“Thảm họa” vì bán giấy phép xuất bản

07:02 | 05/04/2015

779 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Thời gian gần đây, xuất hiện nhiều dị bản sách, truyện cổ tích lệch lạc đến mức khó tin. PGS.TS Phạm Văn Tình (Viện Từ điển học và Bách khoa thư Việt Nam) cho rằng lỗi này xuất phát từ việc nhà xuất bản (Nxb) bán giấy phép cho nhà sách để lấy lợi nhuận mà không quan tâm đến hậu quả.

Năng lượng Mới số 409

PV: Việc nhiều cuốn sách, truyện dành cho trẻ em khi phát hành ra thị trường phát hiện nhiều lỗi, theo ông do khâu nào?

PGS.TS Phạm Văn Tình: Trước hết thuộc về khâu biên tập, tổ chức bản thảo. Nguồn cung cấp bản thảo cho các nhà xuất bản thì có nhiều: Do cơ quan Nhà nước, do các tổ chức có chuyên môn khác nhau, do cá nhân… Bản thảo phải qua khâu thẩm định, biên tập của các Nxb. Khâu này mà cẩu thả, thiếu trách nhiệm, làm đại khái thì rất dễ xảy ra sai sót.

PGS.TS Phạm Văn Tình

Có thể họ là những người nghiêm chỉnh, có trách nhiệm nhưng do trình độ chuyên môn, nghiệp vụ non yếu thì có khi những sai sót nằm ngoài ý muốn của họ (ví dụ cho ra những cuốn từ điển chất lượng yếu kém, những tác phẩm văn học non tay, những công trình nghiên cứu không đảm bảo yêu cầu khoa học…).

PV: Vậy cơ quan nào chịu trách nhiệm trong việc để ấn phẩm có nhiều sai phạm, thưa ông?

PGS.TS Phạm Văn Tình: Như tôi vừa nói, lỗi đầu tiên thuộc về Nxb. Họ là người “lính gác” đầu tiên tiếp xúc và xử lý bản thảo. Họ có chức năng, quyền hạn và trình độ chuyên môn riêng (sách văn học, từ điển, sách thiếu nhi, sách phổ biến kiến thức, sách pháp luật…) vì vậy, mỗi nhà xuất bản có một “vùng lãnh thổ”, là thế mạnh của họ.

Chính họ là người biết rõ nhất trách nhiệm cần phải làm gì. Đó là chọn sách phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tôn chỉ, mục đích của mỗi nhà xuất bản. Nhà xuất bản có đội ngũ biên tập (hoặc chuyên gia) đủ trình độ về vấn đề ấy. Vậy thì ai còn có khả năng thẩm định tốt hơn họ?!

PV: Mỗi khi phát hiện sách, nhất là sách dành cho trẻ em có lỗi, Cục Xuất bản, In và Phát hành vẫn trả lời chung chung sẽ kiểm tra và sai đến đâu xử lý đến đó. Vậy theo ông, trách nhiệm của cơ quan này ra sao?

PGS.TS Phạm Văn Tình: Cục Xuất bản là cơ quan cấp trên của Nxb cũng một phần liên đới chịu trách nhiệm. Với tư cách là cơ quan quản lý, Cục Xuất bản phải có một cách thức theo dõi, quản lý, điều hành sao cho việc giám sát của Cục đạt tới hiệu quả tốt nhất. Cục Xuất bản không thể phó mặc cho các Nxb làm mọi thứ rồi đến khi có “sự cố” mới tá hỏa chạy theo giải quyết hậu quả và đổ lỗi cho cấp dưới.

PV: Thưa ông, có hay không việc liên kết giữa nhà xuất bản và sách. Nghĩa là xin giấy phép khống và khi xuất bản cuốn sách nào chỉ cần điền tên cuốn sách vào nên không qua kiểm duyệt?

PGS.TS Phạm Văn Tình: Việc liên kết giữa Nxb với các nhà sách, các tổ chức phát hành Nhà nước hay tư nhân là chuyện bình thường, nhất là trong cơ chế mở hiện nay. Nhà xuất bản phải chủ động và có trách nhiệm. Việc khoán trắng, phó mặc cho đối tác liên kết “tự tung tự tác” (miễn là nộp phí xuất bản và lợi nhuận cho nhà xuất bản) rất dễ xảy ra sai sót (và sai sót nghiêm trọng). Không ít Nxb “bán giấy phép”, để các đầu nậu tự lo mọi thứ, chỉ khi sách in ra, nộp lưu chiểu rồi mới phát hiện ra lỗi này lỗi nọ. Lúc đó thì mọi việc đều đã muộn.

PV: Vậy với những cuốn sách, truyện có lỗi mà đã được xuất bản ra ngoài thị trường sẽ phải xử lý như thế nào, thưa ông?

PGS.TS Phạm Văn Tình: Xử lý sách vi phạm thế nào ư? Lĩnh vực này thuộc về các cơ quan xuất bản và quản lý xuất bản phẩm. Sai sót lớn phải thu hồi tiêu hủy ngay lập tức. Tùy theo mức độ nặng nhẹ mà xử phạt theo luật. Nên có những hội thảo, những hội nghị chuyên về xuất bản để trao đổi, rút kinh nghiệm, nhằm từng bước lành mạnh hóa và đưa hoạt động xuất bản vào quy củ.

Dĩ nhiên, phải mời các cơ quan hữu quan cùng tham gia thảo luận, vì sự nghiệp xuất bản là của toàn dân. Tiếng nói chung của dư luận xã hội, của cộng đồng văn hóa đọc cũng rất cần thiết.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Thảo Phượng