THẾ GIỚI 24H: Trung Quốc khoe thủy phi cơ lớn nhất thế giới

06:00 | 20/07/2015

1,873 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Truyền thông Trung Quốc hôm qua khoe rằng, nước này bắt đầu tiến hành lắp ráp thủy phi cơ lớn nhất thế giới và loại máy bay này có thể được triển khai tại các vùng có tranh chấp ở Biển Đông.

Hình ảnh phần mũi thuỷ phi cơ AG-600 Trung Quốc đang chế tạo

Theo China Daily, Tổng Công ty hàng không Trung Quốc, nơi thực hiện lắp ráp thủy phi cơ AG-600 đã nhận được 17 đơn đặt hàng từ các đơn vị ở trong nước. Việc lắp ráp máy bay trước hết để phục vụ thị trường trong nước, đồng thời mở ra khả năng xuất khẩu.

Quan chức phụ trách thiết kế cho biết, loại máy bay này có 4 động cơ và đây là loại thủy phi cơ lớn nhất trên thế giới, hơn cả máy bay ShinMaywa US-2 của Nhật Bản và Beriev Be-200 của Nga. AG-600 có thể chở được 53 người, trọng tải khi cấp cánh là 53,5 tấn và có tầm hoạt động là 4500 km. Trung Quốc đã hủy không đặt đóng loại thủy phi cơ SH-5.

Theo lãnh đạo Tổng công ty hàng không Trung Quốc, Qu Jingwen, ngay từ ngày đầu tiên bắt đầu dự án, thủy phi cơ AG-600 đã được thiết kế để phục vụ thị trường thế giới và Trung Quốc tin tưởng vào tiềm năng của thị trường này vì tất cả các tính năng của thủy phi cơ mới như tải trọng tối đa khi cấp cánh, tầm hoạt động, đều hơn hẳn các loại máy bay khác trên thế giới.

Bắc Kinh cho rằng các nước có nhiều đảo như Malaysia hoặc New Zealand sẽ quan tâm đến thủy phi cơ AG-600. Lãnh đạo Tổng công ty hàng không Trung Quốc nói thêm, trong số 17 đơn vị đặt hàng có một công ty mua thủy phi cơ này để chở du khách đến tham quan các đảo và rạn san hô ở Biển Đông.

Theo giới hữu trách Trung Quốc, ngoài các hoạt động chữa cháy rừng, tìm kiếm, cứu hộ trên biển, chuyên chở người và hàng hóa, AG-600 còn phục vụ các hoạt động thực thi pháp luật trên biển.

Dự án AG-600 được bắt đầu từ tháng 9/2009. Theo kế hoạch, thủy phi cơ này sẽ tiến hành chuyến bay thử đầu tiên vào nửa đầu năm 2016 và trong vòng 15 năm tới, Trung Quốc sẽ cần tới ít nhất là 100 chiếc thủy phi cơ này.

Trong bối cảnh Trung Quốc tuyên bố chủ quyền ở hầu khắp Biển Đông, việc Bắc Kinh cho ra mắt loại thủy phi cơ mới khiến nhiều quốc gia trong khu vực lo ngại.

Thỏa thuận hạt nhân không thay đổi quan hệ giữa Iran với Mỹ

Giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, người được coi là có quyền uy tối thượng ở Iran, hôm qua nói rằng sự thù nghịch giữa Iran và quốc gia Mỹ “ngạo mạn” sẽ không giảm đi chỉ vì có được một thỏa thuận nguyên tử, và Iran sẽ tiếp tục hỗ trợ các nhóm cũng như các quốc gia mà thế giới phương Tây đang chống.

“Cho dù thỏa thuận này có được chấp thuận hay không, chúng ta sẽ không bao giờ ngưng hỗ trợ đồng minh ở trong vùng cũng như nhân dân Palestine, Yemen, Syria, Iraq, Bahrain và Lebanon”- đại giáo chủ Khamenei cho hay vào cuối buổi cầu nguyện đánh dấu chấm dứt tháng lễ Ramadan của người theo Hồi giáo. “Ngay cả sau thỏa thuận này, chính sách của chúng ta với phía Mỹ ngạo mạn sẽ không thay đổi. Chúng ta không có thương thảo hay thỏa thuận nào với Mỹ về các vấn đề khác trên thế giới hay trong khu vực”.

Đây là lời phát biểu đầu tiên của Ayatollah Khamenei về vấn đề này kể từ khi Iran và 6 cường quốc thế giới, kể cả Mỹ, loan báo là đã đạt được thỏa thuận theo đó Iran chấp nhận có các giới hạn trong chương trình nguyên tử của mình trong 10 năm để đổi lấy việc hủy bỏ các biện pháp trừng phạt kinh tế và tài chính.

Những gì giáo sĩ Ayatollah Khamenei nói ra luôn được dân chúng Iran cũng như các quan sát viên quốc tế đặc biệt chú ý vì ông là người có quyết định sau cùng về các chính sách của nhà nước. Nếu ông chống lại thỏa thuận này, Iran có thể rút ra.

Tuần tới, một nghị quyết sẽ được đưa ra ở Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhằm chính thức mở đường cho việc rút bỏ các biện pháp trừng phạt Iran và chấp thuận thỏa ước có được tại Vienna.

CIA theo dõi Tổng thống Putin từ 20 năm qua

Tạp chí The Times (Mỹ) đưa tin các điệp viên Mỹ đã chú ý đến nhân vật Vladimir Putin ngay từ khi ông còn là Phó Thị trưởng thành phố Saint-Peterburg.

Tuy nhiên, cơ quan tình báo Mỹ đã thất bại trong việc dự đoán năng lực của ông Putin.

Những báo cáo về việc theo dõi ông Putin được Richard Palmer, cựu trưởng chi nhánh CIA ở Moskva, công bố cho một Ủy ban của Quốc hội Mỹ vào năm 1999. Theo thông tin của báo trên, trong những năm 1990, Chính phủ Mỹ “có những nhiệm vụ hệ trọng hơn", vì thế các thông tin do tình báo thu thập về các quan chức Nga đã bị bỏ qua.

Tạp chí nhận định hiện chính quyền Mỹ chú ý đến cách tiếp cận của ông Putin trong quan hệ với Mỹ nhiều hơn là tình trạng của ông.

Trước đó có tin các cơ quan tình báo Mỹ đã tìm cách theo dõi ông Putin thông qua việc giám sát cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schroeder.

Hoàng gia Anh gặp rắc rối

Điện Buckingham tỏ vẻ thất vọng sau khi một nhật báo Anh hôm qua công bố hình ảnh từ phim quay vào thập niên 1930, cho thấy Nữ hoàng Elizabeth Đệ nhị hồi còn bé đưa tay chào theo lối Đức Quốc Xã, theo AFP.

Trang đầu nhật báo The Sun đăng hình nữ hoàng, lúc bấy giờ khoảng 7 tuổi, đưa tay phải lên trời, trong khi mẹ của bà là cố Mẫu hoàng cũng có động tác y hệt.

Dưới hình là hàng tít chữ lớn “Their Royal Heilnesses”, mà chữ heir, tức là người thừa kế hoàng gia bị cố tình viết trại thành heil, lấy từ chữ “Heil Hitler” vốn rất thông dụng thời đó mà người trong đảng Quốc xã dùng để chào nhau.

Một hàng tít khác chữ nhỏ hơn viết: “Phim mật quay năm 1933 cho thấy Vua Edward VII từng dạy cho Nữ hoàng lối chào Quốc Xã này”.

Một phát ngôn viên Điện Buckingham lên tiếng qua một văn bản: “Thật đáng thất vọng khi một đoạn phim được quay cách đây 8 thập niên và rõ ràng là xuất xứ từ trong kho văn khố riêng của gia đình đã bị lấy lén và đem ra lợi dụng xuyên tạc”.

Tuy Hoàng gia Anh khẳng định rằng Nữ hoàng không ý thức được tầm quan trọng của động tác ở vào tuổi đó nhưng hình ảnh đó gây bối rối cho vương triều từng 88 năm trị vì nước Anh.

Cách đây 10 năm, cũng tờ báo lá cải The Sun, đã từng đăng hình Hoàng tử Harry mang băng chữ vạn Quốc xã trên cánh tay, khi xuất hiện trong một bữa tiệc hóa trang của một người bạn.

Các ngân hàng Hy Lạp mở cửa trở lại

Ngân hàng Hy Lạp sẽ mở cửa trở lại vào ngày 20/7, 3 tuần lễ sau khi đóng cửa vì cuộc khủng hoảng nợ của nước này.

Tuy nhiên qui định chỉ được rút ra khoản 65 USD một ngày vẫn còn có hiệu lực và sẽ kiểm soát chặt chẽ việc chuyển tiền ra nước ngoài.

Những dấu hiệu tích cực diễn ra vài giờ sau khi quốc hội Hy Lạp miễn cưỡng chấp thuận các biện pháp kiệm ước như là điều kiện để được cấp thêm 96 tỉ USD tiền cứu nguy. Đây là việc cứu nguy tài chính lần thứ ba của Hy Lạp trong vòng 5 năm.

Thỏa thuận đã làm chia rẽ đảng cầm quyền, và Thủ tướng Hy Lạp cảnh báo là những biện pháp khắc khổ sẽ tạo nên những khó khăn mới cho dân chúng Hy Lạp vốn đã phải gánh chịu nhiều đau khổ vì kinh tế suy thoái tệ hại nhất tại một quốc gia đã phát triển kể từ sau Thế chiến thứ hai.

Con đường tái mở cửa các ngân hàng được khai thông sau khi Ngân hàng trung ương châu Âu hứa tài trợ 974 triệu USD khẩn cấp mới cho Hy Lạp vào ngày thứ Năm tuần trước.

Hình ảnh ấn tượng

Tong Jieping, bệnh nhân tâm thần 44 tuổi, bị trói chân trong căn phòng tối ở tỉnh An Huy, Trung Quốc. Cha mẹ già ngoài 70 tuổi của Tong không có tiền đưa con tới bệnh viện chữa trị nên buộc phải xích chân con trong nhà.

G.K

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc