Thế giới đêm qua - 21/3

09:28 | 22/03/2019

120 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Lãnh đạo Iran khẳng định đánh bại Mỹ trong cuộc chiến kinh tế. EU đồng ý hoãn Brexit đến 22/5 nếu Quốc hội Anh ủng hộ thỏa thuận. Nga quan ngại về việc Mỹ điều máy bay B-52 tới châu Âu.
the gioi dem qua 213Nổ nhà máy hóa chất ở Trung Quốc
the gioi dem qua 213Mỹ triển khai 6 máy bay ném bom B-52 tới châu Âu để “răn đe” Nga
the gioi dem qua 213
Nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei. (Nguồn: aljazeera.com)

1. Lãnh đạo Iran khẳng định đánh bại Mỹ trong cuộc chiến kinh tế

Ngày 21/3, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei cho rằng đất nước của ông sẽ đánh bại Mỹ trong “cuộc chiến tranh kinh tế” mà Washington nhằm vào Tehran.

Phát biểu trong chương trình truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình IRIB nhân ngày đầu tiên của năm mới theo lịch Iran, ông Khamenei cho biết: “Kẻ thù đã tiến hành cuộc chiến tranh kinh tế nhằm vào chúng ta. Chúng ta phải đánh bại kẻ thù trong cuộc chiến này. Chúng ta phải thiết lập rào cản kinh tế để họ (Mỹ) không thể sử dụng các lỗ hổng kinh tế hòng gây hại cho đất nước chúng ta”.

Cũng theo ông Khamenei, Iran sẽ thành công trong việc biến các lệnh cấm vận “nặng nề và hiểm độc” của Mỹ thành những cơ hội để giải thoát nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ.

2. EU đồng ý hoãn Brexit đến 22/5 nếu Quốc hội Anh ủng hộ thỏa thuận

Liên minh châu Âu (EU) đã đồng ý cho phép Vương quốc Anh một quãng thời gian trì hoãn ngắn việc nước này rời khỏi EU (còn gọi là Brexit), nhưng chỉ khi các nghị sĩ Quốc hội nước này bỏ phiếu ủng hộ dự thảo thỏa thuận của Thủ tướng Theresa May vào tuần tới.

Theo một dự thảo kết luận mà một số cơ quan báo chí có được, lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU ngày 21/3 tuyên bố rằng họ chuẩn bị mở rộng Điều khoản 50 về quá trình rút khỏi liên minh cho đến ngày 22/5, để cho Vương quốc Anh có thời gian chuẩn bị cho việc ra đi.

Trước đó, giới chức Anh đã cảnh báo các nhà quản lý tài sản và các tập đoàn tài chính khác của EU chỉ có một tuần để đăng ký với các nhà điều hành Anh nhằm tiếp tục hoạt động tại nước này trong trường hợp Brexit không thỏa thuận.

3. Nga quan ngại về việc Mỹ điều máy bay B-52 tới châu Âu

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov ngày 21/3 tuyên bố việc Mỹ điều 6 máy bay ném bom chiến lược B-52 đến châu Âu đang gây thêm căng thẳng.

Ông Peskov nhấn mạnh: “Đương nhiên, những hành động tương tự của Mỹ sẽ không dẫn đến việc củng cố bầu không khí an ninh và ổn định ở khu vực nằm tiếp giáp trực tiếp với biên giới Nga… Chúng tôi lấy làm tiếc với những hành động như vậy của Washington".

Trước đó, truyền thông quốc tế đưa tin, 6 máy bay ném bom chiến lược thuộc Lực lượng không quân Mỹ, đồn trú tại căn cứ ở bang Louisiana, đã được điều đến châu Âu để "hội nhập tại vùng chiến sự và tham gia các cuộc tập trận trên không" cùng với các đồng minh và đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Theo giới phân tích, động thái điều chuyển này là tín hiệu gửi tới Moskva nhân dịp kỷ niệm 5 năm bán đảo Crimea sáp nhập vào lãnh thổ Liên bang Nga.

4. Thêm 31 người bị bắt vì sử dụng ứng dụng ByLock tại Thổ Nhĩ Kỳ

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, truyền thông Trung Đông ngày 21/3 đưa tin, 31 người đã bị bắt giữ tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ với cáo buộc sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh ByLock, vốn bị chính quyền nước này coi là bằng chứng liên quan đến phong trào của Giáo sỹ Hồi giáo Fethullah Gulen.

Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Giáo sỹ Gulen, hiện đang lưu vong tại Mỹ, là chủ mưu cuộc đảo chính bất thành diễn ra ngày 15/7/2016 và coi những người ủng hộ ông này là khủng bố.

Trong cuộc điều tra mới nhất đối với những người ủng hộ phong trào này, 51 nghi phạm đã bị Thổ Nhĩ Kỳ tạm giữ, trong đó 31 người bị bắt giữ với cáo buộc sử dụng ứng dụng ByLock. Cho đến nay, hàng chục nghìn người đã bị bắt giữ và kết án tù với cáo buộc liên quan tới cuộc đảo chính và chủ nghĩa khủng bố.

5. Cựu Tổng thống Brazil bị bắt giữ vì cáo buộc tham nhũng

Ngày 21/3, một nguồn thạo tin cho biết cựu Tổng thống Brazil Michel Temer đã bị bắt giữ trong khuôn khổ cuộc điều tra chống tham nhũng mang tên "Car Wash" liên quan tới Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petrobras.

Ông Temer lên nắm quyền hồi giữa năm 2016 sau khi cựu Tổng thống Dilma Rousseff bị phế truất. Tuy nhiên, trong thời gian tại nhiệm, tỷ lệ ủng hộ dành cho nhà lãnh đạo trung hữu này luôn ở mức thấp do ông vướng phải nhiều vụ bê bối tham nhũng.

Petrobras là tâm điểm vụ "Car Wash" từ năm 2014, phanh phui các hoạt động biển thủ và hối lộ liên quan đến một mạng lưới chính trị gia và chủ doanh nghiệp. Vụ bê bối này đã làm rung chuyển chính trường Brazil và khiến nhiều quan chức của Petrobras cũng như nhiều chính trị gia hàng đầu nước này bị truy tố.

Lâm Anh (t/h)