Thái Lan: Phong tỏa Bangkok gây thiệt hại kinh tế

19:00 | 20/01/2014

1,575 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Khủng hoảng chính trị Thái Lan đã kéo dài gần hai tháng nay và chiến dịch phong tỏa thủ đô Bangkok do phong trào chống chính phủ tiến hành kể từ ngày 12/1/2014 vẫn căng thẳng giữa hai phe.

Cuộc khủng hoảng dai dẳng này bắt đầu tác động đến nền kinh tế của vương quốc Thái Lan, thường được xem là cường quốc kinh tế thứ hai ở Đông Nam Á sau Indonesia. Dấu hiệu rõ nhất phản ánh tình hình này là các dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm 2014 đã bị hạ thấp đáng kể.

Công ty thẩm định và xếp hạng tài chính quốc tế Moody Analytics đã hạ thấp tỷ lệ tăng trưởng kinh tế dự báo cho năm 2014 từ 5,2% xuống còn 4,3%. Có 3 lĩnh vực kinh tế Thái Lan bị ảnh hưởng trực tiếp, trước hết là ngành du lịch, chiếm 6% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của đất nước. Mức tăng số lượng du khách trong tháng 12 rất đáng thất vọng: Rất nhiều hãng du lịch đã hủy bỏ các tour ngay trong mùa cao điểm vì các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Bangkok. Xu hướng hủy chuyến sẽ tiếp tục trong tháng 1.

Mức tiêu thụ nội địa, một động lực khác của tăng trưởng kinh tế của Thái Lan cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ, bởi vì người Thái không muốn chi tiêu trong thời điểm căng thẳng này. Doanh số bán xe hơi của Thái Lan sẽ giảm sút đáng kể. Sau cùng, khu vực dịch vụ cũng bị ảnh hưởng vì các cuộc biểu tình đã ngăn không cho công nhân viên chức làm việc tại Bangkok tới công sở làm một cách đều đặn, thường xuyên.

Nền kinh tế Thái Lan đã bị tác động nghiêm trọng bởi cuộc khủng hoảng chính trị kéo dài

Các chuyên gia đặt câu hỏi, đối với giới đầu tư nước ngoài có hiện tượng sút giảm lòng tin hay không? Giới quan sát cho rằng, cuộc khủng hoảng chính trị tại Thái Lan chính ra bắt đầu từ cuối năm 2005. Bất chấp một thời gian tạm lắng kể từ đầu nhiệm kỳ của bà Thủ tướng Yingluck Shinawatra từ tháng 7/2011 cho đến cuối tháng 11/2013, dưới mắt của các nhà đầu tư nước ngoài, Thái Lan ngày càng bị coi là một quốc gia không ổn định về mặt chính trị. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết các nhà máy của các tập đoàn nước ngoài đều được đặt bên ngoài Bangkok, do đó rất ít bị các biến động tại thủ đô Thái Lan ảnh hưởng. Tình trạng dây chuyền cung ứng cho các nhà máy bị gián đoạn, như từng xảy ra trong thời gian lũ lụt nghiêm trọng năm 2011, đã không diễn ra.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, có một yếu tố đáng quan ngại. Đó là các đề án lớn xây dựng cơ sở hạ tầng của Chính phủ trị giá lên tới hàng chục tỷ euro và rất được các công ty nước ngoài quan tâm. Các dự án có nguy cơ bị trì hoãn, nếu không muốn nói là bị hủy hẳn, do cuộc khủng hoảng. Về lâu dài, các hãng nước ngoài bắt đầu xem xét khả năng chuyển các hoạt động sản xuất của họ sang quốc gia khác trong khu vực. Lý do là vì không ai biết được khủng hoảng tại Thái Lan còn kéo dài trong bao lâu. Và tiến trình kế vị Quốc vương Thái Lan có thể làm cho tình hình khủng hoảng chính trị trầm trọng thêm trong thập kỷ tới đây.

Riêng trên bình diện tài chính, tình hình như thế nào?

Trong những tháng gần đây, vốn nước ngoài có xu hướng rời khỏi Thái Lan, chủ yếu là do việc thị trường Mỹ đã trở nên hấp dẫn hơn. Căng thẳng chính trị tại Thái Lan đã góp phần thúc đẩy thêm xu hướng đó. Hiện tượng các nguồn vốn nước ngoài chạy khỏi Thái Lan đã khiến cho giá trị đồng baht giảm đi đáng kể so với đồng USD hay đồng Euro. Thế nhưng sự giảm giá đó lại là một tin khá tốt cho các nhà xuất khẩu Thái Lan, vì nhờ vậy mà hàng Thái Lan trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường quốc tế. Đây là điều tốt bởi vì xuất khẩu chiếm hơn 60% GDP của Thái Lan. Hiện tượng vốn nước ngoài tháo chạy không nhất thiết là một điều xấu cho nền kinh tế Thái Lan, nhưng nó làm cho giá cả hàng tiêu dùng trong nước tăng lên, cũng như giá điện và nhiên liệu.

Các nhà kinh tế học cho rằng sự tăng trưởng trong tương lai của vương quốc này tùy thuộc vào việc thông qua những cải cách trong lĩnh vực chính trị, nhưng cả đảng đương quyền lẫn phe đối lập chắc sẽ không thực thi những thay đổi đó. Trên thực tế, Thái Lan đã phát triển khá tốt về kinh tế trong những thập niên qua phần lớn là nhờ vào các chính sách tự do thương mại và những hoạt động đầu tư của nước ngoài, sử dụng lực lượng lao động giá rẻ của nước này để sản xuất các mặt hàng xuất khẩu.

Năm 1988, hơn 40% dân số Thái Lan sinh sống dưới mức nghèo túng, nhưng đến năm 2011, con số này là chưa đầy 8%. Sự phát triển này đã mang lại những thay đổi rất lớn về mặt chính trị tại vùng nông thôn của Thái Lan, vì những cử tri giàu có hơn đã tham gia nhiều hơn vào sinh hoạt chính trị quốc gia. Đảng Puea Thai đương quyền đã dựa vào xu thế này để giành được một loạt chiến thắng lớn tại hòm phiếu. Đối thủ của họ, những người thuộc Đảng Dân chủ, với sự ủng hộ của các cử tri ở Bangkok và miền Nam Thái Lan, tiếp tục bị mất đi sự ủng hộ của dân chúng.

Ông Pasuk Pongpaichit, giáo sư kinh tế học của Đại học Chulalongkorn, là đồng tác giả của một bản phúc trình mới của Hội châu Á về kinh tế Thái Lan cho biết: “Ở miền Bắc và trong vùng Đông Bắc và những khu vực khác, các cuộc tổng tuyển cử và tiến trình dân chủ hóa đã mang lại thêm tiền thuế địa phương cho họ, cho nên họ muốn tiếp tục với hệ thống bầu cử mỗi người một lá phiếu. Trong khi đó, những người ở Bangkok thi nói rằng "chúng tôi không muốn một chính phủ phát xuất từ hệ thống mỗi người một lá phiếu, chúng tôi muốn có một hệ thống thay thể để chúng tôi có quyền đại diện lớn hơn. Và đó chính là một phần của vấn đề lớn hiện nay”.

Đảng đương quyền ở Thái Lan đã bị chỉ trích một cách dữ dội vì một chương trình thu mua lúa gạo với giá cao từ tay nông dân, làm cho chính phủ tiêu hao nhiều tỉ USD. Nhưng hầu hết các ngân khoản của chính phủ vẫn được sử dụng ở thủ đô. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, Bangkok chiếm 26% GDP của Thái Lan nhưng nhận hơn 70% chi tiêu của chính phủ. Chuyên gia kinh tế của Quỹ châu Á nói rằng, Thái Lan cần phải tiến hành cải cách chính trị mới có thể phi tập trung hóa quyền lực và sử dụng công quỹ một cách khôn khéo hơn vào những nhu cầu cốt lõi như giáo dục: Những biện pháp cải cách kinh tế cần phải thực hiện là những biện pháp đã được biết khá rõ. Nhưng nó không xảy ra chủ yếu là vì những sự cản trở trên phương diện chính trị. Vấn đề thật sự là làm thế nào để hội nhập những tác nhân khác nhau của nền kinh tế vào tiến trình ra quyết định.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng bất kể vụ bế tắc chính trị hiện nay ở Thái Lan được giải quyết bằng cách nào đi nữa thì việc cải tổ cơ cấu quyền lực trong nền chính trị ở Thái Lan vẫn là chìa khóa để có được một quốc gia thịnh vượng hơn và có một chính phủ bao gồm nhiều thành phần và xu hướng chính trị hơn.

                                               V.N.A (tổng hợp)