Thế giới đêm qua - 17/2

09:09 | 18/02/2019

330 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Mỹ sẽ ngừng hỗ trợ nếu SDF hợp tác với chính quyền Syria. Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc tới Yemen thảo luận về lệnh ngừng bắn tại Hodeida. An ninh Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hơn 3.600 người trên toàn quốc.
the gioi dem qua 172Tin nóng thế giới hôm nay - 17/2
the gioi dem qua 172Thế giới đêm qua - 16/2
the gioi dem qua 172
Các thành viên SDF trong chiến dịch chống IS gần Abu Kamal, tỉnh Deir Ezzor, miền Đông Syria ngày 1/5/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

1. Mỹ sẽ ngừng hỗ trợ nếu SDF hợp tác với chính quyền Syria

Truyền thông khu vực ngày 17/2 dẫn lời Trung tướng Paul LaCamera - Chỉ huy liên quân do Mỹ dẫn đầu chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria, Mỹ sẽ tiếp tục công tác huấn luyện và vũ trang cho Các lực lượng dân chủ Syria (SDF) đến khi nào lực lượng này còn là đối tác của Washington. Một khi mối quan hệ đó trở nên xấu đi sau khi lực lượng này “bắt tay” với chính quyền Syria hoặc Nga, thì Mỹ sẽ không còn hợp tác với họ.

Tuyên bố trên của Trung tướng LaCamera là lời khẳng định cho thấy những quyết định khó khăn mà SDF đang phải đối mặt sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria, đồng thời phát đi thông điệp rõ ràng rằng SDF sẽ phải lựa chọn giữa chính quyền Bashar al-Assad, Nga hoặc Mỹ.

Thời gian gần đây, các nhà lãnh đạo lực lượng người Kurd đã tìm kiếm khả năng đàm phán với chính quyền Tổng thống Assad với hy vọng nhận được sự hỗ trợ phòng vệ sau khi Mỹ rút quân khỏi Syria. Lực lượng người Kurd lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tấn công Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG), lực lượng bị Ankara coi là "nhánh khủng bố" của đảng Công nhân người Kurd (PKK), vốn bị nước này cấm hoạt động.

2. Đặc phái viên LHQ tới Yemen thảo luận về lệnh ngừng bắn tại Hodeida

Các quan chức an ninh Yemen cho biết đặc phái viên Liên hợp quốc Martin Griffiths đã tới thủ đô Sanaa để thảo luận về "tình hình phức tạp" ở thành phố cảng chiến lược Hodeida. Trong khi đó lực lượng Houthi cho biết lãnh đạo của họ, ông Abdul-Malek al-Houthi, đã gặp đặc phái viên Griffiths ngày 17/2 để thảo luận việc thực thi thỏa thuận hòa bình với chính quyền Yemen được quốc tế thừa nhận.

Các bên tham chiến tại Yemen đã đồng ý lệnh ngừng bắn vào tháng 12/2018 cũng như trao đổi tù nhân, điều đến nay vẫn chưa được thực hiện. Tháng 3/2015, liên quân Arab đã can thiệp vào cuộc nội chiến ở Yemen để hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Hadi. Theo Liên Hiệp Quốc, kể từ đó đến nay, hơn 10.000 người đã thiệt mạng tại Yemen.

3. An ninh Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hơn 3.600 người trên toàn quốc

Ngày 17/2, truyền thông Trung Đông đưa tin, Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hơn 3.600 người đã bị bắt giữ trong một chiến dịch “an toàn và hòa bình” được triển khai trên khắp nước này. Hơn 58.500 nhân viên an ninh, gồm cả cảnh sát, lực lượng hiến binh và các đơn vị bảo vệ bờ biển, được triển khai trong chiến dịch tại 81 tỉnh và bắt giữ ít nhất 3.673 người.

Ngoài ra, trong chiến dịch này, khoảng 575.200 người đã bị thẩm vấn và các lực lượng an ninh cũng đã tiến hành khám xét khoảng 147.600 phương tiện và 18.600 nơi làm việc. 13 cơ sở bị đóng cửa, 94 người và 220 phương tiện bị mất tích đã được tìm thấy, và 944 phương tiện bị cấm tham gia giao thông.

Cùng ngày, truyền thông nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin 735 người đã bị bắt giam sau khi cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành các triển dịch truy quét nhân dịp kỷ niệm lần thứ 20 vụ bắt giữ thủ lĩnh người Kurd Abdullah Ocalan.

4. Afghanistan đề nghị Liên Hiệp Quốc can thiệp hội đàm Pakistan-Taliban

Hãng thông tấn ANI ngày 17/2 đưa tin Afghanistan đã bày tỏ quan ngại và đề nghị Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc can thiệp cuộc gặp giữa Pakistan với lực lượng Taliban vì cho rằng điều này không chỉ làm suy yếu các nỗ lực hòa bình mà còn vi phạm chủ quyền quốc gia của Afghanistan và Nghị quyết 1988 của Hội đồng Bảo an.

Động thái của Afghanistan diễn ra sau khi Pakistan mời Taliban hội đàm với Thủ tướng nước này Imran Khan. Phái đoàn Afghanistan tại Liên Hiệp Quốc cho rằng lời mời của Pakistan đã vi phạm chủ quyền quốc gia của Afghanistan và đe dọa nghiêm trọng tới an ninh Afghanistan do không có sự phối hợp của nước này.

Chính phủ Afghanistan trước đó cũng chỉ trích các cuộc đàm phán với Taliban do Nga tổ chức từ ngày 5 - 8/2 vì cho rằng điều này chống lại tinh thần của tiến trình hòa bình của người Afghanistan. Afghanistan cũng gửi khiếu nại tới Liên Hiệp Quốc về việc các thành viên Taliban, vốn bị liệt vào danh sách đen của Liên Hiệp Quốc, tới Moskva để tham dự các cuộc đàm phán nêu trên.

5. Tổng thống Mỹ kiên quyết bảo vệ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia

Ngày 17/2, phóng viên TTXVN thường trú tại Washington D.C. cho biết, khi được báo giới đặt câu hỏi liệu Tổng thống Donald Trump có sử dụng quyền phủ quyết hay không, Cố vấn Cấp cao Nhà Trắng Stephen Miller cho biết Tổng thống sẵn sàng sử dụng quyền phủ quyết đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông nếu Quốc hội bỏ phiếu không phê chuẩn tuyên bố về tình trạng khẩn cấp quốc gia dọc biên giới Mỹ-Mexico.

Hôm 15/2, Tổng thống Trump đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico. Với việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, ông Trump có thể tiếp cận khoản ngân sách khoảng 8 tỷ USD từ các bộ ngành để có đủ kinh phí 5,7 tỷ USD phục vụ việc xây dựng bức tường biên giới này mà không cần đến sự phê chuẩn của Quốc hội.

Quyết định của Tổng thống Trump đã vấp phải sự phản ứng dữ dội từ phe Dân chủ. Chính ông trước khi đặt bút ký sắc lệnh hành pháp cũng dự đoán việc “vượt mặt” Quốc hội này sẽ khiến ông bị vướng vào rắc rối pháp lý.

Lâm Anh (t/h)