Thanh Hóa hướng tới mục tiêu Top 10

10:00 | 20/10/2013

563 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Đây là chia sẻ của ông Trần Hòa – Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) với PetroTimes.

Ông Trần Hòa - Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn.

Theo ông Hoà thì với vị trí địa lý vô cùng thuận lợi, cách Hà Nội 200 km về phía nam, nằm trên trục giao lưu Bắc – Nam của Việt Nam thì Khu kinh tế Nghi Sơn không chỉ được xem là cầu nối quan trọng kết nối vùng Bắc Bộ với Trung Bộ và Nam Bộ Việt Nam mà cả với thị trường Nam Lào và Đông Bắc Thái lan.

Được biết, Khu kinh tế Nghi Sơn được thành lập theo quyết định 102/TTg của Thủ tướng Chính phủ và là một trong 5 khu kinh tế trọng điểm của cả nước. Và theo định hướng phát triển của tỉnh Thanh Hóa, Nghi Sơn sẽ là Khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm phát triển công nghiệp nặng và công nghiệp cơ bản, gắn với việc xây dựng và khai thác có hiệu quả cảng biển Nghi Sơn.

“Khu kinh tế được vận hành theo cơ chế ưu đãi đặc biệt và sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa và khu vực Bắc miền Trung Việt Nam” – ông Hòa nhấn mạnh.

Đưa dẫn chứng cụ thể, ông Hòa cho biết: Nghi Sơn là một trong rất ít vùng ở phía Bắc Việt Nam có tiềm năng phát triển cảng biển nước sâu, có thể tiếp nhận tàu có trọng tải lên tới hàng 100.000 DWT. Trong tương lai, khi những cảng nước sâu do một số nhà đầu tư như Tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật Dầu khí (PTSC) hoàn thành, lượng hàng hoá đổ về các tỉnh khu vực miền Trung sẽ rất lớn bởi hiện nay, phần lớn vẫn đang được chung chuyển qua cảnh Hải Phòng. Ông tin tưởng định hướng này sẽ thành công và đây chính là nền tảng để UBND tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2020, Thanh Hoá sẽ trở thành một trong 10 tỉnh có nền kinh tế phát triển nhất cả nước.

Theo thông tin từ Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn, tính đến thời điểm hiện tại, cảng Nghi Sơn đã đưa vào khai thác 3 bến với tổng chiều dài 700m, năng lực xếp dỡ hàng hoá khoảng 5 triệu tấn/năm và được trang bị hệ thống thiết bị, kho bãi được trang bị khá đồng bộ.

Cũng theo ông Hoà thì Khu liên hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn với tổng vốn đầu tư lên tới 9 tỉ USD - một trong những dự án có vốn đầu tư nước ngoài lớn nhất từ trước đến nay - chính là động lực, là “trái tim” cho Khu kinh tế Nghi Sơn phát triển. Khu lọc hoá dầu là một tổ hợp bao gồm khu nhà máy, khu cảng và khu đường ống dẫn dầu.

Ông Korumuri Shimmura - Tổng giám đốc Lọc hóa dầu Nghi Sơn cho biết: Lọc hóa dầu Nghi Sơn khi đi vào hoạt động sẽ kéo theo sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp phụ trợ. Và đây chính là nền tảng quan trọng giúp không chỉ Khu kinh tế Nghi Sơn phát triển mà của cả tỉnh Thanh Hóa trong tương lai.

“Trước mắt, trong giai đoạn chuẩn bị, thi công xây dựng, Khu liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn sẽ cần khoảng 20 ngàn lao động. Và đến khi hoàn thành, theo tính toán của chúng tôi thì ngoài số lượng chuyên gia nước ngoài, Lọc hoá dầu Nghi Sơn dự kiến sẽ sử dụng khoảng 2.000 lao động chất lượng cao của tỉnh Thanh Hóa” – ông Korumuri Shimmura.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Hoà cho biết, để đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao, UBND tỉnh Thanh Hóa đã xây dựng cả một đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, ông cũng tin rằng, với sự phát triển của các khu công nghiệp, một lượng lớn lao động có tay nghề của tỉnh hiện đang làm việc trên khắp cả nước sẽ trở về quê hương để làm việc tại những nhà máy này.

Ngoài ra, để tăng sức hấp dẫn của tỉnh với các nhà đầu tư, Thanh Hóa cam kết sẽ dành những chính sách ưu đãi tốt nhất dựa trên các quy định của pháp luật cho nhà đầu tư.

Nhận định về những nỗ lực mà UBND tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung cho rằng, Thanh Hóa hiện đang là một trong những địa phương có sức hấp dẫn đầu tư tốt nhất cả nước.

Một số dự án lớn đang hoạt động và triển khai xây dựng trong Khu kinh tế Nghi Sơn:

- Liên hợp lọc hoá dầu Nghi Sơn: Công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, tổng vốn đầu tư 9 tỉ USD

- Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 2: Công suất 1.200 MW, tổng vốn đầu tư 2,3 tỉ USD

- Nhà máy Nhiệt điện Nghi Sơn 1: Công suất 600 MW, tổng vốn đầu tư 1,06 tỉ USD

- Nhà máy nhiệt điện Công Thanh: Công suất 600 MW, tổng vốn đầu tư 919,5 triệu USD.

- Nhà máy xi măng Nghi Sơn: Công suất 4,3 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 621,9 triệu USD.

Thanh Ngọc