Thành công từ ca ghép gan người lớn đầu tiên ở khu vực phía Nam

16:44 | 15/10/2012

1,371 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) – Ngày 15/10, bệnh viện (BV) Chợ Rẫy tổ chức họp báo thông tin về ca ghép gan cho người lớn đầu tiên theo mô hình người cho sống ở khu vực phía Nam và cũng là ca ghép gan thứ 3 trong cả nước thực hiện theo mô hình này.

>> Thực hiện ca ghép gan đầu tiên cho người lớn tại khu vực phía Nam

Hiện nay, cả bệnh nhân và người cho đang được cách ly vô trùng và theo dõi chặt chẽ tại phòng săn sóc đặc biệt với sự phối hợp của nhóm bác sĩ, điều dưỡng của BV Asan (Hàn Quốc) và BV Chợ Rẫy để theo dõi sát diễn tiến sau ghép.

Ca phẫu thuật được thực hiện ngày 12/10 với sự phối hợp của BV Chợ Rẫy và BV Asan. Người được ghép gan là bà C.T.K.Đ, 52 tuổi, ngụ tại Đắk Nông và người cho là con trai bà, anh D.H.L, 22 tuổi.

Người cho gan bắt đầu được phẫu thuật vào 8h25'. Ca phẫu thuật kết thúc lúc 16h. Các bác sĩ lấy phần gan phải của bệnh nhân với nguyên vẹn các cuống mạch nuôi như dự kiến trước mổ; phần gan lấy ra chiếm 2/3 thể tích gan của bệnh nhân. Các bác sĩ cho biết, sau 6 – 8 tuần phần gan của người cho sẽ bắt đầu được tái sinh, mức tái sinh từ 60 – 80% so với thể tích gan ban đầu.

Người mẹ sau khi tỉnh yêu cầu được sang thăm con

Ca phẫu thuật cho người nhận bắt đầu lúc 8h50 và kết thúc lúc 22h30 ngày 12/10, êkip phẫu thuật đã cắt bỏ toàn bộ gan xơ đồng thời và cắt lách kèm theo lách phụ cho bệnh nhân vì bệnh nhân bị lách to và lách phụ to, nếu không giải quyết điều này thì sau mổ bệnh nhân sẽ bị thiếu máu. Sau đó, bệnh nhân được ghép phần gan từ người cho vào vị trí của gan bị xơ đã cắt bỏ với các miệng nối mạch máu tĩnh mạch gan, động mạch gan và nối đường mật vào quai ruột non.

Sau 2 giờ phẫu thuật, người cho gan đã tỉnh táo, có thể nói chuyện được với người thân. Đến ngày 13/10, cả hai bệnh nhân (người cho và người nhận) đều tỉnh táo, các chỉ số sinh tồn (mạch, huyết áp, nhịp thở...) đều ổn định. Người cho gan đã được rút ống thông dạ dày và đã uống được nước. Người nhận gan được hướng dẫn tập thở và được rút ống nội khí quản.

Đến ngày 14/10, hai bệnh nhân được tập vận động. Ngày 15/10, người cho gan được cho ăn súp, sữa, các chỉ số xét nghiệm máu, chức năng gan, miễn dịch chống thải ghép, siêu âm mạch máu kiểm tra đều trong dự kiến ban đầu và diễn tiến thuận lợi.

Người con trai sau khi hiến gan cho mẹ đã tỉnh táo và trò chuyện được với mọi người

PGS. TS Nguyễn Tấn Cường - Trưởng khoa ngoại Gan - Mật - Tụy BV Chợ Rẫy cho biết: Ca ghép gan được tiến hành rất thuận lợi. Người nhận trong tình trạng xơ gan nặng, phức tạp, nên quá trình mổ các bác sĩ rất cẩn thận trong việc cắt bỏ phần gan bị xơ để hạn chế mất máu cho bệnh nhân. Trước khi bắt đầu ca ghép gan, BV dự kiến sẽ truyền 100 đơn vị máu để điều trị chảy máu trong mổ nhưng do các bước phẫu thuật được tiến hành thuận lợi, nên người cho gan không phải truyền máu trong quá trình mổ, còn người nhận chỉ phải truyền 8 đơn vị máu.

Với kỹ thuật ghép gan thì phần gan lấy ra từ người cho phải đảm bảo sau 3 giờ được ghép vào cho người nhận, nếu không sẽ bị hỏng. Trong ca phẫu thuật này, chỉ sau 15 phút lấy gan ra từ người cho, các bác sĩ đã có thể tiến hành ghép vào cho người nhận.

Các bác sĩ dự kiến, người cho gan sẽ điều trị trong phòng cách ly để tránh nhiễm trùng ít nhất 1 tuần sau mổ còn người được ghép gan sẽ phải điều trị ít nhất trong vòng 2 tuần ở phòng này. Sau đó, các bệnh nhân sẽ được chuyển sang phòng săn sóc đặc biệt trong 2 tuần. Do đó, sớm nhất phải sau 1 tháng bệnh nhân mới có thể xuất viện nhưng vẫn phải được tương đối cách ly để tránh nhiễm trùng và có chế độ dùng thuốc ức chế miễn dịch nghiêm ngặt.

Theo PGS. TS Nguyễn Tấn Cường, đối với bệnh nhân được ghép gan, sau khoảng 8 năm bệnh nhân không cần phải dùng thuốc ức chế miễn dịch. Trong khi đó, việc ghép các nội tạng khác như ghép thận, bệnh nhân hầu như phải dùng thuốc ức chế miễn dịch suốt đời.

Nói về lịch sử của kỹ thuật ghép gan, PGS.TS Nguyễn Tấn Cường cho biết: Từ năm 1963, ở Mỹ đã có triển khai mô hình ghép gan trên người cho chết não nhưng kết quả rất xấu, hầu hết các bệnh nhân được ghép không qua khỏi trong thời gian từ 1 tháng đến tối đa 1 năm vì lúc này các thuốc ức chế miễn dịch còn hạn chế và các điều kiện vô trùng chưa được tốt.

Sau đó, y học thế giới dần hoàn thiện các kỹ thuật ghép gan nhưng giai đoạn đầu thường ghép gan trên người cho chết não. Tuy nhiên, do nhu cầu người cần ghép gan quá lớn mà nguồn gan hiến tặng từ người chết não khan hiếm nên các chuyên gia mới nghĩ đến phương pháp ghép gan từ người cho sống.

Ca ghép gan từ người cho sống đầu tiên được tiến hành ở Australia. Sau đó, kỹ thuật này phát triển mạnh ở Châu Á. Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông... là những nơi có kỹ thuật ghép gan phát triển và đóng góp nhiều cho kỹ thuật ghép gan từ người cho sống của thế giới.

Tại BV Chợ Rẫy, giai đoạn 1999 – 2004 nhóm ghép gan đã được thành lập, tham gia vào đề tài quốc gia ghép gan thực nghiệm do Học viện Quân Y (Hà Nội) chủ trì và đã thực hiện 32 lần ghép gan ở lợn với nhiều mô hình khác nhau.

Tháng 5/2011, BV Chợ Rẫy được Bộ Y tế cho phép tiến hành đề tài nghiên cứu cấp Bộ về “Nghiên cứu ứng dụng ghép gan theo mô hình người sống cho tạng và mô hình chết não hiến tạng” tại BV Chợ Rẫy.

Để thực hiện công việc này, BV đã thành lập đơn vị ghép gan với các ban tư vấn, chỉ đạo và các ban chuyên môn; phối hợp hoạt động với nhiều khoa phòng để chuẩn bị cho ca ghép gan; hoàn chỉnh cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cần thiết, hiện đại cho phẫu thuật, gây mê hồi sức, miễn dịch, huyết học, truyền máu, sinh hóa. Bên cạnh đó, BV Chợ Rẫy cũng chủ động liên kết với BV Asan, một trung tâm ghép gan lớn trên thế giới để đào tạo nhóm ghép gan gồm 15 người.

Các bác sĩ cho rằng: Có hai khó khăn lớn nhất trong ghép gan hiện nay là kinh phí và nguồn gan hiến tặng khan hiếm. Chi phí các ca ghép gan trung bình 2 tỉ đồng/ca, nên không nhiều bệnh nhân có đủ điều kiện để ghép gan. Đồng thời, tỉ lệ người cho gan luôn thấp hơn so nhu cầu. Một số người cho, thông thường là người thân trong gia đình do ảnh hưởng của những bệnh liên quan đến gan, gan không đủ kích thước, không đủ chuẩn cho việc hiến tặng; một số trường hợp rút lui do người nhận không đồng ý nhận vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của người thân cho gan.

Việc phát triển kỹ thuật ghép gan ở BV Chợ Rẫy nói riêng và ở nước ta nói chung sẽ giúp cho nhiều bệnh nhân có cơ hội được ghép gan trong nước, giảm chi phí điều trị.

Mai Phương