Thêm giải pháp an toàn cho mỏ than lộ thiên

20:46 | 22/11/2017

2,579 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Viện Khoa học công nghệ mỏ - Vinacomin đã tư vấn, ứng dụng một số giải pháp nhằm bảo đảm độ ổn định bờ mỏ và sườn dốc trong sản xuất ở các mỏ than lộ thiên.

Nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học công nghệ mỏ, đứng đầu là TS Lưu Văn Thực - Phó viện trưởng, đã thực hiện công trình nghiên cứu “Một số giải pháp công nghệ làm tơi đất đá hợp lý khu vực bờ trụ bị trượt lở, bảo đảm an toàn cho các công trình trên bề mặt tại các mỏ than lộ thiên Việt Nam”.

Đây được xem là giải pháp rất quan trọng và cần thiết trong công tác khai thác ở Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV).

them giai phap an toan cho mo than lo thien
Khai thác than lộ thiên ở Quảng Ninh

Theo TS Lưu Văn Thực, trong quá trình khai thác các mỏ than lộ thiên, bờ trụ liên tục xảy ra trượt lở, với thể tích khối trượt từ vài trăm ngàn đến hàng triệu m3, như mỏ than Na Dương, Tây Nam Đá Mài, Đèo Nai, Cao Sơn… không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, gây nguy hiểm cho con người, thiệt hại tài sản, mà còn ảnh hưởng tới các công trình xây dựng gần khu vực bờ mỏ. Để giải quyết vấn đề này, nhóm nghiên cứu đã đưa ra 2 giải pháp công nghệ làm tơi đất đá hợp lý đối với các bờ trụ mỏ than lộ thiên bị trượt lở gồm: Công nghệ làm tơi đất đá không cần khoan nổ mìn và công nghệ làm tơi đất đá bằng nổ mìn. Tùy điều kiện cụ thể của bờ trụ từng mỏ và yêu cầu bảo đảm an toàn cho các công trình trên bề mặt có thể áp dụng riêng lẻ hay kết hợp các giải pháp làm tơi bằng đất đá, máy cày xới, khoan nổ mìn giảm chấn động tới bờ trụ.

Công nghệ không cần khoan nổ mìn có thể áp dụng làm mềm đất đá mỏ bằng phương pháp hóa lý, máy khấu liên hợp (liên hợp phay cắt), các loại máy xúc có răng gàu tích cực (EKG - 5B, EKG - 12B) hoặc máy cày xới. Theo nhóm nghiên cứu, máy cày xới là loại thiết bị làm tơi đất đá phù hợp nhất trong điều kiện khai thác tại các bờ trụ của một số mỏ than lộ thiên bị trượt lở phía trên có các công trình cần bảo vệ. Đây là loại thiết bị tiên tiến, rất cơ động, linh hoạt và gọn nhẹ, phù hợp với dây chuyền đồng bộ thiết bị theo chu kỳ sẵn có của các mỏ than lộ thiên.

Bên cạnh đó, còn có thể áp dụng các biện pháp làm tơi đất đá bằng khoan nổ mìn. Tuy nhiên, cần có phương pháp thiết kế nổ mìn để giảm nhẹ tối đa dao động địa chấn. Khối thuốc nổ đặt càng gần mặt thoáng thì dao động càng nhỏ. Bên cạnh đó, cần khoan thẳng hàng, bởi thẳng hàng giữa các lỗ khoan trong càng lớn thì tác động hậu xung càng nhỏ.

TS Thực cũng nêu ra một số giải pháp nhằm bảo đảm an toàn khai thác than lộ thiên trong điều kiện thời tiết phức tạp. Đó là, phải có đủ các đai bảo vệ trên bờ, nhằm ngăn chặn hiện tượng trôi trượt đất đá từ các tầng xuống tầng dưới làm sạt lở bờ mỏ. Hoàn thiện hệ thống thoát nước trên các tầng và xung quanh mỏ lộ thiên nhằm mục đích ngăn chặn sự bào mòn, xói lở của các dòng nước mặt làm phá vỡ bờ mỏ và làm giảm độ bền vững của đất đá. Góc nghiêng của bờ mỏ phải chọn sao cho phù hợp với tính chất cơ lý của đất đá, cấu tạo địa chất, điều kiện địa chất thuỷ văn, chiều sâu khai thác và thời gian tồn tại của bờ mỏ. Nếu bờ mỏ nằm trong khu vực có cấu tạo địa chất phức tạp (đứt gãy, vò, nhàu) và bị ảnh hưởng nhiều của nước mặt, nước ngầm thì góc nghiêng của bờ mỏ giảm đi 30-40%...

Tùy điều kiện cụ thể của bờ trụ từng mỏ và yêu cầu bảo đảm an toàn cho các công trình trên bề mặt có thể áp dụng riêng lẻ hay kết hợp các giải pháp làm tơi bằng đất đá, máy cày xới, khoan nổ mìn giảm chấn động tới bờ trụ.

P.V

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps