Luật Giáo dục sửa đổi

Tháo gỡ nhiều "điểm nghẽn" giáo dục?

07:00 | 02/06/2018

435 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Nội dung của dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi vừa được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ trình bày trước Quốc hội với nhiều điểm mới được dư luận xã hội quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, nhiều “điểm nghẽn” trong ngành giáo dục có thể sẽ được tháo gỡ.

Nhiều điểm mới

Nêu lý do phải sửa đổi Luật Giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: Qua 12 năm thực thi, Luật Giáo dục đã thực sự đi vào cuộc sống, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động giáo dục đào tạo... Tuy nhiên, Luật cũng bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế và trở thành những “điểm nghẽn” trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Vì vậy, dự thảo đã sửa đổi, bổ sung 36 điều, bổ sung 3 điều mới, bãi bỏ 10 điều, bao quát hầu hết các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật Giáo dục, trong đó tập trung vào một số nội dung chính như: Chính sách học phí cho sinh viên sư phạm; nâng trình độ chuẩn của giáo viên; bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với nhà giáo; kiểm định chất lượng giáo dục… Đặc biệt, dự thảo cũng bổ sung trách nhiệm của gia đình phối hợp với nhà trường, nhà giáo trong việc giáo dục học sinh, tôn trọng nhà giáo, không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm và thân thể nhà giáo… Trong đó, đáng chú ý là việc bỏ miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm. Theo người đứng đầu ngành giáo dục thì chính sách đối với sinh viên ngành sư phạm chưa phù hợp với thực tiễn.

thao go nhieu diem nghen giao duc
Gần 1/2 giáo viên tiểu học có trình độ từ cao đẳng trở lên

“Hiện nay, nhu cầu của thị trường lao động đã có sự thay đổi, số sinh viên ngành sư phạm ra trường chưa có việc làm hoặc làm không đúng ngành, nghề… gây lãng phí rất lớn nguồn nhân lực đầu tư cho giáo dục” - ông Nhạ nói.

Vì vậy, dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi sẽ không quy định miễn học phí đối với sinh viên ngành sư phạm nữa, mà thay vào đó sinh viên ngành sư phạm sẽ được vay tín dụng sư phạm để đóng học phí và chi trả sinh hoạt phí trong toàn khóa học. Trong thời gian học, sinh viên ngành sư phạm cũng sẽ được hưởng các chính sách khuyến khích học tập như học bổng hay các chế độ trợ cấp xã hội theo quy định. Sau khi tốt nghiệp, nếu các sinh viên này công tác trong ngành giáo dục đủ thời gian quy định thì không phải trả khoản vay tín dụng sư phạm.

Dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi cũng đề cập đến việc nâng trình độ chuẩn của giáo viên. Cụ thể, ngành giáo dục sẽ tiến tới việc tất cả các giáo viên tiểu học, trung học cơ sở, giáo viên, giảng viên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải có trình độ từ đại học trở lên và có năng lực sư phạm. Giảng viên cao đẳng, đại học có trình độ từ thạc sĩ trở lên và phải được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm. Các quy định về trình độ chuẩn của giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2026 và giao Chính phủ quy định lộ trình thực hiện việc chuẩn hóa đối với nhà giáo.

Như vậy, so với những lần dự thảo ban đầu, vấn đề tiền lương giáo viên đã được rút ra khỏi dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi để trình Quốc hội.

Cần cụ thể hơn nữa

Về vấn đề thôi miễn học phí cho sinh viên ngành sư phạm, thẩm tra dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội thông tin, đa số thành viên Ủy ban tán thành với đề xuất thay thế quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên ngành sư phạm bằng tín dụng sư phạm để thực hiện chính sách theo đúng quan điểm ưu tiên, ưu đãi với đối tượng làm việc trong ngành giáo dục, tránh lãng phí ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, cần nghiên cứu kỹ cách thức tổ chức thực hiện nhằm bảo vệ quyền lợi cho người học, cũng như bổ sung quy định về việc hoàn trả đối với những người tự đóng học phí.

Trước một số ý kiến cho rằng, nên giữ lại quy định miễn học phí cho học sinh, sinh viên ngành sư phạm để thể hiện chính sách ưu tiên, ưu đãi của Nhà nước trong việc đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo... Ông Bình cho rằng, dù thực hiện chính sách cấp tín dụng hay miễn học phí thì vẫn cần tổ chức tốt công tác quy hoạch các cơ sở đào tạo sư phạm và nhân lực ngành giáo dục. Đó mới là căn cứ để đầu tư đúng, đủ và bảo đảm việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.

Về việc nâng trình độ chuẩn đào tạo của giảng viên đại học và giáo viên trung học cơ sở như trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi, Ủy ban tương đối tán thành. Tuy nhiên, đối với giáo viên tiểu học, nhiều đại biểu Quốc hội còn băn khoăn về tính khả thi của phương án nâng chuẩn trình độ đào tạo từ trung cấp lên đại học bởi hiện nay, còn đến 40% giáo viên tiểu học có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở xuống. Những trường hợp này lại chủ yếu tập trung ở các địa bàn khó khăn, thiếu giáo viên. Do vậy, Ủy ban nhắc nhở Bộ GD&ĐT cần đánh giá đầy đủ hơn tình hình thực tiễn, xác định lộ trình, phương thức đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm tính khả thi.

Về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, Ủy ban cho rằng: Các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung về nhà giáo trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn, vẫn chỉ là những quy định chung. Các quy định về vai trò, nhiệm vụ, trách nhiệm, quyền hạn cũng như sự đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo còn chồng chéo. Vì vậy, đề nghị Ban Soạn thảo rà soát, sửa đổi chương nhà giáo một cách căn cơ, tiếp tục khẳng định rõ vị thế của nhà giáo trong Luật. Đặc biệt, đối với chính sách lương của nhà giáo, đề nghị bám sát Nghị quyết của Đảng để thể chế hóa trong Luật, tạo cơ sở để Chính phủ xây dựng các đề án cải cách tiền lương.

Về giáo dục phổ thông, Ủy ban cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung về giáo dục phổ thông như đề xuất là cần thiết nhưng chưa đầy đủ. Đề nghị cần có những quy định mang tính nguyên tắc ngay trong Luật Giáo dục sửa đổi về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bộ GD&ĐT cần tổ chức thực hiện và cơ chế tài chính trong việc biên soạn, in, phát hành cũng như lựa chọn sử dụng sách giáo khoa theo tiêu chí ổn định và linh hoạt.

thao go nhieu diem nghen giao duc

Đại biểu Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội: “Trước đây, học phí của sinh viên sư phạm được miễn 100%. Bản thân tôi cũng là sinh viên sư phạm khóa 1987-1991 của Đại học Sư phạm I, tôi thấy sự hỗ trợ của Nhà nước giúp cho sinh viên thuận lợi hơn trong học tập. Họ không phải lo lắng nhiều đến học phí khi gia đình gặp khó khăn. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi thay việc miễn học phí bằng việc cho vay ưu đãi. Nếu sau khi ra trường cống hiến trong ngành giáo dục, họ sẽ không phải trả khoản này. Tôi nghĩ, điều này phù hợp với xu thế hội nhập và không phải yếu tố cản trở người vào học ngành sư phạm. Tôi dạy 15 năm ở Đại học Bách Khoa, thấy rằng, đầu vào của trường yêu cầu rất cao nhưng số lượng sinh viên đăng ký dự tuyển rất nhiều. Như vậy, yếu tố cơ bản vẫn là đầu ra, tức là sinh viên tìm được việc làm, thu nhập tương xứng thì sinh viên sẽ vẫn lựa chọn trường”.

Huyền Anh

  • top-right-banner-chuyen-muc-pvps
  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
  • vietinbank
Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

Lạc bước trên những cánh đồng hoa tulip ở Hà Lan

(PetroTimes) - Mùa tulip ở Hà Lan không chỉ đơn thuần là một mùa hoa, mà còn là biểu tượng của nét văn hóa, truyền thống và niềm tự hào của người dân xứ sở cối xay gió.