Tên mới, chất lượng có mới?

08:17 | 18/12/2017

254 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Trong Dự thảo Luật Giáo dục đại học đang xin ý kiến xã hội, cách gọi hình thức đào tạo chính quy và tại chức được chuyển thành tập trung và không tập trung. Cụ thể, hai loại hình này chỉ khác nhau phương thức đào tạo, còn chuẩn về chương trình, giáo viên, chuẩn đầu ra và văn bằng tốt nghiệp sẽ giống nhau.   

Lo lắng có cơ sở

Ngày 15-9-2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành Quyết định về tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng, trong đó nêu rõ những cán bộ công tác ở các sở, ban, ngành của tỉnh này phải có bằng đại học chính quy thì mới được xem xét đề bạt chức vụ trưởng, phó phòng. Quyết định này đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xã hội, tuy nhiên, ý kiến đồng tình chiếm đa số.

Sau đó, vào tháng 11-2017, Dự thảo Luật Giáo dục Đại học (ĐH) sửa đổi đã đưa ra 2 hình thức là tập trung và không tập trung; thay cho hệ đào tạo chính quy và tại chức (vừa học vừa làm) như trước đây. Ngoài ra, theo dự thảo này, cả hệ tập trung và không tập trung đều được xây dựng trên cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn. Do đó, hình thức đào tạo sẽ không được ghi trên văn bằng ĐH và không có sự phân biệt giữa hai hình thức đào tạo này.

ten moi chat luong co moi
Các cử nhân tốt nghiệp đại học

Trên thực tế, trong Luật Giáo dục hiện hành, chương trình đào tạo cũng không có sự phân biệt giữa chính quy và tại chức. Hai loại bằng cấp này đều thực hiện cùng một khung chương trình, với chuẩn kiến thức, kỹ năng tương đương; chỉ khác hình thức đào tạo dành cho sinh viên chính quy và những người vừa học vừa làm.

Tuy nhiên, trong thực tế, chất lượng đào tạo tại chức thường bị đánh giá thấp hơn do tuyển sinh dễ dàng, thời gian đào tạo ngắn, giám sát không chặt chẽ… Thậm chí, nhiều người học ĐH tại chức nhưng lại tiếp tục học lên thạc sĩ, mặc dù năng lực bình thường. Chính điều này đã khiến dư luận xã hội bất an khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) “gộp” chung 2 hình thức đào tạo với 1 loại văn bằng duy nhất.

Ngày 15-9-2017, UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 61/2017/QĐ-UBND về tiêu chuẩn chức danh trưởng phòng, phó trưởng phòng, với hiệu lực thi hành từ ngày 1-10-2017. Cụ thể: “Trưởng, phó phòng và tương đương thuộc sở, ban, ngành, sinh từ năm 1965 đến 1975 tốt nghiệp đại học hệ chính quy. Trường hợp tốt nghiệp đại học không chính quy thì phải có quá trình công tác và năng lực thực tiễn vượt trội. Các trường hợp sinh từ sau năm 1975 trở đi phải tốt nghiệp đại học chính quy”.

Bàn về vấn đề này, nguyên Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) Lê Viết Khuyến cho hay, việc tiến tới thống nhất văn bằng ĐH thể hiện sự tiến bộ, cập nhật xu hướng thế giới. Tuy nhiên, những lo lắng của người dân về việc “vàng thau lẫn lộn” trong việc cấp văn bằng hoàn toàn có cơ sở.

Ông Khuyến nhấn mạnh: “Ở nước ta lâu nay, chương trình đào tạo giữa chính quy và tại chức có sự khác nhau. Hệ chính quy đầu vào cao, học nghiêm túc hơn. Hệ vừa học vừa làm chương trình học bị cắt xén, đánh giá lỏng lẻo hơn. Tôi nghĩ, khi chất lượng không như nhau chưa thể cấp 1 loại văn bằng. Vì thế, việc cần nhất là siết chặt chất lượng đào tạo. Nếu quy định bằng chính quy và tại chức như nhau, trong khi chưa kiểm soát được chất lượng đào tạo sẽ tạo điều kiện cho những người muốn lợi dụng bằng cấp để thăng tiến”.

Năng lực không nằm ở tấm bằng

Trước đó, vào năm 2012, sự việc 7 tỉnh, thành phố “tẩy chay” bằng ĐH tại chức cũng khiến dư luận xôn xao. Thời điểm đó, Giám đốc Sở Nội Vụ thành phố Hà Nội Trần Huy Sáng còn đưa ra lời tuyên bố, người muốn trở thành công chức ở Hà Nội phải tốt nghiệp trường ĐH “chính quy”. Dù “làn sóng tẩy chay” bằng tại chức gặp phải ý kiến phản đối mạnh mẽ từ phía cơ quan chức năng cũng như các cơ sở đào tạo, song không thể phủ nhận sự chênh lệch lớn giữa bằng tại chức và bằng chính quy trong quan niệm người tuyển dụng.

Góp ý kiến về không phân biệt giữa chính quy, tại chức, TS Vũ Thu Hương (giảng viên ĐH Sư phạm Hà Nội) cho rằng: “Bản thân những giảng viên như chúng tôi không thấy vấn đề bằng chính quy hay tại chức quan trọng. Quan trọng là ai chịu khó học hỏi và có kỹ năng làm nghề tốt hơn. Là một giảng viên, tôi biết chất lượng đào tạo ĐH tại chức hiện nay không thể bằng ĐH chính quy. Chuyện chạy vào những cơ quan là có, nhưng nếu chúng ta có thay đổi kiểu gì thì họ vẫn sẽ vào được, miễn là họ có tiền, có quan hệ. Điều này càng chứng tỏ việc ghi bằng nào không có giá trị nữa”.

Có thể khẳng định, việc đánh giá, phân loại năng lực, phẩm chất cán bộ, người lao động phải dựa trên năng lực thực tế, hiệu quả công việc; người yếu kém phải chấp nhận loại khỏi cuộc chơi chứ không chỉ đơn thuần dựa vào bằng cấp, chính vì thế, chúng ta không thể đòi hỏi phân biệt rạch ròi giữa hai hệ đào tạo chính quy và tại chức. Song, để người học trở thành “mặt hàng” chất lượng tốt, đáp ứng được yêu cầu của người tuyển dụng, Bộ GD&ĐT cùng các cơ sở giáo dục cần có những biện pháp mạnh tay hơn nữa để “siết” chất lượng giáo dục của hệ vừa học vừa làm nhằm hạn chế những tiêu cực. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có được một thế hệ cán bộ, người lao động thực học - thực nghiệp và không đánh giá năng lực chỉ thông qua… tấm bằng!

Đổi tên thành Tập trung & Không tập trung

ten moi chat luong co moi

Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Kim Phụng: Việc phân biệt hình thức đào tạo sẽ tạo cảm giác ngay trong hình thức đào tạo đã tuyên bố các hạng chất lượng khác nhau. Vì vậy, dự thảo mới đã đưa ra 2 hình thức là tập trung và không tập trung nhằm nói đến hình thức đào tạo như thế nào, đối tượng nào thì đều được xây dựng trên cùng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn. Tất cả văn bằng khi cấp ra thì phải đạt chuẩn vì không phân biệt văn bằng tại chức hay chính quy nữa. Đây sẽ là lời khẳng định chất lượng đào tạo của nhà trường với xã hội.

Ngành giáo dục sẽ xây dựng một chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn đầu ra để cấp một văn bằng chuẩn nhất. Trước đó, tháng 4-2017, Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Quy chế đào tạo từ xa trình độ đại học, trong đó quy định rõ ràng điều kiện được tổ chức đào tạo loại hình này, quy định về thi, cấp bằng tốt nghiệp… nhằm nâng cao chất lượng.

K.An