Thắp sáng những ngôi nhà thuyền

09:00 | 03/02/2017

904 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nhờ sức gió, bốn chiếc chậu nhựa và vài thiết bị đơn giản, các gia đình sống trên thuyền bên bến sông Hồng đã tạo ra nguồn điện miễn phí phục vụ chiếu sáng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, cha đẻ của hệ thống tạo điện bằng gió ấy là ông chủ của một công ty kiến trúc, đồng thời cũng là giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Xóm ngụ cư bên sông

Bắt đầu từ câu chuyện kiến trúc sư Lê Vũ Cường sáng chế ra những turbine gió phát điện cho người dân xóm ngụ cư ven sông Hồng mà cánh quạt gió chỉ bằng những vật dụng đơn giản là chậu nhựa. Thấy khách tìm về xóm ngụ cư thuộc địa bàn phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội hỏi, nhiều người dí dỏm: “Các anh phải hỏi là xóm điện phong của kiến trúc sư Cường thì người dân ở đây mới chỉ cho”. Sau một hồi trò chuyện, chúng tôi được nghe nhiều lời khen về dự án điện gió cũng như được chỉ con đường ngắn nhất để đến với những cánh quạt gió bằng chậu nhựa đỏ… kèm lời dặn: “Đường không dễ đi đâu nhé, các anh đi cẩn thận”.

thap sang nhung ngoi nha thuyen
Toàn cảnh xóm ngụ cư ven sông Hồng

Theo chỉ dẫn của bác Hùng - bán hàng nước ở ngõ 310, men theo con đường mòn xuyên qua cánh đồng trồng quất, trồng đào, chúng tôi đến với xóm ngụ cư ven sông Hồng, đang lơ ngơ thì gặp một người đàn ông ăn vận như một công nhân đi ngược đường. Hỏi chuyện thì được biết chỉ còn cách những chiếc turbine gió phát điện có vài bước chân. Đến đây, chúng tôi mới nhớ lại lời của mấy bác hỏi thăm lúc đầu khi tìm đường đến xóm này, đúng là con đường dài chưa đầy 3 cây số nhưng chúng tôi phải mất 30 phút mới đến được nơi cần đến. Mất nhiều thời gian bởi vì con đường quá nhỏ lại gập ghềnh rất khó đi.

Thấy chúng tôi có chiếc máy ảnh, một người dân nhanh nhảu chạy lại hỏi: “Phóng viên đến viết bài về điện gió à?”. Đáp: “Dạ, vâng. Sao bác biết”. Người này chẹp miệng nói: “Ối dào, cả tá phóng viên tìm về đây rồi, còn lạ gì nữa”.

Một hồi lân la trò chuyện, tôi được biết sau nhiều lần đến thăm các xóm ngụ cư ven sông Hồng, chứng kiến cuộc sống khó khăn của người dân, anh Cường nảy sinh ý tưởng làm những turbine gió phát điện thắp sáng các con thuyền. Sau khi khảo sát, nhận thấy khu vực này có nhiều gió, tốc độ đạt khoảng 3m/s, rất thích hợp để làm mô hình điện gió ở mức độ nhỏ nên anh Cường ấp ủ và quyết tâm thực hiện ý tưởng này.

Theo chân chị Lê Thị Thu, một phụ nữ sống lâu năm ở xóm chài, mấy anh em được tận mắt chứng kiến những “cỗ máy” phát điện mini trên các con thuyền và hiểu tường tận cơ cấu cũng như cách mà các chậu nhựa tạo thành dòng điện, thắp sáng các con thuyền. “Chúng tôi gọi đây là những chiếc chong chóng đỏ ngày đón gió, đêm về nhả điện. Từ khi có chúng, dân xóm chài đỡ được mấy chục nghìn tiền điện mỗi tháng” - người phụ nữ vui vẻ mới chúng tôi lên thuyền nói.

Đưa chúng tôi đi xem một chiếc turbine gió; chị Thu kể, ban đầu khi kiến trúc sư Cường nêu ý tưởng, những người dân ở đây không mấy người tin vào sự khả thi của dự án.

“Thời điểm đó, xóm ngụ cư liên tục đón những vị khách lạ đến thăm. Một trong số đó là Cường, anh đến từng hộ gia đình giới thiệu về mô hình năng lượng sạch từ gió của mình với những chiếc chậu nhựa, nhưng chẳng ai tin” - chị Thu nhớ lại.

Ông Trần Văn Xuân khi đó còn tỏ vẻ hoài nghi: “Tôi chẳng tin những cánh quạt bằng chậu này có thể làm ra điện”. Nhưng với sự quyết tâm của Giám đốc Công ty Kiến trúc xanh 1516 Lê Vũ Cường, các turbine gió đã được lắp đặt và làm sáng các bóng đèn Led công suất 9W có độ sáng tương đương bóng đèn sợi đốt 60W trong khoảng thời gian 3-4 giờ đồng hồ. Thông thường bốn chiếc chậu nhựa sẽ được gắn chắc chắn trên một giá đỡ, trục quay bằng các thanh nhôm và đính vào cột thép cao chừng 3m, rộng chừng 2 nắm tay. Mỗi khi có gió, chậu nhựa đỏ sẽ quay tít. Hệ thống cánh gió này được gắn với một turbine ở phía dưới làm chuyển hóa động năng thành điện năng và tích vào một bình ắc-quy có công suất tối đa là 60A.

Còn anh Nguyễn Đình Vinh nói với chúng tôi rằng, với khoản tiền dư ra từ việc sử dụng nguồn điện nhân tạo, gia đình anh đã tiết kiệm được 10 bữa ăn sáng. Giá điện ở đây rất cao do tất cả các hộ dân chỉ sử dụng chung một công tơ điện, vì thế tiền điện hằng tháng đều bị tính theo lũy tiến. Nhà nào dùng tiết kiệm cũng phải mất tới vài trăm nghìn đồng mỗi tháng. Nhờ có hệ thống chiếu sáng bằng điện gió của kiến trúc sư Cường nên mỗi gia đình đã giảm được một khoản tiền đáng kể. Theo nhẩm tính của anh Vinh, từ khi có hệ thống điện gió, mỗi tháng gia đình anh giảm bớt 50 nghìn đồng tiền điện. “Số tiền 50 nghìn tuy không lớn nhưng với chúng tôi thì cũng được 10 bữa ăn sáng” - anh Vinh vừa nói vừa cười vui vẻ.

Liên lạc với kiến trúc sư Lê Vũ Cường, chúng tôi được biết anh vừa đi công tác ở nước ngoài về. Mặc dù giọng nói thể hiện sự mệt mỏi nhưng anh vẫn nhiệt tình chia sẻ với chúng tôi về thành quả mà anh và cộng sự đã thực hiện trong thời gian qua. Anh nói: “Một vài lần đi khảo sát ven sông Hồng, tôi thấy lượng gió đủ để chạy những chiếc mô-tơ phát điện nên mình nói chuyện với các cộng sự và quyết tâm làm. Mình làm vì cái tâm thôi”.

thap sang nhung ngoi nha thuyen
Kiến trúc sư Lê Vũ Cường

Cũng theo anh Cường, khi thực hiện dự án này do không có kinh phí nên bắt buộc phải tìm một đơn vị hoặc tổ chức tài trợ, đồng thời phải giảm chi phí đến mức thấp nhất. Cùng lúc này, Quỹ Live & Learn Việt Nam, Tổ chức Plant Quốc tế tại Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Australia có mở hồ sơ tài trợ cho các dự án năng lượng sạch. Nghe tin, anh Cường như mở cờ trong bụng và đem ý tưởng đến trình bày với Tổ chức Plant và ý tưởng đó được họ duyệt ngay. Chưa hết vui mừng vì hồ sơ được duyệt, anh Cường tiếp tục mất ăn mất ngủ để tìm phương án tối ưu cho hệ thống turbine gió ấp ủ bấy lâu nay vì số tiền tài trợ chỉ hạn chế ở mức 10 triệu đồng.

Ngay sau đó, anh cùng các cộng sự quyết định chọn lọc những vật liệu rẻ tiền dễ lắp đặt nhưng vẫn đảm bảo sử dụng được trong một thời gian nhất định và anh bắt tay vào việc. Có một thuận lợi, mô-tơ chuyển hóa động năng thành điện trên các turbine gió vốn là mô-tơ của những máy in cũ nên giá rất rẻ và dễ mua nhưng lại có khả năng chạy dù bị mưa ướt hoặc đặt dưới nước. Điều đặc biệt là mặc dù là mô-tơ cũ nhưng chúng khá bền và thích hợp với điều kiện sông nước. Còn những chiếc chậu nhựa là cánh quạt bắt gió được làm bằng nhựa PP nên có độ dẻo, độ bền tương đối trong mọi điều kiện thời tiết. Cả hai vật dụng này đều gần gũi và giá rẻ nhưng lại có chất lượng tốt trên thị trường, có khả năng dãi nắng, dầm sương.

Sau khi lắp đặt thành công hệ thống turbine gió phát điện cho các hộ dân ở xóm ngụ cư, anh Cường lại trăn trở tìm nhà tài trợ để nâng cấp hệ thống mô-tơ và ắc-quy điện để kéo dài thời gian thắp sáng các bóng đèn. “Làm xong, các turbine gió phát điện, tôi có liên lạc với một vài tổ chức để tìm nguồn tài trợ nhằm nâng cấp hệ thống turbine gió để người dân có nhiều điện hơn. Dự kiến cuối tháng 12 này chúng tôi sẽ tiến hành nâng cấp cho bà con dựa trên nguồn kinh phí của đơn vị tài trợ lần đầu. Chúng tôi sẽ thay thế cánh quạt gió bằng một vật liệu khác có độ bền hơn chậu nhựa” - kiến trúc sư Lê Vũ Cường nói.

Chưa hết, Giám đốc Công ty Kiến trúc xanh 1516 cũng cho biết, mô hình turbine gió rất thích hợp với khu vực nhiều gió như biên cương, hải đảo. Thời gian tới, anh dự định sẽ mang dự án đi xa hơn, giúp đỡ được nhiều khu dân cư khác có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài việc tìm nguồn kinh phí hỗ trợ người dân lắp đặt các turbine gió, anh vẫn không ngừng tìm tòi để giảm giá thành 1 bộ turbine gió xuống khoảng 400-500 nghìn đồng, vì hiện tại giá của 1 bộ turbine gió là 1 triệu đồng, con số này khá cao so với thu nhập của người dân xóm ngụ cư.

Điện lưới vẫn là chính

Rót chén nước mời chúng tôi trên chiếc thuyền chòng chành, chị Huyền (quê ở Vĩnh Phúc) cho biết, cả xóm chài có bao nhiêu người thì có bấy nhiêu quê, có người vì hoàn cảnh khó khăn họ phải tha phương cầu thực, nhưng cũng có những cặp vợ chồng có lý do đặc biệt, khó nói nên phải khăn gói rời khỏi quê hương. Vợ chồng chị Huyền vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải rời quê phiêu bạt đến mảnh đất đầy nắng gió ven sông Hồng để mưu sinh, tính ra họ chuyển đến sinh sống tại xóm này cũng khoảng 1 năm. Ở xóm ngụ cư ven sông Hồng, những người lao động nghèo làm đủ mọi công việc để có đồng tiền rau cháo qua ngày. Công việc chính của họ là bán hàng rong, bán hoa quả và vận chuyển gốm sứ thuê… bất cứ việc gì làm ra tiền là họ sẵn sàng xả thân vào làm mà không nề hà.

thap sang nhung ngoi nha thuyen
Phóng viên Báo Năng lượng Mới bên thiết bị tạo nguồn điện

“Nhà tôi có hai vợ chồng, anh ấy đi vận chuyển gốm thuê còn tôi đi kéo hàng thuê ở chợ Long Biên. Cũng có những lúc hết việc, chúng tôi cùng nhiều người khác tập trung ở chân cầu, ai thuê gì thì làm nấy. Cuộc sống ở đây vất vả nhưng cũng phải ráng sống thôi chú à” - chị Huyền tâm sự.

“Thế còn mấy đứa nhỏ thì sao. Ai trông chúng?” - đồng nghiệp của tôi hỏi. Nghe câu hỏi, người phụ nữ này hướng mắt lên những chiếc chậu nhựa đỏ giữa không trung chậm rãi đáp: “Các hộ gia đình sống ở xóm ngụ cư này đều không có hộ khẩu nên họ phải để con cái ở quê với ông bà. Mỗi năm tranh thủ về thăm con được đôi lần rồi lại đi biệt”. Đến đây, chị Huyền im lặng, nhìn vẻ mặt của chị, chúng tôi hiểu vợ chồng chị cũng là một trong số đó

Xóm ngụ cư ven sông Hồng tuy gần mà hóa xa. Gần ở chỗ từ đây đến bờ hồ Hoàn Kiếm - nói được coi là trung tâm thành phố chỉ hơn chục phút đi xe máy nhưng lại rất xa, xa vì nhịp sống ở đây như ở một vùng quê xa xôi hẻo lánh. Điều đó thể hiện ngay từ những chiếc cầu gỗ đi lên thuyền cho đến những đồ vật cũ kỹ mà vợ chồng chị Huyền sử dụng. Những chiếc tivi, chiếc quạt điện hay đài FM… dường như đã có trên chục năm tuổi, tất cả đều in hằn dấu ấn của thời gian.

Thấy chúng tôi chăm chú quan sát các đồ vật trong nhà, chị Huyền vừa cười vừa kể về nguồn gốc của từng thứ một: “Cái tivi là tôi mua của người bán đồng nát cách đây ngót nghét cả chục năm rồi, tuy hơi nhỏ nhưng được cái bền, từ ngày mua về đến giờ vẫn dùng tốt. Còn cái quạt là mang từ quê lên, chúng tôi về thăm con vào dịp hè nên cắp theo cái quạt nhỏ này cho đỡ tốn điện. Những đồ dùng khác cũng mua lại từ hiệu sửa đồ điện dân dụng trên phố”. Nói đoạn, chị tiếp: “Nói thật với các anh, mua những loại đồ này một phần vì không có tiền mua đồ mới, một phần cũng vì sợ trộm cắp lấy mất. Chúng tôi đi làm cả ngày chỉ có tối mới về thuyền mà thôi…”. Nghe chị Huyền nói, tôi có cảm giác, với họ những con thuyền chỉ là nơi để họ ngả lưng nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt mỏi chứ đâu phải một ngôi nhà.

Hằng ngày, ở bến gốm những chiếc turbine gió cũng làm việc không mệt mỏi để đến tối khi chủ nhân của chúng trở về là có thể sử dụng bóng đèn trong khoảng thời gian 4-5 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, để có thể sử dụng những thiết bị điện như tivi hay quạt thì vẫn phải kéo điện lưới. Và cũng như anh Vinh, theo chị Huyền, một tháng người dân chài nghèo ven sông Hồng có thể tiết kiệm được 50-60 nghìn đồng tiền điện bằng cách sử dụng hệ thống điện gió với cánh quạt được làm bằng những chiếc chậu.

Cùng xóm với chị Huyền là gia đình anh Vinh (quê ở Phú Thọ). Anh Vinh sống một mình vì vợ phải về quê để chăm đứa con bị bệnh, công việc hằng ngày của anh Vinh là vận chuyển và bán gốm rong. Tiền công ba cọc ba đồng khiến gia đình anh Vinh cũng chẳng khấm khá gì hơn những người hàng xóm. Thế nhưng một tháng, gia đình anh cũng phải trả 200-300 nghìn đồng tiền điện.

“Ở đây mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ đều có một điểm chung là kinh tế rất khó khăn. Trước đây, khi chưa có hệ thống tạo điện bằng turbine gió, chúng tôi phải mua điện giá đắt, phải trả thêm tiền hao phí đường dây hằng tháng nên tiền điện lên đến cả vài trăm nghìn, trong khi không dám dùng gì nhiều. Ban ngày tôi với vợ đi vận chuyển gốm, lúc xong việc cô ấy trông hàng còn tôi đi làm thuê ở cửa hàng khác, chỉ đến tối là dùng điện, nhưng tháng nào cũng mất vài trăm nghìn đồng tiền điện. Nhờ có hệ thống điện gió này, vừa có thể đút tiền vào con lợn đất tiết kiệm cuối tháng gửi về quê cho con, hơn nữa nguồn điện gió cũng rất có ích trong những ngày bị mất điện” - anh Hưng nói.

Kể từ ngày có nguồn điện gió, nhiều hộ dân ở xóm ngụ cư ven sông Hồng có thêm khoản tiền nhỏ trang trải cuộc sống. Từ khi biết anh Cường có ý định sẽ cải tiến, nâng cấp bình ắc-quy để tích được nhiều điện gió hơn họ rất vui mừng. Ông Trần Văn Xuân, một trong những người sống ở xóm ngụ cư cho biết: “Từ ngày có hệ thống phát điện bằng gió, gia đình chúng tôi có nguồn điện mới để thắp sáng một bóng đèn vào buổi tối, từ đó chúng tôi tiết kiệm được một số tiền nhỏ hằng tháng. Mặc dù vẫn phải sử dụng nguồn điện lưới kéo từ đất liền nhưng bà con ở đây cũng thấy vui rồi. Nếu như bình ắc-quy tích được nhiều điện hơn, đủ chạy các thiết bị thiết yếu khác thì hay quá”.

Rời xóm ngụ cư nghèo nàn nhưng yên tĩnh, chúng tôi ra về với tâm trạng khó tả. Nếu không tận mắt chứng kiến những chiếc turbine gió phát điện thì chắc có lẽ tôi vẫn sẽ chẳng tin ở giữa thủ đô Hà Nội lại có một nơi phải sử dụng thứ năng lượng thiên nhiên để thắp sáng. Chỉ mong sao nguồn sáng ấy tiếp tục thắp sáng những con thuyền, thắp sáng những mảnh đời và thắp sáng cả tiềm năng khai thác năng lượng thân thiện với môi trường…

Thiên Minh - Xuân Hinh

  • el-2024
  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps