Tập đoàn Masan: Nợ ròng hơn 53.000 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận lao dốc

20:35 | 07/02/2023

Theo dõi Kinh tế Xây Dựng trên
|
Năm 2022, CTCP Tập đoàn Masan (Mã: MSN) đạt 76.189 tỷ đồng doanh thu và hơn 4.700 tỷ đồng lãi sau thuế. Về tài chính, nợ ròng cuối năm 2022 ghi nhận 53.481 tỷ đồng, tăng so với mức 35.540 tỷ đồng vào cuối năm 2021.
Tập đoàn Masan huy động thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu để đảo nợTập đoàn Masan huy động thành công 1.500 tỷ đồng trái phiếu để đảo nợ
Tập đoàn Masan tiếp tục chào bán 1.500 tỷ đồng trái phiếu ra công chúngTập đoàn Masan tiếp tục chào bán 1.500 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng

Doanh thu và lợi nhuận tại Tập đoàn Masan giảm mạnh

Năm 2022, doanh thu thuần của Tập đoàn Masan đạt 76.189 tỷ đồng, giảm 14% so với 2021 và lợi nhuận sau thuế đạt 4.754 tỷ đồng, chưa bằng một nửa con số lãi hơn 10.000 tỷ đồng của năm trước.

Nguyên nhân lớn nhất của con số sụt giảm này là do phần doanh thu tài chính sụt giảm mạnh 62% so với năm 2021, chỉ còn 2.575 tỷ đồng. Sở dĩ trong năm 2021, doanh thu tài chính của Masan tăng cao là do công ty chuyển nhượng mảng thức ăn chăn nuôi, ghi nhận vào quý 4/2021.

Lợi nhuận của Masan còn bị ảnh hưởng do công ty phải chịu khoản lỗ chênh lệch tỷ giá gần 800 tỷ đồng, so với cùng kỳ lỗ 202 tỷ đồng.

Tập đoàn Masan: Nợ ròng hơn 53.000 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận lao dốc

Về từng mảng kinh doanh của Tập đoàn Masan, tại Masan MEATLife (Mã: MML, doanh thu tăng lần lượt là 34,3% trong quý 4/2022 và 6,7% trong năm 2022 nhờ sản lượng thịt mát bán ra tăng. Doanh số bán hàng cao nhờ vào chiến lược thu hẹp khoảng cách về giá giữa thịt mát MEATDeli và thịt tại chợ truyền thống từ mức 40% vào đầu năm 2022 xuống chỉ còn 20% từ tháng 5/2022. Nhờ đó, sản lượng thịt mát bán ra trong nửa cuối năm 2022 tăng 30% so với nửa đầu năm.

Trong quý 4/2022, EBITDA của MML âm nhẹ do biên lợi nhuận gộp của mảng trang trại giảm từ 34% trong quý 3/2022 xuống 11,4% trong quý 4/2022. Mặt khác, biên lợi nhuận gộp mảng thịt heo có thương hiệu tăng từ âm 5% trong quý 3/2022 lên 7,8% trong quý 4/2022.

Tại The CrownX (TCX), doanh thu năm 2022 đạt 56.221 tỷ đồng, giảm 3% so với cùng kỳ năm trước và doanh thu quý 4/2022 đạt 15.496 tỷ đồng, giảm 6,5% so với cùng kỳ. Trên cơ sở chuẩn hóa, doanh thu TCX năm 2022 tăng 5,2% và doanh thu quý 4/2022 giảm 2% so với cùng kỳ.

Đối với Masan Consumer Holdings (MCH) đã cải thiện lợi nhuận vào quý 4/2022, tuy nhiên doanh thu bị ảnh hưởng do nhu cầu tiêu dùng sụt giảm.

Năm 2022, MCH đạt 28.103 tỷ đồng doanh thu thuần và 6.561 tỷ đồng EBITDA. Khi chuẩn hóa tác động do người tiêu dùng gia tăng dự trữ hàng hóa vào quý 3/2021 và quý 4/2021, doanh thu MCH giảm 11,8% trong quý 4/2022 và tăng 2,4% trong năm 2022.

Tại Masan High-Tech Materials (MHT - Mã: MSR)) ghi nhận doanh thu thuần năm 2022 đạt 15.550 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước do giá APT tăng. Tính riêng quý 4/2022, doanh thu của MHT giảm 1,6% do tác động tiêu cực từ hàm lượng khoáng sản thấp hơn ảnh hưởng đến Công ty Khai thác Chế biến Khoáng sản Núi Pháo và cuộc xung đột Nga - Ukraine cùng với chính sách Zero COVID của Trung Quốc tác động đến nguồn cầu đối với H.C.Starck (HCS).

Nợ ròng tại Masan hơn 53.000 tỷ đồng

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản tại Tập đoàn Masan ghi nhận 141.342 tỷ đồng, tăng 15.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Tài sản ngắn hạn chiếm 47.674 tỷ đồng, tăng 4.000 tỷ đồng. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng mạnh từ 332 tỷ đồng lên hơn 3.600 tỷ đồng. Masan đẩy mạnh đầu tư chứng khoán kinh doanh với 1.200 tỷ đồng rót vào trái phiếu và 2.100 tỷ đồng chứng chỉ tiền gửi lãi suất 7%/năm.

Phần tài sản dài hạn chiếm hơn 93.000 tỷ đồng, tăng gần 10.000 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, đầu tư tài chính dài hạn với hơn 31.000 tỷ đồng, tăng hơn 6.000 tỷ đồng. Đây là khoản tiền đầu tư, góp vốn vào các công ty liên kết và các đơn vị khác.

Trong tháng 4/2022, SHERPA - công ty con do Masan trực tiếp sở hữu đã đầu tư 65 triệu USD, tương đương 25,1% lợi ích chủ sở hữu tại Công ty Trusting Social (TSVN). Tháng 7/2022, H.C.Starck Tungsten GmbH (HCS) công ty con do Masan sở hữu gián tiếp công bố ký kết thỏa thuận đầu tư 45 triệu GBP, tương ứng 15% lợi ích chủ sở hữu trên cơ sở cổ phần pha loãng hoàn toàn của Nyobolt Limited và đã hoàn tất thanh toán vào thời điểm lập báo cáo. Hai khoản đầu tư mới này của MSN có trị giá ghi sổ hơn 2.800 tỷ đồng.

Tập đoàn Masan: Nợ ròng hơn 53.000 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận lao dốc

Nguồn: BCTC hợp nhất quý 4/2022 tại Masan/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Về cơ cấu nguồn vốn, tính đến 31/12/2022, nợ phải trả của Masan ghi nhận gần 105.000 tỷ đồng, tăng 21.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm.

Tỷ lệ nợ ròng trên EBITDA (trong 12 tháng qua) tại Tập đoàn Masan là 3,7 lần, tăng so với mức 2,2 lần tại thời điểm đầu năm.

Nợ ròng (tổng nợ vay trừ đi khoản tiền, tương đương tiền) tại Masan tính đến cuối năm 2022 ghi nhận 53.481 tỷ đồng, tăng 50% so với thời điểm đầu năm do lượng tiền mặt giảm.

Masan mở mới 730 cửa hàng bán lẻ trong một năm

Khó khăn bủa vây, Tập đoàn Masan vẫn mở mới 730 cửa hàng bán lẻ trong một năm (WIN và WinMart+).

Trong năm qua, WinCommerce (WCM, đơn vị sở hữu WIN/WinMart+/WinMart) đã ra mắt mô hình “Point of Life” với việc đưa 102 cửa hàng WIN đi vào hoạt động. Theo công bố, đây là mô hình bán lẻ có khả năng đáp ứng hơn 60% nhu cầu tiêu dùng thiết yếu hằng ngày tại một địa điểm tích hợp phục vụ nhu yếu phẩm, F&B, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ viễn thông và tài chính.

Tập đoàn Masan: Nợ ròng hơn 53.000 tỷ đồng, doanh thu và lợi nhuận lao dốc

Ảnh minh họa/Nguồn:Tập đoàn Masan/https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Các cửa hàng WIN đã mang lại mức tăng doanh thu hơn 20% so với mô hình cửa hàng phục vụ nhu yếu phẩm thuần túy xét về doanh thu trên mỗi mét vuông.

WCM đã thử nghiệm mô hình cửa hàng phục vụ tại khu vực nông thôn. Theo Masan, các cửa hàng này có mức doanh thu gia tăng từ 15 - 30%, cho thấy tiềm năng phục vụ 65% dân số sống ở khu vực nông thôn.

Supra, công ty logistic của Masan đã chính thức đi vào hoạt động. Supra đảm nhận 45% lượng hàng hóa khô của WinCommerce, góp phần giảm 13% chi phí cung ứng trên mỗi sản phẩm của WCM trên cơ sở chuẩn hóa trong năm đầu hoạt động.

Năm 2022, thiết lập nền tảng số để Masan hiện thực hóa chiến lược O2O và trở thành một hệ sinh thái tiêu dùng - công nghệ thực thụ Masan đã triển khai chương trình Hội viên WIN trên toàn quốc từ ngày 6/1/2023. Tính đến nay, chương trình đã đạt 1,8 triệu hội viên đăng ký.

Về năm 2023, Masan dự báo WCM ​​sẽ mang lại doanh thu thuần trong khoảng 36.000 tỷ đồng và 40.500 tỷ đồng vào, tăng 23% đến 38% so với cùng kỳ. Động lực tăng trưởng là việc tiếp tục mở cửa hàng mới thành công và tăng doanh thu cấp cửa hàng.

WCM đặt mục tiêu mở 800 - 1.200 cửa hàng trong năm 2023. Công ty sẽ tập trung vào mô hình minimart/mini mall với đa dạng hình thức từ WIN, WinMart+ ở khu vực thành thị, WinMart+ ở khu vực nông thôn để củng cố vị thế của chuỗi bán lẻ tại khu vực thành thị và nông thôn.

https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/

Trang Bùi