Thẻ ATM thực và ảo

10:15 | 27/04/2012

2,896 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Hình ảnh chiếc thẻ ATM đã không còn xa lạ với người dân Việt Nam, từ những cán bộ, viên chức đến công nhân, sinh viên. Hàng chục triệu người đang sử dụng, thậm chí có người sở hữu cùng lúc nhiều tài khoản thanh toán ATM của Vietcombank, BIDV, Oceanbank, VietinBank... Tuy nhiên, “chất” trên thực tế của “lượng” thẻ đó đến đâu, thì hình như vẫn là nỗi ngao ngán chưa có điểm dừng, cho cả hai phía ngân hàng và khách hàng.

Nhiều thẻ – Ít dùng

Anh Trần Chí Tuấn (Hà Nội) thay nơi làm việc thứ 3 trong vòng 4 năm. Trải qua ba đơn vị, là 3 lần anh được phát tấm thẻ ATM để nhận lương hàng tháng. Nhưng sự thật thì… “3 cái thẻ thật đấy, chỉ chật ví chứ làm gì đâu. Với tớ, thẻ ATM chỉ có một công dụng duy nhất – rút tiền về nộp vợ. Nó lằng nhằng hơn việc sang thủ quỹ ký bảng lương và lĩnh trực tiếp tiền mặt”, Tuấn thật thà trả lời khi được hỏi về tiện ích của thẻ ATM. Tình trạng của Tuấn là phổ biến trong giới công chức văn phòng.

Rất nhiều người không để ý, thẻ ATM của mình hoàn toàn có thể thanh toán trực tiếp tại nhiều cửa hàng. Nhưng đã thành thói quen, mỗi lần đi mua sắm, họ lại ra cây ATM để rút tiền mặt. Quan sát tại các siêu thị lớn, máy chấp nhận thẻ POS (Point of sales) thường… ế, bởi lượng người có thói quen thanh toán bằng thẻ so với tiền mặt là một trời một vực.

Theo số liệu khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường AC Nielsen, có tới 36% người sử dụng ATM Việt Nam không mấy khi sử dụng thẻ tín dụng vì chưa có nhu cầu, 19% thiếu thông tin, 18% cảm thấy thủ tục bất tiện, phức tạp và 7% phàn nàn bị áp phí cao. Chỉ 20% là sử dụng thường xuyên, nhưng đó là thẻ của Visa và Master Card – những nhà cung cấp dịch vụ quốc tế.

Nhận thanh toán bằng thể ATM nhưng không phải ngân hàng nào cũng mua được vé máy bay của Vietnam Airlines

Kết quả là thẻ ATM, vốn được kỳ vọng là ví tiền điện tử, là biểu hiện cao nhất của văn minh thương mại cũng phải chào thua thói quen cố hữu nhìn tận mắt, sờ tận tay của người dân. Nhiều chuyên gia ngân hàng cho rằng, để thay đổi thói quen này cần có sự nhập cuộc với sự cầu thị từ phía ngân hàng và nhận thức của toàn xã hội.

“Tôi sẵn sàng tái sử dụng cả 3 thẻ ATM cá nhân, nếu hệ thống ngân hàng tiện lợi cho thanh toán không dùng tiền mặt, ví dụ mua xăng, thanh toán tiền điện, nước hoặc một số mặt hàng nhu yếu phẩm”, anh Tuấn khẳng định. “Đã qua rồi cái thời ví ai cũng dầy cộp các loại thẻ ATM cho… oai. Giờ thì một thẻ mà sử dụng nhiều dịch vụ mới là điều quan trọng, tức là chất phải thay đổi triệt để, mang tính đột phá!”.

Theo phân tích của chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, lâu nay, hầu hết chi phí liên quan đến tiền mặt trong lưu thông như in ấn, phát hành, thu hủy, vận chuyển, bảo quản, an ninh đều là chi phí xã hội, do Nhà nước gánh chịu. “Cá nhân người dân chỉ phải chịu phần chi phí nhỏ (kiểm đếm, vận chuyển), trong khi tiền mặt ưu việt bởi khả năng thanh toán tức thời, vô danh và thủ tục đơn giản. Do vậy, tiền mặt đã trở thành công cụ được xã hội ưa chuộng trong một thời gian dài, trở thành thói quen khó thay đổi của người dân và doanh nghiệp. Đây là lực cản lớn trong việc phát triển thanh toán qua thẻ ATM”, ông Hiếu tỏ ra lo lắng cho tương lai thị trường thẻ nội địa.

Còn một điều đáng nói khác, trong lúc mục tiêu chính của việc phát hành thẻ ngân hàng là hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt còn chưa nên cơm cháo, thì theo thống kê của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, thành tích phát triển theo chiều rộng đã có… kết quả.

Năm 2006 toàn thị trường mới có khoảng 5 triệu thẻ ATM, nhưng đến cuối năm 2011, con số này đã tăng gấp 8 lần, tương đương khoảng 40 triệu thẻ. Số thẻ trên chủ yếu thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng CP (2007) về trả lương qua tài khoản cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách Nhà nước (NSNN), lên đến hơn một triệu CBCNVC vào cuối năm 2011.

Ngân hàng đã hết cách?

Bởi vậy, nói đi cũng phải nói lại. Những rắc rối xung quanh cái thẻ bằng nhựa composite kia chưa hẳn chỉ đến từ phía nhận thức người dùng, mà bản thân các ngân hàng cũng phải xem lại, tự hoàn thiện các dịch vụ, để từ đó vươn tới một hệ thống dịch vụ toàn diện hơn.

Ví dụ mỗi dịp tết, công nhân ở các khu công nghiệp lại ì xèo chuyện cột ATM thường… trống rỗng vào ngày nhận lương. Rồi những rủi ro kéo theo như an ninh quanh cột thẻ ATM, giao dịch được báo đã thực hiện nhưng thực chất chưa, rồi tình trạng nuốt thẻ. Chưa hết, thông tin một số ngân hàng chớm đề xuất lên Thống đốc NHNN kế hoạch thu phí rút tiền từ thẻ ATM còn khiến dư luận tạo “sóng” phản đối gay gắt thời gian gần đây.

Trở lại thống kê mang đậm tính thành tích phát triển lượng thẻ ATM lên tới con số 40 triệu của Hiệp hội Thẻ Việt Nam, nhưng trên thực tế toàn hệ thống ngân hàng mới có 15.000 máy rút tiền. Nhẩm tính cũng thấy, có vẻ người dùng đang phải chen chúc trên một con đường quá đáng chật hẹp. Chỉ cần 1/5 số chủ thẻ trên đồng thời rút tiền thì chưa biết sẽ ra sao!?

Thực trạng ngân hàng mỗi nơi mỗi phách, tự phát thành lập các kênh thanh toán khác nhau, hệ thống ATM không tương thích, khiến người tiêu dùng cảm thấy bất tiện bởi chỉ được rút tiền tại máy rút của chính ngân hàng đó. Vẫn biết thận trọng là cần thiết, nhưng nhu cầu về một liên minh thẻ trước số lượng chủ thẻ đang gia tăng một cách mạnh mẽ thì điều đó lại càng trở nên bức thiết.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu khẳng định, văn minh thương mại trong tương lai nằm ở hệ thống POS chứ không phải ATM. ATM chỉ là cái máy thực hiện một số giao dịch ngân hàng, còn POS gắn liền với ngành công nghiệp bán lẻ và dịch vụ. “Nếu phát triển hệ thống máy ATM, thì ngân hàng sẽ lãng phí một lượng lớn tiền mặt, trong khi thực chất động thái đó lại kích thích người dân rút tiền trực tiếp. Phải phát triển POS nếu không muốn mấy chục tấm thẻ đi vào ngõ cụt”, ông Hiếu nói.

Tiềm năng của thị trường Việt Nam là vô cùng lớn, dân số trẻ, thích ứng nhanh và cập nhật xu thế mới, thói quen sử dụng thẻ thanh toán dần hình thành… nhưng tất cả sẽ là con số 0 nếu bên phía cung cấp không nhìn xa trông rộng và tìm ra được lối đi phù hợp.

Thông tin mới nhất: Hiệp hội Thẻ lại đề xuất thu phí rút tiền nội mạng, dẫu chỉ vài ngàn đồng mỗi lần rút tiền chắc sẽ là “cú hích” tạo thêm người bỏ thẻ.

Tùng Minh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps