Thấy gì qua buổi lễ ra mắt một tập thơ đặc biệt ở Hàn Quốc?

11:27 | 23/12/2019

1,018 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Cuối năm 2018 tại Seoul đã có một cuộc hội ngộ vô cùng ý nghĩa, đó là ra mắt tập thơ của các nhà thơ khuyết tật Việt Nam và Hàn Quốc, trong khuôn khổ dự án cùng xuất bản thơ cộng đồng các nhà thơ khuyết tật châu Á do Hội văn học “Dưới cây Bồ đề” Hàn Quốc tổ chức.

Dù sự kiện này đã diễn ra cho tới nay là tròn một năm, nhưng tôi vẫn khắc sâu trong tâm tình cảm đặc biệt về thơ và người, phận người, cũng như sự kính trọng con người.

Tập thơ lần này lấy tên là “Hãy đón nhận tình yêu của tôi được tết bằng thơ”, đặc biệt dành cho các nhà thơ khuyết tật Hàn Quốc và Việt Nam.

Trong tập thơ này có 6 nhà thơ khuyết tật Hàn Quốc và 5 nhà thơ khuyết tật Việt Nam tham gia. Các nhà thơ Việt Nam là các nhà thơ Trần Việt Anh (Hà Nội), Trần Hồng Giang (Nam Định), Nguyễn Ngọc Hưng (Quảng Ngãi), Đỗ Trọng Khơi (Thái Bình) và Trần Thị Ngọc Lan (Hà Nội) với 25 bài thơ đặc sắc được dịch ra tiếng Hàn.

thay gi qua buoi le ra mat mot tap tho dac biet o han quoc
Các nhà thơ văn Hàn Quốc và Việt Nam trong buổi lễ

Buổi lễ ra mắt đã diễn ra vô cùng cảm động và có sức cuốn hút đặc biệt đối với những người tham gia, là những nhà thơ, nhà văn Hàn Quốc, các nhà thơ, văn Việt Nam (Việt Nam có 5 nhà thơ và nhà văn tham gia).

Bà Choi Myung-suk, Chủ tịch Hội “Dưới cây Bồ đề” là một nhân vật đặc biệt, tập trung tất cả những phẩm chất và đặc trưng của một nhà thơ khuyết tật Hàn Quốc. Bà là chủ tịch, người đầu tiên có ý tưởng thành lập Hội những nhà thơ khuyết tật Hàn Quốc trong một tổ chức và được Hội Phật giáo Hàn Quốc bảo trợ.

Bà đã thành công không những trong việc tập trung những nhà thơ khuyết tật Hàn Quốc đang vươn ra thế giới trong dự án “Phát hành tập thơ chung của những nhà thơ khuyết tật châu Á”, mà tập thơ “ Hãy đón nhận tình yêu của tôi được tết bằng thơ” là tập thơ thứ 2, sau tập thơ thứ 1 chung với các nhà thơ khuyết tật Myanmar, tiến tới sẽ phát hành một tập thơ chung của tất cả các nhà thơ khuyết tật của châu Á.

Đó là ý tưởng cho một dự án có ý nghĩa sâu sắc về tính nhân văn và tạo nên một nền văn học cho những người khuyết tật, những người đã vượt lên tất cả để khẳng định mình trong một xã hội hiện đại này.

Bà là một nhà thơ có nhiều tập thơ lay động lòng người, luôn sát cánh bên các nhà thơ khuyết tật khác để động viên, khích lệ họ bằng cả tấm lòng nhiệt thành và thương yêu.

Trong buổi ra mắt tập thơ “Hãy đón nhận tình yêu của tôi được tết bằng thơ”, bà nói: “Đây là một dịp vui mừng khi chúng ta đã mời được các nhà thơ Việt Nam đến Hàn Quốc để tham dự buổi ra mắt này. Điều này càng có ý nghĩa hơn khi đây là trường hợp khá hiếm hoi. Từ nay trở đi các nhà thơ hai nước sẽ cố gắng có được sự gặp gỡ giao lưu tốt đẹp như việc xuất bản tập thơ 'Hãy đón nhận tình yêu của tôi được tết bằng thơ' và hãy ước mơ để sau 5 năm nữa, khi mà các nhà thơ khuyết tật từ các nước châu Á cùng hội ngộ và tham gia xuất bản chung một tập thơ”.

Buổi lễ ra mắt tập thơ diễn ra thật sự xúc động cho cả các khách Việt Nam và Hàn Quốc.

thay gi qua buoi le ra mat mot tap tho dac biet o han quoc
Nhà thơ Nguyễn Việt Anh trình bày thơ của mình và trả lời phỏng vấn

Nhà thơ Nguyễn Việt Anh (nhà thơ khiếm thị) đã thay mặt các nhà thơ khuyết tật Việt Nam phát biểu và đọc thơ của mình. Anh đã đọc bài thơ Thú vui:

"Nhặt những hòn sỏi ven bờ

Ném vào vô định mặt hồ du dương

Thú vui tưởng rất bình thường

Ai ngờ chú cá bị thương một ngày”

Một diễn giả Hàn Quốc đã đọc bài thơ này bằng tiếng Hàn, do dịch giả Lê Đăng Hoan dịch:

즐거움.

갯가에서돌멩이를줍어서

만연하고부드로운호면에던지다

의미가없는(보통) 즐거움이라고생각했은데

엉겁결에물고기한마리가상처를입었다.

Nhà thơ Việt Anh đã phát biểu về cảm xúc của mình và cảm ơn Hội “Dưới cây Bồ đề" đã cho anh dịp sang Hàn Quốc để thể hiện những gì anh đang có và anh sẽ tiếp tục làm thơ gửi sang Hàn Quốc để giao lưu cùng các nhà thơ khuyết tật Hàn Quốc. Bài thơ của tác giả Việt Anh được nhạc sĩ Hàn Quốc phổ nhạc và trình bày ngay tại buổi lễ. Tất cả hội trường như nổ tung vì tiếng vỗ tay của khán giả.

Dịch giả Lê Đăng Hoan đã giới thiệu khái quát về các tác giả thơ khuyết tật Việt Nam có tác phẩm đăng trong tập thơ “Hãy đón nhận tình yêu của tôi được tết bằng thơ”, đồng thời chia sẻ mong muốn của các nhà thơ, nhà văn khuyết tật Việt Nam về hy vọng sẽ có một tổ chức tập trung được các nhà văn, nhà thơ khuyết tật để tạo điều kiện cho họ phát huy khả năng, trao đổi thông tin, tác phẩm ở Việt Nam, như tổ chức “Dưới cây Bồ đề”, một tổ chức hiếm có trên thế giới.

Dự buổi lễ phát hành tập thơ này còn có nhiều nhân vật thuộc Hội nhà văn Hàn Quốc, Hội Phật giáo Hàn Quốc và nhiều nhà thơ nổi tiếng, như nhà thơ Jo Nam-seon, hội viên Hội nhà thơ Hàn Quốc, Chủ tịch Chi hội thơ Gang-seo (Seoul), mà lời phát biểu đầy ấn tượng của ông đã khiến tất cả đều sửng sốt và cảm động: “Tiếng cất lên từ nội tâm của con người chính là ‘Thơ là sự giác ngộ’. Trong sự giác ngộ đó không có ranh giới quốc gia và dân tộc, không có khái niệm khuyết tật và không khuyết tật. Hãy xem trên thế gian này ai là người không có khuyết tật…”.

Chính câu nói này đã làm cho tất cả mọi người nhìn lại chính mình và càng gần gũi nhau hơn, đồng cảm với nhau hơn. Một câu nói đầy tính nhân văn và làm xúc động tất cả những người có mặt trong khán trường.

Còn Ông Jo Hyen-jae - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Hợp tác quốc tế phát biểu rằng sự phát triển quan hệ kinh tế, chính trị, xã hội, ngoại giao, văn hóa giữa Việt Nam và Hàn Quốc trong 26 năm qua là rất ấn tượng, nhưng có một điều ông băn khoăn, đó là: “Dù nhiều dự án hợp tác giao lưu hai nước được triển khai, nhưng các dự án hợp tác giao lưu giữa những người khuyết tật làm nghệ thuật lại đang ở trình trạng rất ít ỏi, khiêm tốn. Điều này không chỉ hạn chế thực tế là sự di chuyển bất tiện (khó khăn của người khuyết tật) mà còn do nhận thức và đánh giá chưa đầy đủ đối với người khuyết tật làm nghệ thuật và thiếu sự quan tâm của người làm chính sách. Về mặt này, dự án ‘Phát hành tập thơ chung của những nhà thơ khuyết tật châu Á’, đang được tiến hành bởi Hội 'Dưới cây Bồ đề', đang đưa đến cơ hội tốt cho người dân Hàn Quốc và Việt Nam”.

Buổi lễ diễn ra rất tự nhiên khi các nhà thơ khuyết tật Hàn Quốc từng người lên trình diễn thơ của mình. Đó là những bài thơ nói về tình yêu đời, yêu người và mong muốn vươn tới niềm khao khát, hy vọng của họ. Những nhà thơ khuyết tật Hàn Quốc rất tự tin, lạc quan, mặc cho có người thân thể không lành lặn, tay chân cong vênh, ngồi xe lăn hoặc chống gậy, từng bước lên sân khấu, phát âm khó khăn, họ vẫn đọc những bài thơ của mình rất say sưa, truyền cảm làm cho các nhà thơ Việt Nam và Hàn Quốc cảm động không cầm được nước mắt.

Những gì diễn ra trong buổi lễ ra mắt tập thơ “Hãy đón nhận tình yêu của tôi được tết bằng thơ” ngắn gọn, đầy cảm xúc và cho tôi suy nghĩ về những gì mà chúng ta, những người Việt Nam nói chung và các nhà văn nhà thơ Việt Nam nói riêng cần suy ngẫm. Nên chăng chúng ta cũng cần có một tổ chức, một hình thức sinh hoạt hay một phương tiện báo chí nào đó, dưới sự bảo trợ của Hội Nhà văn Việt Nam, hay một tổ chức văn hóa nghệ thuật nào đó, để tập trung, tạo điều kiện giao lưu cho các nhà thơ, nhà văn khuyết tật Việt Nam trao đổi, có cơ hội động viên, khuyết khích họ sáng tác, xuất bản và đưa văn học của các nhà văn, thơ khuyết tật thành một mảng đặc biệt trên diễn đàn văn học Việt Nam? Tin rằng nếu có đất để phát triển thì những nhà văn, nhà thơ này sẽ có những tác phẩm đặc biệt về chính cuộc đời và sự vươn lên để chiến thắng của họ và họ sẽ đóng góp đáng kể vào nền văn học Việt Nam, cũng như phát triển quan hệ giao lưu với các tổ chức văn học, các nhà văn, thơ khuyết tật trên thế giới, mà trước mắt là hội văn học ‘Dưới cây Bồ đề’ của Hàn Quốc đang sẵn sàng cùng chúng ta trên con đường tạo dựng đó.

Tiến sỹ Lê Đăng Hoan

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.