Thách thức và cơ hội của kinh tế Việt Nam

08:45 | 05/06/2012

690 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Chưa đi vào chương trình chính thức, nhưng phiên nghị sự chiều 4/6 của Hội nghị Tư vấn các Nhà tài trợ giữa kỳ (CG) đề cập nội dung rất quan trọng, là cơ sở định hướng thảo luận cho Hội nghị CG, đó là các báo cáo về tình hình quản lý kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam do các cơ quan quản lý Việt Nam và các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế cập nhật.

Hội nghị diễn ra tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị dưới sự đồng chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh, Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam bà Victoria Kwakwa và sự tham gia của các Bộ, ngành, các tổ chức kinh tế – tài chính quốc tế, đại diện các quốc gia, các tổ chức tài trợ tại Việt Nam.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định mục tiêu kiên định ổn định và tăng trưởng bền vững của Việt Nam

Kinh tế có chuyển biến tích cực

Các báo cáo, tham luận từ các đại biểu đều thống nhất nhìn nhận những thách thức lớn mà Việt Nam phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay, nhưng đồng thời cũng khẳng định những điểm sáng, sự chuyển biến tích cực trong bức tranh kinh tế toàn cảnh cũng như các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô của Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Cao Viết Sinh nhấn mạnh tới kết quả mục tiêu kiềm chế làm phát, ổn định kinh tế vĩ mô qua chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ tháng 7/2011 bắt đầu giảm dần và có tốc độ tăng thấp nhất so với cùng kỳ các năm trước. So với tháng 12/2011, CPI tháng 5/2012 tăng 2,78%, thấp nhất trong 3 năm qua. Xuất khẩu tăng mạnh, nhập siêu được kiềm chế, góp phần cải thiện cán cân thương mại, cán cân tổng thể, tăng dự trữ ngoại tệ Nhà nước. Sản xuất công nghiệp đã dần vượt qua những khó khăn, chuyển biến rõ nét trong 3 tháng gần đây với mức tăng trưởng 6,5 – 7,5%.

Trong lĩnh vực tiền tệ, chỉ số vĩ mô được nhà tài trợ quan tâm là lãi suất và tính thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang có những diễn biến thuận lợi. Sau 3 lần giảm, trần lãi suất huy động đã giảm 3%/năm so với cuối năm 2011, lãi suất cho vay giảm 1-4%. Tiền gửi toàn hệ thống gia tăng, vượt mức dự trữ bắt buộc, tỉ giá giao dịch VND/USD cơ bản ổn định. Dự trữ ngoại hối tăng nhanh.

Các chỉ số tích cực này được các nhà tài trợ thống nhất coi đây là kết quả rõ nét từ những nỗ lực chính sách của Chính phủ Việt Nam.

Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ông Sanjay Kalra cho biết, Ban Giám đốc điều hành IMF đánh giá cao những chuyển biến tích cực trong bài toán giảm lạm phát, ổn định tỉ giá hối đoái và xây dựng lại dự trữ ngoại hối, cũng như sự quyết tâm của Việt Nam trong tiếp tục theo đuổi các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô.

Nền kinh tế Việt Nam còn nhiều triển vọng để cải thiện chất lượng phát triển, nâng cao đời sống của người dân trong thời gian tới. IMF khẳng định sự tiếp tục ủng hộ Việt Nam, đại diện của IMF cho biết.

Ông Alain Cani, đồng Chủ tịch Tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cũng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục bày tỏ sự tin tưởng vào chính sách điều hành của Chính phủ Việt Nam đối với nền kinh tế trong thời gian tới. Đặc biệt là những mục tiêu nhất quán của Nghị quyết 11/NQ-CP cũng như các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mạnh mẽ về tài chính, tiền tệ trong Nghị quyết 13 mới đây của Chính phủ.

Các tổ chức tài chính quốc tế đặc biệt ấn tượng với lập trường linh hoạt trong điều hành các chính sách tài chính tiền tệ. Việc cắt giảm lãi suất tổng cộng 400 điểm cơ bản trong thời gian qua được đánh giá là sớm hơn nhiều so với dự đoán của các thành viên thị trường và chiều hướng giảm của lạm phát cũng nhanh hơn so với dự tính sẽ hỗ trợ mạnh mẽ cho tăng trưởng sản lượng.

Đẩy mạnh cải cách, nâng cao năng suất lao động, hiệu suất đầu tư

Bên cạnh đó, các đối tác phát triển, các nhà tài trợ cũng như các cơ quan quản lý cũng thẳng thắn đề cập và đối thoại về những áp lực, thách thức mà nền kinh tế Việt Nam, mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô phải vượt qua trong bối cảnh nhiều khó khăn khách quan và nội tại hiện hữu.

Toàn cảnh Hội nghị.

Theo đại diện của WB, IMF, ADB, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp, nguy cơ dễ bị tổn thương của nền kinh tế hội nhập của Việt Nam vẫn hiện hữu. Sự phát triển chậm lại do tác động từ các chính sách kinh tế vĩ mô thắt chặt mà rõ nét nhất là chỉ số GDP đã giảm thấp hơn với mức tăng trưởng cùng kỳ.

Các chính sách vĩ mô một mặt cần hướng tới mục tiêu phát triển ổn định nhưng đồng thời phải khắc phục được những khó khăn kéo dài từ nguồn lực đầu tư, từ thị trường đang là trở ngại lớn cho doanh nghiệp cũng như nền sản xuất trong nước. Đây chính là bình luận được nhiều đại diện quốc tế đề cập.

Đại biểu các nước Nhật Bản, Đức, Hà Lan, Mỹ,… đều chỉ ra yêu cầu đẩy mạnh hơn nữa cải cách, tái cấu trúc nền kinh tế, đặc biệt trong các lĩnh vực tài chính – tiền tệ. Đối với sản xuất là nâng cao năng suất lao động, hiệu suất đầu tư, nhất là khu vực Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và lĩnh vực đầu tư công.

Trong khu vực tài chính, chính sách đang hướng tới mục tiêu an toàn hệ thống tài chính, tín dụng và các đối tác phát triển cho rằng vẫn cần các giải pháp mạnh mẽ hơn nữa. Đại diện IMF, WB cho rằng, cần cân nhắc áp dụng các chính sách nới lỏng quá sớm và thận trọng trong những lần cắt giảm lãi suất tiếp theo nếu chưa khắc phục được những kẽ hở trong khuôn khổ giám sát và xử lý, tách bạch được các ngân hàng có khả năng thanh toán và quản trị yếu kém.

Một số ý kiến nhấn mạnh, tái cấu trúc sâu rộng các DNNN để nâng cao năng lực hoạt động trên cơ sở bền vững là cần thiết đề giảm các rủi ro tài khóa dự phòng, nâng cao năng suất là 2 giải pháp cần chú ý trong việc đảm bảo đa mục tiêu vừa phát triển bền vững vừa ổn định các chỉ số kinh tế vĩ mô trong thời gian tới. Các ý kiến hy vọng Nghị quyết 13 sẽ đi vào cuộc sống và hiệu quả. Và các gói giải pháp cần hướng tới những điểm nghẽn của nền kinh tế như hạ tầng, đào tạo nhân lực trình độ cao, khơi thông các mô hình hợp tác đầu tư hạ tầng mới như PPP.

Chưa đi vào chương trình chính thức, nhưng phiên nghị sự chiều 4/6 của Hội nghị Tư vấn các Nhà tài trợ giữa kỳ (CG) đề cập nội dung rất quan trọng, là cơ sở định hướng thảo luận cho Hội nghị CG, đó là các báo cáo về tình hình quản lý kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam do các cơ quan quản lý Việt Nam và các tổ chức kinh tế tài chính quốc tế cập nhật.

Kiên định mục tiêu ổn định và tăng trưởng bền vững

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ghi nhận và đánh giá cao những đề xuất, đánh giá của đại diện tổ chức, đối tác phát triển, các nhà tài trợ, coi đây là những tham khảo quan trọng trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam thời gian tới.

Phó Thủ tướng khẳng định, trong suốt thời gian ứng phó với khủng hoảng kinh tế toàn cầu cũng như những năm tới, Chính phủ Việt Nam tiếp tục kiên định chính sách đã đề ra, nỗ lực tối đa để đạt các mục tiêu như Nghị quyết 01 đã chỉ rõ, đó là ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng ở mức hợp lý gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và cải thiện đời sống người dân.

Trên cơ sở đó, Phó Thủ tướng tái khẳng định mục tiêu cao nhất đó đều gắn với của những giải pháp cũng như diễn biến kinh tế vĩ mô của Việt Nam thời gian qua. Chẳng hạn, vấn đề được nhiều nhà tài trợ đề cập là sự hợp lý về thời điểm của các chính sách tài khóa được khẳng định không phải là việc vội vàng trong nới lỏng tiền tệ mà đó là một trong những giải pháp hỗ trợ kinh tế, đặc biệt là hỗ trợ nền sản xuất, hoạt động của cộng đồng DN, từ đó đảm bảo việc làm, an sinh xã hội cũng như tạo niềm tin vào hệ thống, vào thị trường của DN cũng như người dân.

"Tuy nhiên, các giải pháp tiền tệ cũng như các nhóm giải pháp về đầu tư, tái cấu trúc sẽ được Chính phủ tính toán kỹ về độ trễ của chính sách và tác động đến các chỉ số để đảm bảo phù hợp và hài hòa các mục tiêu đã đề ra”, Phó Thủ tướng chia sẻ. Trong các chính sách, giải pháp điều hành, Chính phủ Việt Nam cũng sẽ chú ý áp dụng các chuẩn mực quốc tế vào đánh giá hệ thống tài chính – ngân hàng và cả hệ thống DN, trong giải ngân đầu tư, tái cơ cấu đầu tư doanh nghiệp và đầu tư công. Phó Thủ tướng thống nhất với các nhà tài trợ về mục tiêu và kết quả các giải pháp cần hướng tới là việc đẩy mạnh được tái cơ cấu, cải cách toàn diện các lĩnh vực, nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu suất lao động. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh giải quyết việc làm, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội.

* Hôm nay (5/6) Hội nghị CG giữa kỳ 2012 sẽ chính thức khai mạc với chủ đề báo cáo đánh giá về xóa đói giảm nghèo, quản lý ứng phó với thiên tai và tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo Chinhphu.vn