THẾ GIỚI 24H: Hy Lạp “tan đàn xẻ nghé”

06:00 | 23/08/2015

2,293 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Một ngày sau khi Thủ tướng Alexis Tsipras từ chức, 25 thành viên đảng của ông đã tách ra thành lập một đảng phái mới. Tình hình Hy Lạp đang rơi vào bất ổn.
44-hylap
Việc Thủ tướng Alexis Tsipras từ chức đang đẩy Hy Lạp vào nguy cơ bất ổn mới

Ngày 22/8, các thành viaên cực tả trong đảng Syriza cầm quyền của Thủ tướng Alexis Tsipras thông báo đang thành lập một đảng mới. 25 thành viên này nói việc tách ra này là kết quả sự thất vọng của họ đối với việc ông Tsipras đi ngược lại lời hứa không thực thi các biện pháp khắc khổ mới để đổi lấy kế hoạch cứu nguy của EU. Ông Tsipras từ chức hôm 20/8 và nói ông đã gắng hết sức tranh đấu để giữ lời hứa và đã đồng ý với thỏa thuận tốt nhất mà ông có được.

Khi thông báo từ chức cho Tổng thống Prokopis Pavlopoulos, ông Tsipras cũng kêu gọi mở cuộc bầu cử trước hạn vào ngày 20/9, chỉ 7 tháng sau khi lên nhậm chức.

Người dân Hy Lạp thắc mắc liệu các cuộc bầu cử có đem lại sự thay đổi chính trị ổn định hay không.

Một nhà thiết kế nữ trang ở Athens bày tỏ ý kiến rằng: “Có gì phải lo nghĩ. Người thắng cử kế tiếp sẽ cũng làm y hệt như những người đi trước. Thực không may là chúng ta đã quen với tình hình này”.

Người châu Âu đã có phản ứng lẫn lộn trước việc Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras từ chức và đề nghi tổ chức bầu cử lại. Một số chuyên gia và chính trị gia đang lạc quan một cách thận trọng, nhưng nhiều nhà đầu tư lo ngại về hậu quả.

Jeroen Dijsselbloem, người đứng đầu nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực Euro, cho biết ông hy vọng cuộc bầu cử sẽ được tổ chức càng sớm càng hay để Hy Lạp khỏi mất thời giờ thực thi một kế hoạch cứu nguy lần thứ ba. Các quan sát viên khác gợi ý rằng quyết định của ông Tsipras có thể gây tổn hại cho Hy Lạp, và các nhà đầu tư lo ngại về tình hình bất định.

Thủ tướng Tsipras nói ông hy vọng các cuộc bầu cử mới sẽ đem lại cho ông một thế đa số mạnh hơn để cai trị. Ông Christian Odendahl, trưởng kinh tế gia của Trung tâm Cải cách châu Âu có trụ sở ở London nói ông nghĩ rằng đó là một ván cờ có lợi.

“Ông ấy vẫn là chính trị gia được ủng hộ nhiều nhất ở Hy Lạp và các cuộc bầu cử cơ bản là về những chọn lựa – và các đảng khác không đem lại những chọn lựa. Do đó cho dù cử tri Hy Lạp chắc chắn là bất mãn về tình hình, cả về chính trị lẫn kinh tế, ông Tsipras cũng vẫn là chọn lựa đầu tiên của họ”.

Thủ tướng Hy Lạp từ chức trong danh dự

Thủ tướng Hy Lạp từ chức trong danh dự

Không phải đợi cư tri “xử” vì đã nuốt lời hứa lúc tranh cử, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras hôm qua đã tuyên bố từ chức và kêu gọi bầu cử sớm.

Nga-Nhật lại căng thẳng

Ngày 22/8, Nhật Bản đã lên tiếng phản đối chuyến thăm của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev tới quần đảo tranh chấp Nam Kuril mà Tokyo cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Các vùng lãnh thổ Phương Bắc.

Vụ trưởng Vụ châu Âu thuộc Bộ Ngoại giao Nhật Bản Hajime Hayashi đã điện đàm với Đại sứ Nga tại Tokyo liên quan đến chuyến đi nói trên của ông Medvedev.

Một quan chức Bộ Ngoại giao Nhật Bản dẫn lời ông Hayashi nói chuyến thăm của ông Medvedev “trái với quan điểm của Nhật Bản về Các vùng lãnh thổ Phương Bắc và làm tổn thương tình cảm của nhân dân Nhật Bản. Đây là hành động vô cùng đáng tiếc”.

Tuần trước, Nhật Bản đã trao công hàm cho Đại sứ quán Nga tại Tokyo để phản đối kế hoạch thăm quần đảo trên của Thủ tướng Medvedev.

Trước đó, ông Medvedev đã đáp máy bay xuống Iturup, một trong 4 hòn đảo trong quần đảo Nam Kurils, nằm ở ngoài khơi bờ biển vùng Viễn Đông của Nga và phía Bắc Nhật Bản. Hãng tin Sputnik của Nga cho biết ông Medvedev dự kiến sẽ tham dự Diễn đàn Giáo dục Thanh niên Quốc gia Iturup (một đảo thuộc quần đảo Kuril) và tới thăm một số công trường xây dựng nằm trong chương trình phát triển Kuril được hoạch định tới năm 2025. Đây là lần đầu tiên, diễn đàn kéo dài 12 ngày này được tổ chức ở Kuril.​

Hồi năm 2012, ông Medvedev cũng đã từng thăm quần đảo này và Nga đã tổ chức các cuộc diễn tập quân sự ở đó trong năm 2014.

Kissinger chỉ trích Mỹ, bảo vệ Nga

Cựu cố vấn an ninh quốc gia và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã trả lời phỏng vấn của National Interest với những chỉ trích gay gắt về chính sách đối ngoại của Washington. Theo ông, Mỹ đã "đánh mất mọi ý thức chừng mực" trong nỗ lực tiêu diệt nước Nga.

"Lúc này, được đọc về các đơn vị Hồi giáo tham chiến phía Ukraina, bạn có thể thấy đã mất hết mọi ý thức về chừng mực. Đây là một thảm họa. Nó chỉ ra rằng, mục đích của phương Tây không phải sự hội nhập của nước Nga với cộng đồng phương Tây trong tương lai dài hạn mà là nhằm tiêu diệt Nga. Điều đó không hứa hẹn sự tốt lành cho Nga hay Mỹ, bởi đường lối này sẽ đặt dấu chấm hết cho sự gây dựng một trật tự thế giới mới dựa trên toàn cầu hóa" – ông Kissinger nhận định.

Theo ông, Washington đã cố tình bỏ qua cơ hội "đưa Nga vào dự án toàn cầu", thay vào đó là tập trung "đẩy" Nga ra khỏi bức tranh thế giới.

Loạt khía cạnh chính sách đối ngoại của Mỹ đã được ông Kissinger nhận định là quá thiển cận: "Khúc mắc của các cuộc xung đột quân sự mà Mỹ can dự sau Chiến tranh thế giới II chính là do thiếu khả năng đưa chiến lược xích lại gần thực tế ở các nước. Năm cuộc chiến tranh mà chúng ta đã tham gia sau Thế chiến II được bắt đầu với đầy nhiệt huyết. Nhưng các chú diều hâu đã không giữ nổi tầm bay cao. Cuối cùng, họ bị đơn độc. Chúng ta không nên can thiệp vào các cuộc xung đột quốc tế, nếu ngay từ đầu chúng ta không thể dự đoán những gì cuối cùng sẽ xảy ra, và nếu chúng ta không muốn thực hiện những hành động sẽ dẫn đến kết cục mong muốn".

Ông Kissinger có cách giải thích riêng về gốc rễ chính sách thiển cận của Mỹ. Đơn giản là Washington không biết rút ra bài học từ những sai lầm của mình và không hiểu được bối cảnh tình hình: "Chúng ta từ chối học hỏi sai lầm của mình. Trên thực tế, quyết định đã được thông qua bởi những người không có hiểu biết về lịch sử. Bây giờ, trong các trường học người ta không còn dạy môn lịch sử như chuỗi liên tục các sự kiện liên quan đến nhau. Họ được học chủ đề riêng lẻ, bứt ra khỏi bối cảnh lịch sử”- cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ cho biết.

Tìm thấy đoàn tàu chở đầy vàng của Đức quốc xã?

Hai người cho biết đã phát hiện ra một đoàn tàu mất tích bí hiểm của Đức quốc xã ở Ba Lan chở đầy vàng, kim cương và súng đạn, từng biến mất trong Thế chiến II, và hai người này muốn 10% giá trị hàng hóa thì mới chịu tiết lộ nơi tìm ra đoàn tàu.

Một công ty luật ở Walbrzych, tây nam Ba Lan, nói hai người đàn ông phát hiện ra đoàn tàu bọc thép với hàng hóa trị giá tới 1 tỷ USD đã liên hệ với họ.

Trong khi đó, quan chức địa phương tỏ ra nghi ngờ về thông báo phát hiện đoàn tàu, nhưng sẽ theo dõi các diễn biến.

Các trang web địa phương nói rằng hai người tìm thấy tàu một người là công dân Ba Lan còn người còn lại mang quốc tịch Đức.

Hội đồng thành phố Walbrzych đã lập một ủy ban khẩn cấp do thị trưởng thành phố đứng đầu để điều tra thông tin trên. Các trang tin ở địa phương cho biết đoàn tàu dài 150 m và có thể chở tới 300 tấn vàng.

Trong khi đó, sau khi tin trên loan đi, hiện những người săn tìm cổ vật đang từ khắp châu Âu đổ tới nơi nghi tìm thấy đoàn tàu ở Ba Lan.

Trong Thế chiến II, các đoàn tàu của Đức quốc xã thường chở các đồ vật lấy được từ Đông Âu tới Berlin. Đoàn tàu của Đức quốc xã đã mất tích gần nơi mà hiện là thành phố Wroclaw ở Ba Lan, khi các lực lượng của Xô Viết ập tới năm 1945.

Người ta từng tiến hành tìm kiếm đoàn tàu này, nhưng không phát hiện ra manh mối nào.

Hình ảnh ấn tượng

42-antuong228
Người nhập cư bị kẹt giữa cảnh sát chống bạo động Macedonia và di dân trong một cuộc đụng độ gần ga xe lửa biên giới của thành phố Idomeni, miền bắc Hy Lạp. Macedonia tuyên bố tình trạng khẩn cấp ở biên giới của mình hôm 19/8 để đối phó với làn sóng di dân khổng lồ hướng về miền bắc châu Âu.

G.K

Năng lượng Mới

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc