Thi cử - khâu đột phá trong đổi mới giáo dục

07:00 | 08/12/2013

3,050 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Những đổi mới trong đánh giá, thi cử sẽ được thực hiện ngay trong năm học tới, được Bộ GD-ĐT kỳ vọng sẽ là lời giải cho bài toán về nạn học thêm, dạy thêm đang gây nhiều bức xúc trong xã hội.

Về vấn đề đổi mới cách thức thi và kiểm tra, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: “Chúng ta cần xác định được đâu là yếu tố mà khi ‘bấm nút vận hành,’ nó sẽ làm thay đổi toàn bộ hệ thống. Đó chính là khâu được coi là đột phá. Việc thay đổi hình thức thi, kiểm tra đánh giá sẽ làm thay đổi cách dạy và cách học”.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Đinh Xuân Khoa, Hiệu trưởng trường Đại học Vinh cho hay: Coi đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục là khâu đột phá trong việc thực hiện “Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo” có nghĩa rằng, ngành giáo dục xác định đây là khâu đầu tiên, đi trước để từ đó tác động đến toàn bộ hệ thống.

Lý giải nguyên nhân xác định đây là khâu then chốt của việc thực hiện Đề án, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, việc đổi mới cách đánh giá chất lượng giáo dục sẽ có tác động ngược trở lại, làm thay đổi nội dung, phương pháp dạy học cũng như các vấn đề thuộc về chính sách…

Thay đổi cách thi sẽ đổi mới được cách dạy và học tại trường phổ thông.

Thứ trưởng cũng cho biết, hiện nay, việc đánh giá chất lượng giáo dục còn bộc lộ nhiều hạn chế. Điển hình như việc, hiện nay, các bài thi vẫn chủ yếu hướng người học đến việc tái hiện kiến thức mà chưa chú trọng đến kỹ năng, khả năng vận dụng của người học. Theo đó, hình thức dạy và học vẫn chủ yếu là đọc-chép.

“Tôi lấy ví dụ, với một bài thi mà chỉ có điểm số, thiếu đi lời nhận xét của giáo viên thì người học sẽ không biết được, bản thân mình còn thiếu hụt những gì về kiến thức, kỹ năng. Mục tiêu của việc đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục là, qua bài thi, học sinh phải biết được mình còn yếu, thiếu ở những phương diện nào,” Thứ trưởng Bộ GD-ĐT bày tỏ.

Tương tự, Thứ trưởng cũng cho rằng, những bất cập trong việc đánh giá chất lượng giáo dục cũng bộc lộ qua việc cộng điểm bài thi của từng học sinh lại thành kết quả chung của toàn đơn vị. Lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định: “Cách làm như vậy sẽ không tạo được sự công bằng giữa giữa các đơn vị đào tạo ở miền núi, vùng sâu vùng xa với các cơ sở đào tạo ở đồng bằng, thành thị”.

Đánh giá cả quá trình học tập

Việc đổi mới cách đánh giá, kiểm tra thi cử là tất yếu và dứt khoát để phù hợp với việc chuyển đổi từ nền giáo dục nặng về truyền thụ kiến thức sang nền giáo dục chú trọng việc hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất. Bởi vậy, việc bồi dưỡng năng lực giáo viên cũng rất cần thiết, bởi vậy từ vài năm nay, các giáo viên đã được tập huấn các phương pháp đổi mới cách đánh giá, kiểm tra, cách thức ra đề thi.

Cùng trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Đinh Xuân Khoa cho biết: Việc đổi mới sách giáo khoa hay bồi dưỡng năng lực giáo viên sư phạm cần một lộ trình thời gian với nguồn kinh phí lớn và phải huy động đội ngũ nhà khoa học, chuyên môn đông đảo… Trong khi đó, việc đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục có thể triển khai ngay trong thực tế mà không cần nguồn đầu tư lớn như vậy.

Theo đại diện Bộ GD-ĐT, hiện nay, ngành giáo dục đã và đang thực hiện đổi mới đánh giá chất lượng giáo dục bằng việc tổ chức việc ra đề thi mở, xây dựng “ma trận” đề thi trong kiểm tra để đánh giá kiến thức một cách toàn diện, tránh học tủ và hướng tới phát triển năng lực người học…

Từ đó, ngành giáo dục hướng tới việc xây dựng nội dung học đảm bảo được yêu cầu nghiệm thu kết quả ngay trong quá trình học: Học đến đâu sẽ tổ chức thi, kiểm tra đến đấy; sau đó, kết quả này sẽ được sử dụng trong việc đưa ra đánh giá cuối cùng.

PGS Văn Như Cương đưa ra ý kiến nên kết thúc kỳ thi 3 chung để các trường ĐH tự chủ do những bất cập trong tuyển sinh 3 chung hiện tại. Nhất trí với quan điểm đó, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết, bộ đã chủ trương để cho các trường tự chủ nếu các trường có yêu cầu và đủ khả năng làm điều này.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ không chỉ dựa vào kỳ thi cuối cùng mà phải căn cứ quá trình học của học sinh cấp trung học phổ thông. Bên cạnh đó, kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông có thể được sử dụng để các trường xét tuyển “đầu vào” trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sao cho phù hợp với điều kiện của từng trường.

Dạy thêm, học thêm sẽ dần được chấn chỉnh để phát huy tác dụng thực tế.

Cũng theo Thứ trưởng, cần hướng tới việc học sinh làm được gì sau khi học. Trong thực tế, quan niệm về kiểm tra đánh giá còn hạn hẹp, chỉ coi trọng kết quả cuối cùng là học được gì. Trong khi đó, cách kiểm tra đánh giá theo quan điểm mới là trong quá trình dạy học, giáo viên phải biết phát hiện những nhân tố nổi bật của học sinh để bồi dưỡng, phát huy; nhìn ra những yếu kém của học sinh để có hướng dẫn kịp thời, điều chỉnh phương pháp, nội dung dạy học để giúp học sinh đạt được kết quả tốt trong quá trình học tập. Đây là hướng đi coi trọng, tăng cường đánh giá quá trình kết hợp với đánh giá kết quả giáo dục.

Có “triệt” được dạy thêm, học thêm?

Một trong những kỳ vọng của đột phá trong thi cử là sẽ triệt được tận gốc nạn dạy thêm, học thêm đang biến tướng làm nhức nhối dư luận. 

Nói về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Thời gian tới, sẽ vẫn cần có dạy thêm, học thêm nhưng là dạy phụ đạo cho học sinh kém và bồi dưỡng học sinh giỏi. 

Hiện nay, học thêm tràn lan là do học sinh còn phải học quá nhiều, học sinh nào cũng phải học như nhau. Sau đổi mới thi cử, các em sẽ được học tự chọn, đề thi sẽ mở, đánh giá theo cả quá trình chứ không quyết định cả tương lai của các em trong một vài kỳ thi, điều này giảm áp lực học hành cho các em, nhu cầu học thêm vì thế sẽ không còn và tự nhiên… biến mất”. 

Theo PGS Đinh Xuân Khoa, phải thay đổi tư duy của phụ huynh, nhiều phụ huynh quá kỳ vọng vào con cái mà tạo sức ép bắt con học thêm, có những phụ huynh vì quá bận rộn mà cần con học thêm để thầy cô quản lý giúp.

Còn GS Văn Như Cương thì cho rằng: Cần có một cuộc điều tra về nhu cầu học thêm của học sinh, đối tượng có thể học thêm và cần học thêm nằm ở bộ phận nhân dân nào. Thực tế vì thiếu người ta mới cần thêm. Chỉ cần ngành giáo dục làm thế nào dạy cho “đủ” thì nhu cầu về dạy thêm, học thêm sẽ được giải quyết.

PSG Văn Như Cương lên án đề thi của Sở GD-ĐT Hải Phòng

Cũng trong buổi tọa đàm sáng nay, PGS Văn Như Cương cũng đã một lần nữa nói về cách ra đề thi mở. PGS đã nêu ra 2 ví dụ gần đây về việc một kỳ thi HSG tại Hải Phòng đã đưa Bà Tưng, Ngọc Trinh vào đề thi là điều đáng phê phán.

Bên cạnh đó, đề thi của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam "bày tỏ suy nghĩ về một câu hát trong ca khúc Instant Karma của John Lennon: “Phải chăng chúng ta đều tỏa sáng, như mặt trăng, như những vì sao và như mặt trời" được đánh giá cao. Tuy nhiên PGS cũng cho rằng việc ra đề mở cũng phải thận trọng, đề mở nhưng giáo viên có chấm mở không, học sinh có làm mở không?...

Khánh An

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.