Tạo dựng môi trường giáo dục lành mạnh

07:00 | 06/05/2018

1,510 lượt xem
Theo dõi PetroTimes trên
|
Liên tiếp những hành vi phản giáo dục nghiêm trọng xảy ra trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của xã hội về môi trường giáo dục. Phóng viên Báo Năng lượng Mới đã có cuộc trò chuyện với Tiến sĩ Trương Văn Vỹ - chuyên gia xã hội học, giảng viên Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP HCM xung quanh vấn đề này.

Gia đình là quan trọng nhất

PV: Nhìn hàng loạt những vụ việc trong ngành giáo dục gây xôn xao dư luận thời gian qua, ông có suy nghĩ gì?

tao dung moi truong giao duc lanh manh

TS Trương Văn Vỹ: Ai quan tâm tới giáo dục cũng sẽ trăn trở với những vụ việc vừa qua, bởi tuy nó ít nhiều làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh người thầy, làm suy giảm niềm tin của xã hội với giáo dục. Nó cũng là hồi chuông cảnh báo, là dịp để ngành giáo dục nhìn lại mình, kịp thời có những giải pháp để đổi mới đúng đắn và sâu sắc hơn.

Tuy nhiên, những câu chuyện đó cũng chỉ mang tính cá nhân của một số thầy cô, học sinh, cha mẹ mà thôi, không phải là hình ảnh chung của cả nền giáo dục.

Chúng ta không thể nhìn vào những sự việc đó mà phủ nhận mặt tích cực trong bức tranh chung của ngành giáo dục hiện nay, đó là hầu hết những thầy cô giáo đều thương yêu học trò, tận tụy vì tương lai học trò. Những tiêu cực có xảy ra đâu đó thêm nữa thì tôi vẫn không cho đó là đại diện cho ngành giáo dục Việt Nam hiện nay.

PV: Nếu nói về nguyên nhân của những vụ việc phản cảm vừa qua, nhiều ý kiến cho rằng, đó là do mối quan hệ thầy - trò hiện đang tồn tại nhiều vấn đề. Ông nghĩ sao về điều này?

TS Trương Văn Vỹ: Cùng với sự thay đổi của xã hội thì mối quan hệ thầy - trò cũng có những thay đổi nhất định, trong đó có những thay đổi tiêu cực qua những hiện tượng như vừa qua. Nghề giáo ngày nay đã có những thay đổi, nhất là truyền thống “Tôn sư trọng đạo” ở đâu đó đã bị suy giảm.

Chúng ta thấy có những vụ học sinh hành hung cả giáo viên, dù vì lý do gì thì điều đó cũng không thể chấp nhận được.

Các bậc cha mẹ phải hiểu rằng, mình là người chịu trách nhiệm chính về thành công hay thất bại, tốt hay hỏng của một đứa trẻ. Bởi không phải nhà trường hay xã hội nói chung, giáo dục từ gia đình mới là quan trọng nhất, gia đình có vai trò quyết định.

Rồi ở phía giáo viên, ta thấy có những vụ việc trái với chuẩn mực sư phạm, sai nguyên tắc giáo dục như chuyện cô giáo im lặng trên bục giảng, bắt học trò uống nước giẻ lau… Chính những việc này dẫn đến mối quan hệ thầy - trò nảy sinh những tiêu cực, mâu thuẫn không đáng có. Bạo lực trong nhà trường là thể hiện sự yếu kém về mặt sư phạm.

PV: Xã hội hay đổ lỗi cho nhà trường trong việc giáo dục học sinh, bởi họ cho rằng thầy cô giáo không chỉ dạy kiến thức mà còn phải biết dạy đạo đức, lối sống cho các em. Ý kiến của ông thế nào?

TS Trương Văn Vỹ: Bản chất của giáo dục phổ thông cũng như đại học là thầy cô truyền đạt kiến thức, chuyên môn cho học sinh, sinh viên. Nhiệm vụ chính của trường học là vậy. Nhưng hiện nay nhiều người lại nghĩ giáo dục là giáo dục cả đạo đức, lối sống, nên khi học sinh có những biểu hiện sai phạm trong nhà trường thì có ý đổ lỗi cho nhà trường. Thậm chí nhiều bậc cha mẹ còn phó mặc cho nhà trường trong việc dạy dỗ con cái. Điều đó là sai lầm.

tao dung moi truong giao duc lanh manh
Ảnh minh họa tuoitre

Trong nhà trường có một số môn như Giáo dục công dân chẳng hạn để nhằm giáo dục các em về tư tưởng, đạo đức, lối sống, hay như Đoàn Thanh niên có những chương trình, hoạt động nhằm truyền đạt kỹ năng sống. Nhưng thật ra đó cũng không phải là hoạt động chính. Vài chục tiết học môn Giáo dục công dân khó có thể cải thiện đạo đức hay một ông thầy dạy các môn tự nhiên không thể dừng lại để dạy các em về lòng tốt, đạo đức lối sống được… Cho nên việc đổ lỗi hoàn toàn cho nhà trường là thiếu chính xác.

Còn chuyện thầy, cô ngoài dạy kiến thức còn cần quan tâm, chia sẻ để nhắm tới mục tiêu là làm sao các em học tập tốt, kiến thức vững vàng là điều đương nhiên. Ngoài ra, nếu bàn đến khía cạnh đạo đức thì thầy, cô giáo phải là tấm gương tốt, ngoài việc là một người thầy giỏi chuyên môn.

PV: Kế đến là mối quan hệ giữa gia đình và nhà trường thời nay cũng có nhiều vấn đề đáng quan ngại?

TS Trương Văn Vỹ: Các bậc cha mẹ phải hiểu rằng, mình là người chịu; trách nhiệm chính về thành công hay thất bại, tốt hay hỏng của một đứa trẻ. Bởi không phải nhà trường hay xã hội nói chung, giáo dục từ gia đình mới là quan trọng nhất, gia đình có vai trò quyết định. Tôi cho rằng, nên nhận thức lại vai trò của gia đình chứ không phải đổ lỗi cho nhà trường.

Thành tích đã và đang là “căn bệnh nặng” trong giáo dục phổ thông. Không chỉ nhà trường mà một số cha mẹ học sinh cũng mắc căn bệnh này, họ không bận tâm tới năng lực học tập của con cái thế nào mà chỉ áp đặt thành tích con phải đạt được.

Thực tế cho thấy, gia đình đang tác động đối với con trẻ theo nhiều hướng, trong đó hướng tiêu cực đang dần dần nhiều. Cha mẹ ly hôn, cha mẹ cãi vã, đánh nhau trước mặt con cái sẽ ảnh hưởng rất lớn đến con cái. Cha mẹ cưng chiều con quá mức do ngày nay ít con, gia đình có điều kiện hay ngược lại là nhiều cha mẹ hay la mắng, bạo hành con, áp lực vô lý với con về chuyện học hành, thành tích… đều ảnh hưởng tiêu cực tới trẻ. Hiện nay cả hai khuynh hướng đó đều đang tồn tại.

PV: Thẳng thắn mà nói, có nhiều trường hợp cha mẹ phó mặc con cái cho nhà trường, rồi xin xỏ mọi mặt, dễ uất ức khi không được vừa ý. Đó là vấn đề lớn mà nhiều người hay né tránh khi đề cập?

TS Trương Văn Vỹ: Mối quan hệ cha mẹ - thầy, cô giáo hiện không đơn giản. Hiện nay, xuất phát từ việc cưng chiều con cái quá đà nên cha mẹ hay “gửi gắm” con, từ mẫu giáo cho đến cấp 3. Ở một khía cạnh nào đó, sức mạnh tài chính đã chi phối mối quan hệ này theo hướng tiêu cực cá nhân và khi đó, hai bên dễ dẫn đến những hành xử tiêu cực khi có chuyện không như ý. Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” cũng bị giảm đi, bị chi phối bởi những yếu tố không lành mạnh. Nhiều học trò biết chuyện “bắt tay” giữa cha mẹ với thầy cô giáo nên cũng dễ có thái độ không tốt. Ở trường hợp này, cả gia đình và thầy, cô giáo đều sai!

Để xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh thì điều cần thiết là hai phía phải xác định lại mối quan hệ này một cách nghiêm túc, đúng đắn và vì cái chung là tương lai con trẻ. Ngành giáo dục muốn chấn hưng thì phải chấn hưng những vấn đề đó và cải cách phải mang tính tổng thể, toàn diện, có định hướng, chiến lược. Còn mọi giải pháp chỉ mang tính tình thế, đối phó thì kết quả sẽ chỉ là những vụn vặt.

tao dung moi truong giao duc lanh manh
Ảnh minh họa tuoitre

Giáo viên phải là người ưu tú

PV: Không thể không nói đến “bệnh thành tích”, căn bệnh ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh và bộ mặt giáo dục phổ thông hiện nay, thưa ông?

TS Trương Văn Vỹ: Thành tích đã và đang là “căn bệnh nặng” trong giáo dục phổ thông. Không chỉ nhà trường mà một số cha mẹ học sinh cũng mắc căn bệnh này, họ không bận tâm tới năng lực học tập của con cái thế nào, mà chỉ áp đặt thành tích con phải đạt được, khiến con không thoải mái học tập, không tự tin với bản thân, cảm thấy thấy tự ti, chịu áp lực lớn.

Rồi ngoài chương trình trong nhà trường đã nặng, cha mẹ còn bắt con học thêm đủ các môn, từ âm nhạc, hội họa, học tiếng Anh, tiếng Pháp… đến mức con cái không còn thời gian để làm một đứa trẻ đúng nghĩa. Tôi chưa thấy kết quả tốt đẹp từ những đứa trẻ bị ép học ngày đêm như thế. Mà đáng nói là sự ép học ấy với con, đôi khi chỉ để thỏa mãn sự khoe khoang của một số bậc cha mẹ.

PV: Ông nghĩ sao về việc tố giác những tiêu cực trong trường thời gian qua?

TS Trương Văn Vỹ: Tố cáo việc sai trái luôn là động cơ của tiến bộ nên cần khuyến khích và bảo vệ. Song, có một vấn đề mà tôi lưu tâm nhiều nhất là sự mạnh dạn tố cáo đó lắm khi nhận kết quả rất đắng. Như trường hợp em học sinh bị tố giác cô giáo im lặng suốt 3 tháng đã bị chống đối, cô lập ngay từ trong lớp. Cuối cùng, đáng nhẽ em ấy được khen, khuyến khích, động viên thì lại nhận những hậu quả ngược lại. Chính điều đó làm triệt tiêu những động cơ tiến bộ cần có.

PV: Thưa ông, chất lượng nguồn nhân lực sư phạm là một yếu tố then chốt của ngành giáo dục. Ông có nhận xét gì về đầu vào của ngành sư phạm?

TS Trương Văn Vỹ: Đó cũng chính là vấn đề của ngành sư phạm cần phải được cải thiện ngay. Tôi cho rằng, phải có cách tuyển chọn vào ngành sư phạm cho xứng đáng, chứ không thể có học sinh học yếu kém lại dễ dàng trở thành giáo viên đi dạy người khác. Để dạy người khác, trước hết mình phải là người ưu tú, phải có trình độ chuyên môn cao, có kỹ năng sư phạm, ý thức nghề nghiệp, đạo đức của nhà giáo…

PV: Để xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, theo ông, ngành giáo dục cần làm gì trước tiên?

TS Trương Văn Vỹ: Đây là câu hỏi lớn dành cho nhà quản lý giáo dục, đó là những quyết sách để xây dựng chương trình hành động làm lành mạnh hóa môi trường giáo dục.

Ở phía nhà giáo, tôi nghĩ một môi trường giáo dục lành mạnh là nơi mà người thầy có thể đàng hoàng làm thầy mà không cần bận tâm đến việc khác; nơi mà những đứa trẻ đến trường học với sự tin yêu chứ không phải nỗi sợ hãi đối với thầy, cô; nơi mà các bậc cha mẹ cùng trao đổi, chia sẻ với nhà trường trong việc nuôi dạy con chứ không phải cứ phó mặc cho nhà trường và đó phải là môi trường mà các thầy, cô ứng xử với nhau bằng tình đồng nghiệp chân thành.

PV: Xin cảm ơn ông!

PGS.TS Phan An: Cần tìm triết lý giáo dục mới

tao dung moi truong giao duc lanh manh

Nền giáo dục hiện nay đang có những hiện tượng bị gọi là “lệch chuẩn” trong mối quan hệ thầy - trò, làm giảm niềm tin của xã hội với nhà trường.

Người ta nói giáo dục là quốc sách, nhưng giáo dục hiện nay thì đang có nhiều vấn đề đáng buồn. Văn hóa học đường của chúng ta vẫn còn rất yếu, đó là mối quan hệ thầy với trò, cha mẹ với nhà trường, giữa xã hội với giáo dục vẫn tồn tại nhiều bất ổn mà chúng ta cần phải điều chỉnh, xem xét thay đổi để phù hợp hơn. Nhà quản lý cần làm sao bảo đảm văn hóa học đường, văn hóa giáo dục được tốt hơn, phù hợp hơn với sự phát triển của xã hội.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần hiểu rõ rằng, những hiện tượng tiêu cực trong ngành giáo dục vừa qua là lời cảnh báo chứ không nên hốt hoảng hay bi quan quá. Bởi suy cho cùng, nó là hệ quả, là mặt trái của sự phát triển mà thôi. Nếu chúng ta không cân bằng giữa phát triển kinh tế và giáo dục và các vấn đề xã hội khác thì những méo mó sẽ nảy sinh.

Và ta cũng không nên bi quan quá về truyền thống “Tôn sư trọng đạo” bởi thực tế nó vẫn tồn tại nhiều đấy thôi. Chỉ là ở thời điểm hiện tại, những gì cá biệt thì phát tán nhanh hơn, gây chú ý hơn thôi.

Về phía giáo dục gia đình, cha mẹ phải có trách nhiệm hơn với con mình. Sự thiếu hiểu biết về truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, sự thương con một cách lệch lạc… sẽ dẫn đến những hậu quả xấu cho con.

Lâu nay, chúng ta đã nói nhiều về đổi mới giáo dục, đó là nhà quản lý đang cố gắng xây dựng một triết lý giáo dục. Nhưng triết lý ấy chưa được xây dựng hoàn chỉnh nên từ đó nền giáo dục đang có những cái lỗi, không chỉ trong tổ chức đánh giá, thi cử mà trong cả ứng xử, trách nhiệm thầy cô giáo.

Câu hỏi đặt ra: Triết lý giáo dục mới là gì? Ngày trước, trong giáo dục truyền thống người ta đã đặt ra nhiều vấn đề rồi, như “Tiên học lễ, hậu học văn”, nhưng bây giờ, chúng ta phải hiểu như thế nào cho phù hơp với thời điểm hiện tại mới là vấn đề. Ngày xưa thời chúng tôi hay nói về “Vừa hồng vừa chuyên”, đó là kết hợp học hành và xây dựng con người trong đạo đức, lối sống.

Tóm lại, vấn đề hiện tại ở cấp độ quản lý là cần phải tìm ra cho được một triết lý giáo dục phù hợp với thời đại toàn cầu hóa, hiện đại hóa hôm nay.

Lê Trúc