Thế giới đêm qua - 20/2

13:55 | 21/02/2019

317 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Thủ tướng Anh sẽ sớm tiến hành bỏ phiếu về Brexit tại Quốc hội. Chính phủ UAE nới lỏng lệnh cấm vận chuyển hàng hóa với Qatar. Lãnh đạo Nhật - Mỹ điện đàm thảo luận hợp tác về Triều Tiên.
the gioi dem qua 202Tin nóng thế giới hôm nay - 20/2
the gioi dem qua 202Giá dầu thế giới 20/2: Giới đầu tư lạc quan, giá dầu đồng loạt tăng nhẹ
the gioi dem qua 202
Thủ tướng Anh Theresa May vẫn đang thuyết phục Liên minh châu Âu một số vấn đề về Brexit. Ảnh: Getty Images

1. Thủ tướng Anh sẽ sớm tiến hành bỏ phiếu về Brexit tại Quốc hội

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 20/2 cho biết, bà sẽ tiến hành một cuộc bỏ phiếu về Thỏa thuận Brexit sửa đổi tại Quốc hội càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, bà Theresa May nhấn mạnh, thời điểm thích hợp để tiến hành cuộc bỏ phiếu như vậy là sau khi nhận được sự đảm bảo từ Liên minh châu Âu (EU).

“Chính phủ Anh đang thảo luận với Liên minh châu Âu về Brexit và sau đó sẽ tiến hành bỏ phiếu đối với vấn đề mà Vương quốc Anh đưa ra. Cuối cùng, khi thời điểm thích hợp, chúng ta lại một lần nữa bỏ phiếu về Brexit tại Hạ viện”, bà Theresa May nói.

Theo kế hoạch, ngày 20/2, bà Theresa May đến Brussel (Bỉ) và có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker với mục đích thuyết phục phía châu Âu chấp nhận những thay đổi liên quan đến điều khoản rào chắn quy định về vấn đề biên giới Bắc Ireland, qua đó thuyết phục được Hạ viện chấp nhận thông qua thỏa thuận Brexit.

2. Chính phủ UAE nới lỏng lệnh cấm vận chuyển hàng hóa với Qatar

Ngày 20/2, truyền thông Trung Đông đưa tin, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đã nới lỏng lệnh cấm vận chuyển hàng hóa giữa nước này với Qatar vốn có hiệu lực trong khuôn khổ chính sách tẩy chay Doha cả về chính trị và kinh tế.

Thông báo của Cảng Abu Dhabi nêu rõ việc bãi bỏ các chỉ thị trước đó về cấm các hàng hóa có xuất xứ từ Qatar. Tuy nhiên, nhà chức trách nước này vẫn duy trì lệnh cấm các tàu có treo cờ Qatar, các hãng vận tải biển của Qatar hoặc thuộc quyền sở hữu của các pháp nhân mang quốc tịch Qatar.

Theo một nguồn thạo tin, thông tư này được áp dụng đối với tất cả các cảng của UAE. Một ví dụ thực tế cho thấy là tàu chở container MSC ELSA 3 treo cờ Liberia đến từ Umm Said (Qatar) đã cập cảng Jebel Ali ở Dubai vào ngày 20/2. Tuy nhiên, hiện nhà chức trách UAE và Qatar chưa đưa ra phản ứng chính thức về vấn đề này.

3. Lãnh đạo Nhật - Mỹ điện đàm thảo luận hợp tác về Triều Tiên

Ngày 20/2, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump để thảo luận hợp tác trong các vấn đề liên quan đến Triều Tiên.

Trong một phát biểu tại phiên họp của một ủy ban Hạ viện trước cuộc điện đàm trên, ông Abe khẳng định: "Tôi muốn phối hợp chặt chẽ về chính sách (với ông Trump) nhằm giải quyết các vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, và quan trọng nhất là các vấn đề liên quan đến các công dân Nhật Bản bị Triều Tiên bắt cóc trong những năm 1970-1980, vốn là nguyên nhân khiến hai nước chưa thể bình thường hóa quan hệ".

Tại cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều lần đầu tiên tháng 6/2018 tại Singapore, lãnh đạo hai nước đã nhất trí rằng Washington sẽ cung cấp các đảm bảo an ninh cho Bình Nhưỡng, đổi lại là việc "phi hạt nhân hóa hoàn toàn" Bán đảo Triều Tiên. Theo đề nghị của ông Abe, tại cuộc gặp này, ông Trump cũng đã nêu vấn đề bắt cóc con tin Nhật Bản thời chiến.

4. Syria nỗ lực sơ tán người dân khỏi khu vực IS chiếm giữ

Theo ghi nhận của hãng tin BBC, ít nhất 15 xe tải chở theo nam giới, phụ nữ và trẻ em đã rời khỏi thị trấn Baghuz trong ngày 20/2. Liên minh Lực lượng Dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn đang vây hãm thị trấn này cho biết, vẫn chưa rõ là liệu có tay súng nào của IS nằm trong số dân thường được di dời hay không.

Trước đó, hôm 19/2, Liên hợp quốc đã bày tỏ quan ngại về số phận của khoảng 200 gia đình còn kẹt lại ở Baghuz. Theo người đứng đầu cơ quan nhân quyền Liên hợp quốc Michelle Bachelet, các tay súng IS đang ngăn cản không cho người dân di dời. Nhiều người dân vô tội đang trở thành mục tiêu của những trận bom của Liên minh Lực lượng Dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn và lực lượng quân sự do Mỹ dẫn đầu ở Syria.

5. Iraq bất đồng về sự hiện diện của quân đội Mỹ

Đại sứ quán Mỹ tại Baghdad tuần trước tuyên bố rằng quân đội nước này sẽ rời khỏi Iraq nếu chính phủ Iraq yêu cầu. Vấn đề gây tranh cãi khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rằng ông dự định giữ quân đội của Mỹ ở Iraq để có thể kiểm soát Iran. Người phát ngôn của Liên minh quốc tế, Đại tá Sean Ryan cũng xác nhận hơn 5.000 sĩ quan và binh sĩ Mỹ đang ở Iraq để giúp đỡ và tư vấn cho quân đội nước này.

Thủ tướng Iraq Adil Abdul-Mahdi khẳng định: “Lực lượng quân sự nước ngoài ở Iraq để hỗ trợ đào tạo và hậu cần. Ngoài ra lực lượng quân đội Mỹ và nước ngoài ở Iraq chỉ nhằm hỗ trợ chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS, cũng như đào tạo cho quân đội Iraq và trang bị vũ khí. Tất cả những hoạt động này nằm trong khuôn khổ. Tôi khẳng định không có lực lượng nước ngoài nào kể cả quân đội Mỹ được sử dụng lãnh thổ Iraq để gây chiến với một nước khác. Điều này là rất rõ ràng”.

Tuy nhiên, giới chính trị ở Iraq cho rằng tuyên bố của ông Donald Trump khiêu khích các nhóm dân quân, vũ trang và thậm chí các khối chính trị trung thành với Iran gây áp lực cho chính phủ về sự hiện diện của Mỹ ở Iraq. Tổng thống Iraq Barham Salih nói rằng ông Donald Trump đã không xin phép để quân đội Mỹ có thể đóng quân tại Iraq nhằm quan sát Iran và kêu gọi các nhóm tôn giáo, chính trị ở Iraq gây sức ép chấm dứt sự hiện diện của Mỹ, đặc biệt là khi cuộc chiến chống IS gần như đã kết thúc.

Lâm Anh (t/h)