Tháo gỡ rào cản cho hàng xuất khẩu

05:38 | 07/05/2013

592 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Nếu trước đây rào cản thương mại chỉ áp dụng đối với một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như: thủy sản, da giày… thì vài năm trở lại đây các mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp như: bật lửa, lốp xe đạp,… cũng nằm trong danh sách bị đe dọa phải chịu áp thuế bán chống phá giá của các nước.

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tính từ năm 1994 đến nay, đã có 47 vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá và 5 vụ kiện chống trợ cấp của nước ngoài đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Trong 4 năm gần đây (trừ năm 2010 chỉ có 2 vụ), số vụ kiện chống bán phá giá có xu hướng gia tăng.

Đặc biệt năm 2011 có đến 9 vụ kiện liên quan đến chống bán phá giá và trợ cấp; năm 2012 có 8 vụ kiện chống bán phá giá liên quan đến Việt Nam. Bước sang mấy tháng đầu năm 2013, mặt hàng tôm và cá tra lại bị kiện chống trợ cấp, áp thuế chống bán phá giá.

Ngành chế biến thủy sản nước ta đang gặp khó khăn bởi các vụ kiện chống bán phá giá

Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương cho biết: “Hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm của Việt Nam như: EU, Mỹ, Nhật Bản… đang phải đối mặt với những khó khăn. Vì vậy, các nước này đã đưa ra nhiều biện pháp như chống bán phá giá, thông qua chính sách tỉ giá, các biện pháp kỹ thuật... để hạn chế hàng nhập khẩu, bảo vệ hàng hóa trong nước trong nước.

Những thị trường như: EU, Mỹ, Nhật Bản dù được các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đánh giá là thị trường tiềm năng, nhưng cũng là những thị trường “khó tính” như: thị trường EU, Mỹ liên tục đưa ra những hàng rào thuế quan hoặc tăng thuế suất; Nhật Bản áp dụng hàng loạt tiêu chuẩn kỹ thuật đặc thù để hạn chế hàng nhập khẩu.

Ông Nguyễn Trung Dũng - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản, cho rằng: Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu các mặt hàng như máy móc thiết bị, phụ tùng, đồ gỗ, nông sản, giày dép các loại… sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, các mặt hàng này đang bị áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật Nhật Bản rất khắt khe như hàng thực phẩm, thủy sản (đặc biệt là tôm) vào thị trường Nhật Bản liên tục bị kiểm tra và kết luận có dư lượng chất kháng sinh. Vừa qua, đã có rất nhiều lô hàng tôm của Việt Nam vì tiêu chuẩn kỹ thuật ngặt nghèo đã bị trả về nước.

Trước tình trạng này, ông Trần Tuấn Anh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng: Để đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tìm kiếm thị trường mới, nhiều doanh nghiệp đã tận tay đưa sản phẩm của mình vào những thị trường khó tính bằng những sản phẩm đạt chất lượng tốt hơn so với sản phẩm của các nước khác. Chính vì nỗ lực len lỏi trong thị trường các nước nên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong những năm gần đây vẫn tăng trưởng cao.

 Để hàng hóa có thể vượt qua các rào cản thương mại, kỹ thuật của các nước, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên tiếp tục nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, cũng như tăng cường mối liên kết giữa doanh nghiệp - hiệp hội - Nhà nước để nắm bắt kịp thời thông tin, đồng lòng, đồng sức chống lại các hàng rào thuế quan và phi thuế quan của các nước.

Bên cạnh đó, để mở rộng thị trường tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu tìm kiếm thị trường mới. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp nước ta tập trung vào thị trường châu Phi bởi hàng hóa Việt Nam có nhiều ưu thế để thâm nhập thị trường này, nhất là gạo, chè, hạt tiêu, gia vị, hàng thể thao, đồ điện tử, hàng dệt may giá rẻ.... Thị trường các nước lân cận trong khu vực Đông Nam Á cũng là “điểm nhắm” của doanh nghiệp Việt Nam, bởi những thị trường này phù hợp với hàng hoá Việt Nam và “dễ tính” hơn.

Mai Phương