Tết đến xuân về, lo "siết" lễ hội

07:08 | 22/01/2018

563 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Năm 2017, một số địa phương thực hiện chưa tốt công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Còn có biểu hiện thương mại hóa, vi phạm các quy định về tổ chức lễ hội. Chính vì vậy, ngành văn hóa đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm “siết” công tác tổ chức lễ hội ngay trước tết Mậu Tuất 2018

Hủ tục và biến tướng

Trong vòng 10 năm trở lại đây, lãnh đạo cơ quan quản lý văn hóa đã phải “đau đầu” vì sự lộn xộn đến mức hỗn tạp của một số lễ hội. Đó là lễ hội Đền Trần, Hội Gióng Sóc Sơn, Hội Gióng Phù Đổng, cướp phết ở Hiền Quan (Phú Thọ) cùng những lễ hội mang tính chất “dã man” như đâm trâu và chém lợn ở Ném Thượng… Một số lễ hội đã biến tướng theo hướng tiêu cực, khiến cho người tham gia phải giành giật, thậm chí xô xát với nhau để hưởng “lộc thánh”. Hình ảnh của việc cướp, giật lễ đã không còn gói gọn trong một lễ hội, mà nó có ảnh hưởng rất xấu trong cộng đồng. Do đó, không thể cứ lấy cái gọi là niềm tin, tín ngưỡng là tập tục để duy trì hủ tục lạc hậu và bị biến tướng như hiện nay.

tet den xuan ve lo siet le hoi
Trâu húc người tại Lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn năm 2017

Bên cạnh đó, dù đã khắc phục cơ bản những hạn chế so với các mùa lễ hội trước, nhưng các lễ hội của năm 2017 vẫn bị đánh giá là lộn xộn, thiếu chuyên nghiệp. Một số địa phương còn buông lỏng công tác quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn, còn biểu hiện thương mại hóa, vi phạm các quy định về quản lý và tổ chức lễ hội như: Hội thi chọi trâu không phép ở Tuyên Quang, Yên Bái; tổ chức “khai ấn”, “phát ấn” của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, Đền thờ Quang Trung (Nghệ An). Vẫn còn xảy ra những hình ảnh phản cảm, chen lấn, tranh cướp lộc tại lễ hội Đền Sóc (Hà Nội); phát lộc, tranh cướp lộc tại lễ hội Chùa Hương (Hà Nội); tranh cướp bạo lực tại hội Phết xã Hiền Quan (Phú Thọ), lợi dụng trò chơi đá gà để đánh bạc, ngả nón xin tiền tại Hội Lim (Bắc Ninh)...

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam:

“Công tác văn hóa là lâu dài, liên tục, nhưng cần quyết tâm hơn, làm sao để ngăn chặn sự xuống cấp của đạo đức xã hội, phát huy giá trị tốt đẹp. Trong mùa lễ hội 2018, ngành văn hóa phải kiên quyết không để xảy ra những hành vi khơi dậy lòng tham vật chất của người dân tham gia lễ hội, bởi đó là những việc làm sai với bản chất của lễ hội truyền thống”.

Một số nơi còn buông lỏng quản lý, để cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đi lễ hội trong giờ hành chính, sử dụng xe công đi lễ hội như báo chí đã phản ánh. Hiện tượng đổi tiền lẻ hưởng chênh lệch vẫn diễn ra ở một số di tích, lễ hội như: Đền Cái Lân (TP Hạ Long, Quảng Ninh); Đền Sòng Sơn (Bỉm Sơn), Đền Cô Bơ (Hà Trung), tỉnh Thanh Hóa; Đền Bảo Hà (Lào Cai)...

Không những vậy, năm 2017 còn chứng kiến cảnh hơn 2,5 triệu người đổ về trong ngày chính hội (16-4) khiến khu di tích Đền Hùng trở nên quá tải, dẫn đến cảnh nhiều người đã bị ngất, bị giẫm đạp. Ngay sau đó, vào tháng 7-2017, vụ trâu húc chết người tại lễ hội Chọi trâu Đồ Sơn 2017 một lần nữa khiến dư luận đặt câu hỏi về ý nghĩa của các lễ hội.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL), Việt Nam hiện có khoảng 8.000 lễ hội, trong đó phần lớn là các lễ hội dân gian gắn với cộng đồng làng xã và do người dân tự tổ chức hằng năm. Nhưng rõ ràng, trong khoảng 8.000 lễ hội này, người ta khó có thể phân loại đâu là những lễ hội văn minh, đâu là lễ hội còn tồn tại nhiều hủ tục và biến tướng.

Hội ra hội

Bộ VH-TT&DL tiến hành soạn thảo dự thảo nghị định quy định về quản lý và tổ chức lễ hội để trình lên Chính phủ. Dự thảo nghị định này được xây dựng dựa theo những vấn đề từng được quy định trong một số điều của Thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL và Nghị định 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ. Đây được xem là hành lang pháp lý trong khâu quản lý các lễ hội, nhằm xây dựng nếp sống văn minh trong các lễ hội.

Điểm lưu ý nhất của dự thảo nghị định này chính là việc cấp phép lễ hội. Dự thảo đã quy định những loại hình lễ hội phải cấp phép trước khi tổ chức bao gồm: Lễ hội dân gian được khôi phục lại sau nhiều năm gián đoạn ở quy mô tổ chức trong nhiều huyện thuộc một tỉnh, lễ hội VH-TT&DL quy mô toàn quốc hoặc khu vực, lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài tổ chức tại Việt Nam. Cụ thể, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cấp giấy phép đối với lễ hội VH-TT&DL quy mô khu vực hoặc toàn quốc. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cấp giấy phép đối với các lễ hội có nguồn gốc nước ngoài. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố cấp phép các lễ hội cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, theo Bộ VH-TT&DL thì một lễ hội phải đảm bảo các điều kiện: Không thể hiện các nghi thức mô tả cảnh đâm chém, đánh đập tàn bạo, rùng rợn, kinh dị hay mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; đảm bảo nội dung của phần nghi lễ và các hoạt động lễ hội không chứa đựng các nội dung thể hiện sự kích động bạo lực… thì mới được cấp phép.

Có thể khẳng định, lễ hội là một phần đời sống văn hóa không thể thiếu của người dân, vì thế, chúng ta cần phải tôn trọng những giá trị truyền thống, đồng thời gìn giữ và phát huy những nét đẹp văn hóa trong lễ hội. Tuy nhiên, để “dẹp” những tiêu cực, biến tướng đang diễn ra tràn lan trong lễ hội tại các địa phương, đã đến lúc hoạt động của lễ hội cần có sự chi phối bởi quy định của pháp luật và các cơ quan quản lý văn hóa. Có như vậy, chúng ta mới có được những lễ hội văn minh, an toàn mà vẫn giữ được nét văn hóa truyền thống của dân tộc.

GS Ngô Đức Thịnh - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn tín ngưỡng Việt Nam: “Đã đến lúc cần có biện pháp mạnh để giải quyết tình trạng “bội thực” lễ hội, cũng như góp thêm một hành động ý nghĩa để giảm áp lực cho ngân sách đang phải “cõng” quá nhiều thứ chi tiêu hiện nay”.

K.An

  • bidv-tiet-kiem-mua-vang-ron-rang-tai-loc
  • nang-luong-cho-phat-trien
  • pvoil-duong-xa-them-gan
Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

Tràn ngập sắc màu lễ hội Holi

(PetroTimes) - Lễ hội Holi của người Hindu, còn được gọi là Lễ hội Màu sắc, báo trước sự khởi đầu của mùa xuân.