Thị trường cảnh báo về một nhịp điều chỉnh ngắn hạn

11:14 | 07/01/2021

231 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Lúc 10h40 sáng ngày 7/1, chỉ số VN-Index nối tiếp đà tăng điểm của 6/1 từ 1.143,21 vừa cán mốc "thử thách" 1.150. Nếu giảm điểm từ đây, có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh ngắn hạn.
Nhiều khả năng thị trường sẽ có một phiên điều chỉnh.
Nhiều khả năng thị trường sẽ có một phiên điều chỉnh.

Cùng chung diễn biến tăng mạnh ở TTCK Mỹ và khu vực, TTCK Việt Nam tiếp tục nối dài đà tăng với mức điểm số và mức thanh khoản mới tiếp tục được ghi nhận. Chỉ số VNI-Index chốt phiên 6/1 với mức tăng 0.94% dừng tại 1.143,21 điểm. Chỉ số HNX-Index cùng chiều tăng 1,71% đóng cửa tại 211,68 điểm. Chỉ số UpCOM-Index cộng thêm 0,52%. Giá trị giao dịch khớp lệnh toàn thị trường đạt mức cao mới với con số 18.344 tỷ đồng.

Đà tăng của thị trường đến từ thông tin Fitch Solutions đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên 8,6%, từ mức 8,2% trong báo cáo trước đó. Bên cạnh đó, theo thống kê của Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, số lượng tài khoản chứng khoán trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt con số 2,77 triệu, tăng kỷ lục 63.629 tài khoản trong tháng 12/2020 tác động tích cực đến giá cổ phiếu nhóm chứng khoán như MBS (+9,8%), BVS (+7,7%), BSI (+6,7%).

Giá dầu tăng mạnh 5% sau thông tin Arab Saudi sẽ tự nguyện cắt giảm sản lượng thêm 1 triệu thùng/ngày trong tháng 2 và 3, giúp cổ phiếu nhóm dầu khí tăng giá BSR (+4%), PVS (+2,1%). Khối ngoại mua ròng ở BSI (+6,69%), KBC (-2,96%), VHC (-2,03%).

Nhóm cổ phiếu Ngân hàng là nhóm duy nhất giữ được sự đồng thuận. CTG tăng trần (+6,9%), trước thông tin lợi nhuận tăng trưởng tích cực trong quý 4 và cả năm 2020 với lợi nhuận trước thuế 16.450 tỷ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, tạo hiệu ứng lan tỏa đến hầu hết các cổ phiếu khác trong nhóm. Trong đó nhiều cổ phiếu tăng mạnh như EIB (+5,1%), VCB (+5,7%), LPB (+3,7%), HDB (+3,6%)…Đồng thời, TCH (+3.7%) cũng gây chú ý khi có lúc tăng trần trong phiên đóng cửa tại 20.800 đồng/cp.

Khối ngoại mua ròng phiên thứ 2 liên tiếp, tập trung ở nhóm ngân hàng. Trên HOSE khối ngoại mua ròng 230,5 tỷ đồng. Trong đó tâm điểm là CTG khi dẫn đầu với mưc mua ròng 108,38 tỷ đồng, tương đương khối lượng 2,92 triệu đơn vị. Tiếp theo là VCB được mua ròng hơn 61 tỷ đồng và HDB được mua ròng 51,82 tỷ đồng. Chiều bán ròng nhiều nhất chủ yếu ghi nhận ở nhóm vốn hóa trung bình như KBC, VHC, VND.

Diễn biến thị trường của chỉ số VN-Index
Diễn biến thị trường của chỉ số VN-Index

CTCK KB Securities Việt Nam (KBSV) cho rằng, với chỉ số VN-Index mặc dù xu hướng tăng vẫn đóng vai trò chủ đạo nhưng diễn biến rung lắc làm gia tăng rủi ro điều chỉnh của chỉ số. Kịch bản này sẽ trở nên rõ nét hơn nếu xuất hiện thêm 1 phiên giảm điểm, đóng vai trò xác nhận vào hôm nay (7/1).

KBSV khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ vị thế trung hạn, kết hợp mua/bán trading quay vòng 1 phần nhỏ ngắn hạn (lưu ý vùng hỗ trợ gần tại 110x).

Trong khi đó, CTCK Yuanta Việt Nam cho rằng thị trường có thể sẽ xuất hiện nhịp điều chỉnh trong phiên tới và có thể nhanh chóng quay trở lại đà tăng. “Đồng thời, mức 1.150 điểm được xem là ngưỡng kháng cự ngắn hạn của chỉ số VN-Index, nhưng chúng tôi cho rằng áp lực điều chỉnh không quá mạnh và đồ thị giá có thể sẽ mở rộng về các ngưỡng cao hơn khi rủi ro ngắn hạn vẫn ở mức thấp. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn vẫn trong vùng lạc quan” - Yuanta Việt Nam cho hay.

Về khuyến nghị cho nhà đầu tư, đối với các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục và tận dụng nhịp điều chỉnh để gia tăng tỷ trọng cổ phiếu hoặc mở vị thế mua mới.

Các chuyên gia của SSI Research cho rằng thị trường chung vẫn được hỗ trợ từ nhóm VN30 và đà tăng của VNIndex vẫn còn khả năng tiếp tục. Tuy vậy, nếu VN-Index đảo chiều giảm điểm từ mốc 1.150 điểm, đó cũng là một tín hiệu cảnh báo rủi ro về một nhịp điều chỉnh ngắn hạn với vùng hỗ trợ gần nhất là 1.100 điểm trên chỉ số.

Theo enternews.vn