Tham vọng năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ

15:00 | 10/11/2012

1,244 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
(Petrotimes) - Trong bối cảnh nhu cầu về năng lượng toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng và với vị trí nằm giữa các nước sản xuất và tiêu thụ, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng trở thành trung tâm năng lượng của khu vực. Liệu đây có phải là tham vọng quá lớn?

 

Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildez

Chuyên gia Denise Natali thuộc Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc gia Mỹ (INSS) cho rằng tham vọng trên của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Vấn ở đây là chiến lược năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ lại xung đột với lợi ích an ninh quốc gia của chính nước này. Tương tự như vậy, chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành vật cản đối với kế hoạch mở rộng trung tâm năng lượng. Đặc biệt, chính sách quyền lực mềm tại khu vực người Kurds ở phía bắc Iraq cũng như chương trình nghị sự mang hơi hướng giáo phái của Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Ecep Tayyip Erdogan đã khiến Badghdad ngày càng xa lánh Ancara và kích động bất ổn tại khu vực biên giới giữa hai nước. Mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước trở nên trầm trọng hơn liên quan đến cuộc khủng hoảng Syria. Nếu không được điều chỉnh kịp thời, những căng thẳng này sẽ ngăn cản tham vọng năng lượng và chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ.

Dù hiện là nơi quá cảnh năng lượng của khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục tìm cách trở thành một trung tâm năng lượng chiến lược thực sự với các hoạt động tinh chế, dự trữ và vận chuyển sang thị trường các nước châu Âu. Việc mở rộng nguồn cung cũng giúp nước này giảm lệ thuộc vào nguồn nhập khẩu từ Nga, nước hiện đang đáp ứng tới 60% nhu cầu khí đốt của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh châu Âu (EU). Để đạt được mục đích này, Ancara đã tham gia nhiều dự án xây dựng đường ống qua biển Caspi và đang tìm kiếm các nhà cung cấp năng lượng mới. Một trong số đó là Iraq, quốc gia có trữ lượng khoảng 143 tỷ thùng dầu và 110 nghìn tỷ feet khối khí đốt ngoài nguồn dự trữ khí đốt tiềm năng lên tới 150 nghìn tỷ feet khối.  

Hiện các công ty tư nhân và nhà nước của Thổ Nhĩ Kỳ đang tham gia đầu tư vào nhiều dự án năng lượng tại khu vực phía bắc và phía nam Iraq. Ngoài ra, Ancara còn có cổ phần trong dự án đường ống dẫn dầu chạy từ Iraq tới cảng Cehan của Thổ Nhĩ Kỳ với công suất vận chuyển khoảng 400.000 thùng/ngày và phí trung chuyển đã được thanh toán tới tận năm 2035.

Tuy nhiên, Ancara đã không thể tận dụng tốt các cơ hội mà Iraq mang lại nhằm phục vụ cho các lợi ích năng lượng và chính trị của mình. Trên thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ gần như kiểm soát hoàn toàn về mặt kinh tế đối với Chính phủ khu vực tự trị người Kurds (KRG). KRG hiện chỉ bán được dầu mỏ và khí đốt với mức giá thấp thông qua một tuyến ống dẫn đến Thổ Nhĩ Kỳ nằm độc lập hoàn toàn với chính quyền trung ương Badghdad. Ngoài ra, KRG cũng đang bán rẻ cho Thổ Nhĩ Kỳ nguồn dầu thô và khí đốt khai thác tại khu vực biên giới ở phía bắc Iraq. Để tránh phải trả tiền cho chính quyền trung ương Badghdad và né lệnh hạn chế xuất khẩu, KRG đã tái khởi động tuyến đường vận chuyển dầu thô trên bộ qua biên giới từng tồn tại trong những năm 1990. Vào thời điểm đó, mạng lưới các thương nhân và lái xe người địa phương chuyên chở dầu từ Badghdad tới Diyarbakir của Thổ Nhĩ Kỳ đã phá vỡ lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc và kiếm được những nguồn lợi khổng lồ từ các hoạt động buôn lậu lợi dụng chương trình "Đổi dầu lấy lương thực".

Dù vậy, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không thể trở thành trung tâm năng lượng chỉ với các hoạt động vận tải đường bộ. Ancara sẽ còn cần các cơ sở hạ tầng đường ống dẫn khả thi để có thể vận chuyển một lượng dầu mỏ và khí đốt lớn hơn từ quốc gia láng giềng Iraq thông qua các kênh chính thức của nhà nước. Ngoài ra, Ancara cũng không thể thúc đẩy các lợi ích năng lượng của mình trong bối cảnh bất ổn chính trị đang ngày càng gia tăng. Chính sách Iraq của Thủ tướng Erdogan đã để lại những hậu quả không mong muốn. Một trong số đó là tăng quyền lực cho KRG và tạo ra nhiều thách thức hơn đối với lợi ích năng lượng và lợi ích an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ.

Một khu thu năng lượng mặt trời khổng lồ ở Thổ Nhĩ Kỳ

Sai lầm của Thổ Nhĩ Kỳ là đã không thành lập liên minh với KRG trong khi đây vẫn là nguồn cung năng lượng quan trọng, thị trường thương mại và đối tác an ninh biên giới của Ancara. Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ lại đang hủy hoại mối quan hệ chiến lược của mình với Badghdad vốn kiểm soát các nguồn năng lượng của Iraq cũng như các cơ chế thanh toán. Thủ tướng Erdogan đã kích động người Kurds thách thức chủ quyền của Iraq thông qua các nỗ lực liên tục hòng làm suy yếu chính quyền Badghdad, đặc biệt là quyền lực của Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki. Sau nhiều thập niên yên ổn, khu vực biên giới phía nam của Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên bất ổn hơn với việc PKK đang dần mở rộng ảnh hưởng từ Iran đến vùng núi Qandil ở Iraq cũng như khu vực phía tây Syria. Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng Syria vẫn tiếp tục, Ancara có thể đã nhận ra những hạn chế trong chính sách quyền lực mềm của mình và có thể sẽ phải giành nhiều ưu tiên hơn cho việc đảm bảo an ninh. Mới đây, Bộ trưởng Năng lượng Thổ Nhĩ Kỳ Taner Yildez đã nhắc lại cam kết của Ancara trong việc hợp tác với ngành năng lượng Iraq và đã ký một hợp đồng thăm dò dầu khí ở Basra trị giá 350 triệu USD với Badghdad và dự kiến tham gia vào đợt đấu thầu dầu khí lần thứ năm của Iraq. Dù vẫn giữ quan hệ liên minh với khu vực người Kurds ở phía bắc Iraq, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố rõ ràng với KRG và các lực lượng người Kurds khác rằng Ancara sẽ không ủng hộ người Kurds ở Syria giành quyền tự chủ.

Thậm chí nếu Ancara đạt được một thỏa thuận với Badghdad và thương lượng một hợp đồng xuất khẩu năng lượng với nước này trong đó bao gồm cả KRG, tham vọng trở thành trung tâm năng lượng của Ancara vẫn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như thiếu thị trường tiêu thụ khí đốt, các vấn đề liên quan đến cơ chế giá, khuôn khổ pháp lý, tự do hóa thị trường và vấn đề an ninh các tuyến đường ống dẫn qua biên giới. Việc Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm các nhà cung cấp mới và phát triển các tuyến đường ống dẫn thay thế tới châu Âu cũng sẽ khiến Nga mất nhiều lợi ích. Cuối cùng, với việc chính quyền trung ương Badghdad đang kiểm soát tới 80% trữ lượng dầu, 70% trữ lượng khí đốt phân bố tại các tỉnh miền nam Iraq cùng các hạ tầng đường ống dẫn, bên cạnh đó là vấn đề mà Ancara đang gặp phải liên quan đến Đảng Công nhân người Kurds (PKK), Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải cân nhắc lại chiến lược Iraq cũng như chiến lược năng lượng của mình. Nước này sẽ không thể vừa cải thiện quan hệ với Badghdad vừa thỏa hiệp với người Kurds, hoặc trở thành khu vực quá cảnh chỉ với các nguồn cung năng lượng hạn chế của Nga và Iran.  

Th.Long (Theo L'Orient-Le Jour)