Thi thăng hạng nâng lương giáo viên - “nhiệm vụ bất khả thi”

15:15 | 16/11/2017

23,330 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Từ tháng 8-2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT) đã ban hành Thông tư số 20/2017/BGDĐT về việc thi thăng hạng giáo viên. Tuy nhiên, theo một số ý kiến của giáo viên thì thông tư này chẳng khác nào dập tắt mọi hy vọng của họ trong việc học tập thăng hạng chức danh.

Khổ như giáo viên thi thăng hạng

Bày tỏ những suy nghĩ của thông tư trên, thầy giáo Nguyễn Doãn Minh - giáo viên dạy môn Lý ở một trường THCS tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng, quy định này đã làm giáo viên thêm khổ vì họ gần như không có cơ hội được chuyển hạng, nâng lương. Thầy Minh cho rằng, trong khi đời sống giáo viên còn rất nhiều khó khăn với mức lương eo hẹp như hiện nay, rất nhiều giáo viên cố gắng sắp xếp thời gian, công sức, tiền bạc để học nâng cao trình độ trên chuẩn với mong muốn có thể được nâng lương (chuyển ngạch lương) để có cuộc sống dễ thở hơn, thì việc Bộ GD&ĐT ra Thông tư số 20 chẳng khác nào dội nước lạnh lên đầu các giáo viên đã hoàn thành việc học tập nâng trên chuẩn hoặc giáo viên đang có ý định học tập nâng cao trình độ.

thi thang hang nang luong giao vien nhiem vu bat kha thi
Giáo viên mầm non

Từ năm 2012, dù có rất nhiều giáo viên tốt nghiệp đại học, thậm chí thạc sĩ nhưng không ai được chuyển ngạch lương - nghĩa là dù tốt nghiệp đại học, thạc sĩ nhưng nếu dạy ở bậc tiểu học thì cũng chỉ được xếp hạng lương bậc IV làm quyền lợi giáo viên ảnh hưởng rất nhiều. Nhiều giáo viên có ý kiến, thắc mắc thì được trả lời chờ văn bản. Mãi đến năm 2015 Bộ GD&ĐT - Bộ Nội vụ mới ban hành một loạt Thông tư 20, 21, 22, 23/2015TTLT-BGDĐT-BNV quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên từ mầm non đến giáo viên trung học phổ thông giáo dục công lập.

Các thông tư trên quy định giáo viên mầm non, tiểu học xếp từ hạng IV đến hạng II (hạng IV hệ số lương từ 1,86 đến 4,06; hạng III từ 2,1 đến 4,89; hạng II từ 2,34 đến 4,98), giáo viên trung học cơ sở từ hạng III đến hạng I (hệ số lương hạng III từ 2,1 đến 4,89; hạng II từ 2,34 đến 4,98, hạng I từ 4,00 đến 6,38).

Đến tháng 7-2017, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 20/2017/BGDĐT quy định điều kiện thi thăng hạng giáo viên thì việc chuyển ngạch còn khó hơn rất nhiều. Để thăng hạng, giáo viên phải dự thi 4 môn, gồm kiến thức chung, chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, tin học. Trong đó, môn ngoại ngữ sẽ kiểm tra các kỹ năng đọc hiểu, viết ở trình độ ngoại ngữ tương đương với khung 6 bậc của Bộ GD&ĐT ban hành. Giáo viên muốn thi thăng từ hạng IV lên hạng III, hoặc từ hạng III lên hạng II phải thi môn ngoại ngữ trình độ bậc 2 (A2), thi thăng hạng II lên hạng I phải môn ngoại ngữ trình độ bậc 3 (B1). Một số trường hợp đang làm việc ở vùng dân tộc thiểu số, đã có bằng đại học ngoại ngữ, có văn bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế... thì sẽ được miễn thi ngoại ngữ.

Chia sẻ về vấn đề này, cô giáo Đỗ Cẩm Vân - giáo viên tiểu học ở quận Hai Bà Trưng cho biết, để được thăng hạng II lên hạng I đòi hỏi giáo viên phải làm bài thi tương đương trình độ ngoại ngữ bậc 3 (B1) tức là tương đương với yêu cầu tốt nghiệp thạc sĩ. Trong khi đó, chỉ những giáo viên học thạc sĩ trong 3 năm trở lại đây mới có chứng chỉ ngoại ngữ, còn những giáo viên đã học trước đó không có chứng chỉ, nay muốn được dự thi thăng hạng lại phải đi học ngoại ngữ. Mặt khác, quy định về ngoại ngữ cũng làm khó những giáo viên lớn tuổi. Tức là dù có chuyên môn tốt, nhưng muốn thi thăng hạng thì phải đi học ngoại ngữ, kể cả giáo viên dạy những môn không có nhu cầu sử dụng ngoại ngữ.

"Quy định về tiêu chuẩn ngoại ngữ này thực sự làm khó các giáo viên, hơn thế nữa còn để ra một kẽ hở trong việc quản lý chứng chỉ. Bởi việc bỏ tiền ra mua một chứng chỉ ngoại ngữ hiện nay là điều không hề khó khăn. Còn việc để mà học thật, thi thật ngoại ngữ thì vô cùng khó đối với giáo viên hiện nay” - cô Vân chia sẻ.

Còn theo cô giáo Đặng Thúy Ngân - một giáo viên đã lớn tuổi đang công tác tại trường tiểu học thuộc quận Cầu Giấy, việc thăng hạng nâng lương gắn liền với lương và thu nhập của giáo viên nên khá quan trọng với giáo viên. Tuy nhiên, hiện nay nên để chất lượng giảng dạy và phản hồi của các học sinh quyết định lương giáo viên hơn là một vài cuộc thi để hợp thức hóa chứng chỉ, bằng cấp.

“Nếu quy định này là tiêu chuẩn để sắp xếp vị trí việc làm thì rất khó khăn cho những giáo viên đã lớn tuổi như tôi, bởi giờ tôi đã 50 tuổi mà bắt tôi đi học thêm ngoại ngữ để có thể thi thăng hạng nâng lương thì đúng là chỉ còn cách đi mua chứng chỉ mà thôi. Hơn nữa việc đi học ngoại ngữ này là không giúp ích gì tôi trong công việc hiện tại”.

Không có cơ hội cho nhiều giáo viên

Theo cô giáo Đỗ Cẩm Vân, trong quy định của Bộ GD&ĐT, muốn được xét thăng từ hạng III lên hạng II, giáo viên phải thực hiện một trong những nhiệm vụ như tham gia biên soạn chương trình, nhưng với một giáo viên dạy học thông thường thì cơ hội này rất hiếm. Còn việc tham gia ban giám khảo hội đồng thi giáo viên dạy giỏi thường là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên giỏi cấp huyện trở lên nên không đến lượt thầy cô. Riêng phần tiêu chuẩn năng lực chuyên môn nghiệp vụ, mỗi năm trường chỉ được vài người, chiếm khoảng 15% và chủ yếu là các thầy cô nằm trong ban giám hiệu nhà trường nên giáo viên bình thường cũng khó có “suất”.

Còn đối với bậc mầm non, các tiêu chuẩn, nhiệm vụ để được xét từ hạng III lên hạng II lại là quá cao. Bởi với đặc thù giáo viên mầm non để tham gia biên tập hoặc biên soạn nội dung tài liệu bồi dưỡng giáo viên từ cấp huyện trở lên hay làm ban giám khảo các hội thi mầm non cấp huyện trở lên chỉ có những thành viên cốt cán mới được xét tham gia còn giáo viên bình thường rất khó.

Tú Cẩm

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.