Thi tốt nghiệp THPT: Thí sinh "chê" môn xã hội?!

10:58 | 04/04/2014

634 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Dù chưa đến ngày đăng ký môn thi tự chọn cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm nay, nhưng kết quả thăm dò cho thấy, xu hướng chung là học sinh chọn thi theo khối thi đại học với sự áp đảo của các môn tự nhiên.

Môn tự nhiên lên ngôi

Theo thông báo của Bộ Giáo dục-Đào tạo (GD-ĐT), thời gian để học sinh đăng ký môn thi tự chọn bắt đầu từ ngày 25/4 đến 7/5. Tuy nhiên đến thời điểm này, phần lớn các trường THPT đều đã cho học sinh đăng ký thăm dò để chuẩn bị kế hoạch ôn tập. Qua khảo sát tại một số trường THPT, những môn có tỉ lệ học sinh đăng ký thi nhiều nhất là Vật lý, Tiếng Anh và Hóa học.

Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết số học sinh chọn môn thi tốt nghiệp vật lý, hóa học, ngoại ngữ chiếm tỉ lệ áp đảo. Cụ thể, Ngoại ngữ chiếm 58%, Vật lý chiếm 65,7%, Hóa học chiếm 39,5%, Địa lý 29%, Sinh học 4,9% và Lịch sử 2,7%.

Tại trường THPT Phan Huy Chú, kết quả đăng ký môn tự chọn cũng tương tự, với 80% học sinh đăng ký thi Vật lý, 60% Tiếng Anh, 34% Hóa học, 16% thi Địa lý, còn Sinh và Lịch sử chỉ có 8%.

Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, kết quả thăm dò việc đăng ký chọn môn thi của học sinh cho thấy 62,2% chọn Ngoại ngữ, 53,8% Vật lý, 46,5% Hóa học, 20,2% Địa lý, 6,6% Sinh học, 4,6% Lịch sử.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thầy Nguyễn Quốc Bình cho rằng: “Con số này có thể thay đổi bởi các em vẫn còn thời gian để tiếp tục tìm hiểu, lấy ý kiến tư vấn của thầy cô, cha mẹ trước khi đăng ký chính thức. Tuy nhiên, có thể thấy sự lựa chọn của các em nghiêng về các môn Ngoại ngữ, tự nhiên nhiều hơn môn xã hội, một phần là do các em chọn môn thi theo khối thi đại học mà các em sẽ dự thi; phần nữa vì các em nhận định rằng các môn xã hội sẽ khó có cơ hội đạt điểm cao như môn Ngoại ngữ, tự nhiên”.

Cô Lê Mai Anh, Phó hiệu trưởng trường THPT Chu Văn An (Hà Nội) cũng cho biết: “Hiện nay, nhà trường đang lấy ý kiến chọn môn thi tốt nghiệp của các em học sinh. Trường chúng tôi có phần đông các em thi đại học khối A, B, D vì vậy, tôi cho rằng học sinh lựa chọn thi tốt nghiệp môn Lịch sử là rất ít…”.

Theo cô Mai Anh, trường có 3 lớp chuyên là Văn học, Lịch sử và Địa lý. Mỗi lớp có khoảng 33 em học sinh, và trong số các lớp chuyên chưa chắc 100% các em  học sinh đã chọn thi tốt nghiệp môn Lịch sử. Vì vậy, theo dự định kết quả học sinh đăng ký thi tốt nghiệp môn Lịch sử cũng sẽ rất ít.

Cô giáo Phạm Thị Xuân Hương - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) cũng thông tin: “Năm nay, trường chúng tôi có 662 em học sinh thi tốt nghiệp lớp 12. Qua thăm dò nguyện vọng, đăng ký môn thi của học sinh, phần đông các em chọn thi môn Vật lý và Hóa học…”.

Theo cô Hương, kết quả toàn trường chỉ có 20/662 em học sinh chọn thi tốt nghiệp môn Lịch sử, tiện thi khối C đại học. Trong tổng số 662 học sinh thì có 410 em chọn môn Vật lý, 336 em chọn Ngoại ngữ, 306 em chọn Hóa học, 183 em chọn Địa lý và 67 em chọn môn Sinh học.

Theo ý kiến của nhiều thầy cô giáo, nhiều học sinh chọn môn thi Vật lý cũng là điều dễ hiểu vì thí sinh thi ĐH khối A ở các trường THPT hiện nay thường chiếm số lượng áp đảo.

Khó khăn tổ chức ôn tập

Do đây là năm đầu tiên triển khai tự chọn môn thi tốt nghiệp (ngoại trừ 2 môn cố định là Ngữ văn, Toán), nên mỗi trường đều dự tính phương án tổ chức chương trình ôn tập riêng vừa đáp ứng kế hoạch của Sở GD-ĐT vừa phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường.

Thầy Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, với các môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán nhà trường đã bắt đầu triển khai tăng tiết ôn tập cho học sinh từ sau Tết. Nhà trường sẽ căn cứ vào kết quả đăng ký các môn tự chọn để tổ chức các lớp ôn tập khác nhau.

Còn theo thầy Phan Thanh Tùng - Hiệu trưởng Trường THPT Trần Nhân Tông (Hà Nội) thì do chưa chốt số lượng học sinh đăng ký môn thi tự chọn, nên ngoài việc chỉ đạo các tổ bộ môn thực hiện dạy đủ chương trình, không cắt xén nội dung của các môn học, trường đã có hướng chuẩn bị tổ chức ôn tập theo tinh thần học sinh yếu môn nào thì ôn tập môn đó theo nguyện vọng đăng ký môn thi.

Bên cạnh đó, dù đồng tình với phương án thi tốt nghiệp 4 môn của Bộ GD-ĐT nhưng lãnh đạo nhiều trường THPT vẫn cho rằng Bộ nên nghiên cứu các giải pháp thực hiện cho lộ trình thi tốt nghiệp THPT lâu dài, bền vững. Việc cho học sinh tự chọn môn thi đang gây khó khăn rất lớn cho các trường THPT trong việc tổ chức ôn luyện tốt nghiệp cho các em.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết đề thi tốt nghiệp THPT sẽ theo hướng mở.

Lãnh đạo một số trường ngoài công lập thừa nhận, với trường công lập thì không nói, thực tế các trường THPT ngoài công lập hiện nay chỉ có 100-200 học sinh thì vấn đề tổ chức lớp ôn tập, bố trí giáo viên, giám thị sẽ rất khó khăn vì sẽ có những môn chỉ có vài em đăng ký nhưng vẫn phải tổ chức ôn tập.

Về đề thi tốt nghiệp THPT năm nay, đại diện Bộ GD-ĐT, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Đề thi năm nay, môn Ngoại ngữ sẽ có thêm phần tự luận, các đề thi môn khoa học xã hội cũng sẽ tăng khả năng mở, liên hệ nhiều đến thực tế và mang dấu ấn cá nhân của từng học sinh.

Để có kết quả thi tốt nhất, các em nên học hiểu bản chất vấn đề chứ không chỉ là học thuộc lòng, bởi đề thi sẽ yêu cầu vận dụng kiến thức vào làm bài tập, giải quyết các vấn đề, hiện tượng trong học tập và trong thực tế. Đặc biệt những môn như Lịch sử, Ngữ văn thì học sinh phải rèn luyện năng lực nhận xét, đánh giá các sự kiện, năng lực diễn đạt của mình”.

Khánh An

 

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.