Thế giới đâu chỉ có mỗi phương Tây!

14:00 | 26/03/2014

5,377 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong thế giới hiện nay tồn tại song song rất nhiều cơ chế hợp tác song phương và đa phương, khác xa so với thời Chiến tranh Lạnh. Không còn tham gia G8, Nga còn rất nhiều diễn đàn khác để hợp tác và phát triển.

Thế giới đâu chỉ có mỗi phương Tây!

Tổng thống Barack Obama tuyên bố: “Nga cần phải hiểu những hậu quả kinh tế và chính trị do các hành động ở Ukraina gây ra. Trong trường hợp tình hình tiếp tục căng thẳng, Mỹ sẵn sàng áp đặt biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Nga”.

Ngày 24/3, bảy cường quốc công nghiệp phát triển quyết định huỷ hội nghị thượng đỉnh G8 dự kiến tổ chức vào tháng 6/2014 tại Sotchi. G8 sẽ được thay thế bằng thượng đỉnh G7 họp tại Bruxelles, không có Nga. Đây là hành động mới nhất của phương Tây trong việc cô lập Nga trên trường quốc tế do nước này can thiệp vào Ukraina.

Sau quyết định này, Ngoại trưởng Nga Lavrov nói rằng Nga không "bám" vào G8 và không thấy vấn đề gì khi hội nghị thượng đỉnh sẽ nhóm họp với thành phần khác. Ông bổ sung rằng, như một thử nghiệm “có thể chờ khoảng một năm rưỡi xem G8 sẽ tồn tại như thế nào". Mặc dù vậy, Điện Kremlin nói rằng Nga vẫn muốn duy trì quan hệ với G8.

G8 là kênh quan trọng để thế giới phương Tây nói chuyện với Nga trên nhiều lĩnh vực. Việc chấm dứt diễn đàn này sẽ gây thiệt hại cho nước Nga và đương nhiên cả cho các nước khác.

Không còn G8, Nga vẫn còn G20, nơi hầu hết các vấn đề kinh tế tài chính quốc tế được thảo luận.

Không có G8, Nga có thể thảo luận tại Liên Hiệp Quốc, rồi trong nhóm 5 nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Trung Quốc, Nam Phi và Ấn Độ), Bộ tứ về Trung Đông, nhóm 6 về chương trình hạt nhân Iran. Bên cạnh đó còn có Cộng đồng các Quốc gia độc lập (CIS) ở Đông Âu, chưa kể đến rất nhiều kiểu diễn đàn song phương, tam, tứ bên… mà Nga là thành viên.

Châu Á đang nổi lên là đầu tàu kéo nền kinh tế thế giới, trong đó phải nói đến Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Mặc dù là đồng minh của Mỹ nhưng Nhật Bản và Hàn Quốc không vì thế mà đánh đổi tất cả quan hệ kinh tế, chính trị với Nga để tham gia các lệnh trừng phạt của phương Tây. Việc Trung Quốc vắng mặt trong phiên bỏ phiếu lên án Nga tại Liên Hiệp Quốc mới đây cũng không cho thấy Bắc Kinh quay mặt với Nga. Có thể hiểu họ còn đang “nghe ngóng”.

Tham gia chiến dịch chống Mátxcơva do lập trường của Nga trong vấn đề Ukraina chỉ có Mỹ và một số đối tác châu Âu của Mỹ. Ở châu Á không nước nào tỏ ý tham gia mặt trận chống Nga đang được thành lập một cách vội vàng dưới lá cờ của Mỹ và EU.

Cuối tuần qua, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov đã nhắc nhở về điều đó. Nói về quan hệ của Mátxcơva với các cường quốc châu Á -Thái Bình Dương ông Lavrov tuyên bố: "Ở phương Đông, chúng tôi không cầu xin các đối tác kinh tế và chiến lược của chúng tôi phải thể hiện sự đoàn kết với Nga. Họ không có ý định bị dẫn dắt bởi các nhân vật chính trị chủ trương áp đặt lệnh trừng phạt. Và sự tương tác của chúng tôi với các nước châu Á sẽ tiếp tục phát triển".

Có thể dẫn ra nhiều thí dụ chứng tỏ điều đó. Ví dụ, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố sẽ tiếp tục đối thoại với Nga. Có nghĩa là, dù Tokyo và Mátxcơva chưa ký kết hiệp ước hòa bình và chưa giải quyết vấn đề lãnh thổ, nhưng Tokyo vẫn không muốn tham gia chiến dịch của phương Tây kêu gọi "kiềm chế Nga" ở bất cứ nơi nào có thể.

Đến nay, từ Bắc Kinh cũng không vang lên dù một lời ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Mátxcơva. Trước hết phải nói rằng, Trung Quốc đánh giá cao sự hợp tác chính trị, quân sự - kỹ thuật, thương mại và kinh tế với Mátxcơva. Thứ hai, với tư cách thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, Bắc Kinh hiểu rõ rằng, chỉ có các biện pháp trừng phạt quốc tế do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua có thể được coi là hợp pháp. Thứ ba, phía Trung Quốc nhận thức được rằng, cuộc khủng hoảng Ukraina là phức tạp hơn nhiều so với cách diễn đạt của các đối tác phương Tây. Và Bắc Kinh không có ý định hành động thiếu cân nhắc như Mỹ và các đối tác ở phương Tây thường làm.

Ấn Độ cũng không thể chấp nhận chính sách mới nhằm răn đe Mátxcơva theo kiểu Chiến tranh Lạnh. Các phương tiện truyền thông Ấn Độ trích dẫn nguồn tin chính phủ cho biết rằng, New Delhi sẽ không ủng hộ các biện pháp của phương Tây gây áp lực lên Nga bởi vì Ấn Độ về nguyên tắc không bao giờ ủng hộ các biện pháp trừng phạt. Mới đây, Cố vấn An ninh quốc gia Ấn Độ Shivshankar Menon đã nhắc nhở rằng, Nga có lợi ích hợp pháp tại Ukraina.

Ấn Độ không thể chấp nhận các biện pháp trừng phạt như một công cụ trong quan hệ quốc tế, và đó là thái độ hợp lý. Trong mấy thập kỷ qua, bản thân Ấn Độ đã trải qua tình hình tương tự, khi có âm mưu tước quyền của nước này phát triển độc lập và thông qua những quyết định quan trọng. Chính quyền Clinton đã áp dụng các biện pháp trừng phạt chống Ấn Độ sau khi New Delhi thử nghiệm hạt nhân trong năm 1998. Trong số các biện pháp trừng phạt có lệnh cấm cung cấp viện trợ kinh tế từ Mỹ và bán công nghệ "sử dụng kép" có thể được sử dụng cho cả mục đích dân sự và quân sự.

Tuy nhiên, chính sách này đã không mang lại kết quả mong muốn: Ấn Độ đã đứng vững trước áp lực và không từ bỏ chương trình hạt nhân của mình. Bản thân lịch sử sẽ phán xét lẽ phải thuộc về ai Washington hay New Delhi. Chắc là, trong thế kỷ 21 Mỹ buộc phải thừa nhận rằng, các biện pháp trừng phạt đều là vô ích. Hơn nữa, khi bãi bỏ các biện pháp trừng phạt của người tiền nhiệm, Tổng thống Bush đã giải thích rằng, cần phải giảm nhẹ lệnh trừng phạt vì điều đó phục vụ lợi ích an ninh quốc gia của Mỹ. Dù trước đó, Mỹ đã quả quyết rằng, nên gây áp lực lên Ấn Độ bởi vì lệnh trừng phạt phục vụ lợi ích an ninh của Mỹ và toàn thế giới.

Để thông qua biện pháp trừng phạt nên có sự đồng thuận và hành động thống nhất của tất cả các quốc gia trọng trách trên thế giới. Ở đây nói về các biện pháp trừng phạt toàn diện, bắt buộc được thực hiện dưới sự giám sát của các cơ quan quốc tế và cơ quan quốc gia có thẩm quyền. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Nga rõ ràng không đáp ứng các tiêu chí đó. Không ngẫu nhiên mà Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản và phần còn lại của châu Á không tham gia chiến dịch này.

H.Phan