Thêm 100 tỷ đồng trái phiếu đổ về Trungnam Group khi sắp đến ngày đáo hạn

09:09 | 17/08/2022

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Từ tháng 1/2022 đến hết tháng 7/2022, Trungnam Group đã huy động thành công 2.800 tỷ đồng trái phiếu qua 4 đợt phát hành với kỳ hạn từ 1 đến 2 năm. Ngoài ra, Trungnam group liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu thông qua các công ty thành viên để phát triển năng lượng.
Tập đoàn Trung Nam nhận bàn giao 23 thiết bị đầu tiên phục vụ dự án năng lượng tái tạoTập đoàn Trung Nam nhận bàn giao 23 thiết bị đầu tiên phục vụ dự án năng lượng tái tạo

Ngày 29/7 vừa qua, CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (còn được biết đến là Tập đoàn Trung Nam - Trungnam Group) hoàn tất phát hành lô trái phiếu mã TNGCH2224005 trị giá 100 tỷ đồng. Tổng khối lượng phát hành là 100 trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 2 năm, theo đó sẽ đáo hạn vào ngày 29/07/2024.

Thêm 100 tỷ đồng trái phiếu đổ về Trungnam Group khi sắp đến ngày đáo hạn
Thêm 100 tỷ đồng trái phiếu đổ về Trungnam Group khi sắp đến ngày đáo hạn

Nguồn: HNX

Đáng nói, ngày 16/8/2022 là ngày đáo hạn lô trái phiếu mã TNGCB2122002 trị giá 600 tỷ đồng được huy động cách đây 1 năm với lãi suất cố định 9,5%/năm do CTCP Chứng khoán VNDirect (HOSE: VND) bảo lãnh phát hành. VNDirect cũng là tổ chức quản lý TSBĐ số 1 của Trung Nam.

Tài sản đảm bảo cho lô trái phiếu gồm 20 triệu cổ phần Trung Nam thuộc sở hữu của ông Nguyễn Tâm Thịnh - Chủ tịch Tập đoàn Trung Nam; quyền tài sản của Nam Trung phát sinh từ, hoặc liên quan đến hợp đồng cho vay hạn mức số 0508/02HDVHM/TCKT/TNG-TNTNSP giữa tổ chức phát hành và Công ty TNHH Điện Mặt trời Trung Nam Thuận Nam, và các hợp đồng vay đã, đang và sẽ ký kết giữa Trung Nam và công ty Trung Nam Thuận Nam.

Mục đích phát hành trái phiếu để tăng quy mô vốn hoạt động nhằm đầu tư, triển khai các dự án năng lượng tái tạo của tập đoàn và/hoặc các mục đích kinh doanh khác phù hợp với quy định của pháp luật.

Thêm 100 tỷ đồng trái phiếu đổ về Trungnam Group khi sắp đến ngày đáo hạn
Thêm 100 tỷ đồng trái phiếu đổ về Trungnam Group khi sắp đến ngày đáo hạn
Nguồn: HNX/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trungnam Group huy động hàng chục nghìn tỷ đồng để phát triển năng lượng

Theo thống kê từ người viết, từ tháng 1/2022 đến hết tháng 7/2022, Trungnam Group đã huy động thành công 2.800 tỷ đồng trái phiếu qua 4 đợt chào bán với kỳ hạn từ 1 đến 2 năm.

Cụ thể, đợt 1 vào ngày 5/4/2022 doanh nghiệp đã hoàn tất phát hành lô trái phiếu mã TNGCB2224003 trị giá 2.000 tỷ đồng. Tổng khối lượng phát hành là 20.000.000 trái phiếu với mệnh giá 100.000 đồng/trái phiếu. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 2 năm, theo đó sẽ đáo hạn vào ngày 5/4/2024.

Đợt 2 phát hành lô trái phiếu TNGCH2223001 vào ngày 16/3/2022, ngày hoàn tất chào bán là 17/5/2022. Lô trái phiếu trị giá 400 tỷ đồng. Tổng khối lượng phát hành là 400.000 trái phiếu với mệnh giá 1.000.000 đồng/trái phiếu. Lô trái phiếu này có kỳ hạn 1 năm, theo đó sẽ đáo hạn vào ngày 16/3/2023.

Đợt 3, Trungnam Group phát hành lô trái phiếu TNGCH2223002 vào ngày 22/3/2022, ngày hoàn tất phát hành là 16/6/2022. Tổng khối lượng phát hành là 3.000 trái phiếu với mệnh giá 100.000.000 đồng/trái phiếu, giá trị phát hành 300 tỷ đồng. Lô trái phiếu kỳ hạnh 1 năm, ngày đáo hạn sẽ vào 22/3/2023.

Đợt 4 là lô trái phiếu trị giá 100 tỷ đồng đã đề cập phía trên.

Trước đó, trong năm 2021, Trung Nam có 2 đợt huy động vốn từ phát hành trái phiếu riêng lẻ. Trong đó lô phát hành vào ngày 18/05 có giá trị 2.000 tỷ đồng, đối tượng phát hành là 1 công ty chứng khoán trong nước và 1 tổ chức khác trong nước, mỗi bên chia nhau 50% số lượng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi có kỳ hạn 3 năm; lãi suất năm đầu là 9,5%/năm, các năm sau áp dụng lãi thả nổi = lãi suất tham chiếu + 3,5%/năm.

Tài sản đảm bảo cho số trái phiếu trên là 100 triệu cổ phần tại Tập đoàn Trung Nam (TSBĐ số 1), quyền và lợi ích phát sinh từ số cổ phiếu này. Trong thời gian chưa hoàn thành thủ tục ký hợp đồng thế chấp TSBĐ số 2 thì tài sản đảm bảo 1 là 300 triệu cổ phiếu Trung Nam.

Ngoài ra còn có quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai của khu đất tổng diện tích 848,605 m2 tại xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang, Tp.Đà Nẵng (TSBĐ số 2); quyền tài sản gắn liền với Dự án khu công nghệ thông tin Đà Nẵng (TSBĐ số 3); toàn bộ số dư tiền và chứng khoản trên tài khoản chứng khoán của tổ chức phát hành mở tại CTCP Chứng khoán VNDirect (HOSE: VND) (TSBĐ số 4).

Kế đến là lô trái phiếu riêng lẻ phát hành 600 tỷ đồng vào ngày 16/08/2021 đã đề cập phía trên.

Thêm 100 tỷ đồng trái phiếu đổ về Trungnam Group khi sắp đến ngày đáo hạn
Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Xuất phát điểm thực hiện các dự án bất động sản, xây dựng hạ tầng, đến năm 2018, Tập đoàn đã lấn sang năng lượng và kể từ đó đây trở thành trụ cột chính của Trungnam Group. Đến tháng 10/2021 Trungnam Group đóng góp 1,63 GW năng lượng vào lưới điện quốc gia, thuộc top đầu khối doanh nghiệp tư nhân trong ngành công nghiệp này.

Tại Ninh Thuận - trung tâm năng lượng của cả nước, Trung Nam đang sở hữu loạt dự án, gồm Dự án trạm biến áp 500kV và đường dây 220/500 kV kết hợp Nhà máy điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam 450 MW tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam. Đây là dự án điện mặt trời lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á.

Cũng tại tỉnh miền trung này, Trungnam Group còn sở hữu tổ hợp năng lượng tái tạo Nhà máy Điện gió Trung Nam với tổng đầu tư 4.000 tỷ đồng, kết hợp với nhà máy điện mặt trời 204 MW. Tổng sản lượng khai thác hàng năm của tổ hợp năng lượng này đạt 950 triệu kWh - 1 tỷ kWh điện mỗi năm.

Trong khi đó tại Đắk Lắk, tập đoàn làm dự án điện gió Ea Nam công suất 400 MW. Đây hiện là nhà máy điện gió có công suất lớn nhất của cả nước. Cùng lúc, công ty còn thực hiện Dự án Đông Hải 1 Trà Vinh - dự án điện gió trên biển lớn nhất với công suất 100 MW. Các dự án này đều được hoàn thành trong tháng 10/2021, chỉ sau vài tháng khởi công nhằm kịp với deadline hưởng giá FIT 31/10.

Ngoài ra, do xác định năng lượng là ngành mũi nhọn trong 6 ngành nghề chiến lược, Trungnam Group cho biết tiếp tục đầu tư các nhà máy điện gió trên bờ, dưới biển giai đoạn 2022 đến năm 2030 - 2045 lên ít nhất 7 GW.

Mặc dù đầu tư lớn cho điện mặt trời, đặc biệt Trungnam Group tự bỏ kinh phí gần 2.000 tỷ đồng để đầu tư hệ thống truyền tải 500 kV, song phần công suất hơn 172MW trong số 450MW của dự án Trung Nam Thuận Nam chưa xác định cơ chế giá bán điện.

Thực tế, để thực hiện loạt dự án năng lượng mới nói trên, Trungnam Group cần nguồn vốn rất lớn. Xuyên suốt nhiều năm qua, Trungnam group liên tục huy động vốn qua kênh trái phiếu với giá trị lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng thông qua các công ty thành viên trong mảng năng lượng.

Chỉ tính riêng công ty con là CTCP Điện gió Trung Nam Đắk Lắk 1 - chủ đầu tư dự án nhà máy điện gió Ea Nam ở Đắk Lắk đã huy động hơn 16.000 tỷ đồng trái phiếu trong giai đoạn tháng 6/2020 đến nay.

Công ty Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam từ tháng 5/2021 đến tháng 8/2021 đã huy động khoảng 2.400 tỷ đồng trái phiếu; Điện mặt trời năng lượng tái tạo Trung Nam cuối tháng 6/2022 đã phát hành xong 1.500 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 1 năm; cuối tháng 2/2022, Điện mặt trời Trung Nam Trà Vinh huy động thành công 400 tỷ đồng trái phiếu;…

Tập đoàn của đại gia Nguyễn Tâm Thịnh liên tục chuyển nhượng vốn tại các dự án

Trong bối cảnh nhiều dự án điện mặt trời bị Tập đoàn EVN buộc phải cắt giảm công suất phát điện lên hệ thống điện quốc gia nhằm đảm bảo an toàn cho vận hành hệ thống điện. Phía Trungnam Group đã chuyển nhượng cổ phần tại nhà máy điện mặt trời.

Cụ thể, ngày 17/4/2021, CTCP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT) đã mua thành công 49% cổ phần dự án Nhà máy Điện mặt trời Trung Nam Thuận Bắc từ CTCP Đầu tư xây dựng Trung Nam. Ngay sau khi chuyển nhượng thành công, phía Trungnam Group đã chuyển giao chức vụ Giám đốc Điện mặt trời Trung Nam cho ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Tổng Giám đốc ACIT.

Dự án nói trên có công suất 204 MW với tổng đầu tư 5.000 tỷ đồng. Dự án được vận hành từ tháng 7/2019 và được hưởng giá bán điện 9,35 cent/kWh trong 20 năm theo chính sách ưu đãi.

Đến tháng 5/2021, CTCP Điện gió Trung Nam tiếp tục thực hiện ký kết bán 35,1% cổ phần Nhà máy điện gió Trung Nam cho Công ty Hitachi Sustainable Energy (Hitachi SE - thuộc Tập đoàn Hitachi, một doanh nghiệp Nhật Bản). Hành động này diễn ra sau khoảng 1 tháng nhà máy được khánh thành.

Còn mới đây nhất, tờ Bloomberg cho biết Tập đoàn này đang làm việc với đơn vị tư vấn tài chính để bán từ 30% - 35% cổ phần danh mục đầu tư của mình, gồm chủ yếu là các dự án điện gió và điện mặt trời. Khối tài sản này có thể được định giá lên tới 1 tỷ USD. Tuy nhiên, nguồn tin từ tập đoàn này khẳng định, "mức định giá này không chính xác".

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Hoàng Long

vietinbank
ajinomoto