tại gần như theo phương thức tự cung tự cấp - hầu hết mọi thứ cần thiết cho cuộc sống được thực hiện trên lãnh thổ của mình. Giao thương với nước ngoài tất nhiên là rất quan trọng, nhưng đó không phải là nền tảng của nền kinh tế Nga: hầu hết các hàng hóa đều được sản xuất và tiêu thụ nội địa.

Một trong những lý do tại sao trong 15 năm qua, Chính phủ Nga kiên trì thực hiện chủ trương thay thế nhập khẩu đối với những mặt hàng chiến lược, chính là để bảo vệ đất nước khỏi những cú sốc khủng hoảng từ bên ngoài. Một cách mỉa mai, người Nga nói lời cảm ơn Mỹ và các nước phương Tây, vì lệnh trừng phạt, cấm vận của họ đã khuyến khích Nga tích cực phát triển nền sản xuất của riêng mình để thoát khỏi tình trạng phụ thuộc nhập khẩu trong một số lĩnh vực.

Khai thác dầu đòi hỏi phải sử dụng các công nghệ cao nhất, tương đương với công nghệ du hành vũ trụ hoặc công nghệ chế tạo các bộ xử lý tiên tiến nhất.

Cần biết, rất nhiều nước sản xuất dầu mỏ hoàn toàn lệ thuộc vào công nghệ phương Tây trong tất cả các công đoạn, từ thăm dò, khai thác cho đến chế biến, còn Nga chủ yếu dựa vào công nghệ của riêng mình. Khai thác dầu đòi hỏi phải sử dụng các công nghệ cao nhất, tương đương với công nghệ du hành vũ trụ hoặc công nghệ chế tạo các bộ xử lý tiên tiến nhất.

Một điểm đáng chú ý nữa, đó là trong thập niên qua, ở Nga, các nhà máy lọc dầu được xây dựng với một tốc độ chóng mặt. Chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2012 đến năm 2017, hơn 20 cơ sở lọc - hóa dầu cỡ lớn đã được xây dựng, chẳng hạn như Nhà máy polypropylene polyom ở Omsk hoặc Nhà máy Lọc dầu Yaisky ở khu vực Kemerovo.

Nga thường bị các nước phương Tây ganh tỵ vì sở hữu rất nhiều dầu. Và dĩ nhiên Nga luôn biết cách tận dụng lợi thế đó của mình: vàng đen đảm bảo mang lại cho quốc gia sở hữu nó những lợi ích lớn nhất về kinh tế và từ đó nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.

Năm 2014, Tổng thống Nga Putin đã phát biểu với báo giới rằng, nếu giá dầu thế giới tụt xuống và dừng lâu ở dưới mức 80USD/thùng thì ngành công nghiệp dầu mỏ sẽ sụp đổ. Thực tế đã cho thấy, dự báo này là đúng - khi giá dầu rơi xuống đáy, các nhà sản xuất dầu trên thế giới buộc phải thể hiện những nỗ lực cuối cùng của mình để cứu vãn tình hình và giá dầu đang được nâng dần để vượt qua mức báo động (80USD/thùng).

S.P

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc