“Thảm họa” chi phí y tế của người nghèo

07:05 | 07/05/2016

778 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Theo báo cáo “Gánh nặng chi phí cho y tế từ tiền túi và bảo vệ tài chính tại Việt Nam 1992-2014” của Đại học Y tế Cộng đồng được thực hiện gần đây nhất, mỗi hộ gia đình Việt Nam tốn 16USD/tháng cho chi phí y tế, khoảng 350 nghìn đồng/tháng. Đây là các khoản tiền mà hộ gia đình phải trả vào thời điểm họ sử dụng dịch vụ y tế.  

Chi phí y tế thảm họa

Đây là các khoản chi, bao gồm: tiền khám, tiền thuốc, tiên giường, tiền xét nghiệm... Chi phí này không bao gồm tiền đi lại, bồi dưỡng, chi cho mua bảo hiểm và các khoản được bảo hiểm y tế chi trả.

Với mức chi trả ấy, các nhà chuyên môn đã xác định người dân chi trả cho y tế chiếm gần 55% tổng nguồn chi cho y tế. Như vậy, cao hơn mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình và gấp 3 lần trung bình thế giới. Như cao hơn hẳn Malaysia, Indonesia, Thái Lan với mức chi tiêu tiền túi của người bệnh lần lượt là 40%, 30% và 19,2% và chỉ thấp hơn Philippines, Camphuchia, Lào… Trong khi Tổ chức Y tế thế giới quy định, nếu tỷ lệ chi cho y tế từ tiền túi của người dân vượt quá 30% thì khó đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Đặc biệt, nếu tỷ lệ chi từ tiền túi của người dân bằng hoặc vượt quá 40% khả năng chi trả của hộ gia đình gọi là chi phí thảm họa. Chính vì thế, năm 2014 có hơn 400.000 hộ gia đình Việt Nam đã rơi vào bẫy nghèo đói.

tham hoa chi phi y te cua nguoi ngheo
Bệnh nhân BHYT điều trị suy thận tại BV Bạch Mai

Theo PGS.TS Hoàng Văn Minh, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Y tế Công cộng tổng chi cho y tế trong nước được cấp từ 5 nguồn: Ngân sách Nhà nước, bảo hiểm y tế, viện trợ nước ngoài, chi trực tiếp từ hộ gia đình và các nguồn kinh phí tư khác. Trong 20 năm qua, tổng chi cho y tế tại Việt Nam đã tăng từ 5,2% GDP lên 6,9% GDP, tương đương 190.000 tỉ đồng. So với năm 1992, mặc dù chi phí “thảm họa” tại Việt Nam đã giảm từ 8,2%/năm xuống còn 2,3% năm 2014 nhưng thực tế vẫn ở mức cao so với nhiều quốc gia trong khu vực.

Chính sách chưa rõ ràng

Nguyên nhân được các nhà chuyên môn cho là dẫn đến “thảm họa” chi phí y tế và nghèo hóa đời sống nhiều người dân là vì chi phí này xảy ra ở các hộ gia đình có người già và ở nông thôn, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Mặt khác, do tác động bảo vệ tài chính của chính sách y tế chưa thực sự rõ ràng.

TS Đào Lan Hương, chuyên gia y tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định: “Tình trạng chi cho y tế vượt ngưỡng là nguyên nhân gây ra chi phí thảm họa và nghèo đói cho các hộ gia đình”.

PGS.TS Hoàng Văn Minh thì nhấn mạnh: “Điều này dẫn đến hệ lụy gánh nặng chi phí y tế từ tiền túi của người dân rất cao. Minh chứng là hiện có 2,3% hộ gia đình Việt (tương đương 550.000 hộ gia đình) đang gặp phải tình trạng “chi phí thảm họa”. Và khoảng 400.000 hộ gia đình đã bị nghèo hóa sau khi chi trả chi phí y tế. Vì vậy, PGS.TS Minh nhấn mạnh đã đến lúc các nhà hoạch định chính sách cần đẩy mạnh mức độ bao phủ chăm sóc y tế toàn dân để thu hẹp cán cân nguồn chi tư và công cho y tế Việt Nam.

Còn TS Hương phân tích: “Mặc dù, tổng chi tiêu cho y tế của Việt Nam chiếm 6,6% GDP, cao hơn nhiều so với các quốc gia khác nhưng hiệu quả đạt được vẫn chưa cao. Minh chứng là người dân vẫn phải chi trả cho y tế ở mức thảm họa và nhiều hộ gia đình nghèo đi. Nếu giảm chi tiêu của Nhà nước cho y tế ở mức 2,8% GDP, một mức trung bình thì sẽ gia tăng áp lực chi tiêu cho các hộ gia đình”. Vì vậy để giảm chi tiêu y tế từ tiền túi người dân theo TS Hương phải mở rộng bao phủ bảo hiểm y tế. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm giải trình của bên cung ứng dịch vụ để hạn chế việc thu lợi từ chi phí của người bệnh cùng với việc đổi mới phương thức chi trả - dần thay thế trả theo phí dịch vụ. Bên cạnh đó, tăng cường khả năng của Nhà nước để trở thành bên mua chiến lược đối với các dịch vụ y tế. Giảm giá thuốc và mức độ sử dụng thuốc, là những biện pháp được báo cáo này đưa ra để giảm tổng chi tiêu cho y tế tính trên GDP.

Để giảm chỉ tiêu thảm họa y tế của người dân, TS Hương cũng cho biết, song song với gánh nặng chi phí, hệ thống y tế Việt Nam còn bị ảnh hưởng bởi xu thế bên ngoài như áp lực chi phí hệ thống hỗ trợ người cao tuổi, đô thị hóa liên quan đến y tế, đặc biệt là người nghèo ở thành thị. Bởi vậy, “đã đến lúc, y tế Việt Nam cần thay đổi vai trò của y tế tư nhân, hợp đồng tư nhân để cung ứng các dịch vụ vai trò quản lý y tế của Nhà nước ngày càng phức tạp”, TS Đào Lan hương nói.

Nhưng bên cạnh đưa ra các giải pháp, TS Hương cũng đặt ra vấn đề hết sức cụ thể với bảo hiểm y tế là làm thế nào để phủ toàn bộ bảo hiểm y tế  (BHYT) trong dân, tốc độ bao phủ ra sao? Và sự lựa chọn giữa tăng chậm độ bao phủ qua đóng góp hay dùng thuế hỗ trợ cho khối lao động chính thức…? Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế Nguyễn Nam Liên cho rằng, bên cạnh những thành tựu nổi bật mà hệ thống tài chính y tế Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, như trên 76% dân số có thẻ BHYT, đặc biệt trong đó toàn bộ người nghèo và các đối tượng yếu thế khác được Ngân sách Nhà nước hỗ trợ để tham gia BHYT; đảm bảo toàn bộ người dân được cung cấp các dịch vụ y tế dự phòng từ nguồn kinh phí Ngân sách Nhà nước, chi phí y tế từ tiền túi giảm dần… thì tài chính y tế Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức như chưa thực sự bền vững trong tạo nguồn tài chính cho y tế, phương thức tập hợp, phân bổ quỹ chưa sát với mục tiêu chia sẻ rủi ro, tính hiệu quả trong sử dụng quỹ…

Nếu tất cả các vấn đề trên được giải đáp và thực hiện cùng với các giải pháp thì các nhà chuyên môn cho rằng, chi tiêu thảm họa cho y tế sẽ giảm nữa, phù hợp với mức mà Tổ chức Y tế thế giới đã đề ra. 

Chiến lược Tài chính y tế giai đoạn 2016-2025 được xây dựng hướng tới phát triển một cơ chế tài chính y tế bền vững, công bằng và hiệu quả, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, ai cũng có cơ hội tiếp cận và sử dụng y tế có chất lượng, không phải trả chi phí y tế quá lớn hoặc bị nghèo đói vì chi trả cho dịch vụ y tế với các mục tiêu cụ thể: Mở rộng diện bao phủ dân số một cách bền vững, tiến tới bao phủ bảo hiểm y tế toàn dân; Đảm bảo tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế chất lượng, công bằng, hiệu quả, đặc biệt là các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu; Tăng cường bảo vệ tài chính cho người dân. Trên cơ sở đó, các chỉ tiêu cụ thể: Chiến lược đưa ra cần đạt được bao gồm: năm 2025, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm đạt ít nhất 85-90%, trong đó có toàn bộ người nghèo, cận nghèo, người cao tuổi và các nhóm dân cư dễ tổn thương khác; Có chính sách và cơ chế chi trả cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại cơ sở; Tăng tỷ trọng chi tiêu công trong tổng chi tiêu y tế: tỷ trọng chi tiêu công cho y tế trên GDP đạt 4,5%; Giảm dần tỷ trọng chi tiêu tiền túi cho y tế không vượt quá 30% tổng chi cho y tế; Giảm tỷ lệ hộ gia đình có chi phí y tế thảm họa không quá 2%.

PV

Năng lượng Mới 520