Thế giới đêm qua - 1/4

09:08 | 02/04/2019

272 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Tòa án Venezuela yêu cầu tước quyền miễn trừ của thủ lĩnh đối lập. Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và đối tác Nga - Ukraine ngừng hiệu lực. Sáu triệu chữ ký kiến nghị Chính phủ rút lại Điều khoản 50 Brexit.
the gioi dem qua 14Những biện pháp trừng phạt nước Nga - quy mô, lĩnh vực và ảnh hưởng
the gioi dem qua 14Chân dung diễn viên hài về nhất vòng 1 cuộc đua bầu cử tổng thống Ukraine
the gioi dem qua 14
Thủ lĩnh đối lập Juan Guaido. (Nguồn: Reuters)

1. Tòa án Venezuela yêu cầu tước quyền miễn trừ của thủ lĩnh đối lập

Ngày 1/4, Tòa án Công lý Tối cao Venezuela (TSJ) đã đề nghị Quốc hội lập hiến nước này tước bỏ quyền miễn trừ đối với thủ lĩnh đối lập Juan Guaido, người hiện cũng là Chủ tịch Quốc hội do phe đối lập kiểm soát nhưng cơ quan lập pháp này đã bị tuyên bố vô hiệu hoạt động do những vi phạm hiến pháp từ năm 2017.

Chủ tịch TSJ Maikel Moreno cho biết đã có văn bản chính thức gửi tới Quốc hội lập hiến để cơ quan này thực hiện các thủ tục tước quyền miễn trừ đối với ông Guaido theo đúng trình tự vì đã vi phạm lệnh của tòa án cấm xuất cảnh hồi cuối tháng 2 trong quá trình điều tra các cáo buộc liên quan tới tiếm quyền hành pháp.

Ông Guaido là người đã tự xưng là "Tổng thống lâm thời" của Venezuela hôm 23/1 và được Mỹ cùng một loạt các quốc gia ở Mỹ Latinh và châu Âu công nhận với mục tiêu buộc Tổng thống hợp hiến Nicolas Maduro phải rời bỏ quyền lực.

2. Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và đối tác Nga - Ukraine ngừng hiệu lực

Kể từ ngày 1/4, Hiệp ước về Hữu nghị, Hợp tác và Đối tác giữa Nga và Ukraine đã chấm dứt hiệu lực do phía Ukraine không muốn gia hạn. Như vậy, Ukraine không còn nghĩa vụ thực hiện Hiệp ước và được toàn quyền thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình theo Thỏa thuận ngừng hiệu lực chiểu theo điều 70 Công ước Vienna về các thỏa thuận quốc tế.

Cuối tháng 9/2018, chính quyền Ukraine chính thức thông báo cho phía Nga về ý định rút khỏi hiệp ước hữu nghị. Sau đó, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã ký ban hành luật về việc ngừng hiệu lực trên, theo đó luật có hiệu lực từ ngày 12/12/2018.

Ông Poroshenko cũng tuyên bố việc chấm dứt hiệu lực Hiệp ước trên là "một phần của chiến lược hoàn toàn cắt đứt với quá khứ và hướng sang châu Âu". Đáp lại, Moskva gọi hành động của Kiev là "tự bắn vào chân mình".

3. Sáu triệu chữ ký kiến nghị Chính phủ rút lại Điều khoản 50 Brexit

Các nghị sỹ Anh đã thảo luận về việc dừng lại tiến trình Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit, sau khi nhận được kỷ lục 6 triệu chữ ký của người dân kiến nghị Chính phủ rút lại Điều khoản 50 Brexit.

Trả lời kiến nghị này, Chính phủ cho biết "sẽ không rút lại Điều khoản 50, cho rằng Anh cần phải tôn trọng kết quả của cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 và làm việc cùng Quốc hội để thực hiện thỏa thuận đảm bảo Anh sẽ rời EU".

Sáu triệu chữ ký kiến nghị Chính phủ Anh rút lại điều khoản 50 là con số kỷ lực, vượt 4,5 triệu chữ ký kiến nghị yêu cầu tiến hành trưng cầu ý dân lần 2 hồi năm 2016 sau khi kết quả trưng cầu ý dân được công bố.

Người dân Anh đã bỏ phiếu rời EU với tỉ lệ 52% thuận và 48% chống tại cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Năm 2017, Thủ tướng Anh Theresa May đã kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon và đưa ra thông báo Anh sẽ rời EU vào ngày 29/3/2019.

4. Mỹ không giảm quy mô các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc

Ngày 1/4, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan cho biết Mỹ không giảm quy mô các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc mà còn đang tăng cường năng lực quân sự. Ông Patrick Shanahan nói: "Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang giảm quy mô các cuộc tập trận mà cho rằng chúng ta đang tăng cường khả năng quân sự".

Ông Shanahan cũng cho biết ông và người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo sẽ đề cập đến các cuộc tập trận quân sự chung diễn ra vào tháng 9 tới cũng như những bài học kinh nghiệm rút ra từ cuộc tập trận quân sự giữa hai bên diễn ra trong tháng 3 vừa qua.

Trước đó, ngày 2/3, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Mỹ và Hàn Quốc đã đồng ý chấm dứt các cuộc tập trận chung Đại bàng non (Foal Eagle) và Giải phép then chốt (Key Resolve) sau cuộc điện đàm giữa quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và người người đồng cấp Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo. Tuy nhiên, truyền thông Hàn Quốc cho biết hai bên cũng đã đồng ý duy trì sự sẵn sàng quân sự mạnh mẽ thông qua các cuộc tập trận chỉ huy mới.

5. Mexico mong muốn “trật tự” cho người di cư Trung Mỹ tới Mỹ

Ngày 1/4, Tổng thống Mexico Andres Manuel Lopez Obrador cho biết Mexico sẽ giúp điều tiết dòng người di cư Trung Mỹ đi qua lãnh thổ nước này để tìm đường tới Mỹ, nhưng cần phải khắc phục nguyên nhân gốc rễ của hiện tượng này.

Theo phóng viên TTXVN tại Mexico, nhà lãnh đạo Mexico nhấn mạnh nguyên nhân di cư là những người dân nghèo đói không được "quan tâm" và họ cần được cung cấp nhiều cơ hội việc làm hơn. Mexico phải giúp đỡ những người di cư Trung Mỹ khi đi qua lãnh thổ của mình cũng như đảm bảo trật tự và tính hợp pháp.

Liên quan tới việc Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa đóng cửa biên giới trong trường hợp Mexico không hành động ngay tức khắc để ngăn chặn dòng người di cư Trung Mỹ, ông Lopez Obrador từ chối đưa ra câu trả lời về việc Chính phủ nước này đang chuẩn bị một kế hoạch ứng phó; đồng thời khẳng định sẽ không bị “cuốn” vào một cuộc khẩu chiến với Donald Trump về vấn đề biên giới.

Trước đó, Tổng thống Lopez Obrador cho biết vấn đề người di cư trái phép Trung Mỹ tìm đường sang Mỹ không thuộc trách nhiệm của Mexico mà là vấn đề của Mỹ và các quốc gia Trung Mỹ cần giải quyết.

Lâm Anh (t/h)