"Thánh đường" nghệ thuật nhiều băn khoăn

06:45 | 30/09/2020

147 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(PetroTimes) - Các công trình nhà hát hoành tráng - “thánh đường nghệ thuật” - cứ mọc lên nhưng nhiều khi giá trị thực tế rất mơ hồ, thậm chí có nhà hát xây xong rồi “đắp chiếu”, bỏ hoang.
Phối cảnh nhà hát An Giang

Mới đây, thông tin An Giang khởi công xây dựng nhà hát tại TP Long Xuyên với tổng vốn đầu tư hơn 215 tỉ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh được nhiều người quan tâm.

Xây dựng nhà hát để phát triển văn hóa nghệ thuật là điều cần thiết. Đây sẽ trở thành một địa chỉ văn hóa hiện đại, một thiết chế văn hóa trọng điểm của tỉnh An Giang, đồng thời tạo môi trường văn hóa, vui chơi, giải trí lành mạnh cho nhân dân, nên ủng hộ.

Tuy nhiên, xây dựng nhà hát lớn với kinh phí hàng trăm tỉ đồng giữa lúc kinh tế - xã hội bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, liệu có đúng lúc? Bởi mới đây, An Giang vừa kiến nghị Trung ương hỗ trợ 500 tỉ đồng thời hậu dịch Covid-19. Đó là chưa kể, An Giang còn là một tỉnh nghèo, hằng năm vẫn phải nhờ vào khoản trợ cấp (trên 50%) từ ngân sách Trung ương... Nhưng dù gì thì Nhà hát An Giang đã khởi công xây dựng rồi, thế nên, hy vọng nhà hát sẽ hoạt động hiệu quả, thật sự mang lại lợi ích về tinh thần cho nhân dân.

Nhắc đến chuyện xây nhà hát, không thể không nhắc đến Dự án Nhà hát giao hưởng 1.500 tỉ đồng ở Thủ Thiêm, TP HCM. Dự án vấp phải nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Bởi ngoài những giá trị mang tên “biểu tượng” thì mục đích, ý nghĩa và giá trị thiết thực của nhà hát vẫn rất mơ hồ.

Đó là chưa kể, vụ việc Nhà hát Trần Hữu Trang (TP HCM) có nhiều sai phạm so với thiết kế, không đáp ứng được nhu cầu biểu diễn, chưa được giải quyết xong thì nay lại xây dựng thêm một Nhà hát giao hưởng 1.500 tỉ đồng, liệu có hợp lý, hợp tình?

Nhà hát Trần Hữu Trang được xây mới hoàn toàn trên nền rạp hát Hưng Đạo trước đây. Công trình đã bị đội vốn gấp đôi, từ 60 tỉ đồng đầu tư ban đầu lên 132 tỉ đồng. Toàn bộ là tiền ngân sách Nhà nước. Nhà hát Trần Hữu Trang được bàn giao từ tháng 5/2017, tuy nhiên, kể từ ngày khánh thành và đưa vào sử dụng đến nay, nhà hát rất ít khi được sáng đèn, có lúc phải cửa đóng then cài vì lỗi thiết kế. Nhiều nghệ sĩ khẳng định: “Đấy không phải nhà hát”!

Cho đến nay, khi Dự án Nhà hát giao hưởng 1.500 tỉ đồng được thông qua thì TP HCM vẫn đang “nợ” nhân dân về bài toán sử dụng ngân sách, khi hơn 130 tỉ đồng tiền thuế của dân đổ vào xây Nhà hát Trần Hữu Trang nhưng không thể sử dụng.

Nhà hát được coi là “thánh đường nghệ thuật”. Nhà hát trăm tỉ hay nghìn tỉ đồng xây xong rồi “đắp chiếu”, bỏ hoang, không mang lại giá trị thực tế là một sự lãng phí vô cùng lớn, là thiếu trách nhiệm với đồng thuế của nhân dân.

Lê Văn